“Xuân Này Con Không Về” – Nhạc phẩm khắc họa nỗi nhớ của những người con tha hương đón tết xa nhà

Hiện nay, có vô vàn bài hát, bài thơ hay bài văn viết về mùa xuân, ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước, con người và tình yêu. Dường như bao giờ những ca khúc viết về mùa xuân cũng đều đẹp, đều vui. Thế nhưng vẫn có một ca khúc về mùa xuân thật đẹp sống mãi với thời gian nhưng lại đượm buồn mà hầu hết người Việt nào cũng đã một lần từng nghe, từng biết. Đó là ca khúc XUÂN NÀY CON KHÔNG VỀ do nhóm nhạc Trịnh Lâm Ngân sáng tác. Cứ mỗi độ xuân về thì dường như không có người Việt nào lại không nghĩ đến ca khúc này, ca khúc đã gắn liền với nhiều thế hệ người nghe nhạc suốt nửa thế kỷ qua. Trịnh Lâm Ngân là một nhóm nhạc thành lập năm 1962 và hoạt động đến năm 1975, tên nhóm nhạc lấy từ nghệ danh ghép của các nhạc sĩ: Trần Trịnh, Lâm Đệ (không tham gia việc sáng tác) và Nhật Ngân. Trần Trịnh là một nhạc sĩ có sáng tác đầu tay từ giữa thập niên 1950. Ngoài ra, ông còn có vài sáng tác nổi bật như Lệ đá, Độc huyền, Nhớ về một mùa xuân. Lâm Đệ là con trai của hãng đĩa Sóng Nhạc, không tham gia vào việc sáng tác. Nhật Ngân là một nhạc sĩ có nhiều sáng tác chủ đề trữ tình và chinh chiến trước năm 1975. Sau này thì nổi tiếng với việc viết nhạc ngoại lời Việt ở Hải Ngoại. Những sáng tác tiêu biểu của nhóm Trịnh Lâm Ngân là Cám ơn, Linh xa nha, Một mai giã từ vũ khí, Mùa xuân của mẹ, Qua cơn mê, Người tình và quê hương, Yêu một mình,… và XUÂN NÀY CON KHÔNG VỀ.

XUÂN NÀY CON KHÔNG VỀ được sáng tác trong khoảng thập niên 60, mở đầu cho một loạt các ca khúc viết về tâm trạng người lính trong mùa xuân của Trịnh Lâm Ngân. Những bài được coi là phần tiếp theo của ca khúc này đó là “Xuân này con về mẹ ở đâu”, “Xuân nào con sẽ về” nhưng không nổi tiếng bằng. Bài hát XUÂN NÀY CON KHÔNG VỀ thường được phát sóng đài phát thanh Miền Nam Việt Nam vào dịp đầu xuân cho đến tận năm 1975. Nhưng đến sau 1975 thì ca khúc lại bị cấm lưu hành, cùng chung số phận với nhiều tác phẩm ca nhạc, văn học phát triển trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Hiện tại, bài hát thường chỉ được trình diễn ở các chương trình ca nhạc của Việt Nam tại hải ngoại hoặc các buổi biểu diễn không chính thức tại Việt Nam.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Thái Châu thâu thanh trước 1975

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn cũng từng có đôi lời nhận xét về bài hát này như sau: Bài hát này được tung ra lần đầu tiên là lúc chiến sự vẫn còn, người lính vẫn còn xa quê chưa về đoàn tụ cùng người thân được, nên nhà văn cùng với những người lính chiến khác đã vô cùng xúc động khi đến bài hát này. Bởi nó đánh đúng vào tâm trạng cũng như một lời tâm sự của người chiến sĩ quân khu xa nhà, lúc nào trong tâm cũng hướng về quê hương, mong ngóng về gia đình thân yêu và nhớ lắm hình bóng của người mẹ hiền từ nơi mái hiên chờ con quay về. Bài hát gắn liền với giọng ca Duy Khánh, Duy Khánh thành công với ca khúc đến mức có lúc người ta tưởng Duy Khánh là tác giả ca khúc này. Ngoài ra, còn được hát bởi các ca sĩ Chế Linh, Elvis Phương, Duy Quang,.. và các ca sĩ trẻ như Trường Vũ, Quang Lê, Đặng Thế Luân, Đan Nguyên, Anh Khang và gần đây nhất là ca sĩ trẻ Thùy Chi.

“Con biết xuân này mẹ chờ tin con

Khi thấy mai đào nở vàng bên nương

Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về

Nay én bay đầy trước ngõ

Mà tin con vẫn xa ngàn xa

Ôi nhớ năm nào thuở trời yên vui

Nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi

Bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng

Trông bánh chưng chờ trời sáng đỏ hây hây những đôi má đào…”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do danh ca Duy Khánh trình bày.

Lời hát và giai điệu của ca khúc chậm buồn, diễn tả tâm trạng của người con xa nhà vào dịp Tết đến xuân về, không thể trở về nhà để sum họp với gia đình được, không được gặp mẹ, không được thấy mặt cha, không được vui vẻ bên các em thân yêu. Nhớ làm sao hình ảnh của từng nhánh đào đua sắc, từng cành mai nở rộ cả một khoảng sân nhà, nhớ lắm lúc có nồi bánh chưng thật to nghi ngút khói bên bếp lửa, là lúc có tiếng pháo nổ và đàn trẻ thơ. Đó là những hoài niệm mà tác giả đã có được và vẫn còn lưu giữ mãi trong trái tim về những mùa xuân khi anh có nhà. Năm nay, người trai đó lại ở tận nơi phương xa và chạnh lòng nghĩ tới cảnh đoàn viên, sum họp gia đình và không kìm nén được nỗi buồn, nỗi nhớ nhung về mẹ, về anh em, về gia đình.

“…..Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm

Mái tranh nghèo không người sửa sang

Khu vườn thiếu hoa vàng mừng xuân

Bầy trẻ thơ ngày chờ mong anh trai sẽ đem về cho tà áo mới

Bao ngày xuân đi khoe xóm giềng…”

Tác giả biết rất rõ rằng nếu Tết anh không về sum vầy gia đinh mẹ anh ắt sẽ trông chờ và buồn lắm, không có ai sửa sang lại nhà cửa, sắm sửa đồ đạc, không ai trồng hoa để đón Tết, các em của anh ngày đêm mong ngóng anh về để có quà là những chiếc quần áo mới để đi chơi Tết, chúc Tết họ hàng, hàng xóm nhưng năm nay lại không có.

“….Con biết không về là mẹ chờ em trông

Nhưng nếu con về bạn bè thương mong

Bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường

Không lẽ riêng mình êm ấm

Mẹ ơi con xuân này vắng nhà

Mẹ thương con xin đợi ngày mai…”

https://www.youtube.com/watch?v=o36Sz4Q7xhs

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Tuấn Vũ trình bày.

Toàn bộ bài hát không hề có chữ “lính” nào, và chỉ đến khúc cuối, người nghe mới lờ mờ nhận ra đây là một bài hát viết cho người lính trong thời chiến khi có “bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường” và được lồng ghép vào một bức tranh xuân. Bộ 3 nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân đã dùng những hình ảnh hoàn toàn đối lập để đưa vào bài hát. Một bên là sum họp gia đình, bên bếp lửa hồng với nồi bánh chưng chờ trời sáng. Bên kia là hình ảnh người lính cô đơn nơi chiến trường , vì chiến trận còn đó, bạn bè, đồng chí của anh còn đó nên anh không thể trở về với gia đình để hưởng một cái Tết ấm êm một mình, như thế là ích kỷ.Ngậm ngùi là thế, buồn bã là thế những vì nghĩa vụ mà người lính đó phải gác lại chuyện cá nhân của mình để làm tròn nhiệm vụ và chỉ biết ước hẹn, ở cuối ca khúc, một ngày nào đó được trở về với mẹ, với em. “Mẹ thương con xin đợi ngày mai…” Qua đó ca khúc phần nào làm toát lên tính vô nghĩa, phi lý của cuộc cнιếɴ тʀᴀɴн. Cách sử dụng hình ảnh đối lập như vậy thật tài tình và ý nhị góp phần giảm nhẹ tính đau thương mà cнιếɴ тʀᴀɴн đã gây ra.

Ca khúc XUÂN NÀY CON KHÔNG VỀ có thể xem là bài nhạc xuân trước năm 1075 nổi tiếng nhất và được nghe nhiều nhất trong suốt hơn 50 năm qua.Những người lính đang ở nơi trận tiền, hay những người con xa xứ mỗi khi nghe bài hát này dịp xuân về chắc hẳn chỉ muốn vứt bỏ ѕúиɢ, bỏ hết tất cả để về nhà với mẹ. Nghe mà buồn làm sao. Bài hát được yêu thích qua nhiều thế hệ cõ lẽ bởi vì lời hát đi vào lòng người, đánh động được tới cảm xúc sâu thẳm nhất của mỗi người. Không chỉ là người lính, mà tất cả những người tha hương mong có cuộc sống tốt đẹp hơn, dù đã trưởng thành nhưng hình bóng mẹ hiền và quê nhà lúc nào cũng nằm trong tâm của mỗi người.

Có lẽ sự kết nối âm nhạc của 3 nhạc sĩ Trịnh – Lâm – Ngân là một trong những hiện tượng âm nhạc kỳ thú và đặc biệt nhất của làng âm nhạc Việt Nam.Trên thực tế, trong bộ ba này chỉ có Trần Trịnh và Nhật Ngân là nhạc sĩ và hai ông đều có những sáng tác riêng và hay, rất thành công và được người nghe nhạc mến mộ. Tuy nhiên sự kết hợp giữa hai con người với hai trạng thái cảm xúc khác nhau, đã đúc kết hợp thành làm một và cho ra đời một XUÂN NÀY CON KHÔNG VỀ, sự kết hợp này làm cho ca khúc có một số phận rất riêng biệt và khác với những nhạc phẩm xuân khác. Có lẽ cũng chính bởi thế, bên cạnh vô vàn những tác phẩm viết về mùa xuân vui nhộn, công chúng yêu nhạc vẫn tìm cho riêng mình một góc nhỏ, để ngồi lắng nghe XUÂN NÀY CON KHÔNG VỀ. Ca khúc luôn được tôn vinh mỗi độ xuân về, không chỉ trong thời cнιếɴ тʀᴀɴн loạn lạc, mà ngay cả trong thời bình, nhất là khi người ta mượn lời bài hát để diễn tả tâm trạng của những  người con xa quê mỗi khi Tết đến xuân về.

Viết một bình luận