“Xích Lô Máy” – Biểu tượng độc đáo đã mất của Sài Gòn xưa

Lon ton trên đường phố vào những năm trước 1975, những chiếc xe lam, xe taxi “con bọ”, xe thổ mộ thì chiếc xích lô máy chính là một loại phương tiện giao thông công cộng phổ biến nhất trên đường phố Sài Gòn ngày xưa. Tất cả đều là hồi ức tươi đẹp của những ai từng sinh sống tại Sài Gòn trước kia. Và một điều đặc biệt, Sài Gòn là thành phố duy nhất trên thế giới có sự xuất hiện của loại hình giao thông này (cuối thập niên 1940 đến thập niên 1970). Những hình ảnh đẹp về nó được lưu lại rất nhiều qua ống kính nhiếp ảnh hơn nửa thế kỷ qua.

Hình ảnh chiếc xích lô máy đã quá đỗi thân quen với nhiều thế hệ học trò từ trước năm 1975, nó không chỉ là những chiếc xe bon bon trên đường phố mỗi ngày mà còn nằm trên sách vở học sinh cùng trang bìa ấn tượng đi vào huyền thoại.

Tập vở Cyclo Máy

Thời điểm cuối thập niên 1940, Pháp quay trở lại Đông Dương sau khi đệ nhị thế chiến, với mong muốn xây dựng lại Sài Gòn, nhu cầu vận tải hàng hóa vô cùng cao nên Pháp đã cho nhập cảng nhiều thiết bị phương tiện vận tải, trong đó có chiếc 3 bánh Triporteur Peugeot – nó được chạy bằng xăng pha nhớt và được sản xuất tại Pháp. Ban đầu, xe này chỉ có công năng duy nhất là chuyên chở hàng hóa với những thùng hàng khá to, nó tựa như “xe ba gác” của hiện tại. Nhưng sau đó lại được người ta cải tiến thành để chở người, do nó có cấu trúc giống với xích lô đạp nhưng chạy bằng động cơ nên được gọi là xích lô máy.

Cấu trúc của một chiếc xích lô máy bao gồm 2 phần, phần trước khung xe được chế bằng thép uốn, có băng đệm làm chỗ cho khách ngồi, dưới ghế nệm là khoang trống chứa dụng cụ sửa chữa và bảo trì xe, ngoài ra còn có xăng nhớt, ruột xe và tấm bạt che phía trước  cho hành khách nếu trời đổ mưa. Ở hai bên hông ghế sẽ được lắp thêm bộ khung thép bọc, gắn trên đó là mái che bằng vải dầu, có thể dễ dàng bật gấp, dùng để che mưa che nắng cho khách đi xe. Phần sau của xe chính là toàn bộ động cơ nguyên thủy của xe 3 bánh Triporteur Peugeot.

Ở Sài Gòn vào mỗi sáng sớm, ngoài những tiếng chim ca hót líu lo thì chính là tiếng động cơ xe xích lô máy – nó như một tiếng chuông báo sinh học cho mỗi sớm mai thức giấc. Những chiếc xe tỏa ra khắp nẻo đường Sài Gòn, chở người đi bon bon khắp ngả. Dù được thiết kế để chở người, tuy nhiên, lâu lâu vẫn bắt gặp hình ảnh chiếc xích lô máy ì ạch chở hàng cho những người đi chợ hay đi buôn từ tờ mờ sáng.

Đầu thập niên 1950, đã có khoảng 180.000 chiếc ở quanh khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định. Xe thuộc dạng nhỏ, thông thường chỉ chở được 2-3 người, nhưng đôi khi có thể “tống” đến chục người. Những ngày Tết, cứ độ mùng 1 ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh 1 chiếc xích lô máy chở cả một bầu đoàn thê tử đến hiệu ảnh trên cung đường Nguyễn Huệ mà làm vài bô ảnh kỷ niệm, để lưu giữ kỷ niệm đẹp của đại gia đình – Đây dường như đã trở thành một truyền thống khó bỏ ở thời điểm đó.

Đến khoảng thập niên 1960, khi những chiếc xe lam đầu tiên du nhập vào Việt Nam hay chính xác hơn là du nhập vào Sài Gòn thì nổ ra những cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt giữa nó và xích lô máy. Xe lam có khoang rộng hơn, sức chứa người cũng từ đó nới rộng ra, trên nóc xe còn có thể chở được hàng hóa, thêm vào đó số tiền chi trả cho xe lam cũng rẻ hơn nên xích lô máy dần không còn được ưa chuộng. Rồi từ sau năm 1975, xảy ra tình trạng khan hiếm xăng dầu nên từ đó người ta cũng không còn nhìn thấy hình bóng của những chiếc xích lô máy này rảo bánh trên các cung đường Sài Gòn. Thay vào đó là sự phổ biến của xích lô đạp và hầu hết những người dân gốc từ tri thức cũ hay người lao động cũng đều sinh sống bằng nghề đạp xích lô. Nhưng rồi đến khoảng 1990, hình thức này cũng bị thay thế bởi những chiếc “xe ôm” tiện lợi hơn.

Dưới đây chính là một số bức ảnh đẹp về chiếc xích lô máy – Biểu tượng độc nhất vô nhị tại Sài Thành nhưng đã mất ở ngày nay:

Cholon 1950s – Ngã ba Ð?ng Khánh-Ph?m Ðôn

Viết một bình luận