Xã Hội Dân Sự miền Nam được đông đảo giới học thức và giới văn nghệ sĩ tham gia trước những năm 1975

Xã hội dân sự là cụm từ khá phổ biến từ những năm 1975 đến nay. Đó là các tổ chức xã hội và dân sự tự nguyện kết hợp với nhau và tạo thành một xã hội tự vận hành. Nó không có tính chất quyền lực như các tổ chức của nhà nước và cũng không thuộc khía cạnh thương mại trên thị trường. Xã Hội Dân Sự được gọi là “khu vực thứ ba” của xã hội, khác với chính phủ và kinh doanh. Để hiểu theo nghĩa tổng quát hơn là các yếu tố như tự do ngôn luận, tư pháp độc lập,… để tạo nên một xã hội dân chủ..

Xã hội dân sự xa rời khu vực nhà nước và khu vực kinh doanh. Nó bao gồm các tổ chức phi chính phủ hoạt động một cách tự nguyện và bất vụ lợi. Các loại tổ chức của xã hội dân sự có thể được kể đến để dễ hình dung là quỹ từ thiện, hiệp hội thương mại,… Còn khu vực chính phủ có thể kể đến các đơn vị hoạt động cho chính phủ như chính quyền địa phương cho đến trung ương. Hay khu vực buôn bán thì sẽ xét đến các công ty, xí nghiệp hướng đến tính chất lợi nhuận để duy trì doanh nghiệp.

Từ khoảng những năm 70 của thế kỷ trước đã có một số đoàn thể, hiệp hội mang tính chất của xã hội dân sự như Hội đồng thập tự, hội hướng đạo, hội văn hóa bình dân,… Ta sẽ cùng tìm hiểu để biết rõ thêm về một số hiệp hội đó.

Hội Hồng Thập Tự

Hội Hồng Thập Tự là tiền thân của Hội chữ thập đỏ ngày nay. Trước năm 1975, dược sĩ La Thành Trung làm hội trưởng của tổ chức này. Đây là hội Hồng Thập Tự Việt Nam được tổ chức theo khuôn mẫu của Hồng Thập Tự Quốc tế, tất cả đều thực hiện với mục đích nhân đạo, đem lại giá trị nhân văn cho người dân, xa rời mục đích chính trị. Hiệp hội này được lan rộng ra nhiều tỉnh thành, các tỉnh khác cũng có chi nhánh của hội. Hồng Thập Tự có trụ sở Sài Gòn nằm ở góc đường Cống Quỳnh với Hồng Thập Tự (đường Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay), kế cạnh Bảo Sanh Viện Từ Dũ Sài Gòn (Bệnh viện Từ Dũ ngày nay). Trước những năm 1975, chính quyền miền Nam hầu như không can thiệp hay khống chế tổ chức này. Thậm chí tổ chức còn có quyền tự do để liên lạc với hội Hồng Thập Tự Quốc tế và tổ chức ở các quốc gia khác nếu có vấn đề phát sinh hoặc vấn đề liên quan đến hội. Đây là một hoạt động xã hội hữu ích, giúp đỡ rất nhiều cho những người dân bị gặp chuyện như thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh hoặc do chiến tranh gây ra. Hội Hồng Thập Tự nguyên sơ được tổ chức đầu tiên tại Thụy Sĩ vào cuối thế kỷ XX, sau này khi đã phát triển hơn thì lan rộng ra các quốc gia khác, trong đó có cả Việt Nam.

Trung tâm phục hồi chức năng của Hội Hồng Thập Tự cho người khuyết tật

Đoàn phụ nữ chí nguyện thuộc Hội Hồng Thập Tự Việt Nam

Hội Hướng Đạo

Từ những năm 1930 của thập niên trước, tổ chức Hướng Đạo đã đến với Việt Nam. Sau này khi Việt Nam xảy ra chiến tranh với Pháp, tổ chức này bị dừng lại một thời gian, đến năm 1950 thì tổ chức bắt đầu hoạt động lại và xây dựng ở các vùng trọng điểm như Sài Gòn và Hà Nội. Tổ chức hoạt động ổn định đến năm 1959 có hơn 3000 đoàn viên tham gia. Hướng đạo viên nam thời đó ở miền Nam có Trần Văn Lược, Huỳnh Ngọc Diệp, Trần Điền,… Về phần nữ hướng đạo viên thì có Hoàng Thị Đáo, Phan Nguyệt Minh, Trần Bạch Bích,… Những hướng đạo viên kỳ cựu ấy đã cùng nhau xây dựng và duy trì hội Hướng Đạo phát triển đến năm 1975. Rất may rằng cả 2 nhóm đều được hỗ trợ bởi các bộ Giáo dục và Thanh niên. Tương tự như hội Hồng Thập Tự, hội Hướng Đạo được tự do liên hệ với các tổ chức Quốc tế có liên quan.

Hội Hướng Đạo Sài Gòn sinh hoạt vào năm 1965

Hội Văn Hóa Bình Dân

Vào cuối năm 1954, có những thanh niên mới du học từ Mỹ về, trong đó có anh Huỳnh Văn Lang, Đỗ Trọng Chu, Bùi Kiến Thành,… có tổ chức một cuộc họp nhỏ để bàn về lớp mở các lớp học bình dân buổi tối với mục đích đem lại kiến thức văn hóa cho người dân bằng cách dạy thêm bổ túc văn hóa, dạy kèm tiếng nước ngoài như Anh, Pháp, Hoa văn hoặc dạy nghề cho họ. Vào năm 1955, Hội Văn Hóa Bình Dân được chính thức thành lập với danh xưng là “Trường Bách Khoa Bình Dân”, trung tâm dạy học trong khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định. Hội có giấy phép thành lập được chính phủ cấp phép, đồng thời hội có tư cách pháp nhân để có thể giao dịch với cơ quan nhà nước, các cơ sở kinh doanh theo hình thức thương mại để hội có thể xin viện trợ các khoản cần thiết. Đây là hội Văn Hóa tình nguyện, góp phần đem đến kiến thức và nâng cao chuyên môn cho những người ở giới bình dân. Sau này hội Văn Hóa Bình Dân còn mở rộng ra các tỉnh chứ không chỉ nằm ở khuôn khổ Sài Gòn – Gia Định.

Tổ chức giáo dục, xã hội, y tế của các Tôn giáo

Ở miền Nam Việt Nam có nhiều cơ sở xã hội nhân đạo và văn hóa của các Tôn giáo đứng ra mở như Phật giáo, Tin lành, Công giáo, Hòa Hảo, Cao Đài. Các tôn giáo còn đứng ra thành lập và điều hành ở nhiều tỉnh khác, không chỉ ở Sài Gòn với mục đích dạy học và hỗ trợ y tế. Ví dụ như ở Phật giáo thì có trường Bồ Đề, viện đại học tư thục Vạn Hạnh của Phật giáo,… Ở các tỉnh lân cận thì có Đại học Cao Đài ở Tây Ninh, Đại học Hòa Hảo ở Long Xuyên,… Ngoài ra còn có cả viện dưỡng lão và cô nhi viện,… Tất cả đều được các tôn giáo đứng ra xây dựng và điều hành để hỗ trợ những trường hợp cơ nhỡ, không nơi nương tựa của trẻ em và người lớn tuổi xung quanh Sài Gòn và các tỉnh khác.

Nhân vật điển hình của Xã Hội Dân Sự miền Nam

Để Xã Hội Dân Sự có thể diễn ra một cách trơn tru thì cần có người đứng ra tổ chức và điều hành thì mới có thể hoạt động tốt được. Những nhân vật được kể đến sau đây đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển Xã Hội Dân Sự tại miền Nam.

Nhà báo Đỗ Ngọc Yến và Chương trình Công tác hè năm 1965

Ông giữ vị trí tổng thư ký để chăm lo cho hoạt động hè của thanh thiếu niên vào năm 1965, phạm vị hoạt động của ông là khắp các tỉnh ở miền Nam Việt Nam với sự tham gia đông đảo của thanh niên, sinh viên, học sinh. Đây là ý tưởng của các huynh trưởng khi thấy sinh hoạt của các thanh niên trong ngày hè được diễn ra khá mạnh mẽ. Bên cạnh đó, chương trình này còn được hợp tác với Đoàn Thanh niên Chí nguyện Quốc tế (viết tắt là IVS). Đoàn Thanh niên Chí nguyện Quốc tế với vai trò quan trọng đã góp phần đã vận động cơ quan viện trợ Mỹ USAID để trợ cấp quỹ sinh hoạt chương trình với số tiền lên đến vài chục triệu đồng để chương trình có thể duy trì một cách tốt nhất.

Nhà báo Đỗ Ngọc Yến còn là người thành lập tờ báo người Việt. Lúc đầu đó chỉ là tuần báo, đến năm 1985 thì trở thành nhật báo để đưa những thông tin chính xác về tình hình tại Việt Nam với những ai ở hải ngoại và ngược lại. Đến năm 2006, ông mất vì một căn bệnh hiểm nghèo tại California, Mỹ.

Nha sĩ Phạm Thị Thân và Hội Thanh Niên Thiện Chí

Từ thời trung học, chị Phạm Thị Thân đã tham gia vào phong trào Hướng Đạo ở Hà Nội. Đến năm 1960 – 1970, chị trở thành nhân vật quan trọng trong Hội Thanh Niên Thiện Chí Việt Nam tại Sài Gòn. Chuyên ngành của chị là Giáo sư tại Đại học Nha khoa, ngoài ra chị còn mở thêm phòng mạch tư để hỗ trợ và khám bệnh liên quan đến nha khoa. Ngoài công việc tại trường và công việc riêng của mình, chị còn tích cực tham gia vào Hướng Đạo và Hội Thanh Niên Thiện Chí để giúp thế hệ trẻ được sống tích cực và giúp ích cho xã hội. Cả một cuộc đời cống hiến với tinh thần thiện nguyện, đến cuối đời, căn bệnh ung thư đã cướp đi mạng sống của chị. Năm 2007, chị trút hơi thở cuối cùng, hưởng dương 75 tuổi.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang và Phong trào Du Ca Việt Nam

Với tinh thần thiện nguyện, anh Nguyễn Đức Quang đã tham gia vào Hướng Đạo Sinh từ khi mới 14 – 15 tuổi ở Đà Lạt. Vốn có năng khiếu từ bé, đoàn viên Nguyễn Đức Quang đã tự mình sáng tác bài hát để các đoàn viên trong nhóm cùng tham gia tại các buổi sinh hoạt. Phong trào du ca được ông và các bạn học xây dựng và phát triển khi đang là sinh viên tại trường Đại học Chính trị Kinh doanh ở Sài Gòn. Phong trào này sớm đã thu hút được nhiều bạn trẻ, sinh viên có tinh thần đam mê sáng tác và ca hát, sau đó cùng nhau tổ chức các buổi văn nghệ trong các trại phục vụ đồng bào hay những khi cắm trại ngoài trời. Ngoài ra, Nguyễn Đức Quang còn đi nhiều nơi để đào tạo các “Du ca viên” để mọi người thêm lòng yêu quê hương, đất nước. Phong trào Du ca sau 10 năm hoạt động đã tạo được tiếng vang rất lớn, thu hút nhiều thành viên tham gia ở cả Sài Gòn và các tỉnh khác. Năm 2011, nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đã qua đời sau một cơn đột quỵ, hưởng dương 67 tuổi tại California.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang là người cầm đàn trong buổi sinh hoạt nhóm Du Ca vào năm 1960

Đại Đức Thích Thanh Văn và Trường Thanh niên Phụng Sự Xã Hội Phật Giáo

Giám đốc sáng lập nên Trường Thanh niên Phụng Sự Xã Hội Phật Giáo và đến năm 1966, thầy Thanh Văn đã kế nhiệm chức vị Giám đốc này. Trường chủ yếu đào tạo cho các tu sĩ nam nữ và Phật tử hiểu thêm về công tác xã hội. Sau khi học xong, các học viên sẽ đi đến thực tập và theo các nhóm tình nguyện công tác tại các địa phương, làng xã. Kết thúc thực tập, học viên sẽ quay lại cơ sở và học tiếp văn hóa, chuyên môn.

Thầy Thanh Văn đã ra đi trong một tai nạn xe cộ vào năm 1972 khi mới 30 tuổi. Các Phật tử, toàn thể gia đình Trường Thanh niên Phụng Sự Xã Hội Phật Giáo đã tiếc thương cho sự ra đi của thầy.

Với sự tham gia theo tinh thần tự nguyện và đem lại những giá trị đến cho mọi người. Chúng ta thật sự biết ơn và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến họ cũng như Xã Hội Dân Sự miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ.

Cũng phải nói thêm, ở miền Bắc những năm 1954 – 1975 cũng có Xã Hội Dân Sự. Tuy nhiên dưới chế độ chuyên chế toàn trị, nó lại không mang tính chất tự nguyện tự phát hay dưới hình thức tổ chức phi lợi nhuận hoặc bất lợi vụ như ý nghĩa ban đầu. Mà thay vào đó là các tổ chức được đảng lập ra và đảng sử dụng như Hội Liên Hiệp Phụ Nữ, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản, Hội Nhà Văn,… Những tổ chức tôn giáo ở miền Bắc bị cấm triệt để và không được tham gia vào hoạt động từ thiện hay giáo dục. Các tu sĩ và các tín đồ mặc dù rất muốn tham gia vào những hoạt động trên nhưng đều bị ngăn cấm. Vì vậy họ không thể phát huy khả năng cũng như tinh thần của họ vào các hội nhóm.

Trong giới văn nghệ sĩ miền Bắc cũng tương tự như vậy, vì những chính sách khắt khe nên nọ không được tự do thể hiện tài năng của mình. Vậy nên ta không thể nhìn thấy tên của những nghệ sĩ có sức ảnh hưởng đến dân chúng như Trịnh Công Sơn, Nguyễn Đức Quang hay Phạm Thị Thân, Đỗ Ngọc Yến,…

Viết một bình luận