Viết về cố nhạc sĩ Châu Kỳ – người viết nên những ca khúc nổi tiếng “Đừng nói xa nhau”, “Đón xuân này nhớ xuân xưa”, “Con đường xưa em đi” …

Một trong những nhạc sĩ thành công với những sáng tác về nhạc trữ tình, người cho ra đời nhiều bài hát vượt thời gian và được đông đảo công chúng đón nhận không ai khác chính là cố nhạc sĩ Châu Kỳ. Ông cũng là một trong những nhạc sĩ gạo cội của nền tân nhạc Việt Nam với gần 200 sáng tác. … Người viết nên những bài hát rung động lòng người như: Đừng nói xa nhau, Đón xuân này nhớ xuân xưa, Biệt kinh kỳ, Con đường xưa em đi, Sao chưa thấy hồi âm, Được tin em lấy chồng, ….

Châu Kỳ sinh ngày 5 tháng 11 năm 1923 tại Phú Vang, Tỉnh Thừa Thiên – Huế. Cha ông là nghệ nhân cổ nhạc cung đình Châu Huy Hà, và chị gái là nữ nghệ sĩ nổi danh tài sắc Châu Thị Minh (một trong Ngũ nữ minh tinh thời bấy giờ). Có lẽ vì được sinh ra trong một gia đình có dòng máu nghệ thuật nên Châu Kỳ cũng có máu văn nghệ từ nhỏ.

Nhạc sĩ Châu Kỳ và ca sĩ Chế Linh
Nhạc sĩ Châu Kỳ và ca sĩ Chế Linh

Lúc nhỏ, Châu Kỳ theo học ở trường tiểu học Dưỡng Mong, sau ông lên Huế học ở trường Lycée Khải Định. Tại đây, Châu Kỳ đã gặp được Petrus Thiều, một tu sĩ giỏi về nhạc lý và sáng tác, lại sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ phương Tây hướng dẫn về âm nhạc.

Châu Kỳ có sẵn năng khiếu âm nhạc trong người, đồng thời còn được thầy giỏi hướng dẫn, nên việc học nhạc và học hát của ông rất mau tiến bộ. Lúc mới bắt đầu biết hát, Châu Kỳ thường bắt chước ngân nga các ca khúc bằng tiếng Pháp thịnh hành vào thời bấy giờ như  “J’ai deux amours”, “Tant qu’il y aura des etoiles” mà nam danh ca Tino Rossi thường trình bày, nên ông được bạn bè gọi là Deuxième Tino Rossi.

Vài năm sau, Chị ông tức Châu Thị Minh lập đoàn ca kịch Huế mang tên Hồng Thu, lúc ấy ông theo đi hát trong đoàn của chị. Vừa được hát để thỏa niềm đam mê, lại vừa kiếm được tiền để phụ giúp cha mẹ, nên ông đã bỏ học để đi theo nghiệp cầm ca.

Nhạc sĩ Châu Kỳ
Nhạc sĩ Châu Kỳ

Vào khoảng năm 1942, khi đoàn Ca kịch Hồng Thu lưu diễn sang Lào từ Savanakhet rồi Thakhet. Tại Thakhet, Châu Kỳ bị mật thám Pháp bắt khi đang diễn vở kịch “Hồn lao động” (cùng với Trần Văn Lang, Châu Thành và nữ nghệ sĩ Mộng Điệp) và bị đưa lên Ba Vì để giam giữ. Đến năm 1943, ông mới được trả tự do để trở về nhà tuy nhiên khi về tới Huế thì mới hay tin mẹ đã bị đã mất theo dòng nước cuốn trong một cơn lũ. Trong nỗi buồn rầu, xót xa và day dứt khôn nguôi Châu Kỳ đã viết nên ca khúc đầu tay mang tên “Trở về” với những ca từ buồn da diết Về đây nhìn mây nước bơ vơ/ Về đây nhìn cây lá xác xơ/ Về đây tìm bóng chiều mơ, mong tìm mái tranh chờ, mong tìm thấy người xưa…” và ca khúc này đã được giới yêu âm nhạc lúc bấy giờ chú ý đến. Ca khúc đầu tay của ông đã được nhà xuất bản Tinh Hoa mua bản quyền in tờ nhạc.

Sau đó, một số tác phẩm mang âm hưởng cổ nhạc miền Trung của Châu Kỳ tiếp tục ra đời như: Khúc ly ca Khi ánh trăng vàng lên khơi,…và gặt hái được nhiều thành công. Từ đó ông quyết định bỏ dở sự nghiệp ca hát để trở thành nhạc sĩ.

Tại Sài Gòn ông gặp và quen với ca sĩ Mộc Lan gốc Hải Phòng, người vang danh cùng thời với Tâm Vấn, Kim Tước và Châu Hà. Sau độ nửa năm, nhạc sĩ Châu Kỳ và ca sĩ Mộc Lan tổ chức đám cưới và trở thành cặp song ca ăn khách thời bấy giờ. Nhạc sĩ Châu Kỳ thường xuyên đưa vợ về Huế hát cho đài phát thanh cố đô với mức lương khá cao. Thế nhưng sau 6 năm chung sống, hai người đã đi đến quyết định chia tay mà lí do được biết là do Mộc Lan có người mới, để lại nhiều nỗi đau buốt nhói trong lòng nhạc sĩ Châu Kỳ. Bên cạnh  không còn người bạn đời cùng song ca trên sân khấu, nhạc sĩ Châu Kỳ đã dồn sức sáng tác một loạt ca khúc cho vơi bớt niềm đau đắng cay như: “Từ giã kinh thành”, “Khúc ly ca”, “Tiếng ca đó về đâu”, “Khuya nay anh đi rồi”, “Tìm nhau trong kỷ niệm”, “Đàn không tiếng hát”…

Sau nhiều trắc trở trong chuyện tình cảm, Châu Kỳ may mắn tìm được một nửa còn lại thật sự của đời mình, đó là bà Kha Thị Đàng, người đã gắn bó cuộc đời với ông gần 52 năm. Kha Thị Đàng là một cô nữ sinh trường Gia Long mới vừa tròn 16 tuổi nhưng được quen biết và chớm nở tình yêu với Châu Kỳ, mặc dù bị gia đình phản đối nhưng cô vẫn quyết tâm làm vợ của nhạc sĩ Châu Kỳ vào năm 1956. Người đã tạo cho nhạc sĩ Châu Kỳ cảm hứng viết nên ca khúc “ Em gái miền Nam” và một ca khúc vô cùng nổi tiếng khác là “Con đường xưa em đi”. Trong một chương trình sau này bà có kể: “Bài hát được sáng tác lúc chúng tôi làm việc ở nhà máy giấy Tân Mai, Biên Hòa, Đồng Nai. Sau lưng nhà máy là một con đường mòn nối liền nơi nghỉ trưa của công nhân và khu vực làm việc. Chính những hình ảnh này đã gợi cảm hứng cho Châu Kỳ viết nên những giai điệu cho bài hát, gửi tặng cho tôi”.

Nhạc sĩ Châu Kỳ và vợ Kha Thị Đàng
Nhạc sĩ Châu Kỳ và vợ Kha Thị Đàng

Vợ chồng Châu Kỳ – Kha Thị Đàng có với nhau 4 người con, người phụ nữ này bằng lòng sống “chung cái nghèo” với người chồng nhạc sĩ đến cuối cuộc đời. Bà Kha Thị Đàng luôn lặng lẽ đứng phía sau chồng, lặng lẽ ủng hộ chồng và cũng lặng lẽ âm thầm nhận về nhiều sự chua chát thầm ghen với những bóng hồng đi qua đời ông. Bà đối với chồng mình một lòng chung thủy sắt son, nhẫn nại và đầy sự bao dung, bà nói: “Những chuyện tình của Châu Kỳ đau khổ, trắc trở nhưng mối tình của Châu Kỳ cùng những sáng tác của ông sẽ sống mãi trong lòng khán giả. Cuộc đời ông có nhiều bóng hồng, tôi làm vợ phải thông cảm cho chồng vì nhờ đó mới có nhiều ca khúc hay tặng đời”.

Vợ của cố nhạc sĩ Châu Kỳ cũng cho biết: “Ông nhà tôi sáng tác ca khúc đầu tiên là Trở về, lúc mới 19 tuổi. Ca khúc cuối cùng ông viết, trước lúc mất là Ánh đạo vàng. Ông có một cuộc sống nhẹ nhàng, không ham danh lợi, tiền bạc, tập trung hết tâm trí vào sáng tác”.

Nhạc sĩ Châu Kỳ đã qua đời vào rạng sáng ngày 6 tháng 1 năm 2008 tại Thủ Đức ( Tp. Hồ Chí Minh) sau gần hai tháng nằm liệt trên giường vì bệnh. Sau đó ông được đưa về quê hương Huế và an táng vào ngày 11 tháng 1 năm 2008 tại đồi Nam Giao.

Vào năm 2005, nhạc sĩ Châu Kỳ được vinh danh trong chương trình Paris By Night 78 – Đường Xưa, do trung tâm Thúy Nga thực hiện.

Tháng 6 năm 2016, trong chương trình Sol Vàng tháng 6 với chủ đề “Con đường xưa em đi” cố nhạc sĩ Châu Kỳ được vinh danh vì những đóng góp to lớn của ông cho nền âm nhạc nước nhà. Chương trình có sự góp mặt của những tên tuổi lớn như danh ca Phương Dung, Ngọc Sơn, Đông Đào, Xuân Phú, Quang Toàn, Khánh Loan,…

Và mãi cho đến ngày nay, những bản tình ca ngọt ngào, say đắm của cố nhạc sĩ Châu Kỳ vẫn còn được nhiều ca sĩ trình bày và vẫn còn được rất nhiều khán thính giả yêu mến lắng nghe..

Viết một bình luận