Ụ tàu Ba Son – Một di tích còn sót lại của Sài Gòn xưa

Tại đô thị với hơn 300 năm lịch sử như Sài Gòn, ít ai trong chúng ta từng được đặt chân tham quan bên trong Xí nghiệp Liên hợp Ba Son (số 2 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM). Đây là xưởng sửa chữa và đóng tàu lớn địa chỉ tại số 2 đường Tôn Đức Thắng cũng là một di tích lịch sử mang nhiều ý nghĩa. Nó là dấu tích cổ còn lại của một công trường thủ công lớn, một ngành công nghiệp quan trọng ra đời sớm nhất của Sài Gòn xưa đồng thời là cái nôi của phong trào đấu tranh của các tầng lớp công nhân Sài Gòn. Xưởng cơ khí số 323 đường số 12 trong khuôn viên là nơi người thợ máy Tôn Đức Thắng (sau này là Chủ tịch nước Việt Nam từ năm 1969 đến 30 tháng 8 năm 1980) đã từng làm việc và hoạt động cách mạng trong những năm 1915 – 1928. Vì Ụ tàu này có niên hạng 1884-1888. Lại là di tích đã xếp hạng quốc gia, Xưởng cơ khí nơi Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã từng làm việc và vận động thành lập Công hội Đỏ đầu tiên của Việt Nam nên nơi đây bị hạn chế tham quan (15.000 lượt người/năm). Với nguyên nhân chính: đây là khu vực đất quốc phòng, cần sự bảo vệ nghiêm ngặt.

Ụ tàu của Hải Quân Công Xưởng (nhà máy Ba Son). Tàu đang được sửa chữa trong ụ tàu của nhà máy

Theo tác giả Trần Văn Giàu (Địa chí VH Tp.HCM): “Xưởng đầu tiên của Sài Gòn là một xưởng cơ khí. Ở đó, ngay từ đầu, trong những trại gỗ lá, có trại đúc, trại nguội, trại hàn, trại rèn, trại mộc, trại đánh dây, ụ nổi v.v…, dùng nhân công người Việt và người Hoa kiều, dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của một đại đội thủy binh Pháp. Xưởng này cũng đóng những tàu nhỏ đi sông (người ta nhớ rằng thời Nguyễn, vàm sông Thị Nghè đã là nơi đóng chiến thuyền của triều đình)”.

Về tên gọi “Ba Son”, tác giả Vương Hồng Sến giải thích:

“Ngang Thủ Thiêm bên này bờ sông là cơ xưởng Thủy quân, trước kia quen gọi với danh từ “Ba Son”. Nguồn gốc hai chữ “Ba Son” cũng ở trong vòng định chứng. Một thuyết cho rằng “Ba Son” do danh từ Pháp “Mare aux poissons” gọi tắt lại. Trước kia, giữa Arsenal (có từ năm 1864, là nhà của viên giám đốc sở Ba Son, góc đường Cường Để – Nguyễn Du. Dinh này xây từ năm 1877) có một con kinh đào tay, nhỏ, nhưng rất nhiều cá tôm, thuở ấy người Pháp thích đi câu cá ở đây, về sau xẻo nhỏ lấp đi nhưng danh vẫn còn. Theo thuyết khác lại đổ thừa hồi xưa đã có một anh thợ nguội tên “Son” thứ ba, vô làm sở này, rồi lấy đó đặt tên, thuyết này vô căn cứ. Thuyết thứ ba cho rằng “Ba Son” do danh từ Pháp “Bassin de radoub” mà có. “Bassin” = Ba Son. Theo quyển “Promenades dans Saigon” của Hilda Arnold ghi rằng buổi đầu người Pháp đã xuất ra trên 7 triệu quan thời ấy để lấp đất và xây cái “tàu” Bassin de radoub này để có thể sửa chữa các thứ tàu chiến, tàu buôn tại đây khỏi đem về Pháp”.

Về năm khởi công xây xưởng Ba Son, có tài liệu cho rằng “bến sửa tàu được xây bằng xi măng cốt sắt từ năm 1858, và bến tàu nổi được hạ thủy vào tháng giêng năm 1866”. Thái Văn Kiểm, trong một bài viết đăng trên BSEL, 1960 (T.XXXV, số 4) cho rằng xưởng Ba Son khởi công năm 1858.

Khi người Pháp mới chiếm được Sài Gòn và các tỉnh Nam Kỳ, để đáp ứng nhu cầu sửa chữa tàu bè, một ụ thuyền nổi đã được sản xuất từ Âu châu và mang qua Sài Gòn (undated wood engraving).

Đầu thập niên 1860, người Pháp đã có xưởng sửa chữa tàu thuyền tại l’Arsénal (Navy Yard) của hải quân Pháp tại Sài Gòn, tức là nhà máy Ba Son ngày nay. Tuy nhiên, trong thời kỳ đầu, cơ sở này không đáp ứng đủ yêu cầu, nên người Pháp đã quyết định thiết lập một cảng nổi (dock flottant) trên sông Sài Gòn để sửa chữa các tàu bè lớn cập cảng Sài Gòn. Cảng nổi này do Công ty Randolph ở Glasgow (Scotland) thực hiện, các bộ phận rời được sản xuất ở Glassgow và tháng 5-1863 được chở bằng 3 chiếc tàu qua Sài Gòn để lắp dựng (từ tháng 1/1864 đến tháng 5/1866).

Về mặt kỹ thuật, cảng nổi Sài Gòn có kích thước như sau:

– Chiều dài: 91,44 m
– Chiều rộng phủ ngoài: 28,65m
– Chiều rộng bên trong:
+ phía trên: 21,33m
+ phía dưới 13,71m
– Chiều cao: 12,8m

Chiều dài cảng nổi đủ để tiếp nhận sửa chữa các tàu lớn nhất cập cảng Sài Gòn vào thời gian này.

Ụ nổi để sửa chữa tàu thuyền.

Một số tài liệu ghi chép lại rằng  “Ngày 28.4.1863, Chính phủ Pháp quyết định thành lập Thủy xưởng (arsénal) Ba Son (ngày nay là Xí nghiệp Liên hợp Ba Son) để phục vụ nhu cầu sửa chữa tàu quân sự và dân sự ngày càng lớn của Pháp tại vùng Biển Đông. Trước đó, vào năm 1861, do khảo sát địa chất không đảm bảo để xây ụ tàu chìm lớn cố định ở vị trí đường Tôn Đức Thắng và Thảo Cầm Viên ngày nay, người Pháp phải làm tạm một ụ tàu nhỏ bằng ụ đất lắp ván gỗ dài 65m chỉ để sửa chữa loại tàu nhỏ.

Công trường thi công ụ tàu Ba Son

Đến tháng 10.1863, người Pháp đem về lắp ráp tại Thủy xưởng Ba Son (mới thành lập trước đó sáu tháng) chiếc đốc nổi (dock flotant) mua của Anh giá 2,2 triệu franc. 21 năm sau đó, do chiếc đốc nổi ở vị trí ụ tàu nhỏ đưa vào hoạt động từ năm 1863 hết hạn sử dụng và cũng do nhu cầu phát triển ngày càng lớn của Thủy xưởng Ba Son, hai kỹ sư Devernière và Phauvein đã được giao nhiệm vụ chỉ huy xây dựng ụ tàu chìm lớn để làm cơ sở sửa chữa tàu cho các hạm đội Pháp ở Viễn Đông.

Cổng chính của Công xưởng Hải quân

Ụ tàu này được khởi công từ giữa năm 1884 và đưa vào sử dụng tháng 12.1888. Đây chính là ụ tàu duy nhất của Ba Son còn lại đến nay, gần như nguyên vẹn sau 131 năm xây dựng. Ụ tàu móng lót đá, thành ụ lát đá ong Biên Hòa, ximăng, sắt thép mang từ Pháp sang. Kinh phí xây dựng ụ tàu này (dài 156m, rộng 21m, sâu 10m) lên tới hơn 7,8 triệu franc. Ngày nay, đến quan sát ụ tàu này, khách tham quan dễ dàng hình dung được phương thức vận hành tàu vào ra trước và sau khi sửa chữa. Đó là nhờ sự tồn tại nguyên vẹn hệ thống bốn bồn cát lớn, hệ thống điện, trạm điện, đường điện; đặc biệt là hệ thống trục bít gồm 34 cái đúc bằng thép cứng (dạng khối tròn, dạng khối rỗng và dạng thuôn tròn) dùng để vận hành cửa ụ, neo tàu và hỗ trợ tàu vào ra.

Hạ thủy một khu trục hạm chế tạo tại Hải quân công xưởng tại Saigon.

Ụ tàu là cơ xưởng đầu tiên và lớn nhất của Thủy xưởng Ba Son ra đời từ 152 năm trước, là địa điểm lịch sử lâu đời bậc nhất của Ba Son chỉ cách 40m với Xưởng cơ khí (di tích quốc gia đã được xếp hạng), có vị trí nam giáp sông Sài Gòn, đông giáp Xưởng cơ khí, tây giáp Trạm xưởng Ụ đốc (cũng là một bộ phận của Ba Son có trên 100 năm).

Ụ tàu tại xưởng Thủy quân (Ba Son)

cách Ba Son chỉ hơn 1km chính là vùng đất xưa kia tồn tại Thành Gia Định, bị triệt hạ năm 1835 dưới thời Minh Mạng, với bốn mặt ứng với các con đường ngày nay: đông là Đinh Tiên Hoàng, tây là Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nam là Lê Thánh Tôn, bắc là Nguyễn Đình Chiểu. Với từng ấy đặc điểm quí về niên hạng, chất liệu, kiểu dáng và lịch sử, Ụ tàu xứng đáng được bảo tồn nguyên vẹn theo qui định của Luật Di sản Văn hóa bổ sung năm 2009.

Ngược thời gian về những năm 60, xưởng Ba Son thường xuyên tiếp nhận sửa chữa các loại tàu quân sự và thương mại. Năm 1896, xưởng Ba Son cùng hệ thống tàu biển của Pháp do một đại tá hải quân phụ trách.

Ụ tàu nhỏ trong khu Ba Son

Khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, theo Niên giám Nam Kỳ 1910, “Arsenal (Ba Son) là một cơ sở quan trọng nhất của thuộc địa Nam Kỳ. Với trang bị hoàn chỉnh, hiện đại, Arsenal Sài Gòn có thể chế tạo những công trình hàng hải hoàn chỉnh cũng như những hạng mục sửa chữa tinh tế nhất. Arsenal Sài Gòn có thể chế tạo tất cả các bộ phận của tàu phóng lôi loại 1 với giá tiền thấp hơn và trong thời gian ngắn hơn, so với các xưởng chế tạo ở chính quốc. Xưởng có 2.000 thợ An Nam và người Hoa, dưới sự giám sát của một đốc công người Pháp. Mặt bằng Arsenal khoảng 22 héc-ta, chu vi 2km, đường kính (ở nơi dài nhất) là 850m.

Ụ tàu trong khu Ba Son

“Một bộ phận quan trọng của Arsenal là bể sửa tàu (bassin de radoub) đáp ứng tốt những yêu cầu sửa chữa hiện đại nhất. Chi phí xây dựng bể sửa tàu lên đến 7 triệu francs, bắt đầu thi công từ năm 1884, khánh thành năm 1888. Bể này sâu 9m50, dài 160m (dài hơn Arsenal ở cảng Toulon 12m).

Ngoài bể lớn nói trên, Arsenal còn có một bể khác với kính thước nhỏ hơn, dành cho các pháo hạm (canonnières), các tàu phóng lôi và các tàu có trọn tải nhỏ”.

Đến năm 1930, theo tác giả Martini, “những tàu buôn qua lại cảng Sài Gòn đều có thể sửa chữa tại Arsenal Sài Gòn hoặc ở một số cơ sở kỹ nghệ khác ngay trong thành phố Sài Gòn. Lúc này, Arsenal Sài Gòn đã có 2 bể sửa tàu, một bể dài 155m và một bể dài 70m. Xưởng nổi (ụ nổi) cũng được nâng cấp, tàu 350 tấn có thể vào bể sửa chữa”.

Lễ hạ thủy tàu Albert Sarraut (dài 85m) tại Ba Son.

Theo tác giả cuốn Tableau de la Cochinchine, xưởng Ba Son còn có thể đúc súng đại bác. Theo Trần Văn Giàu, “trong chiến tranh thế giới nhứ nhất, Ba Son đóng được tàu 4.200 tấn, chữa được tàu dài 95m”. Nhưng theo tư liệu của Nguyễn Hồng Cúc “Ngày 23-3-1922, xưởng Ba Son đã cho hạ thủy tàu “Albert Sarraut”, dài 85m, rộng 12m, cao 12m, độ mớm nước 5m9, trọng tải 3.100 tấn, sức máy 1.100 mã lực. Đây là chiếc tàu biển lớn nhất và trang bị hiện đại đầu tiên được đóng ở Đông Dương”.

Hạ thuỷ tàu Albert Sarraut tại xưởng Ba Son

Trong một bài viết nhan đề “L’Arsenal de Saigon, Eétablissement industriel”, tác giả M.S viết: Arsenal thành lập năm 1884 dài 150m với đủ các phân xưởng nhưng chưa đủ điều kiện để sửa chữa các tàu lớn. Người Pháp thành lập Arsenal Sài Gòn không chỉ nhằm mục đích sửa chữa các tàu qua lại mà cón có thể chế tạo tàu biển. Arsenal trực thuộc Hải quân, có 2.500 thợ, trong đó có 60 người Âu, Xưởng có trường học nghề (gồm các ngành điện, nguội, mộc, đúc…). Ngoài việc sửa chữa và đóng tàu, Arsenal Sài Gòn còn nhận sửa chữa máy móc cho các nhà máy (như nhà máy đường Hiệp Hòa), cho nhà ga Sài Gòn v.v…

Từ đầu thế kỷ XX, ở Chợ Lớn cũng có một bể sửa tàu nhỏ, mang tên “de Lanessan”, đồng thời một cơ sở đóng ghe thuyền (Niên giám Nam Kỳ, 1910).

Bài viết “Ba Son xưa và nay” của tác giả Phạm Đức Luật có đoạn nhắc lại lịch sử Ba Son hồi nửa cuối thế kỷ XIX: “Ba Son từ những thế kỷ xa xưa, nơi đây là vùng sình lầy nước đọng, các vua chúa đã dùng lam nơi trú đậu, sửa chữa tàu chiến và thương thuyền (…). Sau khi chiếm được Sài Gòn – Gia Định, năm 1861 Pháp đã tạo ra các ụ đầu tiên tại thủy trại có từ thời Gia Long, tức là ở mảnh đất Ba Son bây giờ. Xét thấy nơi đây là một trong những căn cứ hậu cần quan trọng cho Hải quân Pháp ở Viễn Đông và Thái Bình Dương, ngày 28-4-1863, Pháp đã chính thức thông qua dự án xây dựng thủy xưởng Ba Son tại Sài Gòn trực thuộc Bộ Hải quân Pháp. Hàng loạt các phương án được vạch ra, nhưng vì nhiều lý do nên chỉ thực hiện được một phần. Năm 1884, Pháp cho đào và xây ụ lớn bằng đá, chi phí gần 8 vạn quan”

Viết một bình luận