“Tuổi mười ba” – Ngô Thụy Miên mang cái hồn của mình vào dòng thơ cao sang của thi sĩ Nguyên Sa

Đối với những người yêu thơ của Nguyên Sa chắc hẳn sẽ không quên nhắc đến cái tên Ngô Thụy Miên – Một nhạc sĩ chuyên phổ thơ của nhà thơ Nguyên Sa đạt đến đỉnh điểm của tâm hồn trong từng ý thơ. Nếu không có Phạm Duy, thơ của Nguyễn Tất Nhiên và Linh Phương sẽ không đạt đến ngưỡng cửa của tâm hồn. Hay bài hát “Màu tím hoa sim” của thi sĩ Hữu Loan, ca khúc “Trăng vàng trăng ngọc” của Hàn Mặc Tử nếu không có Dzũng Chinh và Trần Thiện Thanh vừa lấy ý thơ vừa lấy cả cuộc đời của mình đặt vào từng câu hát, thì liệu những người không yêu thơ, không đam mê về thơ văn, có hiểu hết được ý thơ, có cảm nhận được cái hay trong tuyệt tác của những thi sĩ này? Và chính thơ của Nguyên Sa và nhạc sĩ Ngô Thụy Miên cũng vậy, đây là sự cộng tác để làm nên điều kỳ tích.

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên (bên trái) và Thi sĩ Nguyên Sa

Thơ của Nguyên Sa hay như vậy, tại sao lại phải cần đến Ngô Thụy Miên mới có thể tiếp cận với rộng rãi công chúng, mới có tiếng vang xa như vậy. Chắc bởi lẽ chất thơ của Nguyên Sa quá cao sang, quá văn vẻ, nó như được sáng tác nên chỉ dành cho những người tri thức, những sinh viên, học sinh học cao hiểu rộng, chứ không dành cho tầng lớp yêu thơ bình dân. Nhiều lần thơ của nhà thơ Nguyên Sa bị chỉ trích, bị lên án do nó không đi vào tâm hồn của người nghe thơ, họ không cảm được ý thơ. Nhưng kể từ khi có nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, những nhạc phẩm được phổ từ thơ của Nguyên Sa dần có hồn hơn, dần trở nên phổ biến trong đại đa số người nghe hơn. Bởi sự dễ nghe, ca từ mộc mạc hơn, cùng với giai điệu nhẹ nhàng và sâu lắng hơn.

Với nhạc sĩ Ngô Thụy Miên thì thơ của nhà thơ Nguyên Sa luôn có một chỗ đứng vô cùng đặc biệt trong lòng của ông, từ nhỏ đến lớn, thơ Nguyên Sa vẫn cứ luôn quanh quẩn trong tâm trí của nhạc sĩ. Có thể nói, nhạc của Ngô Thụy Miên và thơ của Nguyên Sa đã đồng hành cùng nhau với gần nửa thế kỷ qua và được rất nhiều khán thính giả yêu thích, mến mộ với nhiều bài ca bất hủ với thời gian: “Áo lụa Hà Đông”, “Paris có gì lạ không em”, “Tháng Sáu trời mưa” và đặc biệt là bài hát tươi trẻ “TUỔI MƯỜI BA

https://www.youtube.com/watch?v=8UpmXH8J44s

“Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng

Mưa tôi trả về bong bóng vỡ đầy tay

Trời nắng ngạt ngào tôi ở lại đây

Như một buổi hiên nhà nàng dịu mát….”

Thời tiết làm sao có thể ngăn cản được những tình yêu của lứa tuổi học trò, dù trời hôm nay nắng hay mưa thì đều chứa chan rất nhiều hoài bão, nhiều kỷ niệm nhớ nhung và mang đầy màu sắc yêu thương.

Mưa tôi trả về”, mưa ở ngoài trời hay mưa ở trong tim tôi, giọt mưa cho những kỷ niệm không thể quay trở lại, mưa cho bong bóng vỡ đầy tay, nghe xót xa lắm đúng không? Nghe buồn bã lắm đúng không? Vậy nếu mưa không về thì bầu trời có chăng ngọt ngào và đầy nắng, thế thì tác giả sẽ được ở một buổi dưới “hiên nhà nàng dịu mát…”. Được ở lại với thời gian ngọt ngào và êm dịu, nhưng có thật chăng hay chỉ là trong tâm trí, trong sự hoài niệm về một thời đã qua.

https://www.youtube.com/watch?v=E1rDRsOLUos

“…Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám

Tuổi của nàng tôi chỉ nhớ tuổi mười ba

Tôi phải van lơn ngoan nhé! Đừng ngờ

Tôi phải van lơn ngoan nhé! Đừng ngờ….”

“TUỔI MƯỜI BA” mang đến cho chúng ta về cái nhìn tươi sáng, hồn nhiên trong tình yêu tuổi học trò. Cái lứa tuổi vừa chớm dậy thì đã đi từ từ vào văn học của nhà văn, đây là cái tuổi mộng mơ, mong chờ những điều ngọt ngào. Tình yêu dành cho lứa tuổi này chính là thứ tình cảm ngây thơ trong trẻo, ngoan ngoãn, tinh khôi tuổi học trò như tờ giấy trắng, e dè nhưng tha thiết, ngây ngô nhưng ngọt ngào.

Sự lặp đi lặp lại đến hai lần của câu hát “Tôi phải van lơn ngoan nhé! Đừng ngờ…” cứ như một lời trấn an cô người tình bé nhỏ của tác giả Ngô Thụy Miên. Nhỏ nhẹ, thủ thỉ cứ như sợ cô người tình sẽ khóc một trận thật to làm cho lòng tác giả rối bời, nhưng cũng như sợ cô người yêu giận dỗi lại làm đau lòng chàng thi sĩ.

“…Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc

Áo nàng xanh anh mến lá sân trường

Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương

Anh thay mực cho vừa mầu áo tím….”

Ai đã một thời tuổi học trò viết thư tình nhưng không dám trao tận tay người thương, chỉ biết viết những câu từ thật nắn nót, viết cho thật đẹp và bỏ vào nơi hộc bàn, nhưng nhiêu đó còn lo sợ nàng hiểu lầm tấm chân tình, sợ nàng bảo không đủ thành ý. Người ta có câu rất hay: “Yêu ai yêu cả đường đi lối về” và câu này đồng nghĩa với câu “Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc – Áo nàng xanh anh mến lá sân trường…” – Tình học trò là thế đấy, không cần phải hy sinh cho nhau, hay chịu đựng đớn đau vì nhau, mà chỉ cần đơn giản như việc yêu thích theo sở thích của nàng là đủ rồi.

“Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương – Anh thay mực cho vừa mầu áo tím” – Từ “thay mực” trong câu hát này, mọi người hiểu theo nghĩa thế nào? Theo tôi, điều đó đang nói đến sự pha màu nỗi lòng, pha màu trái tim của tác giả cho cùng màu với màu áo tím của nàng. Chỉ trong một câu hát mà chứa đựng biết bao nhiêu màu sắc, màu vàng, màu xanh và có cả màu tình yêu của người đang tương tư, gom hết những lưu luyến không nguôi của những cô cậu học trò trong thời trẻ dại. 

“…Rồi trách móc trời không gần cho tay với

Và cả nàng hư quá sao mà kiêu…?

Nên đến trăm lần nhất định mình chưa yêu

Nên đến trăm lần nhất định mình chưa yêu…”

Yêu rất nhiều, mơ mộng cũng rất nhiều nhưng mối tình đầu đều trắc trở, thì nói chi đây chỉ là một mối tình mơ mộng không đi về đâu. Hai người còn quá nhỏ, quá trẻ để tính đến chuyện mai sau, nhưng khi xa nhau rồi thì lại oán trách trời cao “Trách móc trời không gần cho tay với…”, vì trời xanh mà tình đẹp của cả hai bị chia cắt, phải xa rời nhau. Trách trời cao, sau đó lại trách nàng: “hư quá sao mà kiêu..”. Nói thì nói vậy, trách thì cũng chỉ là “trách yêu”, nói vài câu đùa cho vơi đi cơn tủi, chứ làm sao mà oán mà hờn. Giận dỗi làm chi khi biết chính xác mối tình này còn quá ngây thơ, còn quá trong sáng – Nàng chỉ mới ở tuổi mười ba!

Phía trên là sự lặp lại thủ thỉ như an ủi, như trấn an, còn đối với sự lặp lại của 2 câu hát cuối này lại như một câu hỏi, câu hỏi dành riêng cho chính bản thân của tác giả – “Nên đến trăm lần nhất định mình chưa yêu…”. Là do tác giả không yêu nàng hay là nàng quá bé nhỏ, nàng kiêu căng mà tác giả không thể yêu?

Ca khúc “TUỔI MƯỜI BA” được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên sáng tác và chính thức giới thiệu với công chúng vào năm 1974 và nằm trong tuyển tập băng nhạc đầu tiên của chàng nhạc sĩ trẻ tuổi năm ấy. Và cũng chính năm đó, bộ sản phẩm băng đĩa này đã tạo nên một làn sóng trong giới khán giả yêu nhạc tình ca Sài Gòn.

Ca sĩ đầu tiên trình diễn ca khúc “TUỔI MƯỜI BA” chính là danh ca Thái Thanh – Một ca sĩ rất được yêu thích và nổi tiếng lúc ấy. Không chỉ Ngô Thụy Miên truyền được cái hồn vào bài hát, mà ca sĩ Thái Thanh cũng dùng chính giọng ca của mình để mang bài hát đến với người yêu nhạc sự trẻ trung nhất, sự nhí nhảnh nhất theo đúng phong cách của Tuổi mười ba.

Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng
Mưa tôi trả về bong bóng vỡ đầy tay
Trời nắng ngạt ngào tôi ở lại đây
Như một buổi hiên nhà nàng dịu mát.

Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba
Tôi phải van lơn ngoan nhé! đừng ngờ
Tôi phải van lơn ngoan nhé! đừng ngờ.

Áo nàng vàng Anh về yêu hoa Cúc
Áo nàng xanh Anh mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Anh thay mực cho vừa mầu áo tím.

Rồi trách móc trời không gần cho tay với
Và cả nàng hư quá sao mà kiêu …??
Nên đến trăm lần nhất định mình chưa yêu
Nên đến trăm lần nhất định mình chưa yêu

Viết một bình luận