Tứ nguyệt tam vương – Một trong những thời kỳ tối tăm nhất của triều đại nhà Nguyễn

Giải thích cho những ai chưa biết “tứ nguyệt tam vương” là gì, đây là một trong những sự kiện phức tạp nhất trong lịch sử triều đình nhà Nguyễn, tức là trong vòng bốn tháng mà có đến tận ba vị vua liên tiếp lên ngôi. Lúc còn bé, vua Tự Đức bị bệnh đậu mùa nên không thể có con. Ông có tới hơn 300 người vợ, phi tần nhưng vì không có con được mà trong triều đình thì lại cần phải có người nối dõi nên ông đã nhận ba người con trai của hai người em mình làm con nuôi. Trong ba người con nuôi, người làm ông vừa lòng nhất là Ưng Đăng. Nhưng vì, thứ nhất Ưng Đăng lúc ấy tuổi còn nhỏ, thứ hai Ưng Chân là người con lớn nhất nên ông buộc phải truyền ngôi lại cho vị trưởng tử này. Giai đoạn bi kịch của lịch sử bắt đầu từ lúc vua Tự Đức qua đời, trong những câu di chiếu của ông đã thể hiện rõ thái độ không ưng ý đối với tính tình của Ưng Chân, ông viết “Ưng Chân lớn tuổi nhất, từ lâu đã đến tuổi trưởng thành, tuy nhiên mắt hơi có tật, dù xưa nay vẫn giấu kín, sợ sau này không còn thấy sáng, tính lại hiếu dâm, vì tâm tính rất xấu, không chắc đảm đương nổi việc lớn. Nhưng đất nước cần có vua lớn tuổi. Trong thời thế khó khăn này không dùng Ưng Chân thì dùng ai ?…” 

Lúc bấy giờ, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường và Trần Tiễn Thành là những quan Phụ chính, giữ vai trò rất quan trọng trong triều đình đã dâng sớ lên nhà vua xin bỏ đi mấy đoạn viết về tính tình không tốt của Ưng Chân nhưng vua Tự Đức kiên quyết bảo rằng “Phải giữ lại câu đó để nhắc người kế vị phải tự răn mình, tu tỉnh”. Từ đó triều đình nhà Nguyễn bắt đầu bước vào thời kỳ tăm tối nhất với sự kiện “tứ nguyệt tam vương”.

Vua Dục Đức (3 ngày)

Dương lịch ngày 17 tháng 7 năm 1883, vua Tự Đức qua đời tại điện Càn Thành. Theo như di chiếu mà ông để lại, người con lớn Ưng Chân vào chịu tang và được coi như là người kế vị ngôi vua, lấy niên hiệu là Dục Đức. Ông sinh năm 1852 và mất năm 1883, tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Ái, sau này được vua Tự Đức đổi thành Nguyễn Phúc Ưng Chân, là vị hoàng đế thứ năm của triều đình nhà Nguyễn. Ông là con thứ hai của Thoại Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Y và bà Trần Thị Nga. Vào năm 1869, lúc ông 17 tuổi, được bác ruột là vua Tự Đức chọn làm một trong ba người con nuôi và đặt cho cái tên Ưng Chân giao cho Hoàng quý phi Vũ Thị Duyên nuôi dưỡng, dạy dỗ. 

Khi biết được trong di chiếu của vua Tự Đức có đoạn nói không tốt về mình, không muốn để cho mọi người nghe được nên Dục Đức gọi ba viên Phụ chính vào bàn bạc để xóa đi phần di chiếu đó, Trần Tiễn Thành gật đầu đồng ý, hai viên còn lại cũng giả vờ bằng lòng. Đến ngày làm lễ đăng quang của vua Dục Đức tại điện Thái Hòa, quan Phụ chính Trần Tiễn Thành là người đứng ra đọc di chiếu. Khi đọc tới đoạn nói về những tật xấu của Dục Đức, ông hạ giọng đọc xuống rất thấp và lướt qua nhanh, không ai có thể nghe được. Lúc ấy Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường thấy có điều không đúng liền xen vào chất vấn, sau đó cử Tham tri Nguyễn Trọng Hợp đọc lại di chiếu, rồi kết tội Ưng Chân. Họ dâng biểu hạch tội lên cho Thái hoàng Thái hậu Từ Dụ, chung quy Ưng Chân phạm phải những tội sau: muốn sửa di chiếu, có đại tang mà mặc áo màu, hư hỏng chơi bời.

Sau khi nhận được sự đồng ý của Thái hoàng Thái hậu, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết tuyên bố phế truất ngôi vua của Dục Đức. Cả triều đình không ai dám lên tiếng, chỉ có quan ngự sử Phan Đình Phùng đứng ra phản đối, liền bị Tôn Thất Thuyết bắt giam vào ngục rồi cách chức đuổi về quê. Còn về phần Dục Đức, ông bị giam giữ tại Dục Đức Đường (nhà học bỗng biến thành nhà giam của ông), về sau ông bị đưa đến giam ở Thái y viện và cuối cùng là Ngục thất Thừa Thiên trong kinh thành Huế. Ông bị giam trong một phòng kín và bị bỏ đói còn không cho uống nước, sống trong cảnh ngộ cùng cực này, vua Dục Đức cầm cự không đến một tháng thì qua đời. Tóm lại, Dục Đức được ngồi trên ngai vàng chỉ vỏn vẹn có 3 ngày. Khi mất, thi hài của ông được hai người lính gói gọn trong tấm chiếu rách mang đi chôn cất. Nhưng không may khi đi đến đầu làng An Cựu, ngoại thành Huế, chiếc “quan tài” bằng chiếu này bị đứt dây rơi xuống bên khe nước cạn. Nhiều người quan niệm rằng đây là nơi yên nghỉ do Dục Đức tự chọn, được người ta chôn cất qua loa cho xong chuyện. Nấm mộ nằm bên cạnh khe nước cạn, lâu ngày không có ai chăm sóc nên cũng nhanh chóng lụi tàn. Về sau, con trai của ông là vua Thành Thái lên ngôi đã cho lần theo dấu vết và lời kể lại để tìm mộ cha mình và truy tôn ông làm Cung Tôn Huệ Hoàng đế.

Hiệp Hòa (4 tháng 10 ngày)

Vua Hiệp Hòa (1847 – 1883), tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Dật, sau đổi thành Nguyễn Phúc Thăng, là vị vua thứ sáu của triều đình nhà Nguyễn. Ông là người con thứ 29 và cũng là con trai út của vua Thiệu Trị, mẹ là Tam giai Thụy tần Trương Thị Thận. Năm 1883, lúc vua Tự Đức qua đời, theo di chiếu, trưởng tử Nguyễn Phúc Ưng Chân tức là vua Dục Đức, một trong ba người con nuôi lên kế vị ngôi vua. Nhưng chỉ làm vua được ba ngày, chưa kịp đặt niên hiệu, Dục Đức đã bị hai đại thần Phụ chính trong triều là Tôn Thất Thuyết cùng Nguyễn Văn Tường phế truất, bắt giam vào ngục và bỏ đói cho đến chết. Năm 1865, Hồng Dật được phong làm Văn Lãng Công, sau đó năm 1879 tiếp tục được phong là Lãng Quốc Công. Khi vua Dục Đức bị phế truất, đất nước không thể thiếu người đứng đầu nên được sự đồng ý của Hoàng Thái hậu Từ Dụ, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường cử một phái đoàn ra Kim Long rước Lãng Quốc Công vào Đại Nội chuẩn bị làm lễ đăng quang. Theo Phạm Khắc Hòe (1902-1995), nguyên là Ngự tiền Văn phòng Đổng lý của Bảo Đại, khi đình thần ra đó rước, Hồng Dật khóc Tôi là con út của tiên đế, tư chất tầm thường, không dám nhận ngôi vua”, lúc ấy dù năn nỉ đến mức nào thì Hồng Dật cũng không chịu đi, cuối cùng phải đành dùng đến vũ lực mới đưa được Lãng Quốc Công vào Tử Cấm Thành. Hai ngày sau, Hồng Dật lên ngôi hoàng đế vào lấy niên hiệu là Hiệp Hòa.

Vua Hiệp Hòa lên ngôi lúc 36 tuổi, khi đó ông đủ trưởng thành để có thể nhận thấy được sự chuyên quyền của các quan Phụ chính đại thần. Ông không cam tâm làm bù nhìn trong tay họ và đang chờ đợi một cơ hội thuận lợi để tìm cách thoát khỏi sự ảnh hưởng này. Đến năm 1883, vua Hiệp Hòa buộc phải ký Hiệp ước Harmand với Pháp sau khi Pháp chiếm Thuận An. Nhân cơ hội này Hiệp Hòa muốn tìm kiếm được sự giúp đỡ từ Pháp để loại bỏ các quan Phụ chính trong triều. Hiệp Hòa bàn bạc cùng với hai người mình tin tưởng nhất là Hồng Sâm, con trai Tuy Lý Vương và Hồng Phì, con trai của Tùng Thiện Vương, ông giao cho Tuy Lý Vương sang cầu viện với Pháp để mong nhận được sự hỗ trợ. Trong Hiệp ước đã ký, mặc dù Pháp đưa ra nhiều điều khoản quá đáng như nước Nam phải chấp nhận sự bảo hộ của Pháp và Pháp có quyền kiểm soát quan hệ của nước Nam với các quốc gia khác cùng nhiều điều khoản nặng nề khác nữa. Nhưng vua Hiệp Hòa vẫn đồng ý ký, việc này làm cho uy tín của ông trong triều đình cũng như lòng tin của người dân dành cho ông cũng không được như trước nữa. Trong triều đình, Tôn Thất Thuyết cũng bắt đầu ra mặt chống đối vua và khi biết được mưu tính muốn tìm sự hỗ trợ của Pháp để loại bỏ các quan Phụ chính đại thần trong triều của vua Hiệp Hòa, Tôn Thất Thuyết đã lên kế hoạch xuống tay trước.

Theo như Việt sử tân biên có viết rằng: “Vua Hiệp Hòa thấy ông Tường và ông Thuyết có lập trường chính trị trái ngược mình, liền viết một bức thư giao cho Hồng Sâm, vừa là Bí thư vừa là anh em thúc bá của mình, để mang qua tòa Khâm để nhờ tay Pháp hạ hai quan Phụ chính trên. Việc lén lút này, bị Nội giám Đạt biết được, mách với ông Tường. Và ông Tường bắt được lá thư nằm trong chiếc hộp sơn, có đóng dấu của nhà vua. Ngay trưa hôm ấy (29 tháng năm 1883), sau khi truyền đóng hết tất cả các cửa Hoàng thành lại, triều thần nhóm họp bất thường hạch tội vua Hiệp Hòa. Nhà vua bị buộc ba tội:

-Thâm lạm công nhu.

-Không chịu nghe lời khuyến cáo của các quan phụ chính.

-Tư thông với đại diện của Pháp.

Vua Hiệp Hòa không cãi được, triều đình buộc ông phải thoái vị…”.

Võ tướng Ông Ích Khiêm, được cử làm người thi hành án, ông đưa cho Hiệp Hòa một thanh gươm, một khúc vải lụa và một chén thuốc độc, yêu cầu vua tự chọn cái chết cho mình. Do dự một lúc, vua Hiệp Hòa chọn chén thuốc độc, vào khoảng bốn giờ sau ông trút hơi thở cuối cùng tại tư thất. Đến sáng ngày hôm sau, hoàng thân của ông là Hồng Sâm cũng bị xử chém vì tội đồng lõa bán nước. Thấy vậy, sợ quá nên Tuy Lý Vương đã dẫn vợ con chạy ra cửa Thuận An nơi ở của một chỉ huy tàu Pháp xin nương tựa, nhưng rồi cũng bị bắt đày vào Quảng Ngãi. 

Hiệp Hòa qua đời vào ngày 29 tháng 11 năm 1883, chỉ được ngồi trên ngôi vua 4 tháng, ông mất vào lúc 36 tuổi, được giao cho phủ Tôn nhân chôn cất theo nghi thức Quốc công, nhưng vì bị phế truất nên ông không được thờ trong Thế Miếu.

Kiến Phúc (8 tháng)

Nguyễn Giản Tông (1869 – 1884), tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Đăng, là vị vua thứ bảy của triều đình nhà Nguyễn. Vào lúc chỉ mới hai tuổi, ông được vua Tự Đức nhận làm con nuôi và giao cho bà Học phi Nguyễn Thị Hương nuôi dạy. Tuy tuổi còn nhỏ nhưng lại sớm hiểu biết, tính tình ngoan ngoãn, chịu khó học hỏi nên Ưng Đăng rất được nhà vua yêu thương. Vua Tự Đức để bà Nguyễn Thị Bích dạy các kinh điển, phép tắc, còn sai thêm các quan thần đem tấu chương đến cắt nghĩa để Ưng Đăng làm quen dần với chính sự. Vốn có ý định để người con này lên nối ngôi nhưng vì lúc đó cậu bé còn quá nhỏ nên vua Tự Đức đành phải để người con trai cả là Ưng Chân lên kế vị, mặc dù người con này tính tình không tốt, tật xấu thì đếm không xuể. Tuy nhiên, Ưng Chân (tức vua Dục Đức) chỉ ngồi trên ngôi vỏn vẹn ba ngày đã bị các quan Phụ chính trong triều phế truất. Lúc ấy, Ưng Đăng đã chuyển ra sống ngay tại Khiêm Lăng, nơi chôn cất của vua Tự Đức. Sau vua Dục Đức là Hồng Dật (vua Hiệp Hòa), em trai của vua Tự Đức lên ngôi. Đến ngày 29 tháng 11 năm 1883, vua Hiệp Hòa bị kết tội mưu giết các quan Phụ chính trong triều nhưng bất thành sau đó qua đời vì bị xử tử. Lúc bấy giờ, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường mở cuộc họp các quan đại thần, muốn để Ưng Đăng lên nối ngôi vua. Mặc dù đã hết lời từ chối nhưng đến cuối cùng ông vẫn phải ngồi lên ngai vàng.

Ngày 2 tháng 12 năm 1883, Ưng Đăng lên ngôi và lấy niên hiệu là Kiến Phúc hay còn được gọi là Kiến Phúc Đế, khi ấy lên ngôi ông chỉ mới 14 – 15 tuổi. Mang danh là vua của một nước nhưng thực chất Kiến Phúc chỉ là một vị vua bù nhìn, mọi việc trong triều đều do hai Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường định đoạt. Thế nhưng, mới chỉ làm vua được tám tháng, Kiến Phúc đã qua đời vào ngày 31 tháng 7 năm 1884. Cái chết của ông đến nay vẫn là một nghi vấn chưa có câu trả lời. Theo như nhiều người cho rằng cái chết của ông là do Nguyễn Văn Tường đầu độc với nguyên nhân là khi vua Kiến Phúc còn nhỏ bị bệnh đã được bà Học phi luôn ở bên cạnh chăm sóc. Nguyễn Văn Tường nhiều lần lấy cớ đến thăm đã tằng tịu với bà phi và bị Kiến Phúc phát hiện ra, khi ấy tuổi còn nhỏ nên ông đã nói rằng sau này lớn lên sẽ trừng trị bọn họ. Vì sợ để lâu mang họa nên Nguyễn Văn Tường đã có âm mưu bỏ thuốc độc vào chén của vua. Nhưng dù sao thì đây cũng chỉ là một sự suy đoán mà thôi nên không thể hoàn toàn tin tưởng vào được. Cuối cùng vẫn phải tiếc thay cho số phận của vua Kiến Phúc, tuổi còn nhỏ mà đã phải gánh trên vai trọng trách nặng nề như thế. Sau khi qua đời, vua Kiến Phúc được đưa vào thờ trong Thế Miếu và có miếu hiệu là Giản tông Nghị Hoàng đế, lăng của ông được nằm ở phía trái Khiêm Lăng, làng Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên.

Viết một bình luận