Trở về những tháng ngày cũ của thập niên 1920, ngắm nhìn Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định của một thời đã qua (Phần 1)

Hơn 50 bức ảnh quý giá về Sài Gòn xưa vào những năm của thập niên 1920 (1920 – 1929) được lưu lại đã góp phần phản ánh phần nào lộ trình phát triển của Sài Gòn một thuở: Từ cổ kính tiến dần đến hiện đại.

Dinh Gia Long, Bưu điện Trung tâm Sài Gòn, Dinh Norodom, Phòng Thương Mại…..tất cả đều là những công tình kiến trúc đặc sắc góp phần định hình nên một diện mạo kiến trúc cho Sài Gòn. Những cung đường cũ, những con đường làng trước khi được mở rộng,…những thay đổi khiến cho người xem cảm thấy ngỡ ngàng.

Không ảnh sông Sài Gòn với Rạch Bến Nghé (Kinh Tàu Hủ) và Kinh Tẻ.
Giữa bìa trái là vòng xoay Công trường Mê Linh ngày nay, với tượng Rigault de Genouilly. Gần phía trên nhìn thấy các dãy nhà của trại lính Trung đoàn 11 Bộ binh Thuộc địa (nay là khu vực trường Đại học Khoa Học Xã hội & Nhân Văn và Đại học Dược). Góc dưới bên phải là khu vực Thủ Thiêm với xưởng đóng tàu đường sông (về sau là hãng sửa chữa và đóng tàu CARIC).
Cầu Bình Lợi, Thủ Đức năm 1920 – 1929
Cầu Bình Lợi lúc ban đầu
Bến tàu trên sông Sài Gòn – Tòa nhà phía xa là Bến Nhà Rồng.
Con đường quan lộ giữa Sài Gòn và Phan Thiết. Đây chính là làng Thủ Đức, những người này đang lái xe bò để vận chuyển dừa đem bán.
Đường Cái Quan giữa Saigon và Phan Thiết, đoạn gần tới Thủ Đức
Một con kênh đào ở Thủ Đức
Con sông trên địa phận Thủ Đức, chủ yếu di chuyển bằng thuyền
Con sông trên địa phận Thủ Đức, trên sông là những chiếc thuyền chở củi của người dân.
Con thuyền nhỏ trên sông, dường như là “ngôi nhà di động” của một người dân
Những con thuyền trên sông Thủ Đức
Đại lộ Norodom, phía trước là Dinh Norodom (sau này là Dinh Độc Lập)
Đại lộ Norodom dài khoảng 2 km nối Thảo cầm viên Sài Gòn với Dinh Norodom, con đường có từ trước khi Sài Gòn bị người Pháp đánh chiếm. Năm 1950, Dinh Norodom được đổi thành Dinh Độc Lập và đường Norodom được đổi thành đường Thống Nhất. Sau năm1975, đường Thống Nhất lại được đổi thành Đường 30 tháng 4. Và mãi đến năm 1986, đường này mới lần cuối đổi tên thành đường Lê Duẩn.
Tòa nhà nằm trên đường Norodom, năm 1871 có tên là dinh Thống đốc Nam kỳ. Từ 1887 đến 1945, các Toàn quyền Đông Dương đã sử dụng dinh thự này làm nơi ở và làm việc nên dinh gọi là dinh Toàn quyền. Đến tận năm 1955, Ngô Đình Diệm mới đổi tên thành Dinh Độc Lập.
Phòng trưng bày lớn trong Dinh Toàn quyền
Lối sảnh vào tòa dinh thự
Dinh Toàn quyền – Phòng tiếp tân
Dinh Toàn quyền – Chiếc thuyền bằng gỗ sơn mài trang trí nơi đầu cầu thang chính.
Dinh Toàn quyền – Phòng làm việc chính thức
Dinh Toàn quyền – Phòng tiếp tân
Dinh Toàn quyền – Phòng ngủ
Dinh Toàn quyền – Phòng khách lớn
Dinh Toàn quyền – Một phòng khách nhỏ
Dinh Toàn quyền – Phòng ngủ
Dinh Toàn quyền – Một phòng khách
Dinh Toàn quyền – Phòng ăn
Mái nhà nghỉ nhỏ trong khuôn viên của Dinh Toàn quyền
Trụ sở Hiến Binh Thuộc địa nằm trên đường Rue De La Grandière (đường Gia Long, nay là Lý Tự Trọng), cạnh Thư viện trường Viễn Đông Bác Cổ.
Cổng trước của Dinh Toàn quyền, sau năm 1955 là Dinh Độc Lập, nằm trên đường Thống Nhất.
Tượng đồng Pigneau de Béhaine nắm tay dẫn Hoàng tử Cảnh thuộc công viên phía trước nhà thờ Đức Bà. Nằm giữa khung hình chính là Bưu điện Trung tâm Sài Gòn.
Quảng trường phía trước Nhà thờ Đức Bà giờ tan lễ
Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn – tên chính thức là Vương cung thánh đường chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, thường được gọi tắt là Nhà thờ Đức Bà.
Chợ Bến Thành – Một trong những biểu tượng không chính thức của Sài Gòn. Chợ được khởi công xây dựng từ năm 1912.
Thời kì đầu của những năm thành lập, chợ Bến Thành đã có từ trước cả khi người Pháp xâm chiếm Gia Định. Ban đầu, vị trí của chợ nằm bên bờ sông Bến Nghé, cạnh một bến sông gần thành Gia Định nên mới có tên gọi Bến Thành.
Phía trước cửa chính chợ Bến Thành, hơn 90 năm trước đây – Bên trái là dãy phố lầu đầu tiên trên đường Phạm Ngũ Lão.
Đường Rue Viénot, nay là đường Phan Bội Châu phía Cửa Đông Chợ Sài Gòn. Phía xa bên trái là Bệnh viện đa khoa trên đường Lê Lợi.
Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn trên đường Lê Lợi
Cận cảnh Bệnh viên Đa khoa Sài Gòn
Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn – Phòng khám bệnh
Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn – Phòng băng
Viện Khoa Học Đông Dương, gần đầu cầu Phan Thanh Giản. Trước năm 1975 thì đây còn là trụ sở Bộ Cải Tiến Nông Thôn.
Dinh Thượng thơ Nội vụ được người Pháp xây dựng từ năm 1864, nằm ngay góc Tự Do – Gia Long.
Phòng Canh Nông, trước năm 1975 nơi đây còn được biết đến là Cảnh Sát Cuộc Quận 1. Nằm ngay góc đường Chasseloup Laubat – Massiges, sau này được đổi tên thành Hồng Thập Tự – Mạc Đĩnh Chi (sau năm 1975 thì có tên là Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Mạc Đĩnh Chi). Tòa nhà này ngay nay đã bị tháo dỡ và xây dựng cao ốc văn phòng Somerset Building – Khu phức hợp Văn phòng & Bán lẻ & Căn hộ dịch vụ Somerset Chancellor Court.
Phố người Hoa, nay là đường Hồ Tùng Mậu. Trước năm 1975 là đường Võ Di Nguy, thời Pháp là đường Rue d’Adran. Với những ki – ốt mái ngói trên vỉa hè vẫn còn thấy trong những bức hình trước năm 1975.
Đường Rue Rousseau – Nay là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm – Bên phải là Thảo Cầm Viên. Tòa nhà trong hình là dãy nhà cánh trái của trường Sư Phạm (École Normale d’Instituteurs ), sau này là trường Nữ Trung học Trưng Vương.
Trường đua Phú Thọ, trước kia, đây là trường đua ngựa duy nhất của Sài Gòn và Việt Nam. Từ ngày 31/5/2011, trường đua đã bị đóng cửa.
Lăng Cha Cả là ngôi mộ của Giám mục Bá Đa Lộc, thuộc khu vực Gia Định xưa, đến năm 1980, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra lệnh giải tỏa lăng mộ.
Đường Đốc Phủ Thoại, nay là đường Vũ Chí Hiếu – Đường nằm ngang phía xa là Bến Vạn Tượng và Bến Kim Biên (thuộc khu vực Chợ Lớn).
Năm 1983, việc san bằng ngôi mộ đã được hoàn thành, di hài Giám mục Bá Đa Lộc được chuyển về Pháp. Còn lại là điểm tròn làm vòng xoay (bùng binh) lưu thông trên đường Hoàng Văn Thụ ngày nay.

Viết một bình luận