“Trở Về Huế” – Vẻ đẹp của xứ Huế qua cảm nhận của người con xa quê (Văn Phụng)

“Xứ Huế mộng mơ
Say đắm một ngày
Cả đời thương nhớ”

Đó là những câu thơ dành do Huế, một vùng đất nổi danh bởi lịch sử lâu đời, cảnh sắc nên thơ và con người đôn hậu. Nhắc đến Huế, là nhắc đến những áng thơ lãng mạn, những câu ca trữ tình, những điệu hò trên sông Hương. Huế như người thiếu nữ dịu dàng, đằm thắm đi vào từng áng văn thơ, đi vào từng lời ca câu hát. Cũng như rất nhiều nghệ sĩ dành cho Huế, tình yêu của nhạc sĩ Văn Phụng  dành cho xứ Huế mộng mơ được thể hiện trong nhạc khúc “Trở về Huế”. “Trở về Huế” là một nhạc khúc ca ngợi vẻ đẹp của Huế qua cảm nhận của người con sống xa quê.

Nhạc sĩ Văn Phụng

Nhạc sĩ Văn Phụng, người nhạc sĩ tài hoa được mọi người biết đến qua nahcj khúc để đời “Ô mê ly”. Ông tên thật là Nguyễn Văn Phụng (1930 – 1999), là một người con của Hà Nội. Thời đi học, Văn Phụng là một học sinh xuất sắc, sau này ông học ngành y theo ý của cha mình. Nhưng chỉ một năm sau đó, ông bỏ học y mà nghe theo đam mê của bản thân theo học âm nhạc. Để ngày nay, mọi người biết đến Văn Phụng với vai trò là một nhà hòa âm ca khúc, một nhạc sĩ của các nhạc khúc nổi tiếng như: Ô mê ly, Tôi đi giữa hoàng hôn, Bức họa đồng quê, Giấc mộng viễn du,…

“Trở về Huế” là nhạc khúc trữ tình về tình cảm của người con xa quê dành cho quê hương xứ Huế, là niềm vui, niềm tự hào khi nhìn quê hương ngày một giàu đẹp.

Bao năm sống xa quê nhà
Cuộc đời phiêu lưu với nắng mưa
Nhìn về quê xưa, biết bao tình thương chan chứa
Đây nơi chốn xưa bao tình
Thần kinh bên nước non Hương Bình
Kìa ai duyên dáng đang nghiêng mình đón người xa về

Bấm vào hình để nghe ca khúc do Châu Hà thâu thanh trước 1975

Xa quê nhà, sống một “cuộc đời phiêu lưu với nắng mưa”, trải qua những ngày tháng khó khăn và trắc trở. Thì hôm nay, người con xa xứ được trở lại quê nhà, được ngắm nhìn lại thầy Kinh, non nước Hương Bình, thấy được “dáng ai duyên dáng đang nghiêng mình đón”, tất cả như trào dâng cảm xúc trong lòng. Đó là nỗi nhớ nay đã được trở lại, niềm vui khi được ngắm nhìn những cảnh sắc quê hương, là tình yêu chan chứa dành cho xứ Huế mộng mơ.

Dòng sông Hương vẫn mơ
Thời gian trôi chưa xóa màu xanh mơ hồ
Buồm ai theo gió đưa
Thuyền đi xa nhưng vẫn còn vang câu hò

Vẫn đây rồi dòng sông Hương, dòng sông êm đềm trôi như đang mơ. Thời gian qua mau, nhưng sông Hương vẫn vậy, vẫn dịu hiền và thơ mộng với màu nước xanh, vẫn mang trên mình nét đẹp của xứ Huế. Và vẫn còn đó những con thuyền buồm nho nhỏ luôn vang câu hò.

Về nơi đây ấm êm
Nhìn muôn tà áo tím trên cầu Tràng Tiền
Kìa làn tóc mây u huyền
Vờn đôi mắt bao dịu hiền
Làn môi thắm đang cười tươi khoe bao nét duyên

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Mộc Lan & Kim Tước thâu thanh trước 1975

Huế có sông Hương mang màu xanh mơ hồ, cũng có Cầu Tràng Tiền nhuộm “muôn màu áo tím”. Màu tím luôn được xem là màu áo đặc trưng của Huế, nhắc đến Huế, là nhớ về những chiếc áo dài tím với bóng dáng người con gái dịu hiền, đoan trang với “làn tóc mây u huyền”, “ đôi mắt bao diệu hiền”, “làn môi thắm đang tươi cười khoe bao nét duyên”. Tuy chỉ vẻ lại những bút phác họa về làn tóc, đôi môi, nụ cười, nhưng vẫn khắc sâu hình ảnh người gái xứ  Huế. Phải yêu Huế như thế nào, phải tinh tế như thế nào, để nhạc sĩ Văn Phụng đã khắc họa lại tất cả vẻ đẹp của người thiếu nữ Huế trong vỏn vẹn ba câu hát ấy.

Ôi bao năm xa cách quê hương,
Tình hoài hương tha thiết vấn vương
Trở về đây vui với quê xưa bao niềm thương
Nghe đâu đây ai hát đôi câu
Nhịp chèo đưa khua nước sông sâu
Giàn hoa xưa nay đã lên màu
Nhớ khi nào còn xanh mái đầu

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Khánh Ly trình bày.

Huế đẹp, một nét đẹp không tìm thấy ở bất kỳ nơi đâu. Nên dù “bao năm xa cách quê hương” thì lòng người luôn “tha thiết vẫn vương”. Ngày xa xứ Huế, là vẫn vương không rời, ngày trở lại Huế là “bao niềm thương”. Vẻ đẹp của Huế không chỉ cảm bằng mắt mà còn cảm bằng tai. Huế đẹp trong từng câu hò, câu hát xuôi theo mái chèo trên sông. Bao năm xa cách, Huế vẫn như xưa, có khác chăng là “giàn hoa xưa” khi nào còn xanh mái đầu thì nay đã lên màu.

Về đây bao thiết tha
Nhìn Nam Giao sau khóm dừa xanh la đà
Đường về Thôn Vỹ xa
Lòng lâng lâng xao xuyến tình quê chan hòa

Về lại Huế là những thiết tha dâng đầy, tràn ngập lòng ta khi ngắm nhìn Nam Giao sau khóm dừa xanh la đà.  Được đi về lại trên “đường thôn Vĩ Dạ” mà lòng “xao xuyến tình quê chan hòa”. Vẻ đẹp của Huế sau chiến chinh càng tăng thêm nét đẹp êm đềm, thanh bình.

Giờ đây sau chiến chinh
Miền Thần Kinh non nước Hương Bình tràn tình
Về xa lánh nơi đô thành
Và xây đắp bao duyên tình
Cùng chung sống bên giòng sông Hương bao mến thương.

Người con xa xứ sau những năm tháng phiêu lưu nắng mưa thì đã có thể trở lại sống thanh bình bên Huế. Đã có thể  “xa lánh nơi đô thành” về lại Huế “đắp bao tình duyên” và cùng nhau chung sống bên dòng sông Hương mến thương.

“Trở về Huế” là trở về vùng đất non nước hữu tình, sống những tháng ngày êm đềm sau những “phiêu lưu với nắng mưa”. Có lẽ đây từng là ước muốn của nhạc sĩ Văn Phụng, nhưng vì một số lý do ông không thể hoàn thành ước muốn này. Năm 1978 gia đình ông rời khỏi Việt Nam theo đường biển sang Malaysia, sau đó là Indonesia. Đến năm 1999, những biến chứng của tiểu đường đã cướp đi người nhạc sĩ tài hoa Văn Phụng. Một ngôi sao rơi, để lại muôn vàn tiếc thương…

Trích lời bài hát Trở Về Huế – Văn Phụng:

Bao năm sống xa quê nhà
Cuộc đời phiêu lưu với nắng mưa
Nhìn về quê xưa, biết bao tình thương chan chứa
Đây nơi chốn xưa bao tình
Thần kinh bên nước non Hương Bình
Kìa ai duyên dáng đang nghiêng mình đón người xa về

Giòng sông Hương vẫn mơ
Thời gian trôi chưa xóa màu xanh mơ hồ
Buồm ai theo gió đưa
Thuyền đi xa nhưng vẫn còn vang câu hò

Về nơi đây ấm êm
Nhìn muôn tà áo tím trên cầu Tràng Tiền
Kìa làn tóc mây u huyền
Vờn đôi mắt bao dịu hiền
Làn môi thắm đang cười tươi khoe bao nét duyên

Ôi bao năm xa cách quê hương,
Tình hoài hương tha thiết vấn vương
Trở về đây vui với quê xưa bao niềm thương
Nghe đâu đây ai hát đôi câu
Nhịp chèo đưa khua nước sông sâu
Giàn hoa xưa nay đã lên mầu
Nhớ khi nào còn xanh mái đầu

Về đây bao thiết tha
Nhìn Nam Giao sau khóm dừa xanh la đà
Đường về Thôn Vỹ xa
Lòng lâng lâng xao xuyến tình quê chan hòa

Giờ đây sau chiến chinh
Miền Thần Kinh non nước Hương Bình tràn tình
Về xa lánh nơi đô thành
Và xây đắp bao duyên tình
Cùng chung sống bên giòng sông Hương bao mến thương

Viết một bình luận