Tòa Đô Chánh – Công trình kiến trúc hơn 110 năm tuổi nay là Trụ sở Uỷ ban Nhân Dân TP HCM

Giữa một thành phố trẻ như thành phố Hồ Chí Minh ít ai biết tại đây còn lưu giữ 17 công trình kiến trúc có tuổi thọ hơn 100 năm tuổi. Sài Gòn nay tuy đã khác xưa rất nhiều, nhưng các công trình kiến trúc ấy vẫn được lưu giữ và bảo tồn như ngày nào.

Đặc biệt hơn khi một công trình hơn 110 năm tuổi được đặt ngay trung tâm thành phố, ngay trên con đường sầm uất Nguyễn Huệ – đó là Tòa Đô Chánh hay trụ sở UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

Tòa Đô Chánh ngày ấy
Nay là UBND TP HCM

Bản đồ án bị bỏ quên hơn 20 năm

Đường Nguyễn Huệ ngày nay là một trong những đại lộ rộng nhất ở khu trung tâm Sài Gòn. Nhưng đây chỉ là một thủy lộ rộng lớn cho thuyền bè chuyên chở hàng hoá từ sông Sài Gòn vào trung tâm thành phố, cho đến khi con kênh được lấp mất để biến thành đường bộ. Sài Gòn bấy giờ trở nên nhộn nhịp với tiếng lộc cộc của cổ xe kiếng dành cho giới công chức lui tới Dinh xã Tây mà người Pháp gọi là Hôtel de Ville Saigon và thời VNCH gọi là Toà Đô Chánh.

Vào khoảng hơn hai trăm năm trước, khu vực này còn gọi là Bến Nghé tàu buôn của người ngoại quốc đậu bến sông Sài Gòn lên xuống hàng hoá cung cấp cho toàn khu vực dân cư từ chỗ Thành Gia Ðịnh vào Chợ Lớn (khi xưa lại gọi là Sài Gòn)  chiều dài khoảng 7km, rộng khoảng 3 km, với cây cối mọc lên um tùm, muỗi mòng đầy rẫy, quanh khu vực dân cư toàn là kênh đào làm thuỷ lộ. Con Kênh Lớn (sau là Ðại lộ Nguyễn Huệ) hay còn gọi là Kinh Chợ Vải vì nơi đây hoạt động buôn bán vải lụa của người Hoa rất nhộn nhịp là một trong những thuỷ lộ quan trọng vừa dẫn nước vào thành sinh hoạt vừa là đường chánh ra vô thành và vừa làm nơi luân chuyển hàng hoá đi khắp nơi. Ðiểm cuối của kênh là vị trí Hôtel de Ville Saigon (lúc chưa xây). Từ đây con đường thuỷ này rẽ qua phải, vòng qua sau Nhà hát lớn (khi chưa xây) đi thẳng ra rạch Thị Nghè.

Sau này người Pháp cho lấp đất hai bên bờ kênh, con kênh thu nhỏ lại chủ yếu dành cho thoát nước ra sông và lưu thông ghe thuyền buôn bán nhỏ đồng thời mở hai con đường bộ chạy song song mang tên Rigault de Genouilly và Charner dành cho xe kiếng.

Nhưng với lối sinh hoạt của người dân sở tại lúc bấy giờ, con kênh nhỏ này bị ô nhiễm nghiêm trọng buộc chính quyền phải cho lấp hoàn toàn. Công trình đường bộ này mất nhiều năm để hoàn thành và đặt tên là đường Charner để ghi nhớ công lao của người ban hành quy định địa phận thành phố Sài Gòn vào năm 1887. Không chỉ có con đường thuỷ lộ này được lấp mà vài con kênh gần đó cũng được lấp luôn như kênh trục đường Lê Lợi ngày nay, Kênh Lớn nối tiếp chạy vòng sau khu vực Nhà hát lớn sau này để thành những con đường và phố xá.

Khi ấy Hội đồng thành phố còn là một trụ sở nằm trên đường Charner đã đề nghị xây dựng Hôtel de Ville Saigon ở vị trí cuối đường Charner. Các kiến trúc sư Pháp được mời sang dự thi đồ án. Ðồ án của kiến trúc sư Codry trúng giải, được chọn. Tuy nhiên công trình trì hoãn kéo dài hơn một năm mà vẫn chưa khởi công vì nhiều lý do. Mà một trong những lý do chính là nền đất mới không an toàn cho kiến trúc. Chính quyền Pháp phải mời một kiến trúc sư khác vẽ lại đồ án. Cho tới năm 1870, khi ông Blancsubé sang Sài Gòn nhậm chức thị trưởng, đồ án được đem ra xét duyệt. Nhưng lại một lần nữa, hội đồng thành phố có nhiều ý kiến trái chiều và không thống nhất, đồ án ấy lại nằm yên trên bàn giấy một thời gian dài gần 20 năm.

Vào năm 1893, đồ án được Hội đồng thành phố mang ra bàn luận và Kiến trúc sư Gardès vẽ lại đồ án mới, nhưng cuối cùng cũng không đi đến đâu. Mãi  đến năm 1898 khi Nhà hát lớn bắt đầu xây dựng thì đồng thời thành phố mới quyết định xây dựng Hôtel de Ville tại địa điểm cũ mà trước đây ngần ngại do nền đất mới đắp, chân đất còn yếu không phù hợp.

Hôtel de Ville được xây dựng, phần điêu khắc và trang trí nội ngoại thất giao cho hoạ sĩ Ruffier thực hiện. Trang trí từ năm 1903 đến năm 1906 đã hoàn thành được hai phần ba công trình, tuy vậy đến thời gian này lại xuất hiện vài đề nghị của các nhân vật trong Hội đồng thành phố muốn phá bỏ tháp đồng hồ ở mặt trước. Ý kiến này hoàn toàn gây ra mối bất hoà với ý tưởng trang trí của hoạ sĩ Ruffier.

Cuối cùng hoạ sĩ Ruffier nhượng bộ xin về Pháp nghiên cứu thêm vài chi tiết trang trí nhưng ông không trở qua. Hội đồng thành phố phát đơn kiện Ruffier vì không thực hiện hợp đồng đúng thời hạn. Kết quả tòa đã xử họa sĩ Ruffier phải trả hai phần ba án phí, cộng thêm khoản bồi thường thiệt hại cho Hội đồng thị xã nhưng Ruffier vắng mặt vì… không có tiền. Và sau đó cũng không ai biết họa sĩ Ruffier đã lưu lạc nơi đâu.

Ý nghĩa các chi tiết trang trí

Phần trang trí còn lại do Hoạ sĩ Bonnet đứng ra thay thế Ruffier thực hiện. Ðến năm 1908 thì hoàn thành và vào năm 1909 Hôtel de Ville chính thức khánh thành với sự hiện diện của viên toàn quyền Ðông Dương nhân dịp kỷ niệm 50 năm người Pháp duy trì quyền lực tại Sài Gòn (1859-1909).

Người Pháp gọi là Hôtel de Ville nhưng người dân lúc đó thường gọi là Dinh xã Tây vì chức năng chính quyền là một thành phố nhưng quy mô chỉ là một xã trung tâm.

Khi ấy, Sài Gòn Chợ lớn có chừng 40 xã, ở trung tâm hành chính Chợ Lớn cũng có xây một Hôtel de Cho Lon, người dân cũng gọi là Dinh xã Tây. Vì lý do quan trưởng xã đều là người Pháp. Sau này Dinh xã Tây ở Chợ Lớn  bị dẹp bỏ, người ta cất lên chợ Xã Tây vào năm 1925 còn tồn tại đến ngày nay

Tòa đô chánh Sài Gòn lấy hình mẫu từ tòa thị chính ở Paris theo phong cách Phục Hưng. Công trình thiết kế theo dạng lầu chuông đúc cao – kiểu kiến trúc phổ biến ở miền Bắc nước Pháp. Phần chính giữa là tháp nhọn nhô cao, hai bên có hai tầng mái cân đối, bên trái và bên phải tòa nhà thấp hơn so với các phần còn lại.

Thiết kế mặt đứng công trình có sự pha trộn của nhiều phong cách kiến trúc châu Âu như bố cục mặt bằng kiểu Phục Hưng, trang trí kiểu baroque và rococo, cửa sắt kiểu art – nouveau… 30m mặt tiền trích dẫn hầu hết các yếu tố tạo thành phong cách kiến trúc thời Đệ tam Cộng hòa Pháp (1870-1940) như tháp chuông, tràng hoa, huy hiệu… Các chi tiết trang trí mang độ tinh xảo cao.

Phần hai cánh một tầng trang trí đơn giản.Chính giữa mặt tiền là một kiểu trang trí đắp nổi có hình dáng một người phụ nữ mạnh khỏe và 2 đứa bé đang chế ngự thú dữ, 2 bên cũng là 2 bức phù điêu hình người phụ nữ. Đây là 3 cụm điêu khắc mang phong cách cổ điển thường xuất hiện tại những tháp tòa thị chính của Pháp. Dựa trên hệ thống hình tượng và đặc trưng của phần lớn các tòa thị chính Pháp, bộ 3 phù điêu trên tòa nhà UBND TP HCM là hình tượng nhân cách hóa nữ tính về một Marianne – hiện thân cho Cộng hòa Pháp, biểu hiện cho những giá trị tự do – bình đẳng – bác ái.

Hình tượng nữ thần Marianne bác ái đặt ở trọng tâm dưới tháp chuông và trên trán tường tòa nhà. Marinanne trong tư thế và trang phục Phrygia, gần giống với tượng nữ thần chiến thắng Samothrace, tà áo bay linh động hài hòa với tất cả chi tiết trong cụm điêu khắc. Hình ảnh đứa trẻ chế ngự 2 con sư tử ách chung với nhau cũng nhằm thể hiện thuộc tính về sự bác ái.

Trên trán tháp bên phải là Marianne của tự do với tay dựng thanh gươm (biểu tượng công chính) và tấm bia luật, chim câu hòa bình đậu trên mũ tự do Phrygia. Một nhánh cọ biểu tượng cho sự chiến thắng, còn khẩu đại bác và cây súng dưới chân nhắc đến cuộc cách mạng Pháp. Marianne ngực trần như nữ thần tự do trong tranh của Delacroix.

Marianne bình đẳng, đội vành nguyệt quế, sau lưng là cụm olive tươi tốt, tay cầm cuốn sách có trục, bên dưới là cây tích trượng của thần Hermes (tượng trưng sự truyền tin, hướng dẫn và cứu chữa), dưới chân là đống lúa mì với cái liềm gặt. Mũ tự do Phrygia, vành nguyệt quế và nhà cách mạng là những biểu tượng được lặp lại trên mặt tiền tòa nhà.Bên cạnh kiến trúc tổng thể và các phù điêu mang đậm nét văn hóa Pháp, công trình còn thể hiện sự giao hòa với kiến trúc Italy giai đoạn Phục Hưng, thể hiện ở 2 lầu chuông 2 bên được bổ sung sau này. Ngoài ra, nét kiến trúc Italy còn thể hiện có hàng cột tròn theo thức cột Corinth (một trong 3 kiểu cột cơ bản của kiến trúc Hy Lạp và La Mã cổ đại) chống đỡ phần trung tâm của lầu một, được xen kẽ với các cửa vòm cung, tạo sự thông thoáng, mềm mại cho tòa nhà. Do kết hợp đa phong cách, tòa nhà từng bị ví như người phụ nữ mang quá nhiều trang sức.

Màu sơn từng được sử dụng cho tòa nhà là trắng hoặc vàng. Về nội thất trang trí cũng rất phong phú, đầy khắp các bức tường và trần nhà với rất nhiều những bó hoa hay vòng hoa, lá cọ, cành nguyệt quế, ruy băng, tranh kính nhiều màu sắc hay những bức họa trên trần… rất thời thượng lúc bấy giờ.

Phía trước dinh là một công viên có bãi cỏ rộng có ghế đá kéo dài ra đến ngã tư kết nối với bùng binh xây bằng bệ xi- măng cao hình bát giác. Khi xưa vào mỗi Chủ Nhật, ban nhạc hải quân đem kèn trống chơi nhạc cho công chúng xem, vì thế người Việt mình gọi tên bồn kèn. Ðây cũng là bùng binh đầu tiên được xây dựng ở Sài Gòn. Sau này quanh bùng binh người ta trồng nhiều cây liễu rũ thướt tha rất đẹp, nên dân chúng gọi là Bùng binh cây liễu.

Kiến trúc Hôtel de Ville Sài Gòn nguyên thuỷ là một toà nhà dài gần trăm mét, riêng khoảng giữa dài 30 mét có hai tầng và đỉnh mái, các cửa lớn và cửa sổ xây theo cửa vòm cong. Phần còn lại toà nhà một tầng hai bên trái phải cửa xây theo kiểu võng, đến giữa thập niên 1920 do thành phố đã phát triển rộng lớn, cần thêm nhiều ban ngành phục vụ hành chánh, chính quyền cho cơi nới thêm tầng hai với lối kiến trúc đơn giản. Sang thập niên ba mươi, phần tầng hai cơi nới mới được xây trang trí phù hợp kiến trúc với toàn diện khối nhà.

Sau hiệp định Geneva 1954, Hôtel de Ville đổi tên thành Toà Ðô Chính hay Toà Ðô Sảnh. Từ sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 đến nay, tòa nhà là nơi làm việc của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Hình ảnh Ủy Ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay:

Viết một bình luận