Tình yêu Quê Hương được thể hiện từ những điều nhỏ nhất trong nhạc phẩm “Tiếng Hát Quê Hương” của nhạc sĩ Y Vân & Xuân Lôi

Nhạc sĩ Y Vân tên thật là Trần Tấn Hậu, sinh năm 1933 tại Hà Nội (quê gốc là Thanh Hóa). Thời niên thiếu, ông từng theo học nhạc với Giáo sư – Nhạc sĩ Tạ Phước và cũng tập tành sáng tác bài hát từ rất sớm. Mồ côi cha, nhà nghèo, cả nhà của nhạc sĩ Y Vân phải dắt díu nhau nương nấu trong một túp lều xiêu vẹo ở ngõ chợ Khâm Thiên. Năm 1952, ông vào Nam, tiếp tục cho con đường và sự nghiệp sáng tác của mình. Ngoài việc chơi nhạc, hòa âm và dạy nhạc, nhạc sĩ Y Vân còn viết sách về nhạc hướng dẫn người học nhạc,…Ông là tiên phong cho dòng nhạc nhẹ với những bài hát có giai điệu chachacha, disco, twist như “Sài Gòn”, “Ảo ảnh”,….Thuở thiếu thời, ông đã phải tha hương tìm đến vùng đất khác để kiếm sống, mưu sinh, ông đã phải làm việc cật lực bất kể ngày đêm để lo toan cho cuộc sống tương đối của cả gia đình. Nên đối với quê hương – “Nơi chôn nhau cắt rốn” là nỗi niềm mà ông chỉ dám cất giấu trong tận thâm tâm của mình.

Nhạc sĩ Y Vân
Nhạc sĩ Y Vân

Xuân Lôi tên thật là Phạm Xuân Lôi sinh ngày 17 tháng 10 năm 1917 tại Hà Nội. Cha ông là Phạm Xuân Trang, một nhạc sĩ theo học cổ nhạc với các ban nhạc Trung Quốc và cũng có lập ban nhạc riêng đi trình diễn. Thứ tự những người con gồm Xuân Thư, Xuân Oai, Xuân Lôi, Xuân Tiên, Xuân Khuê và Xuân Tuấn

Chân dung nhạc sĩ Xuân Lôi

Bài hát “TIẾNG HÁT QUÊ HƯƠNG” ra đời trong hoàn cảnh nhạc sĩ Y Vân chỉ biết lẳng lặng mà nhớ lại quê nhà, nhớ lại những cảnh tượng đã qua, để giữ lại chút gì đó thương nhớ. Đối với những người con xa quê mới hiểu được cảm giác nhớ nhung luôn thường trực nơi trái tim, nhưng bất lực không nói thành lời, càng da diết, càng hoài niệm.

Quê hương được biết đến chính là cái nôi đầu tiên khi ta cất tiếng khóc chào đời, đó cũng chính là những bước đi chập chững, nó dường như cũng gắn với ký ức tuổi thơ không thể nào quên được. Đó cũng chính là nơi mà cuối cùng ai cũng muốn trở về và gắn bó bởi thứ tình cảm vô cùng sâu đậm.

“Có cô gái miền quê hát bài ca

Giữa hoa lá xanh tươi bên làn gió

Thôn xóm nhà khi nắng tà

Êm êm trong muôn câu hò…” 

Nhạc sĩ Y Vân đã mang chúng ta đến với một khung cảnh làng quê thật yên bình, mọi thứ chìm đắm trong sự vui tươi và bình dị. “Có cô gái miền quê hát bài ca…” – Những câu hát rộn ràng, nhộn nhịp luôn thường trực trên những đôi môi xinh xắn của những cô gái giữa vườn hoa lá cùng những cơn gió đung đưa. Khung cảnh dù mang tiếng hát, nhưng sao lại làm lòng ta êm đềm đến thế, cứ nhẹ nhàng và có một sự thỏa mãn đến từ trái tim.

Bấm vào hình trên để lắng nghe ca khúc qua phẩn thể hiện của danh ca Thái Thanh

Thôn xóm nhà khi nắng tà – êm êm trong muôn câu hò…” – Làng quê là thế, luôn yên ả như thế nhưng những con người nơi xóm làng ấy luôn tràn đầy năng lượng, luôn lạc quan, luôn yêu đời. Ta có thể thấy được tình yêu quê hương đất nước thuộc một phạm trù rất rộng và nó hàm chứa nhiều ý nghĩa khác nhau. Tình yêu đất nước xuất phát từ những điều nhỏ nhặt chính là tình yêu gia đình, nhà cửa, xóm giềng, làng quê và lớn hơn chính là tình yêu Tổ quốc. 

“…Tiếng ai vẫn thường ngâm những bài thơ

Lúc qua núi cao hay bên đồng lúa

Non nước nhà vui thái hòa

Vang vang lên muôn lời ca

 

Ngàn muôn câu thơ câu hò

Hay bài ca trên lúa

Nhưng sao cho hết tình ta

Yêu non nước ngàn hoa…” 

Nói thế nào nhỉ? Khi bạn đã thân thuộc với một điều gì đó, thì khi điều đó không còn xuất hiện trong cuộc sống của bạn thì bạn sẽ có cảm giác mất đi một phần trong trái tim nhỏ bé. “Tiếng ai vẫn thường ngâm nga những bài thơ..” – Ai? Ai vẫn thường ngâm nga những câu hát? Ai vẫn thường cất lên những vần thơ? Ai của nhạc sĩ Y Vân bây giờ chính là kỷ niệm, ai có thể bao gồm cả con người, những xóm giềng nơi thôn làng yên vui và ai cũng có thể là bản thân tác giả. Ca từ bài hát tuy vui tươi nhưng không giấu được nỗi niềm nhớ quê hương da diết của tác giả, phải chăng chính giai điệu nhộn nhịp ấy đã giúp tác giả giấu đi nỗi đau thương của bản thân, mất mác khi kỷ niệm dần trở thành nỗi hoài niệm.

Bấm vào hình trên để lắng nghe ca khúc do Thái Thanh thu âm trước những năm 1975

Đọng lại trong hồi ức của Y Vân lúc này chỉ còn lại là những ngọn đồi, những cánh đồng lúa, những câu hò khi đến mùa gặt, những bài ca trong những lần gieo cấy. Chắt lọc từ những vất vả, những khó khăn trong cuộc sống chính là những niềm vui nhà nhà luôn được thái hòa, không có những tiếng than khóc, chỉ có tiếng hò reo và ca múa nhạc. 

Có khi thấy mình như đã từ lâu

Biết bao nỗi yêu thương trong giòng máu

Nên nhớ nhiều, bao mái đầu

Mong cho yên vui dài lâu

Từ ca từ đến giai điệu của bài hát, ta thấy được tình cảm của Y Vân dành cho quê nhà, thứ tình yêu quê hương luôn gắn liền với tình cảm gia đình, làng xóm, luôn mong ngóng được trở về quê hương thân yêu dù có ở nơi xa xôi. Nhạc sĩ giúp ta sáng tỏ một điều rằng, con người ta khi trưởng thành, dù có vươn cao vươn xa đến thế nào thì tấm lòng của họ luôn hướng về nơi mình sinh ra và lớn lên.

Tình yêu làng xóm, quê hương đã ăn sâu vào máu thịt, đi sâu vào lòng người. Cảm nhận tình cảm của Y Vân rất tự nhiên, không có sự gò bó, không có sự ép buộc, mà nó chính là những tình cảm chân thành của tác giả. Người ta có thể nhớ quê chỉ qua một món ăn bình dị hay một danh lam thắng cảnh, một địa danh nào đó, còn với người nhạc sĩ tài hoa này, khi nhắc đến quê hương chính là nhắc những câu ca, những hoa lá, những mái đầu, và nhiều cái những khác,….mộc mạc nhưng đầy ý nghĩa, nhẹ nhàng nhưng chất chứa bao tình yêu.

Có cô đi tìm thơ…

Trên miền quê.

Và bài ca, bài ca sông núi.

Cô gái ơi! Cô đi tìm gì đấy! Bài thơ….Hay chính là biệt khúc nhớ quê? Chỉ bằng câu đơn giản này thôi đã chứa đựng biết bao nỗi niềm. Hình ảnh quê hương hiện lên trong mỗi câu từ của bài hát đem lại cho mỗi người nghe một cảm xúc riêng, một suy nghĩ riêng nhưng điểm chung chính là ca khúc “TIẾNG HÁT QUÊ HƯƠNG” đều để lại trong lòng người nghe nhiều xúc cảm và khoảng lặng lớn, sự rung động đến tận trái tim bao thế hệ thính giả.

Đúng vậy! Dường như mỗi người đều có một quê hương để nhớ về, để phấn đấu, để khi dòng đời này quá xô bồ, lại tìm về nơi miền quê bình yên mà nương náu và chính nhạc sĩ Y Vân cũng thế. Ở mỗi độ tuổi thì tình yêu quê hương đất nước được thể hiện mỗi khác nhau. Với người tha hương như Y Vân thì cách nhớ quê chính là đưa vào ca từ của bài hát, truyền tải vào đó những tình cảm, những nhớ thương không thể nói thành lời.

Viết một bình luận