Tình cảm và nỗi nhớ của người lính chiến khu chất đầy trong ca khúc “Mùa Xuân Gửi Em”

Khi nói về mùa xuân, người ta sẽ nghĩ ngay đến mùa của sự sống, của những hương hoa đang lan tỏa trong không gian, của những tia nắng ấm áp, của sự thanh bình và bình yên, của niềm tin và vui vẻ rộn ràng. Mùa Xuân còn là mùa của sự trở về, người tha hương lần lượt tìm đường về quê nhà, những đứa con xa nhà khăn gối về cùng mẹ cha, những người yêu nhau theo con tim mà tìm về bên nhau, quay quần bên những mâm cơm, thưởng thức hơi ấm của người thân. Dành tặng nhau những câu chúc tốt đẹp, tặng nhau những cái ôm ấm áp và tặng nhau những nụ cười ngọt ngào đón năm mới bình an. Nhưng mấy ai thấu hiểu được, để có được những cánh mai vàng đung đưa trong gió, để có được những cánh én bay rợp bầu trời xanh, để có những nụ hoa thơm ngát thì những người lính miền xa đã phải nắm chặt tay súng thế nào. Nhìn khung cảnh mùa xuân đang nhộn nhịp trên khắp quê hương, mà chỉ biết lặng lẽ ngắm nhìn và giấu nỗi nhớ nhung vào tận sâu đáy lòng. Không có tiếng nhạc vui mừng Xuân, không có câu chúc tặng nhau lì xì, chỉ có tiếng súng, tiếng mũi thay phiên quen thuộc. Nhớ người yêu nơi góc phòng nhỏ cùng chỉ biết ngậm ngùi mà lật từng trang ký ức để hoài niệm. Thân là những người con được sinh ra trong trận mạc, có lẽ hơn ai hết, Minh Kỳ thấu hiểu được sự trông đợi này vào những dịp lễ Tết quê hương. Có lẽ vì thế mà nhạc phẩm “MÙA XUÂN GỬI EM” của nhạc sĩ Minh Kỳ đồng sáng tác cùng Lê Dinh đã mang đến cho ta nhiều ý nghĩa.

Nhạc sĩ Minh Kỳ
Nhạc sĩ Minh Kỳ

Cả cuộc đời Minh Kỳ, ông dành cho hai nghiệp lớn: Đánh giặc và sáng tác. Ông đã bỏ mình chỉ vì lựu đạn của quân thù vào ngay ngày 31 tháng 8 năm 1975, thời điểm tưởng chừng như hạnh phúc khi cuối cùng chiến tranh cũng kết thúc, vậy mà ông lại ra đi mãi mãi. Ngắn ngủi 45 năm cuộc đời, Minh Kỳ đã không phụ sự mong đợi của khán giả khi để lại hàng trăm ca khúc nổi tiếng cho nền âm nhạc Việt Nam. Ông được xem là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc vàng trước năm 1975, đặc biệt với ca khúc “Xuân đã về”. Không những thế, ông còn là một trong ba thành viên của nhạc nhóm nhạc sĩ danh tiếng – Lê Minh Bằng.

Nhạc sĩ Lê Dinh

Lê Dinh cũng là một trong ba thành viên của nhóm, trước khi tham gia vào nhóm này, ông và Minh Kỳ cũng có nhiều cơ hội hợp tác cùng nhau để cho ra đời nhiều nhạc phẩm “sáng giá”. Ông hoạt động từ giữa thập niên 1950 tại miền Nam Việt Nam và tiếp tục sau này ở hải ngoại. Có lẽ do cùng chung chí hướng, chung lý tưởng, sự thấu hiểu của những người nhạc sĩ tài hoa nên những bài hát được sáng tác bởi hai người không chỉ chỉnh chu trong phần nhạc mà còn đạt được sự tinh tế trong từng ca từ của nhạc khúc.

Hình ảnh người trai lính biên cương đang nhớ thương về người em nhỏ nơi hậu phương trong bài hát “MÙA XUÂN GỬI EM” mang người nghe đến nhiều cung bậc cảm xúc. Một chút tâm tình nhung nhớ, một chút mong chờ, thêm chút hứa hẹn về ngày mai đôi lứa. Không phải bản thân không muốn về thăm em nhỏ, nhưng trọng trách trên vai, làm sao mà rời bỏ cương vị, chối bỏ chức trách khi chiến sự còn đang dở dang, đất nước vẫn trên bờ vực hiểm nguy. “MÙA XUÂN GỬI EM” của đôi nhạc sĩ tài hoa Minh Kỳ và Lê Dinh như đại diện cho tâm tình của tất các những người lính nơi sa trường khắc nghiệt, gửi một chút tấm lòng đến với người em bé nhỏ nơi quê nhà trông ngóng.

“Nghe gió Xuân hay rằng Xuân đã về.
Gói tâm tình vào trong bao ý thơ.
Thương nhớ về người em nơi chốn cũ
năm tháng xa xôi không buồn vì đơn côi…..”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Như Quỳnh trình bày

Những cơn gió se lạnh mang hương hoa thoang thoảng báo hiệu một mùa Xuân mới lại đến, từng cảm xúc nôn nao dâng trong lòng nhưng đâu đó vẫn chen thêm vài ba nỗi nhớ. Nhớ đến ngày xưa được cùng mẹ canh nồi bánh chưng, nhớ đến ngày nào còn cũng đàn trẻ thôn quê tranh nhau phong lì xì, nhớ bữa cơm mẹ nấu, nhớ từng cái nắm tay với người yêu, những lời mật ngọt vừa mới trao nhau tựa hôm nào. Vậy mà hiện tại chỉ còn lại ký ức, thân trai ở biên cương, nhớ về người yêu nhỏ nên đành thui “gói tâm tình vào trong bao ý thơ” mà như trút bầu tâm sự. Hình ảnh người em gái yêu thương vẫn luôn ngự trị nơi trái tim nóng ấm, hiện diện như động lực cho chàng thêm cố gắng và vượt qua mọi trăn trở. Có em bên đời, lòng chàng chiến sĩ chưa bao giờ thấy đơn côi,…nhưng cứ mỗi mùa xuân về thì lại nhớ em nhiều hơn, muốn được cạnh em yêu như ngày ấy, muốn được ôm em mỗi khi gió đêm giao mùa.

“…….Anh chúc em thêm đẹp đôi má hồng.
Ðón Xuân nồng lòng mang bao ước mong.
Mong ước rồi mùa Xuân tươi thắm mãi
hoa bướm tung bay vui vầy khắp trời mây…..”

Bấm vào hình để nghe ca khúc do Phương Mai thâu thanh trước 1975

Truyền thống của Việt Nam trong những ngày xuân sum vầy rất giản đơn nhưng lại tràn đầy ý nghĩa – Đó chính là những câu chúc năm mới an lành. Người người chúc nhau bình an, phát tài phát lộc, còn riêng anh chúc cho cô người yêu bé nhỏ sẽ luôn xinh đẹp, chúc em “thêm đẹp đôi má hồng”, để thanh xuân em luôn tươi trẻ.

Mùa xuân đến, ngàn hoa đua nở, cánh én đầy trời, tiếng ríu rít của những chú chim trên cành thêm phần rộn rã, cũng phần nào khiến lòng người ta thêm nôn nao và ngập tràn trong bao mộng ước. Chàng ước gì mùa xuân luôn hiện hữu trên đất nước ta, “hoa bướm tung bay vui vầy khắp trời mây” – Đây phải chăng là mong ước cho đất nước sớm ngày thắng lợi và thanh bình sau trận chiến ác liệt?

“……Anh mong mùa Xuân mới gieo yên vui ngàn nơi.
Cho ý Xuân lên hương đời.
Cho duyên tình anh với em sao thêm đẹp tươi
đến lúc bạc đầu có đôi……”

Mùa xuân đến rồi, nàng xuân đã bước đến bên đời chúng ta thêm một lần nữa, mỗi năm anh đều cầu nguyện và năm nay cũng vậy. Anh nguyện làm sao mùa Xuân mới sẽ gieo xuống trần gian ngàn niềm vui để mọi người trên khắp mọi miền đất nước để được hạnh phúc.

Bấm vào hình để nghe ca khúc do Ngọc Lan trình bày

Lời nguyện cầu đầu tiên anh nguyện cho đất nước, lời ước tiếp theo anh mới ước cho mình, cho tình cảm của đôi lứa. Anh mong làm sao cho tình yêu của anh và em sẽ ngày thêm nồng thắm, luôn yêu thương nhau đến “bạc đầu có đôi”.

“….Thôi nhé em tuy mình xa cách rồi.
Chớ quên rằng thời gian sẽ lướt trôi.
Mai mốt rồi bình yên thôi chiến đấu.
Anh nói với em: Xuân này sống gần nhau.
Anh nói với em: Xuân này ta gần nhau.”

Yên tâm em nhé! Anh luôn vững tin vào tình yêu của chúng mình, dù có cách trở muôn trùng thì tình cảm ấy vẫn bền đẹp và vững chắc. Chàng lính trong bài hát có một niềm tin mãnh liệt vào người mình yêu rằng cô sẽ mãi đợi chờ mình quay trở lại và mang đến hạnh phúc cho cô. Chàng tin rằng thời gian sẽ nhanh chóng trôi qua, ngày đất nước thái bình cũng gần kề, sẽ nhanh lắm lại đến một mùa xuân và lúc đó chính là lúc đôi ta “Xuân này sống gần nhau” và “xuân này ta gần nhau”. Người chiến sĩ ấy, không chỉ an ủi tâm hồn bé nhỏ của người yêu mà còn tự nhắn nhủ với bản thân mình, cố gắng lên, chỉ còn chút nữa thôi đất nước sẽ thành công, lúc đó chúng ta đã được tự do, tự do mà yêu nhau, tự do mà gần kề nhau, cùng nhau vượt qua quãng đời còn lại.

“MÙA XUÂN GỬI EM” của Minh Kỳ và Lê Dinh không đơn thuần là một nhạc phẩm trữ tình vào màu xuân, nó còn phản ánh lên nỗi khổ tâm trong lòng người chiến sĩ. Họ chấp nhận hy sinh thanh xuân của mình, hy sinh đi những tình cảm trong lòng để cam tâm mà giữ yên cho non sông bờ cõi. Không quản ngày đêm, không sợ khó nhọc, chỉ biết cố gắng mà hoàn thành tốt từng nhiệm vụ được giao. Không có lấy một ngày phép để sum vầy ngày lễ tết, không có khái niệm chào Xuân khi giặc còn rình rập. Tất cả những cố gắng ấy, nếu nói nhỏ là vì người thân và người yêu thương, còn nói lớn chính là vì Tổ quốc và quê hương.

Mùa xuân – mùa của sự đoàn tụ và hội họp, còn với người lính sa trường, khi xác định đơn vị chính là mái nhà, biên cương là quê hương, còn nhân dân là người thân cần được bảo vệ thì họ đã gác hạnh phúc riêng của mình qua một bên, cất giữ nó vào nơi sâu nhất trong trái tim. Xem niềm vui, hạnh phúc của người dân toàn quốc làm lý tưởng và hạnh phúc của mình, chỉ biết vững vàng ngày đêm mà nâng cao tay súng để gìn giữ mùa xuân xinh tươi ấy.

Viết một bình luận