Thương xá Tam Đa – Trung tâm thương mại lớn ở Sài Gòn xưa và vụ cнáʏ κιɴн нoàɴԍ một thời

Từ trước 1975, Sài Gòn khi xưa là “hòn ngọc” quy tụ nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng, những đại lộ xe cộ đông đúc ngược xuôi. Và cùng với đó là sự ra đời của các trung tâm thương mại lớn như Thương xá Tam Đa (hay Crystal Palace), Thương xá TAX, Thương xá EDEN. Nhưng đi cùng năm tháng, bàn tay vô hình của thời gian dần xóa đi rất nhiều những công trình quy mô thời ấy. Cũng như thương xá Tam Đa một thời tấp nập, sau vụ hỏa hoạn xảy ra năm 2002, thương xá ngày nào cũng là ký ức một thời của những ai từng yêu mến Sài Gòn xưa.

Thương xá Tam Đa là công trình kiến trúc được xây từ năm 1968 thời Việt Nam Cộng Hòa ở trung tâm Sài Gòn tại góc đường Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa), Lê Lợi, Nguyễn Trung Trực và Lê Thánh Tôn. 

CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG CHUẨN BỊ HOÀN TẤT. Khắp Saigon, các công trình thuộc lãnh vực công cộng hầu như bị đình trệ, trong lúc các công trình của tư nhân như hộp đêm, bar, cửa hàng, khách sạn và nhà căn hộ thì đều đặn mọc lên. Thông qua một hệ thống thanh toán và bảo đảm tài chánh, các nhà thầu đã bỏ qua các công trình công cộng để thực hiện các đồ án béo bở hơn của tư nhân. Trong hình là tòa nhà Crystal Palace 4 tầng đang xây dựng tại trung tâm Sài Gòn. Khi hòan tất nó sẽ có 8 thang cuốn, 2 thang máy, một hộp đêm trên sân thượng, một siêu thị “kiểu Mỹ”, nhiều cửa hiệu khác và một bồn phun nước tại chân cầu thang bộ uốn cong. (AP NEWSFEATURES PHOTO) 11/1/1968

Thương xá Tam Đa hay còn có tên gọi là Crystal Palace là một khu thương mại đắc địa được thiết kế bởi kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Ngô Viết Thụ (1926–2000), ông là tác giả nhiều công trình kiến trúc hiện đại như Nhà thờ Phủ Cam, Dinh Độc Lập, Chợ Đà Lạt, Trường Đại học Nông nghiệp Sài Gòn, Viện Đại học Huế, Trường Đại học Y khoa Sài Gòn,…

Ra đời cùng thời với hai thương xá lẫy lừng như EDEN và TAX, Crystal Palace vẫn giữ cho mình một nét tách biệt đó là nơi đây không chỉ buôn bán mỹ phẩm, hàng thời trang cao cấp mà còn là nơi những người yêu văn, yêu nhạc đến để gặp mặt những thần tượng của mình. 

Thương xá Crystal Palace tại góc đường Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa), Lê Lợi, Nguyễn Trung Trực và Lê Thánh Tôn.

Crystal Palace được thiết kế với khu vực lầu một là quầy bán sách của một nhà văn có tiếng thời ấy. Bên cạnh đó là quầy bán băng nhạc của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương. Mỗi khi có dịp ra băng mới người ta thấy có mặt ông và cả người vợ xinh đẹp là cô phát ngôn viên truyền hình Như Hảo. Đi lên lầu hai, là phòng thu băng hiện đại của Jomarcel phối hợp cùng kịch sĩ Nguyễn Long. Nơi đây, những cuộn băng nhạc trẻ nước ngoài, Việt được chàng ca sĩ Jo thực hiện bằng những kỹ thuật hiện đại nhất lúc đó. Những người không tiền, chỉ dư sức khỏe rảo bước vào Crystal Palace vẫn có thể thơ thẩn ngắm nhìn những quầy sách, những cuộn băng nhạc mà không chút áy náy về thành phần xuất thân dân nghèo thành thị của mình.

Thương xá Crystal Palace/Tam Đa

Sau năm 1975, nơi này được giao cho ông Charles Đức làm Intershop (vệ tinh của Imexco) – một cơ quan quan trọng trong lĩnh vực xuất khẩu và kiều hối. Sau một thời gian, khu vực Intershop được giao lại cho Công ty Cosevina. Do công ty này làm ăn không hiệu quả nên Intershop bị giải thể vào năm 1991. Định mệnh đã giao cho Công ty Vàng bạc Đá quý TP.HCM lãnh trọng trách điều hành lại cơ sở này từ năm 1992 với tên là ITC. Toà nhà ITC có 6 tầng, 2 mặt tiếp giáp với đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Nguyễn Trung Trực. Tầng trệt của tòa nhà bố trí 2 thang cuốn lên tầng một, 3 thang máy và 2 thang bộ từ tầng trệt lên tầng 6. Tầng 1 gồm 82 quầy bán vàng bạc đá quý, 90 quầy bán giày dép, mỹ phẩm, hàng lưu niệm. Tầng 2 (lầu 1) do Công ty Bảo hiểm nhân thọ AIA (Mỹ) thuê. Tầng 3 là văn phòng làm việc của Intershop. Tầng 4 và 5 có 49 văn phòng cho thuê gồm trong đó các các văn phòng của Anh, Australia, Bỉ, Đức, Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan. Tầng 1 chủ yếu kinh doanh vàng bạc, tầng 2 đến tầng 4 là các văn phòng, nhà hàng. Trong đó phần diện tích chiếm nhiều nhất là của Công ty Bảo hiểm Quốc tế Mỹ AIA thuê dùng làm nơi huấn luyện nhân viên. Tầng 6 có 1 nhà hàng, 1 vũ trường, bar Blue Sky và 1 quán cà phê máy lạnh. Tầng 5 làm kho chứa hàng, chủ yếu là rượu và các mặt hàng thời trang.

Cầu thang bộ của Thương xá Tam Đa, tên khác là Crystal Palace.

Đến năm 2002. vụ hỏa họa khủng khiếp tại ITC đã thiêu rụi Crystal Palace ngày nào.

Vụ cháy kinh hoàng

Thông tin về vụ cháy được thông báo vào khoảng 13h30 chiều ngày Thứ Ba, 29 tháng 10. Các nhân chứng có mặt đều thấy ngọn lửa phát ra từ vũ trường tại tầng hai và nhanh chóng bao trùm cả toà nhà. Để thoát ra khỏi đám cháy, nhiều người đã trèo xuống bằng đường ống nước, thậm chí nhảy xuống từ tầng 3, tầng 4, dẫn đến gặp nhiều chấn thương. Đến 14 giờ, cột khói to đã bùng lên, cao hàng trăm mét. Nhiều gia đình, cửa hàng nằm trên đường Lê Thánh Tôn, Lê Lợi vội vàng di dời đồ đạc ra khỏi nhà.

Vụ cháy Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) vào ngày 29.10.2002

Lúc này, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có mặt tại hiện trường, huy động sự tiếp viện của lực lượng chữa cháy Quân khu 7, Bộ Tư lệnh quân sự thành phố, Sân bay Tân Sơn Nhất. Đội cảnh sát chữa cháy trên sông nhận lệnh tiếp nước chữa cháy từ Bến Bạch Đằng. Tổng cộng có hơn 50 xe chữa cháy với hàng trăm người tham gia làm nhiệm vụ. Trong khi đó, xe cứu thương liên tiếp chở nạn nhân về trung tâm cấp cứu trên đường Hàm Nghi. Hàng chục vòi cứu hoả phun nước vào trong. Tuy nhiên phần lá phông chắn gió hai bên toà nhà đã cản nước rất nhiều. Cả tầng 2-3 rực lửa. Tầng 4, 5, 6 khói mù mịt ngất trời. Góc toà nhà bên đường Nguyễn Huệ giáp Nam Kỳ Khởi Nghĩa, ngọn lửa hoành hành dữ dội, 4 xe cứu hoả tập trung chĩa vòi rồng vào đây. Gió thổi to khiến ngọn lửa đôi lúc lại bùng lên, khí nóng và khói bao trùm toàn khu vực.

Lúc 16h, ngọn lửa đã được khống chế, khói dịu bớt. Tuy nhiên những ống vòi phun quá yếu, không thể phun nước được vào tới bên trong toà nhà. Hơn 49 văn phòng các doanh nghiệp đang kinh doanh dần bị thiêu rụi. Một số thi thể bị cháy đen được nhìn thấy ở hành lang tầng 4 và 5 phía đường Nguyễn Trung Trực.

Lãnh đạo thành phố quyết định cho đập tường, đưa lực lượng đột nhập vào phun nước dập lửa từng tầng. Ông Lê Tấn Bửu chỉ huy đội cứu hỏa cho thành lập ngay 3 đội trinh sát với 20 người, đập tường khu vực tầng 3, từ phía mặt đường Lê Lợi. Khu vực góc đường Lê Lợi – Nguyễn Trung Trực được dành toàn bộ cho xe bệnh viện và nhân viên y tế.

19h: Lực lượng cứu hỏa vẫn chưa thể khống chế được toàn bộ khói từ bên trong tòa nhà ITC.

20h: Các toán cứu hộ đã xâm nhập vào hết các tầng bên trong ITC và tìm kiếm thi thể nạn nhân.

22h: Thi thể các nạn nhân đầu tiên được cáng xuống xe cứu thương, mang về nhà tang lễ bộ Quốc phòng.

23h15′: 4 xe cứu thương chở 16 thi thể nạn nhân rời hiện trường.

Qua ngày 30 tháng 10, cuộc tìm kiếm thi thể các nạn nhân vẫn tiếp tục, khói vẫn bốc cao và toàn khu vực vẫn bị phong toả.

Nguyên nhân dẫn đến hỏa hoạn chiều 29/10/2002 là khi hàn các bulong định vị trên trần, thợ hàn để vảy xỉ nhiệt độ khoảng 1.700 độ C bắn vào xốp cách âm (có thể bắt cháy từ nhiệt độ 300 độ C) gây cháy lan nhanh và cháy lớn. Sau khi đám cháy lan rộng, thợ hàn không kiểm soát được đám cháy, đã đóng cửa phòng xảy ra cháy và để mặc cho đám cháy tiếp tục phát triển.

Sau vụ cháy kinh hoàng ấy, tòa nhà này bị bỏ bỏ để thay thế cho dự án xây dựng tòa tháp SJC Tower do Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương làm chủ đầu tư với số vốn lên khoảng 137 triệu USD. Thương xá Tam Đa ngày nào từng là lựa chọn ưu tiên của những người đến Sài Gòn nay trở thành một miền ký ức đã qua. Thương xá ấy không còn, có chăng còn lại là những hình ảnh xót xa của vụ cháy năm đó…

Viết một bình luận