“Thương về miền đất lạnh” (Minh Kỳ & Dạ Cầm) – Một Đà Lạt trong những năm tháng thương và nhớ

Có một Đà Lạt trong trẻo mà dịu dàng, một Đà Lạt u uẩn mà kiêu sa đã từ từ đi vào thi ca âm nhạc của không biết bao nhiêu tác phẩm. Một thành phố ngàn hoa khoe sắc và với người nhạc sĩ, có lẽ họ đã chọn lựa cho mình một loài hoa riêng nào đấy để ám ảnh, để yêu thương suốt một đời. Cũng có một Đà Lạt còn mãi trong trí nhớ của những đôi uyên ương, của những người dù chỉ một lần đặt chân đến. Một Đà Lạt với muôn vàn những kỷ niệm dù vui hay buồn, những câu chuyện được chứng kiến bởi cỏ hoa, bởi đồi dốc, bởi con suối nhỏ róc rách và bởi những đồi thông xanh mơn mởn.

Đà Lạt là một xứ sở mộng mơ, là nơi khởi nguồn của biết bao cảm xúc và nỗi niềm của các tao nhân mặc khách từ tứ xứ đổ về, dừng đôi bước chân để chiêm ngưỡng. Những bài hát về nơi phố núi sương mù này vô cùng nhiều, khó lòng mà kể hết được, nhưng người ta lại thường nhắc đến “Đà Lạt tam khúc”: “Thành phố buồn”, “Đà Lạt hoàng hôn”, “Thương về miền đất lạnh”. Ba tuyệt khúc nhưng hai trong ba chính là sáng tác của nhạc sĩ Minh Kỳ cùng nhóm nhạc sĩ Lê Minh Bằng.

Nhóm sáng tác Lê Minh Bằng: Anh Bằng – Minh Kỳ – Lê Dinh

Minh Kỳ vốn là hậu nhân của hoàng tộc, quê gốc tại Nha Trang nhưng ông lại có một mối nhân duyên đẹp cùng xứ sở ngàn hoa Đà Lạt, trong những lần làm lữ khách ghé thăm. Khác với nhiều người yêu cái đẹp hoa cỏ nơi đây, Minh Kỳ lựa chọn cho mình một lối riêng khi ông bị thu hút bởi những đồi thông cô độc, nhưng con dốc sương mù u buồn, đến cả những con suối lặng lẽ cũng trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho nhạc sĩ. Và “Thương về miền đất lạnh” là một trong những tuyệt khúc của ông, được ký dưới bút danh của Minh Kỳ và Dạ Cầm (đây là một trong những bút danh khác của nhóm nhạc sĩ Lê Minh Bằng).

“Tôi nhớ Đà Lạt mơ ru lòng người lữ thứ
với bao nhiêu ước mơ.
Lưu luyến Đà Lạt thơ
khi hoa anh đào nở đường lên phố xưa.
Dọc ghềnh suối đá lá chen hoa đẹp tươi
với sương lam nhẹ rơi với chim ca ngàn lời.
Thác ngàn là nơi hẹn hò
của giai nhân đón ai trong ngày vui….”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Trung Chỉnh trình bày trước 75.

Có một Đà Lạt mơ mộng ru hồn người lữ thứ với bao mộng ước bay xa, khiến người ta lưu luyến một Đà Lạt thi thơ với những cánh hoa đào tươi đang khoe sắc nơi đường phố xưa. Chỉ cần thả hồn đi dọc nơi một góc bờ hồ hay một con suối nhỏ, sẽ chợt cảm thấy tâm tình thanh tịnh đến lạ thường. Tâm sự cùng muôn hoa, nghe lời an ủi của những ghềnh đá ven suối, rồi gọt rửa thanh tâm bằng làn sương lam nhẹ và sau cùng sẽ hạnh phúc mà tận hưởng tiếng hót của những chú chim non. Một tiên cảnh nơi trần gian, một xứ sở thần tiên ngoài đời thực, ta như rũ bỏ mọi muộn phiền của cuộc sống xô bồ để ui an tâm hồn bằng những thứ nhỏ nhặt của thiên nhiên.

Giai điệu nhẹ nhàng được đệm nên như tiếng róc rách của những con suối, hay tiếng nước trôi nhẹ êm êm của nước, chúng như một bản hợp tấu thiên nhiên tuyệt vời giữa nơi núi rừng thông reo xanh biếc. Từ từ và nhè nhẹ đi vào lòng người như một dòng nước, mang theo đó chính là những hình ảnh đặc trưng về xứ sở sương mù phố núi, một nơi chốn làm xao xuyến và lay động biết bao con tim của người lữ khách thập phương. Đà Lạt vốn được mệnh danh là thành phố của những loại hoa, nhưng không phải vì thế mà có chỉ thu hút người lữ thứ bằng những loại hoa thơm cỏ lạ, mà nó còn là thành phố của tình yêu, thành phố của bao mơ ước và mộng ảo tươi đẹp. Nó mở ra cho người chiêm ngưỡng một bức tranh khung cảnh tuyệt vời, làm cho người ta như đi từng bước vào ảo ảnh, một tầng sương mù nhè nhẹ như khói chỉ tới ngang đầu, những tiếng chim hót líu lo như đang hợp xướng một khúc ca chào mừng. Người ta cứ ngỡ bản thân lạc vào tiên cảnh, lạc vào nơi chốn bồng lai xa vời và cũng vì thế mà nơi đây trở thành điểm hẹn hò lý tưởng của những cặp tình nhân.

“…..Cam Ly vô tư lên tiếng than muôn đời.
Thông reo vi vu Than Thở như ngậm ngùi.
Lữ khách bâng khuâng, thương nhớ vô vàn
cuộc tình duyên nàng Trinh Nữ….”

https://www.youtube.com/watch?v=JQEXRy4bmC4

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Thanh Tuyền trình bày.

Thác Cam Ly là một dòng thác nhỏ nơi đầu nguồn của Đà Lạt, nơi cất chứa biết bao câu chuyện vui buồn của những cặp tình nhân, tiếng nước reo vang giữa cánh rừng hoang sơ như tiếng than thở được vọng lại từ ngàn năm về trước. Hàng thông xanh lơ đang yên tĩnh khuất phục quanh bờ hồ Than Thở, một sự trầm mặc đến tình lặng khiến cho những du khách thập phương luôn cảm thấy lòng vướng chút bâng khuâng khi chợt nhớ về một câu chuyện tình yêu mang nhiều giai thoại của nàng Trinh Nữ, nét bi thương hiện hữu tạo nên cái tên…hồ Than Thở.

“….Linh Sơn đâu đây buông tiếng chuông ban chiều.
Như ru ai say trong giấc mơ dạt dào.
Cho thế nhân thôi rũ hết u sầu
để lòng quay về bến yêu…..”

https://www.youtube.com/watch?v=o4IyY1sa2C0

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Hương Lan trình bày.

Ngôi chùa đầu tiên và cũng là ngôi chùa nổi tiếng nhất ở Đà Lạt mang tên Linh Sơn. Nơi phố núi yên bình và trầm lặng, tiếng chuông ngân vang vọng mỗi lúc ban chiều như một điệu ru êm ái đưa hồn người nghe chìm vào những giấc mộng say, một giấc mơ đẹp giữa vùng đào nguyên tinh khôi. Người lữ khách có dịp ghé ngang, lặng lẽ đứng nghe những tiếng vọng chuông xa xa, cứ ngỡ là thanh âm của trời đất nên cảm thấy bản thân như rủ bỏ hết mọi u sầu của thế nhân rồi “để lòng quay về bến yêu”….

“….Thôi nhé Đà Lạt ơi!
Xa rồi em có nhớ có thương trong lòng nhiều.
Tuy tháng ngày dần trôi
nhưng bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa khó vơi.
Đà Lạt thương mến đã ghi trong lòng tôi
biết bao nhiêu buồn vui lúc trao thân vào đời.
Xứ lạnh yêu ơi!
Đừng buồn để lạt phai nét son trên làn môi.”

Tạm biệt rồi một Đà Lạt mộng mơ, khi rời xa là khi lòng thêm nhung nhớ “xa rồi em có nhớ có thương trong lòng nhiều”. Nó làm cho người ta có cảm tưởng như một cuộc chia lìa với người thương, nhưng dù cách xa thì đã sao, những hồi ức, những kỷ niệm vẫn được giữ mãi trong lòng “khó vơi”. Đà Lạt trong mỗi chúng ta, chính là nơi lưu dấu bao vui buồn, ai ai trong chúng ta cũng có một nỗi niềm riêng, sự khát khao yêu thương không bao giờ là đủ để rồi tìm đến nơi núi phố sương mù, mong Đà Lạt cất giấu nó đi. Hòa vào nhịp sống êm nhẹ, cảm nhận cung cách giữa những con người xa lạ tìm thấy sự đồng điệu trong tâm hồn.

Làm thân người lữ khách, chợt đến rồi chợt đi, lưu lại nơi đây chỉ có chút hoài niệm rồi lại thoáng xa như một cơn gió lạ. Rời xa thành thị xô bồ, đến với Đà Lạt hiền lương và dịu dàng nhưng ở được chỉ dăm ba ngày sau cùng lại lưu luyến khôn nguôi mà rời đi trong nhiều sự nuối tiếc. Đà Lạt như được phù phép để hóa thân thành một người con gái, khiến người lữ khách cảm nhận như một cô tình nhân ngọt ngào, quyến luyến nhưng lại không thể không rời xa, chỉ có thể đón nhận đôi lời nhắn nhủ từ người lữ khách thập phương “đừng buồn để lạt phai nét son trên làn môi”…

Đà Lạt từ thuở sơ khai cho đến hiện tại vẫn luôn xinh đẹp như vậy, vẫn luôn khoác lên mình một sắc áo hoa tươi tắn, nhưng Đà Lạt của hiện tại đã mất dần đi nét hoang sơ, nét đẹp núi rừng thiên nhiên năm cũ. Có thể với nhiều người, Đà Lạt vẫn còn giữ được nét son trên làn môi người thiếu nữ, càng đậm dần, càng sắc sảo, nên Đà Lạt đã chẳng còn là cô thôn nữ ngọt ngào và dịu dàng như thuở xưa. Đà Lạt của bây giờ làm cho nhiều người lữ khách cảm thấy xa lạ, làm nhạt dần nét say mê của ngày xưa.

Lời bài hát Thương Về Miền Đất Lạnh – Minh Kỳ & Dạ Cầm.

Tôi nhớ Đà Lạt mơ ru lòng người lữ thứ
với bao nhiêu ước mơ.
Lưu luyến Đà Lạt thơ
khi hoa anh đào nở đường lên phố xưa.
Dọc ghềnh suối đá lá chen hoa đẹp tươi
với sương lam nhẹ rơi với chim ca ngàn lời.
Thác ngàn là nơi hẹn hò
của giai nhân đón ai trong ngày vui.

Cam Ly vô tư lên tiếng than muôn đời.
Thông reo vi vu Than Thở như ngậm ngùi.
Lữ khách bâng khuâng, thương nhớ vô vàn
cuộc tình duyên nàng Trinh Nữ.

Linh Sơn đâu đây buông tiếng chuông ban chiều.
Như ru ai say trong giấc mơ dạt dào.
Cho thế nhân thôi rũ hết u sầu
để lòng quay về bến yêu.

Thôi nhé Đà Lạt ơi!
Xa rồi em có nhớ có thương trong lòng nhiều.
Tuy tháng ngày dần trôi
nhưng bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa khó vơi.
Đà Lạt thương mến đã ghi trong lòng tôi
biết bao nhiêu buồn vui lúc trao thân vào đời.
Xứ lạnh yêu ơi!
Đừng buồn để lạt phai nét son trên làn môi.

Viết một bình luận