Thú vui đua ngựa trở thành cơn sốt ngang với xổ số kiến thiết của người Sài Gòn xưa

Ngay khi Pháp chiếm đóng Sài Gòn vào năm 1959, Pháp nhanh chống biến nơi đây thành một “hòn ngọc” nhưng để phục vụ cho đế quốc. Dưới thời Pháp thuộc, những dịch vụ mang lại giải trí cho người Pháp và lính Pháp ngày càng nhiều đặc biệt là môn thể thao được mệnh danh “Thể thao hoàng gia” – đua ngựa. Họ cho thành lập các bãi bắn trọng pháo và kèm theo đó là trường đua ngựa để có thú vui giải trí.

Bộ môn đua ngựa như món quà tặng cho các sĩ quan và binh lính Pháp giải trí cuối tuần

Chính quyền thuộc địa khi ấy xem bộ môn đua ngựa như món quà tặng cho các sĩ quan và binh lính Pháp giải trí cuối tuần. Một khoảnh đất nhỏ, nằm khiêm tốn trên cánh đồng tập trận được dùng làm trường đua, nay thuộc khu vực vòng xoay Công trường dân chủ của Q.3 và Q.10.

Buổi đua ngựa đầu tiên

Trường đua ngựa lúc đó nằm ở vị trí của khu vực Bộ Chỉ huy quân sự TP.HCM ngày nay. Trên các bản đồ thành phố Sài Gòn vẽ vào thời gian này, khu trường đua và bãi tập bắn trọng pháo được ghi là Polygone de l’Artillerie chiếm một diện tích rất lớn. Trường đua hình bầu dục, hai đầu bằng nhau, nằm theo hướng bắc – nam chứ không nằm cặp theo đường Thuận Kiều, chỉ một góc của trường đua là gần đường Thuận Kiều, nơi mở cổng ra vào.

Theo nhà văn Sơn Nam trong cuốn Bến Nghé xưa, ở lần đua đầu tiên năm 1864, người Pháp đến dự với xe song mã, bọn quan sang trọng thì ngồi trên cáng có lính khiêng, có lính theo sau mang trầu cau, điếu đóm. Kẻ tò mò vào trường đua xem chia nhau ngồi trên các nấm mồ vô chủ. Thoạt đầu, chúng cho các chú nài người Việt mặc áo dài đen, đầu chít khăn đen, cưỡi loại ngựa cỏ nhỏ con.

Buổi đua ngựa đầu tiên khá hấp dẫn, được báo Courier de Sài Gòn tường thuật như sau: “Từ ba giờ, tất cả các con đường đi từ Chợ Lớn, Sài Gòn hoặc các làng lân cận trở ra cánh đồng Mồ mả (Plaine des Tombeaux), đầy đám đông người có vẻ lăng xăng và vui vẻ. Người ta thấy giữa đám bụi do các đoàn tùy tùng và các kỵ mã, một quang cảnh hỗn độn những dân vệ người An Nam, những viên quan ngồi trên kiệu sang trọng có người hầu mang trầu cau, những người Cam bốt khiêm tốn hơn trong các xe bò của họ. Những người An Nam cưỡi ngựa, ăn mặc trịnh trọng, ngựa nhỏ con mang lục lạc và thắng yên sang trọng, tất cả đều mang rõ màu sắc địa phương, bên cạnh các xe thắng ngựa với dây cương lớn hoặc theo kiểu thắng xe 4 ngựa từng cặp một của Công tước Daumont thời Phục hưng”.

Trường đua Phú Thọ

Năm 1893, nhóm người Pháp lập “Hội đua ngựa Sài Gòn” và xây trường đua nhỏ (Vườn Bà Lớn) ở góc ngã tư đường Verdun với Le grand de la Liraye (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám – Điện Biên Phủ, quận 3, TP HCM). Vào ngày cuối tuần, các sĩ quan và binh lính Pháp thường tổ chức những đợt tập dượt mã quân với sự tham gia của đội kèn để thúc nhịp.

Năm 1906, thương gia người Pháp Jean Duclos đem loại hình đua ngựa từ quê nhà sang kinh doanh. Ông mang 8 con ngựa giống Ả-rập tốt mã, lớn con, chạy đua giỏi đến vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn, tổ chức đua. Giới ăn chơi thượng lưu ở Sài Gòn bắt đầu làm quen với môn chơi quý tộc này rồi say mê theo kiểu cờ bạc. Trò đua ngựa của Duclos đã tạo cơn sốt khi có gần 200 cuộc đua chỉ trong vòng nửa năm, mang về cho thương gia này rất nhiều tiền.

Đối với chính quyền thực dân Pháp, đua ngựa không còn là môn thể thao tranh tài, mà là một hình thức cờ bạc để chính quyền có thể thu thuế, nên đã hợp thức hóa bằng các nghị định về đua ngựa vào ngày 15.11.1906 cho phép mở trường đua ngựa ở Sài Gòn và nghị định ngày 22.1.1907 cho ra đời trường đua ngựa tại Sóc Trăng.

Đến năm 1931, sau khi hai thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn nhập làm một, và khu trường đua cũ lọt vào khu vực đô thị hóa, trường đua ngựa được dời lên Phú Thọ (Q.11). Năm 1932, một nhóm thương nhân người Việt được chính quyền sở tại chuyển nhượng gần 5 ha đất để xây dựng trường đua ngựa Phú Thọ. Kể từ đây chấm dứt những cuộc đua trên cánh đồng tập trận.

Ảnh chụp trường đua Phú Thọ từ trên cao, năm 1970

Trong rất nhiều tài liệu bằng tiếng Pháp của Chính phủ Nam phần, kể cả địa chí Sài Gòn 300 năm cũng không cho thấy kinh phí đầu tư xây dựng trường đua tiêu tốn hết bao nhiêu, tuy nhiên hẳn là một số tiền không nhỏ cho một thú vui còn lạ lẫm đối với hầu hết người dân lúc bấy giờ.

Trường đua Phú Thọ luôn đông đúc người

Trong tác phẩm Ở theo thời viết năm 1935, nhà văn Hồ Biểu Chánh đã miêu tả rất rõ cảnh nhộn nhịp xem đua ngựa ở Phú Thọ xưa: “Khi ra gần tới trường đua thì gặp xe hơi, xe ngựa, xe máy chật đường, rồi tới cửa thì thấy thiên hạ chen nhau mua giấy mà vô nườm nượp. Trong số người đi coi ở đây, phần đông là người An-nam, chẳng những là đông bên hạng đứng ngoài trời mà thôi, mà bên hạng ngồi trên khán đài, người An-nam cũng đông thập phần, lại đờn bà số gần phân nửa”

Khi ra gần tới trường đua thì gặp xe hơi, xe ngựa, xe máy chật đường

Nói về cảnh cá cược ở trường đua, ông mô tả: “Khi mới vô, tưởng thiên hạ vì muốn coi ngựa chạy đua nên chịu tốn tiền cũng như coi hát, hay là coi đá banh. Té ra ngồi một lát, dòm coi thiên hạ bàn bàn luận luận, đi coi ngựa, hỏi tên nài, rồi chen nhau mua giấy, kẻ con ngựa số 1 năm mười đồng, người cá con ngựa số khác năm ba chục, có người lại dám cá tới năm ba trăm”.

Ngựa đua theo các cự ly 800 m, 1.000 m, 1.200 m, 1.700 m, 2.400 m và dài nhất là 3.000 m. “Đờn bà cũng mua giấy cá bạc chục như đờn ông, người cá về nhất, người cá về nhì, về ba, kẻ khen ngựa hồng hôm dượt chạy hay, kẻ chê ngựa đậm bị chở nặng. Chừng ngựa về tới mức, người trúng thì vỗ tay nhảy nhót chạy đi lãnh tiền, còn kẻ thua thì mặt mày buồn hiu lấy chương trình ra ngồi tính coi độ kế phải đánh con nào mà gỡ”, nhà văn Hồ Biểu Chánh viết.

Quang cảnh nơi trường đua

Lúc bấy giờ Phú Thọ được xếp hạng là một trong những trường đua lớn nhất nhì châu Á. Vào những ngày tổ chức thi tài, người ta nô nức đến xem nghẹt cứng khán đài. Dân cá cược ở trường đua được gọi là “tuyệt phích” (dân cá ngựa). Họ cá theo hai kiểu: Cá cặp, tức là cá con nhất con nhì; cá chiếc, tức là cá một con nào đó về nhất.

Bấy giờ trong số ngựa dự đua có ngựa Bà Điểm là nổi tiếng nhất. Ông Nguyễn Liên Phong kể trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca rằng:

“Trải xem Thập Bát phù viên

Một nơi Bà Điểm khuôn viên mỹ miều

Ngựa hay mua sắm quá nhiều

Mỗi kỳ đua ngựa thảy đều có ăn

Hai mươi hai hạt xa gần

Tiếng ngựa Bà Điểm ai bằng đặng đâu”.

Trong số ngựa hay thời bấy giờ, người ta thường nói đến ngựa Đạm Anh, cao 1,24 m, thắng trong nhiều cuộc đua, nhứt là cuộc đua ngày 27-2-1910 tại Saigon. Sau chủ nó đưa lên Biên Hòa dự cũng thắng luôn. Đến năm 1917 nó đã lớn tuổi, không dự đua được nữa. Chủ nó là Hai Thủ ở Đất Hộ (Đakao) cho nhảy để lấy giống vì ham con ngựa hay. Các chủ ngựa đua nhau đem ngựa cái đến, đóng 5 đồng lệ phí, chủ cấp cho giấy chứng nhận để chủ ngựa sau bán ngựa con có giá.

Chung quanh vấn đề đua ngựa, ông Vương Hồng Sển cho biết thêm trong cuốn Saigon năm xưa là năm 1906 có người Pháp là Jean Duclos chở ngựa lớn con giống Ả Rập từ Hanoi vào cáp độ trường đua Saigon, báo hại nhiều tay cá độ thua phá sản. Qua năm 1912, De Monpezat cũng chơi cái mửng ấy và vét sạch túi dân cá độ trong Nam.

Đua ngựa trở thành cơn sốt ngang với….xổ số kiến thiết

Ngày 11-8-1942, chính quyền Bảo Đại bắt đầu ban hành văn bản về đua ngựa và nuôi ngựa đua, nhưng rất sơ sài. Có lẽ lúc bấy giờ họ cũng chưa lường được hết sự phức tạp của bộ môn đua ngựa. Một năm sau, ngày 9-8-1943, văn bản trên được sửa đổi theo hướng quy định thành Luật đua ngựa và cá ngựa chặt chẽ và cụ thể hơn.

Tuy vậy, phải hơn 20 năm sau, đến thời VNCH đệ nhị thì bộ môn đua ngựa ở Nam Kỳ mới được cho là phát triển và tổ chức có quy củ. Bằng chứng là ngay sau khi nhận chuyển giao chính quyền từ Hội đồng quân nhân cách mạng, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã yêu cầu ngành chăn nuôi đầu tư phát triển ngựa đua.

Hưởng ứng lời kêu gọi, Chánh Hội trưởng Hội đua ngựa Sài Gòn Lý Văn Mạnh được phép nhập 5 con ngựa giống Anglo (Ả Rập) về phối giống cho đàn ngựa nhà và được báo cáo lên Tổng thống với “mức sản xuất đáng khích lệ”. Kế đến, chính quyền VNCH đã lập một Ủy ban Kiểm soát liên bộ, thường trực bao gồm đại diện các Bộ Nội vụ (giữ chức Chủ tịch), Bộ Tài chánh, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh cảnh sát quốc gia và Bộ Cải cách điền địa và Phát triển nông thôn ngư mục.

Đánh dấu cho sự phát triển đỉnh cao của bộ môn đua ngựa ở miền Nam, vào thời điểm 1971, trong danh sách chủ ngựa đăng ký với Hội đua ngựa Sài Gòn có đến 407 chủ ngựa, trong đó có rất nhiều người đăng ký 5 – 6 con ngựa đua. Cụ thể, chủ ngựa thuộc vùng Đô Thành Sài Gòn (Phú Lâm, Cây Da Sà, Phú Thọ và Bình Chánh): 103 người; chủ ngựa vùng Hóc Môn (Thuận Kiều, Bà Điểm, Trung Chánh, Chợ Cầu): 118 người; chủ ngựa vùng Hậu Nghĩa (Đức Hòa, Đức Lập, Củ Chi, Mỹ Hạnh, Đức Huệ): 77 người; chủ ngựa vùng Gò Vấp (Xóm Thơm, Xóm Gà, An Nhơn, An Hội, Thông Tây Hội): 42 người và chủ ngựa vùng Tân Bình (Bà Quẹo, Phú Nhuận, Gò Mây, Vĩnh Lộc): 67 người.

Kế đó, một loạt báo cáo thường niên qua các năm 1969, 1970, 1971, 1972, 1973 và 1974 (trong năm 1972, trường đua bị chính phủ tạm đóng cửa từ ngày 14-5, đến 20-3-1973 mới mở cửa trở lại – NV) của Hội đua ngựa Sài Gòn gởi Thủ tướng Chánh phủ, Tổng trưởng Bộ Nội vụ, Tổng trưởng Bộ Tài chánh, Tổng Giám đốc Ngân sách và Ngoại viện, Giám đốc Nha thuế trực thâu, Đô trưởng Sài Gòn, cho thấy mỗi năm Hội nộp cho ngân sách hơn 500 triệu đồng. Đây cũng là một trong những lý do chính quyền Sài Gòn luôn coi Hội đua ngựa ngang hàng với xổ số kiến thiết quốc gia.

Phát sinh tiêu cực

Dưới chế độ VNCH, đua ngựa là môn thể thao giải trí được đặt ngang hàng với xổ số kiến thiết, lấy nguồn thu để cứu tế và phát triển gia cư. Nhưng có một điều khá đặc biệt, ít ai biết việc điều hành toàn bộ cuộc chơi để mang về nguồn thu khổng lồ cho ngân sách lúc ấy được đặt dưới sự toàn quyền của Hội đua ngựa Sài Gòn. Chánh quyền Sài Gòn chỉ quản lý về mặt an ninh và kiểm soát bằng văn bản pháp luật.

Văn bản được coi là “trói” Hội đua ngựa Sài Gòn cùng các giới liên hệ là Sắc luật số 053 – TT/ SLU, được Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu ký ngày 25-12-1972. Tại mục 2, điều 4 quy định: “Khai gian số lợi tức dùng làm căn bản để đánh thuế sẽ bị phạt giam từ 6 tháng đến 5 năm, phạt vạ từ một trăm ngàn đồng đến một triệu đồng, không kể các hình phạt khác do luật lệ hiện hành dự liệu. Trong trường hợp khai gian số lợi tức phải chịu thuế, ngoài hình phạt về hình sự, can phạm phải bị xử bồi hoàn ba lần số tiền thuế đáng lẽ phải đóng cho chánh phủ”.

Trước đó, ngày 22-6-1971, Bộ Tài chính VNCH đã có văn bản ấn định tỷ lệ trích khấu trên số tiền đánh cá ngựa. Theo đó, mỗi tháng có 4 kỳ đua vào thứ bảy, 4 kỳ đua vào chủ nhật và một kỳ đua đặc biệt (ngày lễ) lấy tiền giúp các tổ chức xã hội từ thiện. Mỗi kỳ đua thu được 30 triệu đồng tiền đánh cá. Như vậy mỗi tháng có 9 kỳ đua (buổi đua) thu được 270 triệu đồng.

Theo một văn bản khác, những buổi đua đặc biệt (thứ bảy và ngày lễ) tỷ lệ trích khấu 14% cho Hội đua ngựa, 16% sung vào ngân sách Quốc gia. Còn những buổi đua thường (chủ nhật), tỷ lệ trích khấu cũng vẫn là 30%, nhưng Hội đua ngựa chỉ được hưởng 12%, còn 18% sung vào ngân sách Quốc gia. Số còn lại 70% được dành để trả thưởng cho những người trúng cá cược. Do đó, hàng tháng, trên số tiền đánh cá 270 triệu đồng, sung vào ngân sách 45.600.000 đồng.

Trong một công văn mang tính giải trình về việc sử dụng số tiền trên, đồng thời xin cứu xét tăng tỷ lệ trích khấu tiền đánh cá ngựa của ông Chánh hội trưởng Hội đua ngựa Sài Gòn Lý Văn Mạnh gởi Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lê Công Chất đề ngày 15 – 3 – 1973, như sau: Mỗi buổi đua có 80 con ngựa đua tham gia, chia đủ 4 hạng A, B, C, D. Tham dự cuộc đua chủ ngựa được lãnh thưởng nếu ngựa về 4 hạng đầu, chủ ngựa được trợ cấp nếu ngựa về không có hạng.

Cụ thể, mỗi tháng Hội thu 9 kỳ đua là 35.400.000 đồng nhưng phải chi cho mỗi buổi đua 3.400.000 đồng; chi phí cho nhân viên (nhân viên bán vé, nhân viên văn phòng trung ương, nhân viên an ninh trật tự, nhân viên y tế, nhân viên thú y, nhân viên kiểm soát tiền đánh cá…): 1.200.000 đồng và chi phí chuẩn bị cuộc đua (nhân viên thường trực, Ủy ban liên bộ…): 100.000 đồng. Như vậy mỗi tháng chi 9 cuộc đua hết 30.600.000 đồng, cộng với chi phí sinh hoạt của trụ sở 3.000.000 đồng/ tháng, mỗi tháng Hội chỉ còn dư khoản 1.800.000 đồng.

Tuy vậy, sau khi tham khảo ý kiến nhiều giới, ngành liên hệ, Bộ Tài chính VNCH đã bác đề nghị của Hội đua ngựa vì cho rằng việc tăng thêm sẽ ảnh hưởng đến tổng số tiền đánh cá.

Ngoài ra, theo hồ sơ của Hội đua ngựa Sài Gòn từ tháng 1-1972 đến tháng 3-1975, buổi đua đặc biệt (ngày lễ) trong tháng thường được tổ chức vào thứ năm, 16% tiền đánh cá của buổi đua này (4.800.000 đồng) được dùng để tổ chức 5 ngày lễ lớn trong năm: giỗ tổ Hùng Vương, lễ Lao động, lễ Phật Đản, kỷ niệm 1-11 và lễ Giáng sinh.

Ở những tháng không có ngày lễ kỷ niệm, số tiền trên được chuyển cho các tổ chức xã hội từ thiện.

Nhưng bắt đầu từ cuối 1972 đến 1975, ngoại trừ 5 buổi đua đặc biệt dùng để kỷ niệm các ngày lễ, 16% của 7 buổi đua đặc biệt còn lại trong năm được chuyển cho Hội Phụ nữ Việt Nam phụng sự xã hội do Nguyễn Thị Mai Anh, vợ của Nguyễn Văn Thiệu làm chủ tịch.

Trong một “mật văn” của Hội đua ngựa Sài Gòn, gửi cho Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống đại tá Võ Văn Cầm, ngày 28-8-1972, nói về số tiền 16% thu được từ các buổi đua đặc biệt đã “chuyển hết cho bà phu nhân tổng thống để làm quỹ xây cất và điều hành Bệnh viện Vì Dân”? (Sau 1975 đổi tên thành Bệnh viện Thống Nhất).

Bệnh viện Vì Dân (Sau 1975 đổi tên thành Bệnh viện Thống Nhất).

Ngoài việc chia chác tiền cá cược, tiền vé vào cửa trường đua cũng mang về nguồn thu khổng lồ cho “nhà cái”. Giá vé lúc bấy giờ là 20 đồng, Hội đua ngựa đóng thuế hí cuộc 48%, còn lại 10,40 đồng. Tính trung bình mỗi buổi đua có 5.000 người vô cửa, mỗi tháng 9 buổi, “nhà cái” hốt 468.000 đồng!

Thấy ngon ăn, ngày 2-2- 1974, Hội đua ngựa Sài Gòn xin Chính phủ VNCH cho phép tổ chức thêm một buổi đua trong tuần để lấy tiền giúp đỡ chủ ngựa gặp khó khăn. Qua khảo sát các Bộ Canh nông, Xã Hội và Bộ Tư lệnh cảnh sát quốc gia, cho rằng không thấy chi trở ngại.

Riêng Bộ Tài chánh, nhận xét: việc tổ chức đua ngựa vào thứ năm không được thuận lợi. Do, phái đoàn kiểm soát ngân khố gồm 42 người, khó có thể rời công vụ để đến trường đua. Ngoài ra, các công chức thuộc Bộ Tài chánh, và có lẽ các công chức khác, quân nhân… sẽ không được phép nghỉ một buổi trong giờ hành chánh để đến trường đua. Thế là không được.

Theo thống kê, những năm 60, trường đua Phú Thọ có khoảng 200 ngựa đua chính hiệu với nhiều lượt đua, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của dân “tuyệt phích”. Để duy trì hoạt động hàng tuần, người ta phải thuê thêm ngựa cỏ kéo xe ở các nơi để tổ chức cho đủ 10-12 ngựa mỗi đợt.

Đến năm 1975, trường đua tiếp tục bị gián đoạn vì thời cuộc. 14 năm sau nơi này được phục hồi dưới tên gọi CLB thể thao Phú Thọ, lợi nhuận mang lại cho TP HCM mỗi năm khá lớn.

Đến tháng 6/2011, theo chủ trương của UBND TP HCM, trường đua bị đóng cửa để xây dựng Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao thành tích cao. Sau 80 năm ra đời, trường đua một thời được xếp hạng nhất nhì châu Á cùng quá khứ lẫy lừng của nó giờ chỉ còn trong ký ức người Sài Gòn.

Viết một bình luận