Theo bước chân Vua Việt đầu tiên ngự giá trời Tây: Phương Tây trong mắt Trương Minh Ký

Như Tây nhựt trình phô bày trọn vẹn cảm xúc tác giả, cùng những ghi nhận về một Tây phương hiện đại.

“Như Tây thuật lại chuyện vời khơi”

Năm 1880, Trương Minh Ký (1855 – 1900) được Thống đốc Nam kỳ Le Myre de Vilers cử dẫn đoàn 11 du học sinh sang Alger (Algiers) du học.

Trương Minh Ký đã ghi lại chuyến đi, đăng dài kỳ trên Gia Định báo thời gian 1888 – 1889. Năm 1889, Như Tây nhựt trình in thành sách. Cuối sách, ông có bài Tự thất ngôn bát cú Đường luật với những chữ đầu tạo thành câu “Làm hết bổn Như Tây nhựt trình rồi” và được Huình đốc phủ (Huình Tịnh Paulus Của, tác giả bộ Đại Nam quấc âm tự vị) họa lại. Trương Vĩnh Ký cũng làm thơ họa với những chữ đầu xếp thành câu Như Tây nhựt trình của Trương Minh Ký, trong đó phần câu đề và thực ghi: Như Tây thuật lại chuyện vời khơi/Tây giái phong quang nhẩng [nhởn] mấy nơi/Nhựt ký cảnh kia từng mắt thấy/Trình đồ cõi ấy khắp chơn dời [chân giời].

Notre Dame de la Garde được Trương Minh Ký miêu tả “có cái chuông, nổi tám ngàn cân”

Khác với những du ký sau này, Như Tây nhựt trình được diễn thành văn vần 2.000 câu khái lược chuyến du Tây. Khởi đầu, ngày 19.3.1880, đoàn từ Gia Định xuống tàu Tarn sang Tây. Sóng to gió lớn Làm cho buồn mữa [mửa] ngất ngơ/Chóng mày chóng mặt bắt khờ bắt ngây. Ấy vậy nhưng hình ảnh non sông gấm vóc với Cần Giờ, Côn Lôn… vẫn thu vào tầm mắt.

Trên hải trình sang Tây, đoàn qua Ceylan (Sri Lanka), Aden, Biển Đỏ; thưởng thức nhiều món ẩm thực khác lạ như rượu mạch nha, cà phê… Đi qua đâu, con mắt của chàng thanh niên tuổi 25 cũng để ý. Tên Biển Đỏ được giải thích là Biển xanh kêu đỏ vì đâu/Vì chưng dưới đáy, cát màu đỏ gay; lịch sử, công dụng kênh Suez cũng được quan tâm: Sóng sụt sụt, bủa ngang qua cữa [cửa]/Kêu ồ ồ ngã ngữa [ngửa] ra xa/Thôi bảo [bão] chướng, hết phong ba/Tánh coi êm ái, nết ra dịu dàng.

Chuyến hải trình cũng có sự cố khi ngày 16.4, trời nổi giông, sóng cuộn khiến cho “tên lính ngồi, đang cột mối dây” bị gió thổi bay khỏi tàu mất tích. Đến Địa Trung Hải, tàu qua những đảo Sicile, đảo Corse rồi đến Toulon (Pháp) sau 36 ngày xuất phát từ Gia Định.

“Thảy coi khéo léo từ trong ra ngoài”

Bước chân sang xứ văn minh bậc nhất bấy giờ, đã thấy sự khác lạ khi ở Toulon Dinh tổng đốc, nhà tràng, tòa án/Các nhà thờ, nhà quán, nhà thương/Ụ tàu, kho súng, khám đường/Thảy coi khéo léo từ trong ra ngoài. Món xiếc làm cho thầy trò Trương Minh Ký ngỡ ngàng về sự khéo léo: Đứng dăn [dang] tay, đở [đỡ] nổi ba người, Đi dây con nọ như chơi cũng tời, Một người đờn, trên vai cây dựng/Thằng chót trên, ngó xuống đờn hòa…

Khi ghé thành phố cảng Marseille, những nhà thờ Le Calvaire, bảo tàng Saint Joseph, đền Longchamp… làm say mắt người phương Đông. Mỗi thứ có ấn tượng riêng như Đền Du Mont, treo đầy tượng vẽ/Sự tích xưa, khôn kể dông dài, De la Garde, chỗ nầy cao lắm/Có cái chuông, nỗi tám ngàn cân… Văn hóa, nghệ thuật gây ấn tượng mạnh với những tân kỳ trong mắt Trương Minh Ký, những nhà hát Có nhà đã rộng lại dài/Bốn ngàn người đến coi chơi cũng thường; đền Longchamp chứa cổ vật quý giá gồm tranh vẽ, tượng, đồ sành sứ, xương thú thu hút đông du khách; nơi thư viện sách đếm cuốn ra có ước chín muôn.

Tác phẩm Như Tây nhựt trình được in thành sách tại Sài Gòn năm 1889

Thầy trò lại từ Marseille đáp tàu Afrique sang Alger. Sau khi lo cho học trò mọi bề việc ăn học, dặn dò kỹ lưỡng: Lo mà học, học phải lo/Lo cho được tiếng, học cho có tài, ngày 15.5 Trương Minh Ký xuống tàu quay về Marseille rồi đi xe qua Paris. Đến kinh đô ánh sáng ngày 18.5, để khám phá đô thành rộng lớn, họ Trương dùng bản đồ Coi lần chỗ phải đi coi/Gần thời coi trước, xa thời coi sau.

Lần đầu tới Paris, Trương Minh Ký nắm bắt khá đủ đầy thông tin. Nào là giao thông có tàu đò dưới sông, ô tô, tàu hỏa trên bộ; dân số 2 triệu với hơn 6 vạn hộ; Paris có 20 quận, 16 đồn, cầu qua sông 27 cái… Thành phố văn minh đáng ngưỡng mộ khi Ngó xuống nước, nước trong tợ lọc/Xem trên đàng, đàng sạch như chùi. Hầu hết danh thắng Paris thu vào tầm mắt tác giả Như Tây với di tích Bastille, quảng trường Vendôme, vườn Luxembourg, đền Panthéon… Tên tuổi

Louis XIII, Napoléon I, Molière… cũng được thông tin thấu đáo. Ngoài ra, cảm nhận chung về hoạt động kinh tế khác với tính chất nhỏ lẻ, manh mún và thủ công bên ta, là sản xuất quy mô lớn kiểu công nghiệp khi nhà in, xí nghiệp thuốc hút… nhân công tới cả nghìn; giáo dục thì có giáo cụ trực quan như trường thuốc có tượng bằng sáp để thực hành, môn địa lý “coi bày đồ kim thạch mọi loài”…

Nhiều phường phố giàu coi quá sức/Bộn ngã đàng người chật như nêm/Thêm dồn tới, tới dồn thêm/Ngày như đêm sáng, sáng đêm như ngày là cảnh giàu có, hiện đại của trái tim nước Pháp. Ngày 6.6, họ Trương ghé thăm nhà Michel Đức Chaigneau và những người Việt khác. Ông còn được Dupuis mời “Tới ăn nghe nói việc nơi Bắc kỳ”, ông Des Michels thông tiếng Tàu, giỏi tiếng Nam thết đãi… Ngày 18.7.1880 rời Paris, tác giả hồi hương và đặt chân lên đất mẹ sau gần 40 ngày rong ruổi trên biển, Đi đến chốn, về đến nơi/Cả nhà vô sự, mọi người bình yên. Chuyến du Tây kết thúc đầy những điều mới lạ tai nghe mắt thấy.

(còn tiếp)

Viết một bình luận