Thất phủ Thiên Hậu cung – Công trình tín ngưỡng của xưa tại Sài Gòn – Chợ Lớn

Người Hoa từ trước đến nay vẫn đóng vai trò tương đối quan trọng tại vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn. Trong đó, nằm len lỏi giữa chốn phồn thị xa hoa của thành phố hiện đại, những công trình tín ngưỡng cổ xưa của người Hoa vẫn còn tồn tại và được gìn giữ. Dù cho không có giá trị tín ngưỡng như xưa nhưng những lối kiến trúc đặc biệt vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay. Một trong những công trình tín ngưỡng nổi bật chính là miếu Thất phủ Thiên Hậu Cung.

Từ xa xưa, khoảng vào thế kỷ XIX, xung quanh Chợ Lớn đã xuất hiện những ngôi miếu theo tín ngưỡng của người Hoa. Theo như Trịnh Hoài Đức viết trong tác phẩm Gia Định thành thông chí, ông đã viết: “Đầu phía bắc đường phố lớn có miếu Quan Thánh và 3 hội quán: Phúc Châu, Quảng Đông và Triều Châu chia đứng hai bên tả hữu, phía tây đường lớn có miếu Thiên Hậu, gần phía tây có hội quán Ôn Lăng, đầu phía nam đường phố lớn về phía tây có Chương Châu hội quán…”. Trong đó, hội quán Phúc Châu (nay là hội quán Tam Sơn – Địa chỉ: 118 Triệu Quang Phục, phường 11, quận 5) là của người Hoa phủ Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến; hội quán Quảng Đông (nay là hội quán Tuệ Thành – Địa chỉ: 710 Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5) của người Hoa phủ Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông; hội quán Triều Châu (nay là hội quán Nghĩa An – Địa chỉ: 676 Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5) của người Hoa phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông; hội quán Ôn Lăng (tên này hiện nay vẫn không thay đổi – Địa chỉ: 12 Lão Tử, phường 11, quận 5) của người Hoa phủ Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến; hội quán Chương Châu (nay là hội quán Hà Chương – Địa chỉ: 802 Nguyễn Trãi, phường 14, quận 5) của người Hoa phủ Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến. Vậy là có 5 trong 7 số hội quán thuộc nhóm ngôn ngữ địa phương. Miếu Quan Thánh và miếu Thiên Hậu cũng được xem là di tích quan trọng của người Hoa tại Sài Gòn, thường gọi là Thất phủ Võ miếu và Thất phủ Thiên Hậu. Đối với người Việt, họ quen gọi 2 ngôi miếu này là chùa Bảy phủ Ông và chùa Bảy phủ Bà. Với người Pháp, họ gọi 2 di tích này là La pagode des Sept Congrégations. 

Lịch sử của di tích miếu Thất phủ Thiên Hậu Cung 

Người Hoa đến định cư ở Sài Gòn chủ yếu có nguyên quán ở phía Nam Trung Hoa như tỉnh Phúc Kiến, tỉnh Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông,… Sau khi cuộc sống người dân đã dần ổn định, toàn bộ người Hoa đã cùng nhau xây dựng nên Thất phủ Võ miếu thờ Quan Thánh Đế Quân và cùng nhau quyên góp tiền bạc để dựng nên Thất phủ Thiên Hậu thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu.

Việc xây dựng 2 ngôi miếu này thể hiện tín ngưỡng quan niệm âm dương. Nơi đây ngoài việc thể hiện tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa, ở đây còn là nơi mọi người tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau nếu có khó khăn xảy ra.

Miếu Thất Phủ Thiên Hậu Cung (thờ Thiên Hậu) trong sân Tinh Võ (hình trái) và trên đường Nguyễn Trãi (hình phải)

Vào năm 1775 (năm Ất Mùi), các thương nhân người Hoa sống ở sông Tân Bình và kênh Tàu Hủ đã cùng nhau xây dựng miếu Thất phủ Võ miếu và Thất phủ Thiên Hậu cung. Tất cả những điều này đều được ghi lại trên văn bia Thất phủ Võ miếu lập vào năm 1827 (năm Đinh Hợi) chứng thực 2 di tích này được xây dựng bởi người Hoa và được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII. 

Sở dĩ miếu của Thiên Hậu dùng cữ “cung” vì theo tín ngưỡng tôn giáo của người Hoa thì “cung” được dùng để chỉ nơi ở của hoàng đế, mà các vị thánh thần cũng đức cao vọng trọng như hoàng đế nên nơi ở của Thiên Hậu cũng có thể dùng từ “cung”. Vả lại đối với nữ thần được sắc phong “Hậu” cũng ở trong “cung”. Các triều đại hoàng đế sắc phong danh hiệu cho Thiên Hậu dài đến 64 từ nên nơi thờ Thiên Hậu gọi là Thiên Hậu cung cũng là phải phép.

Nơi đây còn là địa điểm để tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội tề tựu nhiều người Hoa tại Sài Gòn về đây. Đối với cộng đồng người Hoa Minh Hương thì Thất phủ Võ miếu và Thất phủ Thiên Hậu cung cũng khá quan trọng. Cứ vào ngày 16/10 âm lịch hàng năm, khi quản trị đình tổ chức lễ cúng tạ thần ở đình Minh Hương Gia Thạnh thì đều phải tổ chức lễ thỉnh tro ở Thất phủ Võ miếu và Thất phủ Thiên Hậu cung về đình Minh Hương để cúng tế.

Tuy nhiên, đến năm 1922, khi mà Việt Nam Tinh Võ thể dục học hiệu được sáng lập bởi Tổng hội Tinh Võ Thượng Hải đã sử dụng Thất phủ Thiên Hậu cung làm trụ sở thì nơi đây không được cộng đồng người Hoa lui tới như trước kia nữa. Sau dần, nơi đây rơi vào quên lãng của người Hoa ở Sài Gòn.

Trong miếu Thất phủ Thiên Hậu cung ngày nay – Võ sinh Vovinam

Mặc dù Hội thể thao Tinh Võ nói rằng sẽ trông coi đền nhưng sau này lại biến phần sân trước của miếu thành sân bóng rổ có sức chứa lên đến 1000 người. Và thế là kiến trúc của nơi đây cũng đã bị thay đổi ít nhiều, tín ngưỡng của nơi này cũng trôi dần vào quên lãng.

Miếu Thất Phủ Thiên Hậu Cung (宮后天府七) trong sân Tinh Võ ngày nay

Ngôi miếu từng được cộng đồng người Hoa thờ tụng một thời giờ đây đã được Trung tâm Thể dục Thể thao quận 5 và Câu lạc bộ Tinh võ quản lý sau năm 1975. Sân bóng rổ cũng được đẹp đi và thay vào đó là tòa nhà lớn làm nơi tập luyện thể thao vào năm 2003. Vậy là một lối kiến trúc đặc biệt của Thất phủ Thiên Hậu cung giờ đây đang nằm ẩn khuất sau tòa nhà cao tầng hiện đại.

Thất phủ Thiên Hậu Cung hiện nay tọa lạc ở số 756 Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5. Ngôi miếu cổ xưa đành nằm gọn trong khuôn viên của Câu lạc bộ Tinh võ. Di tích này từng là nơi được trang hoàng và là công trình tín ngưỡng quan trọng của cộng đồng người Hoa. Nằm ở nơi có khuôn viên rộng lớn và thoáng đãng. Miếu có 3 trục, trong đó trục chính nằm ở giữa và 2 trục phụ nằm ở hai bên. Trục chính là trục quan trọng nhất của miếu, có lối trang trí hoa văn gần giống với hội quán Tuệ Thành. Hai bên là hai hành lang với tên gọi đông lang và tây lang để ngăn cách các trục phụ với trục chính.

Mặt tiền của miếu có hai cây cột đá vuông có nhiệm vụ đỡ xà ngang bằng đá. Ở hai đà ngang có hai con kỳ lân bằng đá vối lối chạm khắc vô cùng tinh xảo. Ở vách tiền điện được xây bằng gạch xám không tô. Những phiến đã lớn được sử dụng để làm khung cửa chính. Tên miếu được khắc nổi trên biển đá phía trên cửa. Cặp liễn hai bên cửa khắc câu đối chạm chìm trên đá với phiên âm Hán Việt là:

“Trạch bái đông nam, bạn lý ba bình hải quốc,

Ân luân thương cổ, thiên thu miếu tố Bồ Điền.”

Dịch ra là:

“Đức rộng trải khắp đông nam, muôn dặm sóng yên nơi hải quốc,

Ơn sâu thấm nhuần thương cổ, ngàn năm lập miếu nhớ về Bồ Điền.”

Được biết cặp liễn đối này là do thương nhân ở hội quán Tuệ Thành dâng lên để đặt tại Thất phủ Thiên Hậu cung.

Mái ngói của miếu được lợp ngói âm dương tiểu đại có phong tô. Trên gờ nóc mái tiền điện có quần thể tiểu tượng Sài Gòn, trên đây có đề hai dòng chữ Hán, dịch ra là “Quý tỵ niên lập” và “Hòa Lợi Tường tạo”. Có nghĩa là quần thể tiểu tượng này là sản phẩm của lò gốm Hòa Lợi Tường, sản xuất năm Quý Tỵ (Năm 1893).

Phần quan trọng nhất của Thất phủ Thiên Hậu cung là tòa chính điện, được phân chia bằng hai hàng cột gỗ tròn. Phần mái cũng là lớp ngói âm dương và có trang trí quần thể tiểu tượng, tuy nhiên gốm hiện nay đã bị gãy vỡ khá nhiều”. Phần chính điện trước đây được thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu ở giữa, hai bên là vị thần phối tự khác. Chuông đại hồng chung đặt trong chính điện là vật duy nhất còn sót lại. Hiện vật này có hoa văn đúc nổi vô cùng tinh tế. Thành chuông cũng có khắc các ký tự chữ Hán với nội dung: Thất phủ Thiên Hậu Cung, Phong điều vũ thuận (Mưa thuận gió hòa), Quang Tự ngũ niên tuế thứ Kỷ mão mạnh đông cát đán (nghĩa là chuông đúc vào ngày tốt tháng 10 năm Quang Tự thứ 5).

Mái ngói của Thất phủ Thiên Hậu cung

Dựa vào một số di vật còn sót lại của miếu, ta biết được Thất phủ Thiên Hậu cung được trùng tu vào năm 1893. Trong đó, quần thể tiểu tượng đến nay vẫn mang giá trị lịch sử lớn, thể hiện cho sự du nhập của gốm Quảng Đông vào Sài Gòn. Nơi đây được xem là ngôi miếu được xây dựng đầu tiên ở Sài Gòn do người Hoa dựng nên, thể hiện di tích với lối kiến trúc nghệ thuật đặc sắc và là một di tích văn hóa quan trọng của Sài Gòn.

Viết một bình luận