TẠI SAO nơi hoang phế và giống bãi rác Lò gốm Hưng Lợi lại là khu di tích khảo cổ độc nhất Sài Gòn

Khoảng cuối thế kỷ XVIII, Sài Gòn – Bến Nghé đã khoác lên mình dáng vẻ của một đô thị sôi động với những hoạt động thương nghiệp và sản xuất nhiều ngành nghề thủ công. Trong đó nhiều nhất và tập trung nhất là các xóm Chiếu, xóm Cốm, Xóm Lò Rèn, xóm Gốm,…

Địa danh Lò Gốm được nhắc đến đầu tiên trong sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức khi có sự kiện đào kênh Ruột Ngựa năm 1772. Trong bản đồ thành Gia Định vẽ năm 1815 cũng ghi địa danh Xóm Lò Gốm ở khoảng làng Phú Lâm – Phú Định.

Một số tài liệu của Pháp cũng thể hiện làng gốm có hơn 30 lò tập trung ở làng Hòa Lục, Phú Định, Cây Mai… Nơi đây có những sản phẩm nổi tiếng, cung cấp cho Sài Gòn và các tỉnh miền Tây.

Lò gốm vùng rạch Lò Gốm Cholon

Xóm Lò Gốm xưa khá rộng, gồm các làng Hòa Lục (quận 8), Phú Định-Phú Lâm (quận 6), Phú Giáo-Gò Cây Mai (quận 11) trải dài đôi bờ kênh Ruột Ngựa, kênh-rạch Lò Gốm. Những con kênh  rạch lớn nhỏ, mọi sự đi lại đều dùng ghe xuồng này là tuyến đường giao thông chính của khu vực Sài Gòn cũ – nay là Chợ Lớn. Ngày nay rạch Chợ Lớn không còn nữa, nhiều đoạn rạch Lò Gốm biến mất – nhất là khu vực Gò Cây Mai hầu như không còn dấu tích con đường thuỷ quan trọng này. Kênh Ruột Ngựa không còn thẳng như tên gọi do bị bồi lấp lấn chiếm hai bên bờ. Kênh Lò Gốm ngày càng cạn hẹp dù đã nạo vét nhiều lần… Tuy nhiên ghe xuồng vẫn theo con nước mà xuôi ngược, dù nơi đây đã phát triển hệ thống đường bộ chằng chịt như mạng nhện, dù các làng nghề – phố nghề ven kênh rạch không còn nữa…

Khi khai quật các dấu tích còn lại của xóm Lò Gốm ngày xưa nay chỉ còn lại di tích lò gốm Hưng Lợi thuộc làng Hòa Lục (phường 16 quận 8), nằm ven kênh Ruột Ngựa. Đối diện là làng Phú Định cách đây vài năm còn một số gia đình làm nghề “nặn ông lò” – bếp gốm. 

Khu lò gốm có cấu trúc khá phức tạp, do có ba giai đoạn sản xuất gồm ba lò nối tiếp, chồng lên nhau. Lò Hưng Lợi cũng có ba nhóm sản phẩm chính từ lu, siêu, chậu bông đến các sản phẩm men xanh trắng và men nhiều màu như tô, đĩa, lư hương, ấm trà, thìa …

Khoảng đầu những năm 1940 những lò gốm, lò gạch ngói cuối cùng của xóm đã ngừng hoạt động do quá trình đô thị hoá mạnh kèm với những sự kiện chính trị. Các làng nghề bị đẩy ra vùng ven, hoặc phải chuyển địa bàn sản xuất ra các tỉnh lân cận, nhường chỗ cho những trung tâm thương mại, phố chợ. Có ba nhóm sản phẩm chính từ lu và những sản phẩm chính ở lò gốm Hưng Lợi là gốm men xanh trắng và men nhiều màu gồm có tô, đĩa, bát, cốc, ly đèn, lư hương, ấm trà, bình rượu, thìa muỗng và được khắc họa hình hoa văn.

Cuộc khai quật năm 1997-1998 đã tìm thấy tại đây phế tích 3 lò gốm kiểu lò ống (lò Tàu) là loại lò thông từ bầu lửa đến ống khói, dốc và hẹp, nền lò được gia cố nhiều lần, thành lò đắp dày bằng phế phẩm. Các đoạn vách lò còn lại được xây bằng loại gạch lớn chảy men dày, lòng lò chứa đầy mảnh sản phẩm mà qua đó có thể nhận biết một số loại sản phẩm đặc trưng của lò Hưng Lợi. Ba lò gốm này sản xuất nối tiếp nhau trong một thời gian khá dài nhưng có thể không liên tục vì lò gốm của giai đoạn sau được xây trên một phần lò cũ hoặc sửa chữa gia cố lại lò cũ.

Cuộc khai quật năm 1997-1998

Lò gốm Hưng Lợi là khu di tích lịch sử này cũng là công trình khảo cổ học duy nhất tại TP.HCM.

Nhưng buồn thay khi hậu thế ngược dòng thời gian tìm về Sài Gòn thuở sơ khai, lại phải chứng kiến một sự thật đau lòng, khu di tích 300 năm về nghề Gốm Hưng Lợi khi xưa nay chỉ còn là phế tích trên gò có hai cây keo già, me cùng nhiều cây cỏ hoang dại… Quanh gò là vùng đất trũng có nhiều ao nhỏ – dấu tích khai thác đất làm gốm. Phía Nam khu di tích bị sụp, phía Bắc đã bị người dân san phẳng làm khu nghĩa địa nhỏ.

Chiếc cổng trắng nhuốm màu thời gian, bên trong cỏ cây mọc um tùm che lấp những dấu tích rực rỡ của làng gốm một thời.

Ngày nay, khu di tích làng nghề có diện tích khoảng 800 mét vuông, nằm trong các con hẻm sâu này. Rất khó để nhận biết đây là một di tích quốc gia có tuổi đời hơn 300 năm. Chiếc cổng trắng nhuốm màu thời gian, bên trong cỏ cây mọc um tùm che lấp những dấu tích rực rỡ của làng gốm một thời. Rất khó để chúng ta có thể tin bãi đất trống xung quanh có bức tường cũ kĩ này lại là khu di tích cấp quốc gia. Bước vào trong, xung quanh là những mảnh vỡ của đất nung, gạch và một số mảnh sành. Những mảnh đất trống, được người dân tận dụng để trồng rau, phơi đồ tạo nên một hình ảnh hoang tàn.

Di tích lò gốm nay là bãi đất hoang với cây cối um tùm cùng mồ mả.

“Dù là phường có di tích cấp quốc gia nhưng ít người biết đến, cũng không có người tham quan. Cánh cổng sắt dẫn vào lò gốm di tích hiện bị hư hỏng nặng nhưng chúng tôi chưa xin được kinh phí để sửa chữa nên đành bất lực”, (Ông Lê Minh Tâm, Phó chủ tịch UBND phường 16, quận 8).

Viết một bình luận