“Sương Trắng Miền Quê Ngoại” – Nỗi nhớ khắc khoải không chỉ riêng tác giả mà của toàn thể chúng ta…

Ai trong chúng ta mà chẳng giấu riêng cho mình một nỗi nhớ, không nhớ gia đinh khi tha hương, thì cũng nhớ người yêu bị chia cách, hay đơn giản chỉ là nỗi nhớ về bạn bè, tuổi thơ….Có vô vàn nỗi nhớ xoay quanh chúng ta và nó cũng là khởi nguồn cảm hứng với nhiều thi nhân. Cùng viết về nỗi nhớ nhưng mỗi nhạc sĩ sẽ có cách bộc lộ và thể hiện của riêng mình, với người nhạc sĩ khác nhau thì cảm xúc truyền tải đến người nghe đều khác nhau. Còn nỗi nhớ của nhạc sĩ Đinh Miên Vũ trong nhạc phẩm “SƯƠNG TRẮNG MIỀN QUÊ NGOẠI” lại nồng nàn và tha thiết, từng câu chữ từng giai điệu đều thắm đượm tình cảm, nó ăn sâu vào tâm can của mỗi người.

Đinh Miên Vũ là một người nhạc sĩ tài hoa và nổi tiếng của nền âm nhạc miền Nam Việt Nam, ông được biết đến nhiều với ca khúc “SƯƠNG TRẮNG MIỀN QUÊ NGOẠI”. Không có quá nhiều trang báo nói về tiểu sử cuộc đời ông, chỉ được tóm tắt ngắn gọn và sơ lược. Năm 1942 trong một gia đình nhỏ ở Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế, nhạc sĩ Đinh Miên Vũ đã chào đời, ông tên thật là Đinh Miên. Ông tham gia vào sự nghiệp sáng tác muộn hơn nhiều so với các bạn đồng trang lứa, đến tận năm 1970 ông mới có tác phẩm đầu tay cho riêng mình. Đinh Miên Vũ chỉ sáng tác vỏn vẹn 2 ca khúc: “SƯƠNG TRẮNG MIỀN QUÊ NGOẠI” (ca khúc đầu tay của tác giả được nhạc sĩ Duy Khánh mua lại bản quyền xuất bản và thâu thanh) và “HAI QUÊ” được sáng tác khi nhạc sĩ đã sáng Mỹ định cư.

Ca khúc “SƯƠNG TRẮNG MIỀN QUÊ NGOẠI” không chỉ gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả nghe nhạc bởi vì giai điệu da diết, mà còn vì ca từ chất chứa nhiều tình cảm. Đó là toàn bộ nỗi lòng của người lính chiến khu thương về miền quê ngoại, bao năm xa cách chưa một lần được về thăm quê, nhớ lắm con đường cũ ngày xưa hay từng bước chân mẹ hiền đã dìu dắt anh trên con đường làng ngày trước. Đến hôm nay, khi đôi chân mỏi mệt lê từng bước chân băng qua đèo suối, vượt qua rừng già, nơi chỉ có những tiếng chim ríu rít trò chuyện cùng nhau hay vờn quanh vui đùa thì người lính sa trường lại nhớ lại chuỗi ngày ở nơi miền quê ngoại. Nơi có mẹ già hàng ngày chờ con trai trở về, nơi người yêu bé nhỏ vẫn luôn mong ngóng người chiến sĩ anh hùng.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Duy Khánh trình bày.

“Lội bùn dơ băng lau lách xuyên đêm.

Sương trắng rơi vai tôi ướt lạnh mềm.

Chim muông buồn rủ nhau bay về đâu?

Ngẩn ngơ lũ vượn gọi nhau……”

Nơi cánh rừng hoang vu, chỉ nghe thấy tiếng lũ chim rủ nhau bay về nơi chúng thuộc về, chúng vờn nhau trên cánh trời rộng lớn, chúng có đôi có cặp, có bạn có bè, chúng vui vẻ bên nhau mỗi ngày. Lại trái ngược hoàn toàn tâm trạng của người lính phải hành quân băng rừng, không ngại dơ bẩn của bùn lầy mà phải lau lách cả đêm trường. Buồn tủi, xót xa,….ngổn ngang cảm xúc đan xen trong tâm trạng lúc này, nhưng trách ai bây giờ. Nghĩa vụ và cũng là trách nhiệm, là sao dám than vang chỉ biết giấu nỗi lạc lỏng vào trong mà vững bước trên con đường nơi núi rừng hiểm hách.

“…..Nào những khi ôm thép súng tê tay.

Đăm mắt theo bao hư ảo thở dài.

Nơi chốn xa buồn thương mẹ quẳng gánh.

Em còn khêu sáng ánh đèn từ sương mai…..”

https://www.youtube.com/watch?v=V9Od0_3YXYU

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Tuấn Vũ trình bày.

Đôi tay này đã quen với cảm giác lạnh băng của súng ống, đã đem tiếng nổ vang đạn bay làm thành tri kỷ, chỉ mong một ngày có thể đặt khẩu súng trên tay xuống mà vui vẻ cùng tự hào. Trong hư ảo, đôi mắt người chiến sĩ như mờ đi, có thể vì mỏi mệt nhưng cũng có thể vì những giọt lệ nam nhi. Nhớ thay hình ảnh người mẹ quẳng gánh nuôi chàng không lớn, nhớ thay tiếng rao từ sáng sớm đến đêm muộn. Con trai chưa thể báo hiếu cho mẹ già, đã phải rời đi ôm súng trên tay mà ra chiến trường giết giặc. Tiếng súng thay tiếng rao của mẹ, đạn bay thay hình ảnh mẹ già…..Nhớ lắm người mẹ nơi quê nhà đang chờ tin con quay về.

“…..Mẹ biết bây giờ con ngồi hố nhỏ, gió hẹn mưa thề?

Một khi con về quê ngoại xưa để mẹ nhắn lời thăm.

Đường làng cũ năm nào khi con còn bé nhỏ theo mẹ đến trường.

Giờ đây con đường xưa còn đó, tóc liễu vờn gió ru buồn…..”

Con đường làng cũ ngày xưa, nơi mà mẹ đã nắm lấy đôi bàn tay nhỏ, còn e dè dạo từng bước tới trường. Nhưng giờ đây, đường xưa vẫn đó nhưng mẹ nay đã già, mắt mẹ không còn niềm vui mà chỉ có nỗi buồn khi không biết con có bình an nơi sa trường. Tóc liễu bay bay trong gió, hình ảnh làm lòng người ngổn ngang, như một nhát dao khứa vào tim người con xa nhà.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Thanh Tuyền trình bày.

Mẹ thấu hiểu cho hoàn cảnh của con, cũng hiểu cho hoàn cảnh của đất nước đang vô cùng khốc liệt, mẹ biết con hiện giờ chắc đang núp trong một hố nhỏ nào đó, con đang chung tay vì sự thanh bình của Tổ quốc. Nên  mẹ cũng không mong con sẽ được về thăm mẹ, lòng mẹ chỉ mong con bình an, lòng thì cầu nguyện và đôi dòng thư từ thăm nom.

“…..Bận hành quân nên chắc khó thăm nhau,

nhưng có nhau như hơi thở vào đời.

Tóc em còn có thơm hương cỏ may,

để anh nói chuyện ngày mai?….”

Bắt đầu từ câu hát này về sau lại chuyển thành nỗi nhớ người yêu, có vẻ không hay bằng những khổ nhạc đầu, nhưng do giai điệu và sự xuất sắc của phần đầu nên người nghe chấp nhận bỏ qua chút khuyết điểm nhỏ này.

Nơi hành quân còn lắm gian nan, chưa biết đến khi nào mới có ngày gặp lại, nên chẳng dám hẹn thề cùng em cho tương lai mai sau. Chỉ biết gửi đến em đôi lời thăm hỏi, để biết được chúng ta đã từng có với nhau nhiều kỷ niệm hạnh phúc. “Tóc em còn có thơm hương cỏ may” anh nhớ lắm đặc điểm rung động trong lòng anh lúc ấy, chính hương tóc cỏ may ấy đã đánh cắp trái tim anh, như phả vào đời anh một hơi thở mới, tràn ngập sự vui tươi.

“…..Bạn bè anh theo lớp tuổi ra đi.

Dăm đứa thân nghe tin chẳng trở về!

Xin có em nguyện cầu cho đời anh

đá mềm chân cứng để mẹ còn tương lai.”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Giang Tử trình bày.

Tuổi lớn, người người đều có lý tưởng và hoài bão riêng, anh đã lựa chọn con đường cách mạng, theo tiếng gọi của Tổ quốc mà trở thành người lính. Còn vài người bạn thân thì đã biệt tăm, chẳng còn liên lạc như xưa,….có chút buồn vì đã quên nhau, nhưng cũng không thể trách ai – Chỉ “xin có em nguyện cầu cho đời anh, đá mềm chân cứng để mẹ còn tương lai”. Đột nhiên trong anh lại mong cầu sự sống mãnh liệt, mong cầu chiến sự thành công, để anh được về cưới em, đôi ta được bên nhau cùng phụng dưỡng mẹ già.

Số phận của nhạc khúc tiêu biểu quốc gia lại bấp bênh như chính cuộc đời của người nhạc sĩ Đinh Miên Vũ. Chiếm trọn trái tim người nghe bởi giai điệu thiết tha và tràn đầy nỗi nhớ, nhưng lại bị cấm đoán bởi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu với lý do đây là ca khúc với nội dung tuyên truyền làm giảm nhuệ khí chiến đấu của binh lính Việt Nam.

“SƯƠNG TRẮNG MIỀN QUÊ NGOẠI” không chỉ được biết đến bởi khán giả lớn tuổi hay người nghe trung thành của ca sĩ Duy Khánh trước năm 1975, mà còn được yêu thích đến tận thời điểm hiện tại qua tiếng hát của ca sĩ Quang Lê vào đầu những năm 2000. “SƯƠNG TRẮNG MIỀN QUÊ NGOẠI” là một nhạc khúc tha thiết khi vẽ nên bức tranh tình mẫu tử trong thời chiến loạn, chàng trai ấy đã yêu thương mẹ mình đến nhường nào, trên đoạn đường hành quân đầy gian truân chàng đã nhớ đến mẹ như niềm an ủi, như tiếp thêm chút sức để cố gắng. Cách dùng từ và kỹ thuật được vận dụng trong bài hát mang lại hiệu quả rất mạnh cho người nghe, từ giai điệu, nhịp điệu đến hòa âm và ca từ, mọi thứ được kết hợp quá đỗi hoàn hảo. Ca khúc chính là sự tiêu biểu về sự sáng tạo kỳ diệu và không ngừng nghỉ của đội ngũ nhạc sĩ trong nền âm nhạc Việt Nam trước năm 1975.

Viết một bình luận