Soạn giả Ngô Tấn Triển: ‘Hài kịch như căn nhà, mỗi viên gạch là một nụ cười…’

Sân khấu kịch hải ngoại nhắc đến cái tên soạn giả Ngô Tấn Triễn rất nhiều người biết. Ông đã từng viết trên dưới 100 vở kịch và đã được diễn xuất qua các danh hài nổi tiếng như Hoài Linh, Vân Sơn, Chí Tài, Mai Lệ Huyền… và các tên tuổi khác. Ông đã dành cho báo Điện tử Một Thế Giới một cuộc trò chuyện về đời và nghề viết Hài…

Tình cờ tôi gặp soạn giả Ngô Tấn Triển khi ông từ Mỹvề Sài Gòn du thú, thăm bạn bè nghệ sĩ cũng như lang thang tìm kiếm những chất liệumới thú vị từ cuộc sống. Với ông, bể dâucàng lặn ngụp càng phát hiện nhiều điềuhay. Và nhất là trong kho tàng ca dao, dân gian, truyện ngụ ngôn, cổ tích… tích tụ bao hạt ngọc quý kết tinh, chắt chiutừ vốn sống, văn hóa. Hơn bất cứ đề tài nào khác, với ông, kịch hài phải xuất phát, lật lẩy từ vốn dân gian, truyền thống. Từ bao đời, tiếng cười chính là sức sống tiềm ẩn, vượt mọi thử thách kỳ vĩ để tồn tại. Và rõ ràng, biết cười, để cười không dễ…

Vì thế, cuộc trò chuyện của soạn giả, nhà viết kịch Ngô Tấn Triển không chỉ dừng lại cách viết một vở hài kịch mà còn như thế nào để “đi tìm sự thật biết cười” theo cách nói ý nhị, giễu nhại, triết học và trí tuệ của nhà văn Umberto Eco nổi tiếng.

*Nhắc đến tên soạn giả Ngô Tấn Triển trên sân khấu kịch Hải ngoại,nhiều người nghĩ ngay đến các vở Tai nạn ti-vi, Ba giai Tú xuất, Hắc bạch Công tử, Cá độ, Con riêng, Vụ án dân gian, Cúng thổ thần, Táo quân. Kịch Esl… Cảm hứng từ đâu mà ông có thể viết được nhiều như vậy?

Soạn giả Ngô Tấn Triển: Kịch hài thấy khó mà dễ. Thật ra, tôi viết cũng đâu có nhiều. Tổng cộng đâu khoảng từ 70 đến 100 vở kịch kể năm1994 đến nay.Có điều hầu hết các trung tâm băng nhạc, truyền hình, sân khấu ở hải ngoại có mộtthời đều dựng các vở kịch của tôi nên khán giả thấy quen thuộc.

Còn cảm hứng, tôi thích nhìn sự việc qua lăng kính hài hước của nó. Vì cuộc đời tôi từng sa cơ, thất thế nên tập hài hước để tìm sức sống. Tôi thích đùa giỡn. Khi mình nghe phản ứng, đối đáp… tôi học. Và đó chính là chất liệu hình thành kịch bản. Nhìn cách nào đó, các tác phẩm hài kịch không hoàn toàn do tôi mà của tất cả mọi người.Cuộc sống quá nhiều vấn đề để mình phải lo. Thì những nụ cười trong cuộc sống sẽ giúp cânbằng lại, giảm bớt căng thẳng. Làm cuộc đời vui hơn, đẹp hơn.

*Quan niệm trên liệu có phải là công thức riêng của ông?

-Mỗi người viết đều có những cách làm việc khác nhau. Tôi luôn nghĩ kẻ viết kịch hài như gã đầu bếp. Khi thịt cá rau cải – nôm na chất liệu cuộc sống- đầy cả rồi nhưng xào nấu có ra một món ngon hay không? Đó chính là nghệ thuật. Cách nhìn hài hước là một thủ pháp đặt ra khi bắt tay vào một Kịch bản.

*Ông có thể cho mộtví dụ? Diễn viên hài nào diễn kịch Ngô Tấn Triển mà ông thích nhất?

-Bất cứ vấn đề nào trong cuộcsống nào cũng có hai mặt. Bi và hài. Như ly dị, chia tay dễ chia tiền khó! Nhấn nhá vào vụ chia “tiền anh, tiền em”thì cách gì cũng tìmra tứ hai cho khán giả cười thôi.

 

Danh hài Hoài Linh

Hoài Linh là người tôi thích nhất. Tại sao? Tôi nghĩ một kịch bản dù viết hay thế nào cũng chỉ là cái hay trên văn bản. Cái hay trên sân khấu là thế nào thì soạn giả không thể hình dung hết được mà phải do diễn viên đưa lên cao hay thấp. Một câu thoại mấu chốt nói để cười mà diễn viên không làm khán giả cười được là “kịch gãy”. Hoài Linh là diễn viên nắm được điều đó. Nên thường khi giao kịch bản cho Hoài Linh là tôi yên tâm. Phải nói nhiều vở của tôi anh diễn đến quá đạt, Mọi việc diễn ra hơn cả mong muốn của tôi. Cũng nói thêm bao lâu nay Hoài Linh về Việt Nam làm việc rồi nên tôi cũng mất khá nhiều cảm hứng…

*Ông nói xuất phát của hài kịch có nhiều trong chất liệu dân gian truyền thống như ca dao, tục ngữ, ngạn ngữ, thành ngữ? Các phương diện khác như hát đối, bài chòi, hò vè… Ông đã ứng dụng điều này như thế nào?

-Nghệ thuật viết hài kịch không giống như nghệ thuật viết chuyện tiếu lâm. Tuy cả hai đều lấy cái cười làm mục tiêu. Bởi khi kể một câu chuyện tiếu lâm bạn phải thuật một câu chuyện có đầu đuôi hấp dẫn để người ta theo dõi. Cuối cùng có thể bạn buông mộtcâu cho khán giả bật ra cười. Thậm chí không thể kiềm được nụ cười.

Nhưng khi viết hài kịch thì mình không thể để khán giả ngồi yên chỗ chờ cái kết cười mà cái cười phải có hiện diện trong từng câu, từng tiểu tiết để dẫn đến cái kết thành công. Nói chung cái cười không ở hồi kết mà cười liên hoàn. Khó là vậy!

Ca dao,tục ngữ là một kho tàng văn hoá. Nhưng rút ra được cái gì hay là do mỗi người. Riêng tôi thì chọn khai thác khía cạnh hài hước. Tôi thường mua sách, báo coi những câu hay và “đá ngược lại”, hay chặt chém, phản biện cho khán giả cười.Ví dụ như trong vở “Hắc bạch công tử”. Từ những câu lục bát nổi tiếng viết về tình yêu, tôi đã phăng ra, viết thêm cho vai Chàng, mở đầu cuộc trêu ghẹo trai gái, nam thanh nữ tú:

“Cô kia cắt cỏ bên đình / Chotôi cắt với chung tình làm đôi /

Cô còn cắt nửa hay thôi / Cho tôi cắt với làm đôi vợ chồng”

Và đây là câu đối lại cho vui, trong vở kịch tôi viết, vai Nàng trả lời hóm hỉnh:

-Cám ơn quân tử đã có lòng / Thân em chẳng dám đèo bồng mà chi

Cỏ này không thích cắt đi / Lấy chồng mà không thích cắt cái gì đây anh?…

Ngoài vai trò viết kịch, ông còn được biết đến như một nghệ sĩ chơi trống khá điệu nghệ

*Trong vở Kịch Táo quân nổi tiếng của ông được khán giả hâm mộ còn bởi hình thức ca dao mới với “ngôn ngữ giang hồ” đối đáp hiện đại?

-Tôi là người thích sưu tầm văn chương và tìm những cái hay trong văn chương để học hỏi và khi viết kịch dùng chính văn chương đấu đá với nhau để khán giả cười toảimái chứ không cưỡng ép. Trong vở kịch Táo quân, gồm 1 táo bà, 2 táo ông quả đúng là có màn đối đáp ngôn ngữ đốpchát, bụi bặm đồi sống như anh nói. Tạo cho khán giả một cảm giác vừa quen vừa lạ. Đó lả hai nhân vậtChồng lớn (do diễn viên hài Vân Sơn) chửi Chồng nhỏ (vai Hoài Linh).

Cái thứ như mi mặt chai mày đá / Chôm vợ người là hạng đá cá lăng dưa

Hỡi muôn dân nên nhớ lấy để ngừa/ Cái thứ thiếu thước tấc thường thừa thủ đoạn…

Diễn viên hài Vân Sơn và Hoài Linh

Khán giả bật cười khi nhân vật thấp lùn đã được ẩn ý trong câu “thiếu thước tấc, thừa thủ đoạn”. Và sự đối đáp trở lại tiếp tục đẩy hài kịch lên cao trào bằng cách đáp trả:

-Tuy ta đây là dáng người nhỏ bé / Nhưng thông minh của kẻ nam nhi

Không như ngươi là thứ chẳng ra chi / Đầu óc ngu si nên tứ chi mới phát triển…

Vận dụng những câu châm ngôn dân gian như “Đầu óc ngu si tứ chi phát triển” vào lời thoại kịch bản người nghe thích thú khi thấy gần gũi…

Nhà viết kịch Ngô Tấn Triển (giữa), ca sĩ Thắng Donna và Nguyễn Hữu Hồng Minh – Ảnh: Lê Bảo Kim

*Ông đã tự tích lũy hay đãi ngọc tìm châu như thế nào để luôn có những chất liệu tươi mới cho những tác phẩm hài kịch của mình?

– Phải nói là tôi luônluôn đọc và ghi chép những câu ca dao, ngạn ngữ hay mà mình tình cờ đọc được. Những lần về Việt Nam bao giờ trở về Mỹ tôi cũng mang đầy va-ly sách. Tìm trong sách vở đôi khi vẫn chưa bất ngờ bằng trực tiếp gặp những nhạc sĩ, nghệ nhân địa phương, những người sưu tầm cái hay cái đẹp cũa văn học dân gian mỗi vùng đất. Nhưng để gặp được họ phải nhờ duyên. Ví dụ sau khi thực hiện xong video Vân Sơn số 3, tôi có về Việt Nam. Anh em cùng nhau đi chơi từ Sài Gòn ra Đà Nẵng. Tại đây, tôi có quen với vợ chồng nhạc sĩ Xuân Minh – ca sĩ Thanh Trà qua người bạn là nghệ sĩ Anh Tài bên Mỹ giới thiệu. Ca sĩ Thanh Trà là con của nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Trần Hồng. Thật may mắn khi tôi đến thăm thì phát hiện ở ông là một kho tàng dân gian qua những chất liệu ca dao tục ngữ ông ghi chép được của người dân Quảng Nam từ những chuyến đi điền dã. Và nhạc sĩ Trần Hồng vì mến tôi nên mới lấy tập giấy biên cho tôi một số câu đối đáp người miền Trung. Sau này viết thành kịch tôi đã viết thêm, vận dụng đưa vào gây được rất nhiều trận cười thú vị cho khán giả. Đó thật sự là những hạt ngọc quý.

Hãy đọc thử một cảnh trai chọc gái bằng Hò đối đáp trong kịch hài tôi viết:

-Chưa đi chưa biết miền quê/ Đi rồi chỉ muốn quay về cho xong

Bởi cô con gái nhà nông/ Suốt ngày sao cứ chổng mông lên trời?

Cô gái đáp lại:

-Anh ơi chớ có ngạo đời/ Khi không lại đến buông lời khinh khi

Bởi do nông vụ đã đến thì/ Mông em không chổng biết lấy gì anh ăn?

Ca sĩ Lan Thảo và soạn giả Ngô Tấn Triển

Hay trong một hoạt cảnh khác, tôi vận dụng ca dao để có thể viết thành hai vế cho hai nhân vật nam nữ cùng đối đáp. Quan trọng nhất vẫn gây sức hút và sự hấp dẫn.Đây là mở đầu của nhân vật Nam chớt nhã, ướm lời:

Vào vườn hái quả cau non / Anh thấy em giòn muốn kết nhân duyên

Hai má lúng hai đồng tiền / Càng trông càng đẹp càng nhìn càng ưa…

Và cô gái dễ thương vào vai Nữ ngay phút đầu tiêncũng ứng đốicao thủ không vừa:

Anh đà có vợ con chưa / Mà lời ăn tiếng nói gió đưa ngọt ngào

Mẹ cha anh đẻ ở nơi nào / Không lo phụng dưỡng mà tào lao ích lợi gì?…

Bị “sốc càng”bất ngờ, chàng trai tìm cách tung hứng trả đũa bằng…thơ:

Mẹ cha anh đã sớm ra đi / Vợ anh chưa có con thì bé thơ

Hôm nay nó chết ngay đơ / Anh không cóđất muốn chôn nhờ đất em…

Và cô gái kết thúc rất sắc sảo:

Em đây phậnsố nghèo hèn / Chỉ còn một mảnh đất phèn ở xa

Đất em lồi lõm ổ gà /Nhưng chôn cha anh cũng được huống là chôn con…

Chỉ có ca dao kết hợp với những câu chuyện dí dỏm hiện đại mới có thể gây hứng và tung hứng xuất chiêu cho Hài kịch hiện đại hoạt náo và bất ngờ như vậy…

Soạn giả Ngô Tấn Triển (thứ ba, phải sang) cùng với bạn bè văn nghệ sĩ Sài Gòn. Nhạc sĩ Bảo Chấn, tay trống Khắc Triệu, Saxophone Xuân Hiếu, Tùng bass, guitar Lý Được…

*Trảiqua nhiều kinh nghiệm viết kịch bản Hài cho sâu khấu tạp kỹ và các chương trình ca nhạc lớn, đúc kết lại, sau gần 100 vở,soạn giả Ngô Tấn Triểnđã tự xây dựng nhữngphương pháp, phong cáchriêng nào cho mình?

-Tôi nghĩ viết hài kịch giống như xây một căn nhà mà mỗi viên gạch sẽ là một nụ cười cho khán giả cho đến khi kết thúc. Khi màn kéo lại với những tiếng vỗ taylà có nghĩa căn nhà đã được xây xong thành công.

Công thức của tôi bỏ qua một bên những câu chuyện tục, liên quan sex, phòng the. Không dùng những từ ngữ bất nhã, tránh không đụng chạm tới chính trị, tôn giáo. Và nhất định không bao giờ khai thác đến nỗi đau khuyết tật của người bất hạnh.

Cụ thể, tôi có thể đem thói hư tật xấu của người đời ra đùa nhưng không đem những người bệnh hoạn, méo miệng, răng hô, tật nguyền ra chế giễu. Vì mình có thể làm một trăm người cười nhưng sẽ có một vài người đau lòng. Đó là quy tắc nghiêm ngặt của tôi khi viết.

Khi viết hoàn tất một kịch bản tôi không giao liền mà mỗi ngày đều phải lấy ra xem lại. Để biết liệu mình có làm ai đau lòng? Và liệu một trang viết có đạt được mong muốn là sẽ gây cười, sẽ làm cho khán giả cười từ 4 đến 5 lần hay không?

Vở kịch Vụ án dân gian do Hoài Linh, Chí Tài. Mai Lệ Huyền, Vân Chung, Hồng Nhân đóngđã làm khán giả cười trong nước mắt. Đỉnh cao của bi phải chăng chính là hài? Đó là điều tôi mong muốn. Tôi hãnh diện về điều đó.

*Cám ơn soạn giả Ngô Tấn Triển vì cuộc trao đổi xung quanh Kịch hài tình cờ nhưng rất thú vị này. Chúc ông thời gian tới sẽ viết được nhiều vở Kịch để khán giả cười ra nước mắt hơn nữa!…

Nguyễn Hữu Hồng Minh thực hiện

Nguồn: 1thegioi.vn

 

Viết một bình luận