Số phận của mỹ nhân Sài Thành trót mang phận “đa đoan” – Marianne Nhị

Ngọn gió phong tình lại mang theo chút phóng đãng đã xô ngã cô nàng hoa khôi Sài Thành đi vào bế tắc của cuộc đời. Vốn tưởng có nhan sắc mỹ miều, sự đậm đà của thiếu nữ cùng chút hoang dã của cô gái nông thôn, Tư Nhị sẽ có được cuộc sống hạnh phúc như bao người con gái khác. Nhưng không ngờ, chính nhan sắc trời phú đó, lại khiến cô nàng nhanh chóng dấn thân vào chốn phồn hoa đô hội của giới thượng lưu bằng con đường ăn chơi trác táng, trở thành “tình nhân” của biết bao “đại gia”, nhưng đến cuối đời lại chỉ có thể ngửa tay xin tiền làm nghề hành khất….

Từ thiếu nữ nhà quê lên thành thị với mong ước đổi đời

Theo ghi chép kể lại, Marianne Nhị là “đứa con lai mang hai dòng máu”, cha gốc Khơ-me, mẹ Việt (quê ở Sa Đéc), gia đình sinh sống lâu năm ở Nam Vang. Là con lai, mang hai dòng máu nên từ bé, Nhị đã sở hữu cho mình nét đẹp rất đậm đà cùng vóc dáng quyến rũ “chết người”. Cũng vì thế mà có giai thoại cho rằng, cô nàng khi lên 17 tuổi đã có mối quan hệ tình cảm với hoàng thân thuộc hoàng tộc ở xứ sở chùa Tháp. Tuy nhiên, tình cảm ấy làm gì có chuyện bền lâu như trong cổ tích khi chàng hoàng gặp nàng lọ lem hạnh phúc trọn đời, và cũng từ đây, cô nàng không chấp nhận cuộc sống ở Nam Vang mà tự mình trở về cội nguồn quê mẹ. Marianne Nhị về Việt Nam với hai bàn tay trắng, một thân một mình dấn thân vào chốn phồn hoa đô hội ở Sài Gòn không một người thân thích. Không tiền, không người thân cũng chả biết phải làm gì, để có chỗ nương thân, Nhị lúc đầu xin làm em nuôi dưới trướng của chị Ba Phò và sống trong nhà chị ấy ở khu vực chợ Thái Bình. Những ngày đầu còn chân ướt chân ráo, mang chỉ mỗi đôi guốc cao gót mà chân còn vấp lên vấp xuống, mang chẳng thuận chân, mắt vẫn chưa quen với ngọn lửa bập bùng liêu trai trên bàn đèn thuốc phiện, vẫn còn là trang giấy trắng vô cùng ngây thơ và thuần khiết dễ bị bắt nạt, chỉ đến ngày gặp Yvette Trà (người ta vẫn hay gọi là Ba Trà) thì đời Nhị mới lật sang trang mới. Lúc bấy giờ Trà đang sống với một người Pháp khá nổi tiếng ở Sài Gòn gọi là Franchini (trước đó, việc Trà gặp người tình lạ mặt và cũng lạ đời có tên là Lâm Kỳ Xuyên).

Tại rạp chiếu phim ở Cầu Muối, Trà có dịp đến chơi và xem phim, xem đến nửa chừng thì bỗng trong bóng tối nghe thấy tiếng nói nhỏ nhẹ của một cô gái ngồi hàng sau, chìa tay mời Trà điếu thuốc lá để….làm quen. Phim chiếu vừa hết, đang lúc chuẩn bị ra nhà xe để rời đi thì bất ngờ cô gái đó lại lon ton theo phía sau và nói vọng theo một câu khiến Trà bất ngờ: “Thua cô Ba, nhà cô Ba ở đâu cho em về theo với”. Bất ngờ với lời nói mạnh dạn mà lại con bạo gan của cô gái trẻ, Yvette Trà vừa ngạc nhiên, vừa chăm chú nhìn cô nàng thì thấy quả là một cô gái xinh đẹp, gương mặt trẻ con nhưng mang thân hình hấp dẫn và vô cùng quyến rũ. Vốn tính phóng khoáng, cởi mở, lại dễ dàng thông cảm với hoàn cảnh của những người không một mái nhà như mình từng trải qua nên Trà đồng ý để cô ấy về nhà xem sao. Tới nơi, hỏi chuyện mới biết cô tên là Nhị và đang sống bơ vơ nơi đất lạ (bởi từ nhỏ Nhị chỉ sống ở Nam Vang, chưa lần nào rời xa gia đình) và tha thiết mong được Yvette Trà thâu nhận làm đàn em. Trà thoải mái gật đầu, cùng Franchini lấy tên của nữ minh tinh màn ảnh Marianne để ghép với tên Nhị, thành Marianne Nhị (thân tình gọi Tư Nhị – ngụ ý là em nuôi của Ba Trà). Được sự giúp đỡ của người “chị gái” không ruột thịt và cũng là “bà hoàng” Yvette Trà đỡ đầu, Marianne Nhị từ chỗ lạc lõng không nơi nương tựa nhanh chóng nổi danh là một trong những mỹ nhân đẹp nhất Sài Gòn, vụt sáng như một ngôi sao, được nhiều công tử, đại gia theo đuổi. Trong đó có một công tử con nhà “bạc bó” ở Gò Đen bỏ tiền mua cho Nhị căn nhà khang trang nằm gần khu vực trung tâm đô thành đường Verdun (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám, Sài Gòn).

Chân dung cô Ba Trà – Một giai nhân tuyệt sắc và cũng là người cưu mang Marianne Nhị khi cô vừa chân ướt chân ráo lên Sài Gòn

Lột xác thành gái làng chơi hạng sang

Lần đầu tiên trong đời có người bao bọc chở che và cảm nhận được mái ấm riêng sau bao ngày vất vả ngược xuôi tìm kế sinh nhai, Marianne Nhị rối rít cảm ơn vòng tay hào hiệp của Yvette Trà vì đã “tái sinh” cuộc đời của người em út “lạ nước lạ cái”. Nhưng sự ấm êm ấy lại kéo dài không lâu, khi bản thân Nhị cho rằng mình đã “đủ lông đủ cánh”, như con chim non hào hứng muốn rời tổ để bay ngược gió, tự tung tự tác tách khỏi sự ảnh hưởng cùng kiểm soát của Yvette Trà. Không những không nhận lấy lòng tốt từ lời khuyên của Trà, Nhị còn mạnh dạn cho rằng đó là sự kiểm soát vô lý, cộng thêm đó là sự tự mãn về sắc vóc cùng với nét tươi trẻ của cô gái đôi mươi mà Nhị vùng đôi cánh bay đến chân trời mới, đem theo bộ ngực nảy nở vô cùng khiêu gợi mà “cặp hết ông này, ở với ông kia”. Quả vậy, một thân hình bốc lửa, cặp môi luôn đỏ mọng quyến rũ, đôi mắt lúc nào cũng ươn ướt tạo cảm giác muốn che chở, gương mặt cả ngày bừng lên một sắc hồng dưới nắng, giúp Marianne Nhị đẹp một cách “man dại” và lộ vẻ “sẵn sàng yêu” khiến cho không ít cánh mày râu phải điêu đứng vì cô nàng… Với hành trang ấy, càng ngày Nhị càng lao sâu vào con  đường trác táng, ăn chơi phí sức.

Hắc công tử (trái) và Bạch công tử – Đây chỉ là số ít những quý ông say mê nét đẹp của Marianne Nhị

Trở thành tình nhân của Franchini – Hắn là một tên trùm giang hồ khét tiếng người gốc đảo Corse, nghề nghiệp chủ yếu của hắn là cung cấp thuốc phiện cho toàn cõi Đông Dương. Đây là một quý ông từng mê đắm cô Ba Trà như điếu đổ, nhưng cuối cùng lại bị Tư Nhị nắm thóp mà say mê cô nàng đến quên thân. Sau khi cặp với tên này, Nhị đã tậu được một căn biệt thự khang trang ở đường Verdun (tức đường Cách Mạng Tháng Tám bây giờ). Thế nhưng tình cảm kéo dài không lâu, Nhị lại có tính trăng hoa mà cặp với tên công tử Gò Đen, sau đó được y “tậu” thêm cho một căn phố trệt ở góc đường Verdun và Richaud (tức góc đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt trước năm 1975).

Không dừng lại ở bất kỳ bến đỗ nào, Marianne Nhị tiếp tục cặp bồ với nhiều dân nhà giàu khác, trong đó nổi tiếng phải kể đến chuyện lùm xùm mối tình tay ba giữa cô nàng với chàng công tử con nhà giàu Như Bích – anh ta là con trai của một đại điền chủ ở Bạc Liêu và một đại gia người Hoa Kiều có tiếng ở khu Sài Gòn – Chợ Lớn. Người này đồn thổi với người kia rằng, Nhị học theo thói đời của chị Trà, chơi bùa chơi ngải, dùng bùa chú quyến rũ đàn ông để họ mê mụi tới lú lẫn đầu óc nên mới có người đâm đầu mà cung phụng Nhị như vậy. Tư Nhị xứng với câu nói “thay người yêu như thay áo”, bởi với Nhị nếu chiếc áo đó đã cũ và không còn thu hút được nàng thì nàng thay mới thôi, đã vậy, trong vô hình, cô nàng còn nổi loạn mà cố cạnh tranh, thoát khỏi tầm ảnh hưởng của người chị Ba Trà.

Hết đêm này qua đêm khác, Tư Nhị từ một cô gái quê chẳng biết chút gì gọi là “ăn chơi đàn đúm” đã tay cầm rượu whisky nhâm nhi như dân chơi thứ thiệt, dần đà cô nàng “khát rượu như khát tình”, ăn “cơm đen thay cơm trắng”, bồ bịch sang tay liền liền như đổi một chiếc áo cũ. Đừng nghĩ, Tư Nhị là cô nàng nông thôn chỉ biết làm đẹp hay điệu đà mua sắm, mà cô có cá tính khá mạnh, lại còn đam mê tốc độ chẳng thua kém gì cánh mày râu, hễ ngồi lên chiếc Alpha – Roméo liền đốc thúc tài xế chạy hết tốc lực, vun vút ra tận vùng ngoại ô như dạo mát. Cô nàng phải nói là “ham hư vinh” bậc nhất, nàng muốn khẳng định cũng muốn người người chiêm ngưỡng được nhan sắc chiêu hồn của mình mà cứ vài tháng lại kẹp theo một anh người tình mới. Tháng trước mới còn ngọt ngào và lãng mạn với một tay chơi “bô trai” con nhà đại gia từ Nam Vang sang, tháng này ngồi trước xe lại là công tử hiếu sắc từ Hậu Giang lên chơi. Chẳng bao lâu lại chán chê con người ta nên đã thay thành một “con ve” bằng vàng biết nói tiếng Hoa nổi tiếng khắp vùng Chợ Lớn. Nhưng có nhan sắc nào là vĩnh viễn, có người đẹp nào mà chẳng già, da dẻ chẳng nhăn nheo xuống sắc nên nhan sắc mà Marianne Nhị từng một thời hãnh diện đã nhanh chóng lụi tàn vào những năm giữa thập niên 1940.

Bởi thế đến cụ Vương mà cũng thở dài ngao ngán và ví Marianne Nhị đẹp như một đóa phù dung “mỗi ngày ba lần thay sắc”, nhưng “bất hứa nhân gian” để sớm tàn sớm úa.

Hình ảnh được xem là một ngôi biệt thự của cô Tư Nhị lúc cô còn được nhiều đại gia săn đón

Nhan sắc không còn, cuộc đời hoa khôi cũng tàn lụi

Tập tành người ta theo lối ăn chơi của các tài tử điện ảnh thời bấy giờ, Marianne Nhị ngậm trong miệng cái ống điếu thiệt dài để tạo cho mình một phong cách thanh lịch và quý phái. Bởi vậy, người đời mới truyền tai nhau mà miêu tả cô nàng rằng: Nhiều đêm, cô Tư Nhị ngã người bên bàn đèn lập lòe đốm nhỏ, mơ màng mà tận hưởng sự khoái lạc của “nàng Phù Dung”. Đang trong thời kỳ tươi đẹp và đỉnh cao nhất trong giới ăn chơi, đột nhiên giữa thập niên 1940, Nhị bỗng dưng mất tích hoàn toàn, rời xa chốn ăn chơi trác táng của Sài Thành, nhiều người cứ nghĩ cô nàng đã tìm được tình yêu đích thực nên lui cung về xây dựng tổ ấm. Nhưng sau đó lại nghe thấy lời kể của ông Ba Quan – thời đó cũng là một tay chơi lịch duyệt trong giới cầm ca, đây cũng là người duy nhất bắt gặp cô Tư Nhị cho biết: Hoa khôi số hai Sài Gòn ngày ấy nay không còn được cung phụng như bà hoàng nữa chỉ biết ngửa tay xin tiền làm nghề….hành khất.

Ông Ba Quan kể lại, thời điểm gặp Marianne Nhị là trong quán ăn trên đường George Guynemer vào năm 1946, nhưng không phải lộng lẫy của một cô gái làng chơi mà với tình cảnh hoàn toàn khác xưa. Sau khi ăn xong bữa của mình, ông ta đứng dậy định kêu chủ quán thanh toán rồi quay về thì bỗng đâu lại nghe thấy tiếng gọi giật ngược: “Anh Ba!”. Quay đầu nhìn lại thì phát hiện tiếng kêu ấy bắt nguồn từ một đám hành khất rách rưới, cả người dơ bẩn, định bụng quay lưng mà tiếp bước nhưng không ngờ lại nghe thấy tiếng gọi càng thống thiết hơn trước, đượm vẻ bi ai hơn. Sau đó thì từ trong đám ăn mày rách nát, hình bóng của một người đàn bà từ từ bước ra, tiến thẳng tới trước mặt ông và thẳng thốt cất lên từng chữ: “Em là Tư Nhị đây”.

Không dám tin vào mắt mình, hoa khôi có tiếng ở Sài Gòn ngày trước mà nay lại thê thảm đến bậc này ư? Nhìn kỹ một lúc, không nói nên lời, người đàn bà từng môi son đỏ mọng, áo váy lung linh mà nay lại môi thâm đen, đôi chân nuột nà được cái quý ngài ngày ngày cưng nựng giờ lại được quấn quanh mấy lớp vải trên đó còn dính máu mủ với đám ruồi bu đen không ngớt, trông dơ dáy, não nề, không dám nhìn lâu, bỏ nhẹ 20 đồng bạc xưa vào tay Nhị rồi nhanh chóng quay đi.

Biết chuyện, một bạn thơ muốn mượn hai câu lục bát của cụ Nguyễn Du, đó là câu mở đầu và câu kết thúc truyện Kiều ghép làm một, để nói về một đời nhan sắc phù hoa của Marianne Nhị:

“Trăm năm trong cõi người ta

Mua vui cũng được một vài trống canh…”

Phải nói, cuộc đời cô nàng như một thước phim quay chậm với nhiều nốt thăng trầm. Từ một cô nàng quê mùa vô danh, bỗng vụt sáng thành một ngôi sao trong giới ăn chơi, hoa khôi bậc nhất được cái quý đại gia săn đón và theo đuổi. Nhưng cuối cùng, người đẹp được người người đưa đón cùng kết thúc bằng một con số 0 tròn trĩnh, không hơn cũng chẳng kém!

Viết một bình luận