Số phận bi hài của Tượng Đài Léon Gambetta 3 lần di dời mới tìm được nơi chốn

Đôi chút về Léon Gambetta

Ông Léon Gambetta sinh năm 1838 và mất năm 1882, là một chính trị gia người Pháp. Trải qua biết bao biến cố trong cuộc đời, ông được bổ nhiệm làm Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp trong thời gian hai năm từ 1881 đế 1882. Vào tháng 12 năm 1882, Léon Gambetta bị thương và sau đó là chết vì bệnh dạ dày. Ông theo đuổi chủ nghĩa thực dân và ủng hộ việc chiếm cứ để mở rộng thuộc địa Pháp. Trong khoảng năm 1881 đến năm 1882 cũng là khoảng thời gian Pháp xâm chiếm xong các tỉnh miền Nam và sắp sửa tiến đánh miền Bắc. Vì là một trong số những người đứng đầu việc ủng hộ cho chuyện xâm chiếm lãnh thổ nên một năm sau khi ông mất, Pháp cho xây dựng bức tượng Léon Gambetta và cho dựng ở trung tâm Sài Gòn, nơi quân Pháp chiếm đánh đầu tiên và thành công khi vào Việt Nam.

Chân dung Léon Gambetta

Bắt đầu cuộc hành trình di dời của bức tượng

Tượng đài Léon Gambetta được đặt đầu tiên ở ngã tư Norodom – Pellerin

Ngay đoạn ngã tư đường Norodom (nay là đường Lê Duẩn) giao với Pellerin (đường Pasteur ngày nay) có đặt tượng đài của ông Léon Gambetta. Bức tượng tại Sài Gòn thực ra chỉ được mô phỏng dựa trên bức tượng gốc của ông ở Cahors (quê nhà của ông). Khối tượng được điêu khắc bởi Alexandre Falguières. Còn phần chân đế của tượng được làm bởi kiến trúc sư Paul Pujol.

Ngày 4/5/1889, tượng đài được khánh thành dưới sự chứng kiến của Thống đốc Étienne Richaud và thị trưởng thành phố Sài Gòn Roch Carabelli. Tượng đài có cấu trúc bao gồm 3 bức tượng. Trong đó tượng Léon Gambetta đứng ở vị trí cao nhất và 2 bức tượng nhỏ hơn ở hai bên. Về phần bức tượng của ông Léon Gambetta, hướng bên tay phải của tượng là dinh Norodom (hay còn gọi là Dinh Toàn quyền Đông Dương), tay phải của ông đặt trên nòng đại bác đặt dưới chân ông theo đúng ý nghĩa phô trương sức mạnh của Pháp, sử dụng lực lượng vũ trang gây nên chiến tranh nếu không quy hàng, người ta gọi đó là ngoại giao pháo hạm. Còn tay trái của ông chỉ về phía thành Gia Định, nơi Pháp vừa chiếm đóng vào ngày 17/2/1859. Mặt trước của tượng nhìn về sông Sài Gòn, mặt sau quay về đường Pellerin. Còn hai bức tượng nhỏ hơn phía dưới bên phải và bên trái của ông điêu khắc hai người lính Pháp cũng tham gia vào công cuộc xâm chiếm thuộc địa của Pháp.

Tòa nhà trong hình là dinh Toàn quyền
Tòa nhà trong hình là dinh Toàn quyền

Chính diện của tượng đài Gambetta

 

Nghe nói bức tượng này ngoài một tượng ở quê hương Cahors, một tượng dựng ở ngã 4 đường Pellerin và đường Norodom thì còn một tượng nữa nhưng bức tượng thứ ba đó ở đâu thì không ai biết.

Bức tượng Gambetta ở quê nhà của ông Cahors – Pháp

Bức tượng chuyển về quảng trường Gambetta (nay là chợ Bến Thành)

Đến năm 1912 đến năm 1914, lúc đó chợ Bến Thành còn nằm trên đại lộ Charner bị giải tỏa để cải tạo thành quảng trường, lấy tên là Quảng trường Gambetta. Đại lộ Charner thời ấy chính là phố đi bộ tấp nập người đông ở trung tâm quận 1 bây giờ. Bên cạnh đó, ở ngã tư đại lộ Thống Nhất và Pasteur lúc này đã có đông đúc người qua lại, nhất là xe hơi. Nếu đặt tượng ông Léon Gambetta ở đó thì sẽ choáng chỗ cho giao thông qua lại nên hội đồng thành phố quyết định di dời khối tượng ấy đến Quảng trường mang tên ông – Gambetta. Vị trí đặt tượng lúc đó nằm ở gần phía cuối quảng trường. Vị trí cuối quảng trường lúc đó là tòa nhà Bitexco ngày nay, tượng nhìn ra đại lộ Charner, lưng tượng quay về phía đường Georges Guynemer (ngày nay là đường Hồ Tùng Mậu). Tiếp tục tay trái của tượng chỉ về đường Vannier (nay là đường Ngô Đức Kế), tay phải chỉ về đường Phủ Kiệt (nay là đường Hải Triều).

Tượng đài được đặt ở cuối quảng trường, dãy nhà phía sau là đường Hồ Tùng Mậu ngày nay

Bức tượng đặt ở vị trí cao ốc Bitexco Financial Tower ngày nay

Cứ tưởng Quảng trường mang tên ông sẽ là nơi dừng chân cuối cùng của bức tượng, nhưng chỉ vào khoảng 10 năm sau, năm 1925, người Pháp quyết định xây kho bạc ở vị trí này. Và thế là khối tượng ấy được di dời về vườn Maurice Long (nay là công viên văn hóa Tao Đàn).

Nơi dừng chân cuối cùng của tượng Léon Gambetta

Ngày đó vườn Maurice Long (công viên Tao Đàn ngày nay) chưa đông người qua lại, tượng được dời về đây và cho đặt ở giữa đường Trương Định đi xuyên qua công viên Tao Đàn, phía sau sân bóng Tao Đàn gần đường Huyền Trân Công Chúa.

Lính Nhật đánh chiếm Sài Gòn thời Đệ nhị Thế chiến chụp ảnh dưới chân tượng Gambetta trong công viên Tao Đàn

Đế chân tượng Gambetta phía bên phải góc hình

Để nói về số phận bi hài của khối tượng này, người Sài Gòn xưa có câu ca dao: “Trên Thượng thơ bán giấy – Dưới Thủ Ngữ treo cờ – Kìa Ba còn đứng chơ vơ – Nào khi núp bụi, núp bờ – Mủ di đánh dạo bây giờ bỏ em”. Thượng thơ được hiểu là dinh Thượng Thơ, hiện nay dinh còn nằm ở góc đường ngã tư Đồng Khởi giao với Lý Tự Trọng. Còn cột cờ Thủ Ngữ hiện nay nằm ở góc sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé, hay đúng hơn là chân cầu Khánh Hội với đường Hàm Nghi.

Về số phận tiếp theo của tượng đài Léon Gambetta, theo như ông Vương Hồng Sển có ghi chép lại, khi chiến tranh nổ ra, chính quyền Pháp muốn thâu dụng số đồng đó làm vũ khí nên bèn sai người nấu bức tượng đó ra. Thế nhưng có một chuyện bất ngờ khiến mọi người dở khóc dở cười đó là thân tượng được làm bằng đồng giả, không thể sử dụng được. Cho đến bây giờ tượng đài chỉ còn lại cái đế, xung quanh công viên Tao Đàn vẫn có lối để đi vào tượng.

 

Viết một bình luận