Sài Gòn xưa cũ trong bộ ảnh “đẹp lạ mê hồn người” (Phần )

Nếu là người Sài Gòn thì bạn sẽ nhớ gì nhất ở khu đô thành phồn hoa này? Có phải là tiếng rao trên đường phố, khu lao động ồn ào nhưng tràn ngập tình thương. Có phải là cảnh nhộn nhịp của Sài Gòn dịp Tết với khu chợ hoa đầy màu sắc, những câu thơ ở phố ông Đồ. Có phải là những con đường rợp bóng với hai hàng cây xanh mát ở ven đường Duy Tân, có những cặp tình nhân đang nói lời yêu đương tán tỉnh. Có phải là những kiến trúc phương Tây pha trộn thêm chút cổ kính phương Đông….Một khoảng lặng trôi qua, từng dòng hoài niệm lưu chuyển trong tâm trí của những người bạn tóc đã ngả hai màu. Sài Gòn vẫn luôn như thế, luôn lung linh và lộng lẫy, dù là trước hay sau, dù là xưa hay hiện tại, vẫn đều mang nét đẹp “còn mãi với thời gian”….

Câu lạc bộ Hạ sĩ quan, tọa tại số 5 Đinh Tiên Hoàng đối diện sân Hoa Lư. Trước năm 1975, đây là một bộ phận của Bộ Xã Hội VNCH, giáp với Nhà thờ Mạc Ti Nho bên Hồng Thập Tự. Bây giờ là trụ sở của lực lượng Cảnh sát Cơ động (giống như Cảnh sát dã chiến trước năm 1975) và nhiều cơ quan khác xây thêm cạnh bên

Tiền thân của rạp chiếu phim Casino Sài Gòn ở góc đường Lê Lợi – Pasteur

Công viên Chi Lăng ở Công trường Lam Sơn

Thương xá TAX – Công trình kiến trúc nguyên thủy được xây từ năm 1880 thời Pháp thuộc ở trung tâm Sài Gòn tại góc đại lộ Charner và đại lộ Bonnard, gần tòa thị chính (hôtel de ville). Đến năm 1914 thì mở ra Grands Magasins Charner de Saigon (viết tắt là SGMC). Dưới thời VNCH, Đại lộ Bonnard thay tên là đại lộ Lê Lợi và Đại lộ Charner biến thành đại lộ Nguyễn Huệ, nhưng đến năm 1960 nơi đây mới chính thức được đổi tên thành Thương xá TAX.

Câu lạc bộ thể thao Sài Gòn thuở ban đầu

Tu bổ đường Charner (sau năm 1975 là đường Nguyễn Huệ), đoạn gần sông Sài Gòn

Đường Thống Nhất ngày xưa nhìn từ dinh Norodom, sau này con đường này được đổi tên thành đường Lê Duẩn, còn dinh Norodom cũng được đổi tên thành Dinh Độc Lập

Không ảnh Dinh Toàn quyền

Rue d’Ormay (trước năm 1975 là Nguyễn Văn Thinh), phía xa trong hình có vẻ là một ngã ba (Nguyễn Văn Thinh – Hai Bà Trưng)

Dinh Phó thống đốc Nam Kỳ hay còn gọi là Dinh Gia Long – Từng là nơi ở và làm việc của gia đình Tổng thống Ngô Đình Diệm khi Dinh Độc Lập bị nổ bom năm 1962.

Con đường phía trước Dinh Gia Long, sau này là Bảo tàng Thành phố

Rue Lagrandière năm 1906, trước năm 1975 là đường Gia Long, sau này được đổi tên thành đường Lý Tự Trọng – Trong hình có xe kéo tay và “xe kính” là xe ngựa 4 bánh và có cửa kính. Tòa nhà theo kiểu kiến trúc cast-iron bên phải là bệnh viện Nhi đồng II, được xây dựng từ năm 1867 và bắt đầu nhận bệnh từ năm 1873. Ban đầu bệnh viện mang tên Bệnh viện Hải quân, sau đó là Bệnh viện Quân đội, phục vụ chiến tranh Đông Dương. Bệnh viện mang tên là bệnh viện Grall từ năm 1925 và trở thành bệnh viện dân sự với 560 giường từ năm 1958.

Vỉa hè Sài Gòn với những người bán hoa dọc đường

Gia đình đông con trên đường phố Sài Gòn

Bản đồ Sài Gòn năm 1963, với những địa chỉ hữu ích do Hotel Caravelle cung cấp

Toàn cảnh Sài Gòn – Tòa án hay còn gọi là Tòa Pháp Đình Sài Gòn nhìn từ tháp Nhà thờ Đức Bà

Không ảnh đại lộ Nguyễn Huệ, vòng xoay trong hình là Bùng binh Bồn Kèn (vòng xoay Nguyễn Huệ – Lê Lợi), tòa nhà lớn có chóp cao là SGMC – tiền thân của Thương xá TAX (sau năm 2016, thương xá đã không còn nữa)

Không ảnh đường Lê Lợi năm 1931, nhìn về hướng Nhà hát Thành phố, phía trước nhà hát là công viên nhỏ ở Công trường Lam Sơn và bồn phun nước ở vòng xoay Nguyễn Huệ – Lê Lợi.

Cảng Sài Gòn năm 1940 – 1950, tòa nhà cao trắng trong hình là khách sạn Majestic Saigon – một trong những khách sạn có bề dày lịch sử nổi tiếng ở Sài Gòn, nằm cạnh bến Bạch Đằng, đầu đường Đồng Khởi. Khách sạn này được xây dựng bởi một thương gia người Việt gốc Hoa giàu có bậc nhất Sài Gòn – Gia Định xưa là Hui Bon Hoa (hay còn gọi là Chú Hỏa).

Dinh Toàn quyền vì đây từng là nơi làm việc của các Tàn quyền Đông Dương. Dưới thời VNCH, Ngô Đình Diệm quyết định đổi tên dinh này thành Dinh Độc Lập. Còn hiện nay, dinh đã được Chính phủ Việt Nam xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.

Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn năm 1940 – Đây là một trong những công trình kiến trúc độc đáo của Sài Gòn. Tên gọi ban đầu của nhà thờ là Nhà thờ Sài Gòn, tên gọi Nhà thờ Đức Bà bắt đầu được sử dụng từ năm 1959 bằng việc đặt Tượng Đức Bà Hòa Bình trước khuôn viên.

Đại lộ Norodom – Con đường có từ trước khi Sài Gòn bị Pháp đánh chiếm, sau đó lại được nối liền với đường trung tâm Hoàng thành cũ thành đại lộ trung tâm. Lúc đầu có tên là đại lộ Chính Phủ, sau đó mới tới đại lộ Norodom. Đến năm 1950, khi Dinh Norodom được đổi tên thành Dinh Độc Lập thì con đường phía trước dinh cũng được đổi tên thành đại lộ Thống Nhất. Sau năm 1975, con đường có một thời gian mang tên là đường 30 tháng 4, phải tận đến năm 1986 mới lấy tên chính thức là đường Lê Duẩn.

Đại lộ Nguyễn Huệ năm 1940, hướng nhìn từ sông Sài Gòn vào Tòa Đô Chánh – Vốn ban đầu, đây là một con kênh, đến năm 1865 thì bị lấp một đoạn và tận 20 năm sau mới lấp toàn bộ con kênh để xây nên con đường Đại lộ Charner. Từ năm 1955, chính quyền chính thức đổi tên đường thành đại lộ Nguyễn Huệ – Một trong những con đường sầm uất và nhộn nhịp bậc nhất Sài Thành.

Kinh Tàu Hủ năm 1940 – 1950

Cảng và sông Sài Gòn năm 1940 – 1950. Con đường thẳng trong hình là đại lộ Hàm Nghi, con đường xéo bên phải hình là đại lộ Nguyễn Huệ.

Đền Kỷ Niệm năm 1940 – Được xây dựng năm 1926 cạnh cổng chính khu vực Thảo Cầm Viên Sài Gòn, đối diện với Viện Bảo tàng Blanchard de la Bross (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Thành phố). Để tưởng niệm những người Việt tử trận vì đi lính cho Pháp trong Thế chiến thứ nhất. Sau năm 1954 thì đổi tên thành Đền Quốc Tổ Hùng Vương và sau năm 1975 thì đền đổi tên thành Đền Hùng Vương để thờ vua Hùng cùng một số nhân vật lịch sử như Lê Văn Duyệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung…

Khu chợ Bình Tây năm 1940 – Chợ này do một thương gia người Hoa là Quách Đàm (còn gọi là Thông Hiệp) bỏ tiền ra xây dựng vào năm 1928 rồi tặng cho chính quyền thành phố lúc bấy giờ, khánh thành năm 1930. Đổi lại, ông chỉ xin xây dựng thêm mấy dãy nhà phố xung quanh chợ và đặt tượng mình giữa chợ khi mất.

Khu chợ Bình Tây tọa lạc tọa lạc trong khu vực Chợ Lớn nên người ta còn hay gọi khu chợ này với cái tên không chính thức là chợ Lớn. Chợ được thiết kế theo lối kiến trúc Á Đông  và là ngôi chợ có tuổi đời lớn nhất ở Thành phố.

Rạch Bãi Sậy phía sau chợ Bình Tây với cầu 3 Cẳng ở phía xa

Cầu Chà Và năm 1940 – Trước đó là vị trí của cầu Vạn Kiếp. Trước khi có cầu này, khu vực này có cây cầu Malabars nằm ở vị trí đường Mạc Cửu và đường Đinh Hòa hiện nay. Sau đó, chính quyền thực dân cho phá cây cầu này và dựng nên cầu Chà Và tại vị trí hiện tại.

Đại lộ Tổng Đốc Phương, nay là Châu Văn Liêm

Cầu Kiệu năm 1940 – Là cây cầu bắc qua kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè tại Thành phố, nối quận 1 và quận 3.

Rạch Thị Nghè  – Vườn Bách Thảo và sông Sài Gòn

Cầu Kho năm 1940 – Phía trên bên phải có tháp canh khói của Sở cứu hỏa, nay vẫn còn.

Bến Bạch Đằng – quảng trường Mê Linh, đường Hai Bà Trưng

Rạch Bến Nghé và Ngân Hàng Đông Dương

Các phụ nữ Sài Gòn chơi bài

Con đường dài theo mé sông chạy thẳng vô Chợ Lớn, người Pháp đặt là “Route Basse” (ta đồng thời cũng gọi là Đường Dưới) để đối chiếu với đường “Route Haute” (ta gọi Đường Trên). Đường Trên trở nên con đường Võ Tánh (nay là Nguyễn Trãi). Con rạch dài theo Route Basse, chính là rạch Bến Nghé

Con rạch ở vùng phụ cận Sài Gòn

Đầu đường Catinat, phía trước Nhà thờ Đức Bà

Góc ngã ba Tự Do – Thái Lập Thành (nay là góc Đồng Khởi – Đông Du), nhìn về phía Nhà hát Thành phố. Cửa hàng bách hóa Auguste Courtinat, địa chỉ số 96 – 106 Rue Catinat và 48 rue Amiral-Dupré (bên phải hình).

Sài Gòn năm 1948

Công trường Lam Sơn – Hình ảnh được ghi lại tại bùng bình Bồn Kèn (vòng xoay Nguyễn Huệ – Lê Lợi), tòa nhà trong hình là Thương xá TAX nhưng đến năm 2016 thì tòa nhà này đã chính thức bị dỡ bỏ.

Đường Catinat năm 1940 – Tòa nhà bên phải khung hình là khách sạn Continental, tòa nhà bên phải là thương xá EDEN trong quá trình xây dựng (trước đó, đây là vị trí của nhà hàng Givral)

Sài Gòn năm 1914 – Lính Pháp lên tàu đi Marseille (có lẽ để tham gia Đệ nhất Thế chiến)

Đây có thể là phái đoàn tàu quân sự của triều đình nhà Thanh thăm các nước vùng biển Nam Hải năm 1890. Đến Sài Gòn ngày 26/3/1890, thăm vài ngày rồi sau đó đoàn đi qua Singapore và Phi Luật Tân.

Cảnh sinh hoạt trên sông của người Sài Gòn xưa

Cánh đồng mả

Một góc cánh đồng mả Sài Gòn, khu vực này nay nằm ở Quận 10

Rue des Marins, trước năm 1975 được đổi tên thành đường Đồng Khánh và nay là Trần Hưng Đạo B

Viết một bình luận