“Sài Gòn hoa lệ”- Hoa cho người giàu, lệ cho kẻ nghèo

Không biết có ai từng dạo đêm dọc hai con đường Hoàng Sa – Trường Sa của bờ kênh Nhiêu Lộc chưa? Không biết từ khi nào mà hai bên con đường này quán nhậu mọc lên nhiều vô kể, xuất hiện thêm những người hát rong với đầy đủ thứ đồ nghề: ampli, loa, micro không dây, nhạc đệm,….Mà ngộ cái là họ chỉ toàn hát những giai điệu ngày xưa với những thể loại như rumba, bolero, sến,…cứ tưởng đồng hồ đang đếm ngược và bản thân thì trở về với thời không trước. Đã không ít lần tôi lân la ghé những cái quán này, ngồi nhâm nhi chút bia cồn ở vỉa hè, nghe những ca sĩ đường phố cất lên giai điệu cũ….Buồn vào hồn không tên, những đêm thức giấc, bỗng nhớ về những câu chuyện cũ…Nghe xót cả lòng! 

Quầy hàng ăn vặt cùng quán cà phê vỉa hè

Rồi chợt thoáng trong ký ức về những tháng năm xưa, cái thời mới sau năm 1975, đất nước được cho là “thanh bình” thì đám bạn bỗng nhiên rủ nhau làm đám cưới một cách chớp nhoáng. Kẻ lấy chồng người lấy vợ, ai cũng tìm nơi để phó thác cuộc đời, rồi lại ùn ùn kéo nhau tìm đường vượt biên. Có đứa thì vượt được an toàn, mở ra cuộc sống trời Tây; còn có người thì chẳng được may mắn, vượt thế nào mà theo ông theo bà về với thế giới bên kia luôn. Còn những người như tôi, ở lại nơi quê hương, chỉ biết lặng lẽ mà nhìn tụi nó….chẳng thể thốt lấy một lời. 

Nhìn bọn nó kéo nhau lên tàu, giữa ngàn con sóng vỗ ngoài khơi, mà chợt lặng người – Đó không phải là chuyến xe lửa Sài Gòn – Đà Lạt, mà là chuyến tàu của cuộc đời, đau khổ hay không cũng đều dựa vào nó. Đừng tưởng vượt biên, qua nơi xứ người là may mắn sẽ tìm đến, thần tài sẽ gặp mặt mà gõ cửa ngay. Tôi có con bạn, thân cao không quá thước rưỡi, lon ton với khay bánh trên tay, ráng vướng người để đưa khai bánh vào ngăn nhưng lỡ trượt chân u đầu mà bánh thì lăn lóc cả ra ngoài. Không dám kêu đau, nhanh tay lượm những chiếc bánh xếp tiếp vào khay, thế là lại bị bà sếp Tây chửi liền cho một trận: “Xứ này không ăn dơ như thế”.

Cũng có người vất vả đi làm nail, bao nhiêu tiền thì dồn hết cho con cái ăn học, sát nghĩa câu nói “hy sinh đời bố, củng cố đời con” luôn, đều là mồ hôi và nước mắt cả. Cái ngày mà thấy con cái thành danh thành tài thì thân thể cha mẹ cũng tàn tạ theo. Do sự chênh lệch về giá trị đồng tiền nên vài đồng tiền gửi về nước nên người thân trong nước có khi tưởng bên này sống sung sướng lắm, tại làm quá trời tiền thế cơ mà! Có người còn tưởng bên này chắc dễ kiếm tiền lắm, nên mang ý định “bòn rút” vài thứ nọ kia. Có mấy người biết, họ phải chắt chiu, cần kiệm thế nào, có khi còn chẳng dám mua bảo hiểm y tế. 

Góc ngã ba Bùi Viện-Trần Hưng Đạo. Phía xa là tòa nhà KS và rạp ciné Đại Nam, cạnh bên là trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (góc Trần Hưng Đạo – Nguyễn Thái Học)

Nói không phải khen, chứ cũng có mấy người chịu khó lắm! Vừa học vừa làm để rồi “trời không phụ lòng người có đạo, đất không phụ người có nhân”, họ cũng nên danh sự nghiệp. Dẫu sao thì thời đó, xứ người vẫn có nhiều cơ hội hơn trong nước, nếu cố gắng nắm bắt thì ắt được mà thôi. 

Tình hình trong nước cũng chẳng biết nói làm sao cho trọn vẹn. Nhớ hồi đó, tôi cũng có dạy thêm một nhóm luyện thi đại học, chỉ tầm 5 – 7 em mà thôi, có xuất sắc thì cũng có bình thường. Có em làm bài tốt lắm và đương nhiên là đậu đại học rồi, còn có em thì rớt. Đến báo tin, thầy trò ngồi cùng quán cà phê vỉa hè tâm sự, buồn mà ứa nước mắt….nhưng cũng bị buộc phải chấp nhận, số phận đời người mà chứ có phải trò chơi chính trị đâu. Buồn làm chi khi mà những năm sau 1975, những ông giáo sư hay bác sĩ, toàn ông này bà nọ nhưng vẫn phải còng lưng xuống đường đạp xích lô, chạy xe ôm, gánh bán bún riêu, mở cà phê vỉa hè,…người nào có của với lanh lanh xíu thì buôn hột xoàn đổi đô la. 

Còn nhớ chuyến tàu năm 1978, trong chuyến tàu chợ, tôi bắt gặp một người phụ nữ ăn mặc lam lũ nhưng lại sở hữu vẻ đẹp quý phái, tuổi không quá ba mươi. Chị kéo theo hai bao than lớn đến gần khúc cửa tàu rồi ngước mắt nhìn tôi, nói với giọng điệu như năn nỉ: “Lát đến ga Bình Triệu, cậu làm ơn đạp hai bao than này xuống tàu dùm tôi”. Thì ra chị buôn lậu than, đến ga nếu bị kiểm tra thì sẽ bị tịch thu mất. Lúc nhìn vào đôi mắt ấy, tôi cảm nhận được ánh mắt buồn rười rượi cùng một sự nhẫn nhục không nói nên câu. Chợt làm tôi nhớ đến hình ảnh của một bà mẹ trong tác phẩm của C.V. Gheorghiu. Lúc bà bị cảnh sát bắt vào bót để tra hỏi vị trí của con trai đang ẩn nấp, tác giả cũng mô tả nét buồn và nhẫn nhục trong đôi mắt như thế. 

Đường Tôn Đức Thắng năm 1989 (trước năm 1975 là Cường Để)

Vẫn nhớ có một lần đi chơi về khuya, bắt gặp một đứa trạc tuổi cùng xóm ngay ngã ba đường Trần Quang Diệu – Trương Minh Giảng (sau này đã được đổi tên thành đường Lê Văn Sỹ). Hắn ăn mặc chắp vá, lại còn màu mè kiểu cọ, nhìn chẳng khác nào hát tuồng hát bội, đã thế tay còn cầm cây chổi múa may quay cuồng. Hắn chắn ngay đầu xe tôi rồi cất lời: “Cho trẫm điếu thuốc. Hoàng thượng ta đã chiếu cố đến bọn dân đen, đứa nào dám cãi lời”. Tôi cũng im lặng mà rút ngay cho hắn điếu thuốc, còn “cung kính” châm lửa. “Ngài” rít một hơi thật dài rồi mới phẩy phẩy cánh tay: “Cho lui”. Rời đi được một đoạn, ngoái cổ nhìn lại, tôi vẫn thấy hắn đứng đó, tiếp tục múa may điên loạn. 

Hắn ta đã có mầm mống bất thường sẵn trong người trước rồi, nhưng không hiểu sau năm 1975 thì càng trở nặng, cứ lang thang khắp nơi và làm ra những hành động như “kẻ tâm thần”. Chẳng ai biết được cái điên của hắn là thật hay giả, cái này chắc chỉ có hắn mới trả lời được. Nhưng nếu thật thế thì cũng có cái hay, quên hết mọi sự khổ đau của cuộc đời, nhớ làm chi khổ người khổ ta! Không hiểu sao, cái thời đó dễ gặp người điên lắm! Nói điên thế thôi, chứ họ có phá phách gì ai, chỉ chìm vào khoảng không riêng của mình mà thôi. Tôi thường thấy mấy ông ăn mặc lịch sự lắm, áo sơ mi bỏ trong quần, có người còn đeo cả cà vạt,…cứ đi đi lại lại trong tiểu khu Lê Công Kiều – nơi bán sách cũ ngày trước, vừa đi vừa khua tay múa chân, làm nhảm một mình rồi như đúng đắn mà gật lấy gật để…..

Đứa bạn của tôi qua được tới trời Tây, vừa học vừa làm mấy năm thì gửi về cho tôi một thùng quà đâu chừng ký rưỡi, kèm theo đó là một bức thư ngắn mà xúc tích lắm: “Gửi mày mấy hộp thuốc Tây, cứ đem bán đi mà lấy tiền lai rai. Còn lọ nhỏ thì đừng bán, để lại mà uống, thuốc an thần đó.” Phải chăng, tôi đã rơi vào cái thời đại mà “tâm thần” chính là lối thoát cuối cùng của con người với thực tại? 

Sau những năm 1975, tôi chợt học được một điều quý giá và nghĩ rằng điều đó đến vẫn sẽ là chân lý – Đó là “người chiến thắng tuyệt đối đúng”. Người chiến thắng đương nhiên sẽ là một điều đáng tự hào, nhưng có khi cái họ tự hào thành sai mà họ vẫn khăng khăng rằng mình đúng, chẳng chịu nhận mình sai khi mình đã chiến thắng. Nhưng chỉ nói tới đây thôi, vì đó chỉ là chân lý mà bản thân tôi giác ngộ ra, và tự cảm thấy nó đúng ở mọi thời đại mà thôi! 

Cảnh Sài Gòn nhìn từ một khách sạn thành phố

Tôi cảm thấy khâm phục mấy bà thật sự! Cầm chỉ có tẹo tiền, xách thêm cái giỏ đi chợ, mà có thể loanh quanh đầu chợ đến cuối chợ cả tiếng đồng hồ có khi chẳng mua được thứ gì. Mà có tiền đi chợ là còn may đó, có người chỉ khoai sắn, rau tạp tàng quanh năm….Cái thời đó, ăn là để sống mà nên có gì mà không thể bỏ bụng chứ, cần gì đắn đo nhiều đến thế. 

Còn có mấy ông bị bắt đi cải tạo, nhìn vậy mà sướng hơn bên ngoài nhiều lắm nha, bởi họ chỉ cực tấm thân thôi chứ cái đầu khỏe ru. Có biết bên ngoài trời đất như thế nào đâu mà khổ với lo. Một bà vợ có chồng bị bắt đi cải tạo, hôm đi thăm nuôi chồng liền dúi vào tay một ít tiền để trong này có chuyện cần thì xài. Nhưng đến lần thăm nuôi sau thì tiền ấy vẫn còn nguyên, có dám xài đồng xu cắc bạc nào đâu. Ông nói vậy nè: “Tội nghiệp cả nhà, cả gia đình tôi lắm! Ở ngoài vợ con nhịn đói tằn tiện nuôi tôi, trong này cũng chẳng dám ăn bởi không nỡ nuốt cái đói cái khát của vợ con”. Nghe mà xót dùm chưa! Nước mắt chảy ngược thôi, nghe mà mừng thay cho bà vợ vì có ông chồng biết xót vợ.  

Đời đúng là trăm nghìn nhánh khổ, mỗi người một nhánh chẳng ai giống ai? Năm 1975 có lẽ là ngã rẽ cuộc đời của nhiều người, bạn bè có đứa thành danh thì cũng có đứa bị đời dập cho tơi bời. Nhưng cho dù ở phương trời nào, Tây hay Ta cũng đều phải chiều theo số mệnh mà thôi……

Viết một bình luận