Sài Gòn của những năm 1930 – Thời trang truyền thống miền Tây “Áo Bà Ba” lên ngôi

Nếu như đối với người miền Bắc, trang phục gắn liền với bộ áo tứ thân, áo yếm váy đụp thì người miền Nam lại gây thương nhớ với chiếc áo bà ba quen thuộc. Cứ về đất Nam Bộ – vùng đồng bằng sông nước thì hình ảnh quen thuộc mà ta thường thấy chính là các bà má, các cô gái vận trên mình chiếc áo bà ba giản đơn nhưng không kém phần duyên dáng và quyến rũ. 

Áo bà ba xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ XIX, được Trương Vĩnh Ký cách tân từ chiếc áo của người dân đảo Penang (người Malaysia gốc Hoa) để phù hợp hơn với vóc dáng cùng phong cách của người Việt. Tại thời điểm đó, Trương Vĩnh Ký đã là một nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học và khảo cứu văn hóa tiêu biểu của Việt Nam. 

Theo nhà văn Sơn Nam trong cuốn “Nghi thức và lễ bái của người Việt Nam” có ghi nhận lại thế này: “…Bà-ba là người Hoa lai người Mã Lai ở Mã Lai hoặc Singapore. Vải đen được nhập cảng khá tốt, người Nam Bộ thích mặc kiểu áo vải đen của người Bà-ba nên gọi là áo bà ba. Ngày nay, áo bà ba vẫn có thể gợi sự nghiêm túc nếu đừng loè loẹt, cần nhất là thái độ của người mặc.”

Áo bà ba gắn liền với người miền Nam như một thói quen cố hữu, xuất hiện trong mọi đời sống sinh hoạt. Dù đi chợ, đi làm nông, đi ăn cỗ, đi hội lễ,….thì chiếc áo giản đơn tưởng chừng là “quê mùa” ấy lại toát lên một vẻ đẹp sang trọng và quý phái. Sự khác biệt chính là cách lựa chọn màu sắc, loại vải để thay đổi làm sao cho phù hợp hoàn cảnh. 

Trước đây, khi chưa có thuốc nhuộm hóa học, muốn nhuộm màu đen, màu nâu cho áo bà ba, người dân thường dùng lá bàng, vỏ trâm bầu, vỏ cây dà, cây cóc, vỏ sú vẹt hoặc trái dưa nưa… nhuộm rồi phủ bùn để chống trôi màu. Khi có vải nhập cảng, thì lại dùng vải ú, vải sơn đầm, vải chéo go đen được sử dụng rộng rãi, vì tính tiện dụng, tối màu phù hợp với điều kiện lao động, đi lại nơi sông rạch, bùn lầy, dễ giặt và chóng khô. Sau này, công nghệ hiện đại phát triển, màu sắc cũng trở nên đa dạng hơn và chất vải may cũng phong phú hơn. 

Ngày trước, áo bà ba chỉ được sử dụng như một loại áo lót, mặc phía trong của áo ngũ thân để làm tiện phục. Nhưng từ thập niên 1950 trở đi thì không còn sử dụng như chức năng áo lá hay áo lót nữa, mà được biến đổi theo từng giai đoạn. Trải qua thời gian, chiếc áo bà ba đã nhiều lần được cách tân cho phù hợp với sự vận động của cơ thể người mặc cũng như sự thay đổi về tư duy thời trang. Chiếc áo bà ba truyền thống được các nhà thời trang cải tiến, vừa dân tộc, vừa đẹp và hiện đại hơn. 

Áo bà ba ngày nay không thẳng và rộng như xưa mà được thiết kế không cổ, thân áo phía sau được may bằng một mảnh vải nguyên, thân trước lại được may ghép bằng hai mảnh với dải cúc chạy dọc chính giữa từ trên xuống. Áo chít eo, xẻ tà ở hai bên hông càng làm tôn lên nét duyên dáng của người con gái nhưng lại không bị coi là hở hang, lố lăng. Chiếc áo có độ dài trùm qua mông, gần như bó sát thân, làm tôn lên những đường cong cơ thể của người mặc. Ngoài ra, người ta còn sáng tạo các kiểu chắp vai, cổ tay, cửa tay, riêng các kiểu cổ lá sen, cánh én, đan tôn…, được tiếp thu từ kiểu y phục nước ngoài.

Áo được kết hợp với một chiếc quần ống rộng dài chấm cổ chân hoặc gót chân, để làm đẹp thêm hình hài và vóc dáng người phụ nữ cùng với chiếc lưng ong nhẹ nhàng, mềm mại. Và càng duyên dáng hơn khi được kết hợp thêm một chiếc khăn rằn kẻ sọc, đầu đội chiếc nón lá nghiêng nghiêng, chiếc khăn là điểm nhấn để tạo nên phong cách riêng biệt, không lẫn vào đâu được. Nếu so sánh với những trang phục truyền thống của nước ngoài hay những trang phục trong nước thì bà ba là trang phục có thiết kế đơn giản nhất. Nó hoàn toàn phù hợp với tính khiêm tốn của người Việt, nhưng cũng không kém phần nền nã và thướt tha của người con gái.

Không biết tự bao giờ mà chiếc áo bà ba lại đại diện cho vẻ đẹp thuần khiết, đôn hậu và sự dịu dàng của người phụ nữ Nam Bộ. Bên cạnh đó, chiếc áo bà ba còn là biểu tượng của sự mạnh mẽ, bất khuất của người phụ nữ miền Nam. Hình ảnh bất tử của người chiến sĩ tình báo Võ Thị Thắng trong chiếc bà ba đen với nụ cười đầy sự dũng cảm. Hay nữ tướng Nguyễn Thị Định, dù ở chiến khu hay ở quê nhà thì bà vẫn khoác lên mình chiếc áo mộc mạc, tinh tế nhưng lại đầy sự oai nghiêm…

Áo bà ba là biểu tượng, là tâm hồn, là kết tinh của quê hương xứ sở, là linh hồn của Việt Nam trải qua mấy trăm năm khi ông cha ta khai phá mảnh đất phương Nam. Những người con gái Nam Bộ đảm đang khi ra đồng, mềm mại trên những chuyến đò ngang bắc qua sông, thấp thoáng bên những rặng dừa được làn gió thổi tung bay tà áo nhẹ,….Nhưng nét đẹp thuần khiết ấy, những màu sắc dung dị ấy đang dần bị mai một. Những chiếc áo cổ tròn, cổ tim, cổ thìa đặc trưng của chiếc áo bà ba, đã bị biến tấu dưới bàn tay của những nhà thiết kế hoặc do những sở thích cá nhân. Cổ áo khi thấp khi cao, khi trễ khi kín, lúc hình vuông hình lá, có khi lại khoét sâu hở bạo,…..

Nhưng cũng có nhiều nhà thiết kế, nhiều nhà tạo mẫu có tâm huyết, muốn kế thừa và phát huy truyền thống của trang phục đã có sự cải tiến thành công hơn để áo bà ba không những sống trong đời sống hằng ngày mà còn rạng rỡ trên sân khấu thời trang, hòa cùng nhịp với cuộc sống hiện đại của những bạn bè năm châu.

Viết một bình luận