Rue Catinat – con đường xưa và nổi tiếng nhất Sài Gòn

Trong quyển “Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” (NXB. Đinh Thái Sơn, Sài Gòn, 1909), nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Việt Nam thời Pháp thuộc Nguyễn Liên Phong đã mô tả đoạn đầu đường Catinat (sau đổi tên thành Tự Do, và Đồng Khởi ngày nay) vào đầu thế kỷ 20 như sau:

“Nhứt là đường Ca-ti-na,
Hai bên lầu các, phố nhà phân minh
..Máy may mấy chỗ quá nhiều,
Các tiệm tủ ghế dập dều phô trương
Đồ sành, đồ cẩn, đồ đương [đan]
Đồ thêu, đồ chạm trữ thường thiếu chi
..Nhà in, nhà thuộc, nhà chà,
Nhà hàng ăn ngủ với nhà lạc son”

“Rue Catinat” là tên gọi của đường Đồng Khởi ngày xưa. Nếu Sài Gòn đã tồn tại hơn 300 năm có lẻ thì ắt hẳn Catinat đã phải đồng hành cùng đô thị phồn vinh này hơn 2/3 chặng đường và chứng kiến vùng đất Gia Định xưa trải qua bao nhiêu biến động lịch sử.  Có lẽ cũng chẳng ngoa khi ví Đồng Khởi như một cầu nối thời gian giữa Sài Gòn hiện đại và cũ xưa. “630 thước vàng ngọc” đã qua nhiều lần đổi tên từ Rue 16, Rue Catinat đến Tự Do và cuối cùng nó chính thức mang tên Đồng Khởi.

Theo nhiều tư liệu thì “Rue Catinat” được xem là con đường xưa và nổi tiếng nhất Sài Gòn. Đây cũng là con đường đầu tiên được thiết lập khi Pháp quy hoạch lại thành phố sau khi chiếm được và phá thành Sài Gòn. Còn được gọi là “Rue no. 16” lúc ban đầu cho đến khi là con đường được tráng nhựa đầu tiên, “Rue Catinat” nhanh chóng trở thành trung tâm sinh hoạt thương mại của thành phố.

Sau khi các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng (đường xá, xe lửa), công sở, cơ quan hành chánh và thương mại được thống đốc dân sự Le Myre de Vilers (1879 – 1883) năng động khởi công và thúc đẩy hoàn thành, Sài Gòn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, sau hơn 35 năm bị Pháp chiếm đóng, đã trở thành một thành phố có cảnh quan được quy hoạch hài hòa, kiến trúc khu trung tâm có nhiều nét tương đồng các thành phố ở châu Âu. Thậm chí, các du khách đến từ Âu châu và Viễn Đông (chỉ các nước Đông Á) đã có cảm nhận chung Sài Gòn là “Perle de l’Orient” đối với người Pháp, hay “Paris of the East” đối với các du khách từ các quốc gia hay thuộc địa nói tiếng Anh trong vùng Viễn Đông.

Để cảm nhận lại hơi thở Sài Gòn xưa trên Rue Catinat, ta có thể đi từ đầu đường, phía bờ sông Sài Gòn, đến phía cuối đường có dốc lên thoai thoải đến Nhà thờ Đức Bà (xưa kia vị trí này là trung tâm của thành Phiên An, tức thành Quy, thời vua Gia Long).


Bức ảnh được chụp cuối thế kỷ 19 này ghi lại đoạn đầu đường Catinat. Vị trí ngôi nhà bên trái có người đàn ông đứng tựa cửa, cũng là số 1 đường Catinat, sau này sẽ là khách sạn Majestic.

Trong một bức ảnh của nhiếp ảnh gia Ludovic Crespin (có cửa tiệm “Photo Studio” ở số 136 đường Catinat) được cho là chụp vào khoảng cuối thập niên 1910 và đầu 1920, phía trái hình là hai tiệm đổi tiền của ba người Ấn (mà người Pháp gọi là “malabar”), số 1 đường Catinat của ông Mougamadou Abdoullah (1909), ông Mougamadou Oussaine (1910) và số 1bis của ông Mougamade Abdoullah (3) (theo niên giám Đông Dương 1909, 1910)

Trong một bức ảnh được chụp sau đó, vị trí bên trái đầu đường Catinat là khách sạn “Hôtel d’Annam” (Nam Việt khách lầu) của ông Huỳnh Huệ Ký

Ở phía đối diện là quán Cafe de la Rotonde nằm ở địa chỉ số 2 Catinat. Bên phải bức ảnh là đường Quai de Belgique (đường Tôn Đức Thắng ngày nay) với hai hàng cây ở một bên hè. Bức ảnh được chụp vào năm 1901, lúc này Sài Gòn vẫn dùng loại đèn thắp dầu để chiếu sáng.


Ngôi nhà số 1 Catinat sau đó bị phá bỏ để xây dựng khách sạn Majestic


Khách sạn Majestic được xây dựng bởi công ty thuộc quyền sở hữu của thương gia người Việt gốc Hoa giàu có bậc nhất miền Nam Việt Nam thời bấy giờ là Hui Bon Hoa (hay còn gọi là Chú Hỏa)


Khách sạn Majestic thuở ban đầu có 3 tầng lầu, 44 phòng ngủ do một kiến trúc sư người Pháp thiết kế


Năm 1948 Sở Du lịch và Triển lãm Đông Dương (The Indochina Tourism & Exhibition Department do ông Franchini Mathieu – một người Pháp – điều hành) mua lại toàn bộ tầng trệt và lầu 1 khách sạn và thuê 44 phòng trong thời hạn 30 năm.


Cũng như Bảo tàng Mỹ thuật hay Nhà khách Chính phủ, khách sạn Majestic được xây dựng theo phong cách Baroque rất được ưa chuộng thời bấy giờ và ngay cả hiện nay. Nó mang dáng vẻ kiến trúc cổ châu Âu thời phục hưng, cổ kính và sang trọng bậc nhất Sài Gòn ngay khi xây xong vào năm 1925.


Khách sạn Majestic sở hữu tầm nhìn thoáng rộng ra sông Sài Gòn


Bến sông sau đó được cải tạo thành công viên


Lúc này đường Catinat được đổi tên thành Tự Do. Từ sau 1975, đường Tự Do được đổi tên thành Đồng Khởi.


Khách sạn Majestic được xếp hạng 5 sao vào năm 2007. Khu mới (trên đường Nguyễn Huệ) của khách sạn Majestic được khởi công xây dựng vào tháng 7.2011, sẽ bao gồm 2 khối tháp cao 24 tầng và 27 tầng, 4 tầng hầm, với 353 phòng mới. Sau khi hoàn thành, khách sạn Majestic mới sẽ có tổng cộng 538 phòng.


Một chiếc xe kéo đoạn đầu đường Catinat. Theo nhiều tài liệu thì xe kéo xuất hiện đầu tiên tại Hà Nội vào năm 1883 do Toàn quyền Bonnal cho đem từ Nhật qua. Gần 15 năm sau Sài Gòn mới biết tới loại xe kéo này (trước đó đây phương tiện di chuyển duy nhất ở đây là xe ngựa).


Tòa nhà ngay góc ngã tư Catinat – Vannier (Ngô Đức Kế ngày nay). Đây cũng là ngã tư đầu tiên của đường Catinat.


Ngày 24.10.1930, ông Henry Edouard Charigny de Lachevrotière – Tổng biên tập của một tờ báo Pháp có được giấy phép chính thức mở Grand Hotel Saigon. Khi đó nó chỉ là một cửa hàng nước giải khát nhỏ nằm ở góc đường Catinat và Vannier (Ngô Đức Kế)

Tên gọi “Saigon Đại Lữ Quán” có từ năm 1958


Nằm ở số 130 Catinat là quán cà phê kiêm khách sạn Café de la Terrace, bên cạnh quảng trường Francis Garnier (quảng trường Nhà hát Lớn, tức Nhà hát Thành phố ngày nay)


Cạnh khách sạn và quán Café de la Terrace nổi tiếng, ở số 128 Catinat là tiệm tạp hóa của bà Wirth. Ngoài bán hàng, bà Wirth còn sản xuất và thương mại hóa các ảnh “cartes postales” từ cuối thế kỷ 19 với các ảnh xưa ở Sài Gòn, quý hiếm trong giai đoạn đó cho đến đầu thế kỷ 20.


Cạnh ngôi nhà đầu đường, ở số 157bis Catinat là một tiệm bánh ngọt (patisserie) của ông Marius Rousseng


Năm 1923 Sài Gòn khai thác tuyến xe điện đầu tiên (trước đó, từ năm 1881, người Sài Gòn đã gọi các tramways là tàu điện dù thực chất đó là tàu hỏa chạy bằng dầu và than). Café de la Terrase trong bức ảnh này đã đổi thành L’information d’Extreme-Orient.


Sài Gòn những năm 1950s. Lúc này, L’information d’Extreme-Orient (vị trí cũ của Café de la Terrase) đã đổi thành tên thương hiệu thuốc Aspirine – Usines du Rhône


Trạm xe điện ngay trước vị trí của Café de la Terrase trước kia


Năm 1957 trên khu đất trước đây là Cafe de la Terrase đã khởi công xây dựng khách sạn Caravelle bởi các nhà đầu tư lớn của Air France và chính phủ Úc. Khách sạn chính thức khai trương vào đêm Giáng sinh 1959.


Khách sạn Caravelle đặt theo tên một loại máy bay của hãng hàng không Air France. Hãng này có văn phòng ở tầng trệt của khách sạn. Điều thú vị là ngày nay văn phòng bán vé Air France vẫn còn duy trì hoạt động ở tầng trệt Caravelle.

Viết một bình luận