Quận 4 của Sài Gòn xưa tuy “giang hồ” nhưng mang đậm chất nghệ sĩ với xóm đàn Tôn Đản

Trong trí nhớ của người Sài Gòn xưa, Quận 4 là khu vực tuy nằm sát bên Quận 1 hoa lệ nhưng lại là nơi sinh sống của người dân lao động tay chân, ít nhiều dựa vào những chuyến tàu mang hàng hóa cập bến cảng Sài Gòn. Khi Quận 7 với khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng đột ngột là khu vực sang trọng của Sài Gòn, Quận 4 vẫn còn là một quận nhỏ, vỏn vẹn chỉ 4 km2, nằm lọt thỏm giữa Quận 1 lâu đời và Quận 7 mới nổi.

Ngã ba Trịnh Minh Thế – Hoàng Diệu, Q4 năm 1969

Hay câu nói “Nhất quận 4, nhì quận 8” để ví von về mức độ phức tạp lẫn giang hồ của hai khu vực này ở Sài Gòn trước kia. Trong đó, Quận 4 vốn ngay cảng, nhà ổ chuột trên kênh rạch nhiều, hẻm sâu tự phát… thu hút dân lao động nghèo tứ xứ đổ về kiếm sống… trở thành nơi quy tụ của các đại ca, băng nhóm giang hồ khiến dần dà mang tiếng đất dữ của Sài Gòn.

Vùng đất Khánh Hội xưa tức Quận 4 ngày nay được hình thành bởi các khu vực Khánh Hội, Vĩnh Hội, Cây Bàng, Xóm Chiếu, cù lao Nguyễn Kiệu từ khi Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam, lập phủ Gia Định (1693-1698). Vùng đất này trước đây có nhiều tên gọi như: Tam Hội, Khánh Hội, Khánh Hoà, Khánh Bình, Bình Ý, Tân Vĩnh, Vĩnh Khánh … thuộc tổng Dương Hoà, huyện Tân Bình. Thời kỳ thực dân Pháp xâm lược, Quận 4 được biết đến bởi những tên địa danh như Xóm Chiếu, Khánh Hội (đây là những tên gọi quen thuộc của người dân Sài Gòn – Gia Định khi nói đến vùng đất Quận 4). Địa danh Quận 4 được dùng từ năm 1959 suốt cho đến ngày nay.

Đường Trịnh Minh Thế, Q4, năm 1967-1968

Nhưng có lẽ những lời đồn về quận Tư “giang hồ” đã thấm nhuần trong câu nói giao tiếp hằng ngày của người dân lúc bấy giờ. Nên rất nhiều người đã quên “Anh Tư” Sài Gòn ngày ấy còn nổi tiếng với những làng nghề khác. Quận Tư ngoài nghề đóng giày Tây với những tiệm giày nổi tiếng như Giày Thành , Giày Gia, Giày Gia Phong vang danh một thời Quận Tư còn có Xóm đàn, là một làng nghề thủ công chuyên sản xuất đàn Guitar.

Ngày nay tìm cho ra Xóm đàn Tôn Đản không phải dễ, phải hỏi những người lớn tuổi, để họ chỉ vô mấy con hẻm lớn, hẻm nhỏ, tới nơi rồi, nghe mùi keo, mùi gỗ, mùi véc ni, nhưng cũng phải ngó cho kỹ mới phát hiện ra vài cơ sở sản xuất đàn, vì nó nằm chung địa bàn với những nhà làm giày da……

Xóm đàn hôm nay heo hút là thế, muốn được hiểu hơn về cái gọi là làng đàn, thì phải quay về ngày xưa.

Đó là khoảng thời gian cách đây hơn nửa thế kỉ. Theo những câu chuyện kể lại, thì Xóm đàn ban đầu là nơi có những người thợ mộc gốc Bắc di cư, thường nhận sửa những cây đàn hư của người Pháp đem tới. Khi đó đàn Guitar là hàng hiếm ở Việt Nam, muốn mua đàn, phải mua từ nước ngoài, vừa bất tiện mà giá lại mắc. Vậy là cùng với việc sửa chữa, những người thợ mộc khi ấy đã tự mày mò tìm hiểu cấu tạo của cây đàn, để tự làm ra những cây đàn Sài Gòn đầu tiên.

Đàn Guitar, với sức hấp dẫn vốn có, nhanh chóng trở thành loại nhạc cụ được nhiều người tìm đến. Nắm bắt nhu cầu đó, người dân bắt đầu đầu tư vào ngành nghề này, ai có nhiều vốn thì mở xưởng, ai ít vốn thì làm gia công. Nắm bắt nhu cầu, nhiều người có tiền đổ vốn đầu tư, nhập nguyên vật liệu, tổ chức lập xưởng, thuê thợ về sản xuất thủ công. Người vốn nhỏ hơn thì phân phối về các nhóm gia đình tại Tôn Đản gia công. Dần dần, nghề làm đàn trở thành nghề chính của dân trong xóm, người mở xưởng, người dạy nghề, học nghề, nghề làm đàn trở thành nghề ăn nên làm ra.

Thời cực thịnh, nhiều cửa hiệu tiêu thụ đàn Tôn Đản nổi tiếng: Mỹ Tiến, Phùng Đinh, Quảng Thành… mọc lên sát hai phố Hồ Văn Ngà, Lê Thị Hồng Gấm. Có tiệm nhập một thùng khóa, phím… sản xuất được hàng ngàn cây đàn. Một số thợ tay nghề đặc biệt cao được ưu ái cấp cả chỗ ở, phương tiện đi lại…

Ngày mới giải phóng, nhiều người ngỡ nghề đàn cũng biến mất song chỉ vài năm sau, quy hoạch thành hợp tác xã, đơn hàng lại tấp nập đổ về. Hết thời bao cấp, các hộ sản xuất lại long đong. Đất chật, người đông, có thời điểm đàn organ tràn ngập thị trường, sản phẩm không tiêu thụ được, nhiều hộ sản xuất lần lượt bỏ nghề.

Đến nay, cả xóm chỉ còn khoảng chục cơ sở duy trì nghề cũ. Sản phẩm chủ yếu xuất về các tỉnh miền Tây, một số theo thương lái sang Campuchia, Lào…

Hai con phố chuyên buôn bán đàn xưa, nay cũng được thế hệ con cháu chuyển sang kinh doanh dịch vụ và các mặt hàng khác. Dấu ấn một thời vàng son của nghề chỉ còn lưu giữ qua nhiều cây đàn các loại được treo trên tường mỗi phòng tiếp tân như một sự hoài niệm của mỗi chủ nhân.

Đến nỗi buồn “áo gấm đi đêm”

Theo chia sẻ của những người có thâm niên trong nghề đều kể lại: Không kể hàng làng nhàng, rất nhiều bạn hàng nước ngoài, kể cả người Nhật, Mỹ, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc đều nhận xét những cây đàn kỹ (đàn cao cấp) do Việt Nam sản xuất có chất lượng không kém nhiều loại đàn của nước ngoài nhưng giá thành thấp hơn rất nhiều vì không có thương hiệu riêng.

Chỉ có thể nhận diện người sản xuất qua tên, địa chỉ, số điện thoại được viết bằng tay lên mặt trong của mỗi cây đàn. Tuy nhiên, lấy lý do bí mật làm ăn, phần lớn các cây đàn xuất ra nước ngoài lại không được thương lái đồng ý để bất kỳ một dấu hiệu nào của người sản xuất.

Anh Quý, chủ tiệm đàn Cung Chiều trên phố Nguyễn Thiện Thuật cho biết: Trước đây gia đình cũng “đóng đô” ở xóm Tôn Đản. Sau này, muốn mở rộng cơ sở sản xuất nên dời về Hố Nai. Chưa bao giờ số lượng đàn của gia đình tiêu thụ nhiều như bây giờ. Mỗi tháng, cơ sở xuất xưởng cả ngàn chiếc đi các tỉnh, thành trong nước, sang Lào, Campuchia và khoảng 200 cây đàn kỹ qua Hàn Quốc, Malaysia.

Tuy nhiên, với những số lượng đàn được các thương nhân nước ngoài đặt sản xuất riêng với giá khoảng 400 – 500 USD/chiếc thì không bao giờ được để bất kỳ một dấu hiệu riêng. Nhiều vị khách còn buộc việc giữ kín tên tuổi của họ như một điều khoản bắt buộc phải thực hiện trong hợp đồng.

Ảnh minh họa về xưởng làm đàn Guitar

Theo chủ tiệm đàn Minh Hương, số lượng người còn đủ trình độ tay nghề làm đàn kỹ ở TP HCM hiện nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết những người này đều có những ngón nghề đặc biệt nhất định nên được khá nhiều công ty nước ngoài săn đón.

Đã có thời, anh chấp nhận theo bạn vào làm cho công ty sản xuất đàn của Đài Loan, được trả mức lương gấp 4 lần trưởng phòng nhân sự nhưng tiếc tâm huyết 30 năm gắn bó với nghề, anh lại lầm lũi quay trở lại với xưởng sản xuất nhỏ không đầy 30m2 của riêng mình.

Biết anh sở hữu loại keo “độc”, cây đàn sử dụng loại keo này ít chịu tác động của yếu tố thời tiết nên dù anh từ chối hợp tác, công ty này vẫn liên tục tìm cách khai thác song đều thất bại. Cho đến nay, anh vẫn không chấp nhận sản xuất đàn đại trà, chỉ nhận làm đàn kỹ.

Không đến nỗi chịu sức ép về mưu sinh nhưng ngày ngày lướt web, biết 100% cây đàn mình làm, chỉ được bán vài trăm USD, được thương lái mang ra nước ngoài bán với giá trên cả ngàn USD mà phải mang thương hiệu khác, anh không thể không chạnh lòng buồn.

Và không chỉ có Minh Hương, không ít người gắn bó với nghề làm đàn hiện nay vẫn không thôi mơ ước về một thương hiệu đàn Việt Nam trên thị trường quốc tế. Thế nhưng, bài toán về vốn, thiếu liên kết, sự hạn chế của phương thức sản xuất nhỏ lẻ, những tư duy của nền kinh tế tiểu nông vẫn là trở ngại lớn nhất mà những người tâm huyết với nghề làm đàn cần phải vượt qua.

Đất chật, người đông, có thời điểm đàn organ tràn ngập thị trường, sản phẩm không tiêu thụ được, nhiều hộ sản xuất đàn thủ công lần lượt bỏ nghề. Đến nay, cả xóm chỉ còn khoảng chục cơ sở duy trì nghề cũ. Dấu ấn một thời vàng son của nghề chỉ còn lưu giữ qua nhiều cây đàn các loại được treo trên tường mỗi phòng tiếp tân như một sự hoài niệm của mỗi chủ nhân. Ít ai biết Nữ nghệ sĩ cải lương tài danh Lệ Thủy xuất thân từ Xóm Tôn Đản và Guitar điện phím lõm cũng ra đời từ đây – Xóm nghèo nhưng nghệ sĩ !

Nhưng trải qua nhiều thăng trầm , đến nay, Xóm đàn Tôn Đản tuy còn tồn tại, nhưng chỉ còn là chiếc bóng của ngày xưa. Các tiệm bán đàn xưa không còn, đàn Tôn Đản nay chỉ còn bán cầu may ở các cửa hàng Nguyễn Thiện Thuật, cạnh tranh mệt mỏi với đàn Trung Quốc. Theo một khảo sát, trong số 65 làng nghề của Sài Gòn, có 14 làng nghề có nguy cơ mất đi, và Xóm đàn Tôn Đản nằm trong danh sách rủi ro đó……

Viết một bình luận