Opera House – Ký ức một thời về nhà hát đầu tiên tại Sài Gòn

Nhà hát thành phố Sài Gòn nằm ở một vị trí khá thuận lợi tại trung tâm thành phố, có mặt tiền hướng ra Công trường Lam Sơn và đường Tự Do – nay là đường Đồng Khởi, Quận 1. Đây được xem là nhà hát trung tâm với đa nhiệm vụ, đồng thời là nhà hát chuyên tổ chức biểu diễn sân khấu nghệ thuật và cũng là nơi tổ chức các sự kiện lớn như hội họp quốc gia. Được khánh thành vào năm 1900, đây được xem là nhà hát có tuổi thọ lâu đời nhất của Sài Gòn. Đến năm 1955, khi đệ nhất cộng hòa được thành lập thì chính quyền đã thay đổi từ Nhà Hát thành nhà Quốc Hội. 

opera-house

Từ năm 1963 đến 1967, đệ nhất cộng hòa bị lật đổ, đệ nhị cộng hòa chưa được thành lập, miền Nam Việt Nam hoạt động dưới sự lãnh đạo của hội đồng quân sự nên không cần thiết đến quốc hội. Do đó, tòa nhà dành cho Quốc Hội khi đó cũng bị đổi tên thành Nhà Văn Hóa. 

Năm 1967, khi Quốc Hội chính quy được tái thành lập thì cũng được chia thành 2 viện khác nhau như nhiều nước phương Tây khác là Thượng Nghị Viện và Hạ Nghị Viện. Chính quyền chọn Hội Trường Diên Hồng làm trụ sở Thượng Nghị Viện và lấy trụ sở Quốc hội cũ (tức là Nhà Hát – Nhà Văn Hóa) làm trụ sở Hạ Nghị Viện. 

opera-house

Sau năm 1975, chính quyền Sài Gòn sụp đổ, Nhà Hát Opera House được trả lại với đúng công năng như ban đầu là nơi trình diễn nghệ thuật, lấy tên là Nhà Hát Thành Phố cho đến hiện nay. 

Lịch sử hình thành Nhà Hát Thành Phố:

Sau khi thành công chiếm lấy thành Gia Định được một thời gian (năm 1863), người Pháp đã đưa đoàn hát đầu tiên từ chính quốc sang trình diễn phục vụ cho các quan chức, sĩ quan, binh lính Pháp đang ở Sài Gòn. Do thời điểm đó chưa có rạp hát đúng nghĩa nên đoàn chỉ được trình diễn tại một nhà gỗ của thủy sư đề đốc La Grandière – Nơi đây còn được gọi là Công trường Đồng Hồ (Place de l’Horloge) nằm ở góc đường Nguyễn Du và Đồng Khởi ngày nay.

Tuy nhiên, không gian lại trở nên chật hẹp hẳn đi do nhu cầu giải trí của người Pháp ngày một tăng cao, do đó, chính quyền đã quyết định xây dựng một Nhà hát lớn. Nhưng chi phí cho hoạt động xây cất này lại rất lớn, chưa thể xin được trợ cấp từ phía chính quốc nên chính quyền Pháp tại Sài Gòn chỉ xây tạm một nhà hát với quy mô nhỏ ở khu đất trên đường Catinat (phía bên cạnh vị trí dự xây của Nhà Hát Lớn (vị trí này nay lại trở thành khách sạn Caravelle). Mãi đến năm 1898, khi chính quốc cấp ngân sách thì Opera House mới chính thức được khởi công xây dựng. 

Dù nó là công trình kiến trúc được xây dựng để phục vụ cho nhu cầu của người Pháp nhưng lại bị phản đối bởi chính những người Pháp ở Sài Gòn, họ cho rằng nhà hát có diện tích tương đối nhỏ (chỉ chứa được khoảng 600 ghế) nhưng chi phí để khởi công xây cất lại quá lớn, phải bỏ ra 2.5 triệu francs để cho một loại hình giải trí. Dù là như vậy nhưng dự án vẫn được triển khai, vì ngài thị trưởng Paul Blanchy cho rằng một thành phố lớn và bề thế như Sài Gòn thì phải có một nhà hát lớn phục vụ cho hoạt động văn hóa nghệ thuật, như thế mới xứng tầm vị thế thành phố trung tâm Nam Kỳ 

Sau khi khánh thành vào đúng ngày đầu tiên của thế kỷ mới – thế kỷ 20 (1/1/1900), người dân Việt Nam đã gọi nó là nhà hát Tây, bởi trong đó chỉ có đoàn hát Tây và chỉ phục vụ cho người Tây. Nhưng chi phí cho việc mời những nghệ sĩ đoàn hát từ Pháp về lại được lấy từ ngân khố Thành Phố vậy nên cũng lại bị phản đối, hầu như là ít sử dụng. 

opera-house

Trước tình hình này thì chính quyền Pháp đã mở cửa Opera House, cho phép người dân bản xứ ra vào để biểu diễn vào năm 1918. Ngày 18/11/1918, buổi biểu diễn đầu tiên của người Việt được tổ chức tại Opera House với màn trình diễn kịch pha chút cải lương. 

Theo cụ Vương Hồng Sển cho biết, dù có thêm các chương trình của người Việt biểu diễn vào thì cũng chẳng cải thiện được tình trạng vắng vẻ của Opera House, bởi những vị khách ăn chơi đã bị các hộp đêm, những quán ăn có cả ca múa nhạc, những buổi khiêu vũ góp vui thu hút gần hết rồi; còn lại một số khách hàng khác lại thích cine, chớp bóng nói, vừa lạ mắt vừa hấp dẫn nên chẳng còn ai đến với Opera House cả. 

Opera House được xây dựng trên diện tích gần 3.200 m2, gồm một trệt và hai lầu cùng lối kiến trúc mặt tiền đặc sắc, nhưng họa tiết hoa văn được cho là khá giống với bảo tàng Petit Palais ở Paris, cũng khánh thành cùng năm đó. Ngoài sân khấu chính với lưu lượng chỗ ngồi 600 ghế, rạp còn được trang bị thêm hệ thống đèn chiếu sáng hiện đại. Những họa tiết trang trí cũng như những vật liệu xây dựng nhà hát đều được sản xuất và nhập hàng từ Pháp. 

Với lối kiến trúc kiểu cổ sang trọng, các phù điêu hoa văn hay các họa tiết, cùng với hai pho tượng nữ thần đặt trước cổng đều dựa theo phong cách của thời Phục Hưng. Mặc dù được nhận khá nhiều lời khen nhưng vẫn có không ít ý kiến chê bai, thậm chí là chỉ trích bởi những chi tiết rườm rà, phức tạp, nệ cổ,… Vì vậy, đến 1944, lại có một cuộc tu sửa nhà hát, rất nhiều họa tiết cùng với hai pho tượng nữ thần đặt trước cửa cùng bị tháo dỡ để thay bộ mặt mới hiện đại hơn, trẻ trung hơn và tươi mới hơn hình tượng của Nhà Hát Thành Phố. 

Sau năm 1954, khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa được thành lập cùng là lúc Nhà Hát Thành Phố bị trưng dụng thành Tòa nhà Quốc Hội, sau đó khi Đệ Nhất Cộng Hòa bị tan rã nó lại được đổi thành Nhà Văn Hóa và đến thời kỳ của Đệ Nhị Cộng Hòa lại được “phục chức” trở thành tòa Hạ Nghị Viện. Cứ mỗi thời kỳ hay nói đúng hơn là mỗi lần đổi tên, người ta lại phải tiến hành thay đổi bộ mặt của Nhà Hát cho phù hợp với công năng mới, những chi tiết hay hoa văn nhỏ cũng lần lượt bị dỡ bỏ hẳn. Phần họa tiết trang trí trên cửa lớn ra vào cũng được thay đổi dần thành những đường sọc ngang dọc – hình ảnh gợi nhớ quả địa cầu. Lối kiến trúc tạo nét vuông vức được thay đổi nghiêm túc hơn để phù hợp với vị thế của một trụ sở họp hội chính trị quốc gia. 

opera-house

Hơn 40 năm sau, cuối cùng Nhà Hát cũng được hoàn trở lại công năng ban đầu nhằm mục đích phục vụ biểu diễn nghệ thuật sân khấu, kế hoạch phục chế Nhà Hát cũng được quyết định như dựng lại nguyên bản ban đầu, trải lại các hoa văn và tượng nữ thần trước cửa như cũ…ngoài biểu diễn ca hát, còn có thêm các hoạt động như hòa nhạc, diễn xiếc,…Tuy nhiên, vẫn có thể sẽ kèm thêm công năng tổ chức các buổi hội họp, mít-tinh chính trị. 

Nhưng sau đó cũng bị nhiều chuyên gia phản đối và lên tiếng không hài lòng bởi việc tổ chức hội nghị quan trọng lại được diễn ra trong khuôn viên của một nhà hát, điều này hoàn toàn không phù hợp hay được xem là không nghiêm túc. Chưa kể đến việc hội hợp ban ngày, buổi biểu diễn lại diễn ra ban đêm, chương trình sẽ chẳng thể nào diễn ra hoàn thiện do không có chỗ tập dợt, phối hợp cùng nhau. 

opera-house

Đến năm 1998, Nhà Hát Thành Phố được phục chế thành công, trả lại diện mạo ban đầu và các cuộc hội họp chính trị cũng không còn được tổ chức ở đây nữa. Lý do hoàn toàn là vì khi Nhà Hát được phục chế đồng nghĩa với việc các hoa văn và họa tiết được trang trí cùng với hai pho tượng nữ thần trước cửa cũng được hoàn thiện, trả lại đúng không gian của nhà hát đúng với công năng sân khấu biểu diễn nghệ thuật, không còn phù hợp với mục đích chính trị nữa. 

Mời các bạn cùng chiêm ngưỡng thời hình ảnh của Opera House qua các thời kỳ: 

Trước năm 1955: 

opera-house

Từ năm 1955 – 1963: Trụ sở Quốc Hội

opera-house

opera-house

Từ năm 1963 – 1967: Nhà Văn Hóa

opera-house

Từ năm 1967 – 1975: Trụ sở Hạ Nghị Viện

opera-house

Sau năm 1975: Nhà Hát Thành Phố

opera-house

opera-house

 

Viết một bình luận