Những vũ trường khét tiếng ở Sài Gòn ngày ấy – Nơi vẫn tiếp tục phát triển, nơi lại chôn vùi trong phế tích

Vào thời kỳ Pháp Thuộc, Sài Gòn đã được mệnh danh là “Hòn Ngọc Viễn Đông”, nơi đây nhanh chóng phát triển và trở thành một thành phố đông đúc lúc bấy giờ. Cùng với sự phát triển đó, Sài Gòn ngày được mở rộng về đường xá, phương tiện đa dạng hơn và những dịch vụ vui chơi đáp ứng cuộc sống xa hoa của giới cầm quyền lúc ấy cũng phát triển. Những năm trước 1975, tại Sài Gòn đã xuất hiện nhiều vũ trường, nơi đây trở thành tụ điểm ăn chơi nổi tiếng của giới thượng lưu và sĩ quan Mỹ ngày ấy ở Sài Gòn.

Vũ trường Maxim’s nổi tiếng của quận 1 xưa.

Vũ trường Maxim’s (Maxim’s Club) là nhãn hiệu một cơ sở dịch vụ giải trí tọa lạc quận 1 và có lịch sử hoạt động liên tục từ 1925 tới nay

Vũ trường Maxim’s những năm 1925 – 1967

Club de Maxim được một ông chủ người Pháp dựng năm 1925 trong quá trình cải tạo một quán cà phê nhỏ đã xuống cấp, tọa lạc Rue Cartinat là con phố sầm uất nhất đô thành Saigon, với tư cách pháp nhân là chi nhánh của chuỗi Maxim’s hoàn vũ. Giới ăn chơi thị thành thường gọi thông tục là nhà hàng Maxim, mượn nhan đề vở nhạc kịch Ả ca-ve nhà hàng Maxim nổi tiếng đương thời, tuy nhiên tên gốc không phát xuất từ tên kịch phẩm này. Nhưng cho mãi tới thập niên 1950, dưới sự quản lí của nhiều đời chủ Pháp, nhà hàng Maxim chỉ là tiệm cà phê thuốc lá tầm trung, hoàn toàn lép vế so với những địa chỉ ăn chơi thời thượng cùng phố là Café Givral, Continental Palace, Hôtel Caravelle… mà người thượng lưu gọi là khu tứ giác Eden.

Thời đệ nhất cộng hòa, do các tụ điểm vui chơi giải trí lớn bị chính quyền hạ lệnh đóng cửa do quá nhiều tai tiếng, một số tiệm cà phê hạng trung nhờ thế mà có cơ hội vươn lên. Đây là lúc nhà hàng Maxim gây dần tiếng vang vì sự kết hợp giữa ăn uống và ca nhạc – hình thức giải trí phổ biến sau Đệ nhị thế chiến. Dù vậy, vì quy mô quá nhỏ nên Maxim chỉ đạt doanh thu vừa phải, khiến cho giới chủ thầu bắt đầu ngán ngẩm muốn bỏ đi.

Trong thời kì giới nghiêm sau cách mạng 01 tháng 11, việc kinh doanh thất bát buộc nhà hàng Maxim phải đóng cửa thời gian dài, cơ sở vật chất hoàn toàn xuống cấp. Chính quyền đô thành còn ngỏ ý định phá cả dãy phố để dùng vào mục đích dân sự.

Vũ trường Maxim’s những năm 1967 – 1975

Maxim’s năm 1967

Tuy nhiên, vào năm 1967, ông Huỳnh Đạo Nghĩa (chủ hãng kem đánh răng Hynos) mua được giấy phép toàn quyền xử dụng 3 thửa đất tương ứng địa chỉ 13-15-17 đại lộ Tự Do. Ông quyết định giữ lại nhãn hiệu Maxim nhưng phá cơ sở cũ để xây khiêu vũ trường, dự định đáp ứng nhu cầu thời thượng của lớp công chức cả Việt Nam và quốc tế tại Sài Gòn. Nhưng do thiếu kinh nghiệm quản lí, việc kinh doanh bế tắc, có lúc phải đổi là Mỹ-Tâm Maxim’s Club, nên vào năm 1969 ông chủ Huỳnh bán mặt bằng cho ông Diệp Bảo Tân- một thương gia người Hoa.

Ông chủ Diệp bèn cải danh địa chỉ này thành Maxim’s Club, cố gắng kết hợp việc kinh doanh ẩm thực với giải trí. Bên cạnh sự khuyến khích khách hàng khiêu vũ cùng bạn nhảy là các tiếp viên được đào tạo chuyên nghiệp, nhà hàng cũng mời các nghệ sĩ ăn khách về biểu diễn. Trong khi vấn đề kinh doanh do ông chủ Diệp hoàn toàn quyết định, việc quản lí nghệ sĩ và dàn dựng tiết mục được giao hẳn cho nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và vũ sư Lưu Hồng. Ông Hoàng Thi Thơ bèn tiến hành tuyển lựa nghệ sĩ để lập ra Đoàn văn nghệ Maxim’s, ráo riết đào tạo họ thành những nhân vật đa tài và giỏi biến tấu, đồng thời đấu thầu sóng truyền hình, thi thoảng cũng được chính phủ mời làm đại diện Đoàn Văn nghệ Việt Nam lưu diễn hải ngoại. Vì thế, đây được coi là nơi ươm mầm cho vài thế hệ nghệ sĩ ưu tú Việt Nam về sau, cũng là giai đoạn hoàng kim của thương hiệu Maxim’s.

Điểm khác biệt của đêm văn nghệ Maxim’s so với những câu lạc bộ Sài Gòn cùng thời là không lặp lại một cách cứng nhắc những trào lưu văn nghệ thời thượng, mà bổ sung những tiết mục ngâm, chèo, tuồng, cải lương… truyền thống nhưng phần nào cách tân để công chúng thời đại dễ tiếp nhận. Gần khuya có thêm màn vũ sexy để phục vụ nhu cầu giới chức và sĩ quan. Cho nên, mặc dù là vũ trường phục vụ những nhu cầu nông nổi của khách thành thị, Maxim’s vẫn thổi hồn sống vào những loại hình nghệ thuật tưởng đã mai một hoặc lỗi thời. Ông chủ Hoàng Thi Thơ cũng tích cực thâu dĩa, quay phim nhựa màu để khuyến khích các nghệ sĩ thể hiện tài năng. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn Maxim’s đã vươn dậy thành chốn giải trí thượng lưu độc đáo và ăn khách nhất đô thành, đặc biệt thu hút lớp người Bắc di cư muốn tìm chốn hoài tưởng cố hương.

Maxim’ năm 1969-1970

Trong giai đoạn cao trào Đại hội Nhạc trẻ, khi kí giả Trường Kỳ thuê vũ trường Queen Bee mở đại nhạc hội Hippie Agogo, rồi ca sĩ Jo Marcel mua lại phòng trà Đêm Màu Hồng của gia đình nhạc sĩ Vũ Hoàng Chương, vị thế Maxim’s bị chìm một thời gian. Nhưng khi phong trào nhạc trẻ đuối sức cùng với tình hình chiến sự căng thẳng, lối giải trí độc đáo của Maxim’s lại vươn lên thống trị không gian ăn chơi đô thành.

Ngày 30 tháng 04 năm 1975, khi tổng thống Dương Văn Minh đọc tuyên bố giải thể chế độ, Đoàn Văn nghệ Việt Nam (nòng cốt là Đoàn văn nghệ Maxim’s) do ông bầu Hoàng Thi Thơ dẫn đầu vẫn đang lưu diễn tại Tokyo. Buổi biểu diễn cuối cùng của đoàn trước khi rã ngũ là trên sóng NHK. Theo chia sẻ của tác giả Lê Văn Nghĩa trong Phòng trà ca nhạc Sài Gòn xưa:

“Phòng trà Maxim’s tọa lạc ngay địa điểm của nhà hàng Maxim’s bây giờ. Phòng trà này không chỉ có ca nhạc mà còn có ăn uống dành cho giới thượng lưu, sang trọng lúc đó. Dưới sự điều khiển của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, phòng trà này có những màn nhạc kịch có chất lượng nghệ thuật cao.

Độc đáo của Maxim’s là mỗi đêm, chương trình văn nghệ của Hoàng Thi Thơ đều cống hiến cho khán giả những màn vũ dân tộc độc đáo. Những chiếc nón quai thao thi đua bay lượn, xoay tròn theo điệu hát dân ca cổ truyền, những cô gái Việt ngày xưa mặc áo tứ thân đang hát đối đáp cùng những chàng thư sinh áo the, khăn nhiễu. Đó là nét đặc biệt của Maxim’s với tài dàn dựng của Hoàng Thi Thơ.

Maxim’s có cái dáng và không khí của sân khấu nước ngoài. Có nhiều màn vũ cũng như ca kịch có tính cách Á Đông như tiết mục ‘Cô gái điên’ (Xuân Dung, Mỹ Phương, La Thoại Tân và Ngọc Đức). Thường xuyên cho thay đổi một tháng một chương trình. Có nhiều phòng trà đến chỉ uống nước và xem ca nhạc. Với những giọng hát tốt nơi đó thu hút khách nghe nhạc, thờ ơ với món ăn. Có những nơi người ta chỉ ăn. Nhưng đến Maxim’s người ta vừa ăn và vừa xem.

Với những gương mặt ca sĩ và kịch sĩ ấn tượng như La Thoại Tân, Ngọc Đức, Túy Hoa, Phi Thoàn, Khả Năng, giọng ca tenor của Cao Thái và dàn vũ nữ xinh đẹp, thực khách tha hồ mãn nhãn và cười thoải mái. Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ từng tự hào là tại miền Nam này không ai viết nhạc kịch như ông. Nhạc kịch, hài hước, vũ nữ xinh như mộng đã tạo cho Maxim’s một thương hiệu và là nơi chỉ giới nhà giàu mới đặt chân vào.”

Vũ đoàn của Hoàng Thi Thơ trong vũ trường Maxim

Vũ trường Maxim’s những năm 1975 – 1986

Sau sự kiện 30 tháng 04 năm 1975, vũ trường Maxim’s bị buộc đóng cửa trong trào lưu bài trừ lối sống trụy lạc và các tệ nạn xã hội vài năm. Sau khi phong trào thanh niên xung phong vãn dần, giới trẻ Sài Gòn từ các tỉnh biên giới về cần không gian giải trí, khiến cho một số vũ trường có lịch sử hoạt động lành mạnh được chính quyền thành phố “nhắm mắt làm ngơ” cho mở từ sẩm tối tới gần khuya, trong đó có Maxim’s.

Thời kì âm nhạc chính trị, một lượng nhỏ ca khúc nhạc trẻ thời Việt Nam Cộng hòa được phép phổ biến tại Maxim’s bên cạnh nhạc trẻ Âu-Mĩ, Liên Xô và Việt Nam mới. Hằng đêm, tại Maxim’s có các chương trình văn nghệ với thành phần chủ yếu là nghệ sĩ từ ngoài Bắc vô biểu diễn trên nền nhạc disco thời thượng.

Vũ trường Maxim’s những năm 1986 đến nay

Sau khi chương trình Đổi Mới được thông qua, các cơ sở kinh doanh tại Sài Gòn được tự do sang tên như trước năm 1975. Vũ trường Maxim’s qua nhiều đời chủ nhưng hầu hết quản lí kém khiến cơ sở này lép vế so với nhiều vũ trường mới nổi trong thành phố, điển hình là Trung tâm Thương mại Giải trí Super Bowl (còn gọi vũ trường Superbowl). Quy mô hoạt động của Maxim’s bị thu nhỏ trong lĩnh vực ẩm thực và khiêu vũ, mà thực khách đa số là lớp người Sài Gòn ưa hoài niệm hoặc người Bắc mới vô muốn tìm hiểu lối sống thượng lưu thời Việt Nam Cộng hòa. Đôi lúc báo giới còn lầm tưởng Maxim’s đã giải thể.

Mặc dù vị thế không còn như thời hoàng kim, nhưng Maxim’s là địa chỉ được chính quyền quận 1 ưu ái giữ nguyên số 13-15-17 và thường dùng làm mốc đánh số toàn tuyến đường Đồng Khởi phía lẻ.

Maxim’s ngày nay
Maxim’s ngày nay

Vũ trường Tự do và vụ  đánh bom ngày ấy

Vũ trường Tự Do hay còn được gọi là phòng trà Tự Do, hộp đêm Tự Do, nằm ở góc đường Tự Do – Thái Lập Thành (nay là đường Đồng Khởi – Đông Du). Đây là một tụ điểm giải trí nổi tiếng của giới thượng lưu và sĩ quan Mỹ ở Sài Gòn trước 1975. Nơi đây thường tổ chức các buổi biểu diễn với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng Sài Gòn.

Một số hình ảnh vũ trường Tự Do ngày ấy:

Nhưng vụ nổ bơm ngày 15/9/1971 tại Vũ trường Tự Do 

Vụ nổ bom tại vũ trường Tự Do tối Thứ tư, 15-9-1971
SAIGON 16/9/1971 — CHẾT TRONG VỤ NỔ — Một xác chết nằm trên lề đường gần một bích chương tranh cử của Tổng Thống Thiệu phía trước một vũ trường nổi tiếng tại trung tâm Sài Gòn nơi vừa bị nổ bom trong vụ tấn công khủng bố vào tối 15/9. Vụ nổ này là vụ tấn công đẫm máu nhất của các kẻ khủng bố tại Sài Gòn trong năm đó

Về sau vũ trường Tự Do chuyển thành phòng trà, số lượng khách đến cũng ít đi. Vũ trường Tự Do ngày nào nay bị bỏ quên trong ký ức.

Viết một bình luận