Những nhà máy dệt sợi đầu tiên ở miền Nam Việt Nam và sự ra đời Nhà máy dệt Vinatexco ngày nay là nhà máy dệt Thắng Lợi

Trong thập niên 20 của thế kỷ XIX, tại miền Nam Việt Nam đã nổi lên một “thương hiệu dệt” do người Việt làm chủ, có tên là Manufacture de Tissage Le Phat. Người Việt này là ông Lê Phát Vĩnh, chú ruột của Nam Phương Hoàng Hậu sau này, con trai của ông Huyện Sỹ Lê Phát Đạt – một đại phú gia bậc nhất khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh với tục ngôn trong dân gian rằng “Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định”.

Dệt vải ở Saigon thập niên 1920

Trong sách “Giai thoại Nam Kỳ Lục Tỉnh” của tác giả Húa Hoành có viết rằng “…năm 1920, ông Vĩnh lập hãng dệt the, lấy tên Lê Phát (Manufacture de Tissage Le Phat) ở Cầu Kho (Quận l), sử dụng 50 công nhân, ông lại cho trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ để cung cấp cho nhà máy, khỏi lệ thuộc nguyên liệu vào nước ngoài.” 

Báo Écho Annamite (Tiếng Vọng An Nam) số ra ngày 23/2/1922 có đăng một quảng cáo xưởng dệt của ông Lê Phát Vĩnh với nội dung kêu gọi lòng yêu nước của người An Nam, giúp đỡ cho ngành công nghiệp lớn trong nước bằng việc mua hàng ủng hộ. 

Liên quan đến “thương hiệu dệt” Lê Phát Vĩnh, quốc phục áo dài và thị trường nội địa thời bấy giờ, vào cuối thập niên 20 có một sự kiện đáng chú ý là chuyến thăm Sài Gòn của thi hào Ấn độ Rabindranath Tagore. 

Ngày 21/6/1929, thi hào Rabindranath Tagore có một chuyến đến Sài Gòn. Sáng chủ nhật ngày 23/6/1929, ông đã ghé tòa soạn Phụ Nữ Tân Văn, nằm ở số 42 rue Catinat (nay là đường Đồng Khởi, Quận 1). Nơi này vừa là trụ sở của báo Phụ Nữ Tân Văn, vừa là cửa hiệu kinh doanh vải lụa của bà chủ báo Nguyễn Đức Nhuận. 

Phụ Nữ Tân Văn số 10, ra ngày 4/7/1929 đã có một bài báo tường thuật về cuộc tiếp đón vị khách quý đó do chính bà Nhuận đặt bút. Đặc biệt, bà Nhuận có kể về sự quan tâm của thi hào Rabindranath Tagore đối với việc kinh doanh vải của nhà bà, hỏi thăm hàng hoá ở miền Bắc, và mua một cái áo gấm bông bạc. Chủ báo cho biết đã tặng cho ngài thi hào “một cây lãnh của hãng dệt Lê-Phát-Vĩnh ở Cầu-Kho để làm kỷ-niệm.”

Quảng cáo xưởng dệt của ông Lê Phát Vĩnh trên báo Écho Annamite (Tiếng vọng An Nam) (23/2/1922).

Bà còn viết thêm: “Chiều lại, ông còn sai người tới mua hai cái khăn đóng. Hỏi thăm mới biết là ông có đặt may một cái áo dài Annam, thợ làm suốt một ngày đã xong. Thì ra nhà thi-hào Ấn-độ ưng ý cái lối quấc-phục của mình, cho nên sắm một bộ y phục Annam để mặc và làm kỷ niệm”

Song song với nền công nghiệp sản xuất và xuất khẩu bông-vải-sợi được dựng nên ở miền Bắc, người Pháp cũng đầu tư phát triển ngành công nghiệp tương tự tại miền Nam Việt Nam. Năm 1924, tập đoàn Tài Chính Pháp & Thuộc Địa, SFFC (Société financière française et coloniale) – của doanh nhân tỷ phú, cựu nhà ngoại giao Octave Homberg (1876-1941), đã cho ra đời Công Ty Sợi Bông Sài Gòn (Soceété Cotonnière de Saigon) gồm 2 nhà máy lớn với vốn đầu tư 12 triệu franc và tăng lên 20 triệu franc vào năm 1927. 

Các nhà tư sản người Hoa cũng không nằm ngoài sự tiến bộ của ngành công nghiệp. Lĩnh vực dệt may được coi làm công việc làm ăn phát đạt vào thời kỳ phát triển của Sài Gòn. 

Nhà máy dệt Vinatexco ngày xưa, nay là Nhà máy dệt Thắng Lợi 

Năm 1958, một thương nhân người Hoa tên Lý Long Thân đã thành lập xưởng nhuộm và xử lý hoàn tất Vinatexfinco. Đầu thập niên 60, sau khi tiến thân lên chức Hoa Vụ Kinh Lý tại ngân hàng Việt Nam Thương Tín, Lý Long Thân đã thu hút đầu tư của các “đại xì thẩu” (người giàu có) người Hoa và sáng lập Công Ty Dệt Sợi Việt Nam – Vinatexco, hoạt động sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng vải và cung cấp cho cả thị trường nội địa.

Nhà máy dệt Vinatexco ở đầu sân bay Tân Sơn Nhất, nay là Nhà máy Dệt Thắng Lợi

Trong thập niên 60 đến trước 1975, với sự đầu tư hệ thống máy móc nhập ngoại tiên tiến, Vinatexco là một công ty dệt nhuộm vải quy mô lớn và hàng đầu tại miền Nam Việt Nam, tiền thân của Công Ty Cổ Phần May Quốc Tế Thắng Lợi mà chúng ta biết đến ngày nay. 

Một công ty (hoặc nhà xưởng khác) là Vimitex cũng thuộc sở hữu của Lý Long Thân. Ông cũng thành công trong các ngành sản xuất và dịch vụ khác như hãng xử lý phế liệu Vicasa, hãng dầu ăn Nakyco, hãng bánh ngọt Lubico, ngân hàng Nam Việt, ngân hàng Trung Nam, khách sạn Arc en Ciel, hãng tàu Rạng Đông,

Vinatexco Textile Mill – Nay là Nhà máy Dệt Thắng Lợi trên đường Trường Chinh

Trải qua thăng trầm lịch sử của đất nước, sau 1975, Vinatexco đổi tên thành Nhà Máy Dệt Thắng Lợi. Năm 1991, trở thành Công ty Dệt Thắng Lợi (Thangloi Textile) 100% vốn của Nhà nước.  Năm 2001, chuyển đổi thành Công ty Dệt may Thắng Lợi (VIGATEXCO), xưởng nhuộm Vinatexfinco lúc này trở thành nhà máy in – nhuộm – hoàn tất. Đến năm 2007, Vigatexco cổ phần hoá, chính thức trở thành Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Phát Triển Quốc Tế Thắng Lợi (VIC). 

Khoảng từ giữa những năm 1960, người dân địa phương khắp Sài Gòn và Nam Kỳ Lục Tỉnh còn biết đến khu dệt vải Bảy Hiền. Tập trung trên một số tuyến đường như Võ Thành Trang, Nguyễn Bá Tòng, Năm Châu, Tái Thiết…bên góc ngã tư Bảy Hiền (nay thuộc địa bàn phường 11, quận Tân Bình, Sài Gòn), khu vực này được mệnh danh là “làng dệt xứ Quảng” giữa Sài Gòn, hình thành nên do quá trình di cư vào Sài Gòn của người dân huyện Duy Xuyên.

Nghề dệt truyền thống ở huyện Duy Xuyên đã theo chân những người di cư vào miền Nam và trú ngụ lại ở khu Bảy Hiền, từ đó hình thành nên một làng nghề dệt thu nhỏ giữa đô thành. Nhà văn Nguyên Ngọc từng có nhắc đến: “Làng dệt Bảy Hiền ở Tp. Hồ Chí Minh hoàn toàn do người Quảng Nam, trong những điều kiện lịch sử nào đó đã phải chạy vào tìm đất làm ăn ở phương Nam, tự kết hợp lại với nhau, tạo thành cả một khu công nghiệp dệt, cạnh tranh hiệu quả với cả một thế lực kinh tế dệt rất mạnh ở Sài Gòn là lực lượng người Hoa Chợ Lớn…” 

Thời hoàng kim thập niên 60 – 70, làng dệt Bảy Hiền nhập nguyên liệu từ nước ngoài, dệt ra thành phẩm vải không chỉ phục vụ nhu cầu của bà con tiểu thương ở khu Chợ Lớn để đi hàng các tỉnh, mà còn xuất khẩu một phần đến các quốc gia lân cận. Mặc dù có nhiều hộ sở hữu hơn chục máy dệt khung gỗ và dần cơ khí hóa từ thập niên 80 – 90, nhưng làng dệt Bảy Hiền vẫn thuộc dạng quy mô nhỏ, từ đầu thế kỷ XXI đã không gồng nổi trước nền công nghiệp hiện đại phát triển nhanh mạnh của Trung Quốc và cả các nhà máy lớn trong nước.

Một số hình ảnh về nhà máy dệt Vinatexco – Nay là Nhà máy Dệt Thắng Lợi trên đường Trường Chinh:

Nhà máy dệt Vinatexco bị ném bom năm 1968
Nhà máy dệt Vinatexco bị ném bom năm 1968
Nhà máy dệt Vinatexco
Nhà máy dệt Vinatexco
Các dây chuyên bên trong Nhà máy Dệt Vinatexco khi xưa
Các dây chuyên bên trong Nhà máy Dệt Vinatexco khi xưa
Các dây chuyên bên trong Nhà máy Dệt Vinatexco khi xưa
Các dây chuyên bên trong Nhà máy Dệt Vinatexco khi xưa
Các dây chuyên bên trong Nhà máy Dệt Vinatexco khi xưa

 

 

Viết một bình luận