Những câu chuyện “bi hài” vi hành của vua Việt trong lịch sử

Xưa, các đấng quân vương ngoài việc thiết triều bàn nghị việc nước, điều khiển việc quốc gia đại sự, nhiều vị bởi muốn hiểu nhân tình thế thái thế nào nên vi hành vào chốn nhân gian. Trong sử Việt, những cuộc vi hành của vua chúa không được ghi lại nhiều. Nhưng qua những tài liệu cóp nhặt được từ sử cũ, chúng ta cũng biết được dăm ba điều về các cuộc vi hành ấy, và cũng có những sự khác lạ nhất định.

Vua vi hành, dân gặp cướp 

Vua Tự Đức, cũng đồng thời là một nhà thơ nổi tiếng thời Nguyễn, trong Việt sử tổng vịnh, phần Đế vương, khi viết về vua Lý Cao Tông nhà Lý, ngài đã nhận xét về tiền nhân rất nghiêm phê: “Trong thời gian tại vị, Lý Cao Tông xây dựng dinh thự không ngớt, và Đế vui chơi không có chừng mực; giặc giã và trộm cướp trong nước nổi lên như ong, nhân dân đói khát khổ sở gấp bội những năm khác. Cơ nghiệp nhà Lý bắt đầu suy đốn từ đấy”. Lại có thơ rằng:

Cưỡng bão bi tần dĩ tự do,

Cố tương dân mịch phụng bàn du.

Chiêm Thành khúc lý đa ai oán,

Quy Hóa giang đầu thuỷ bất lưu.

Tạm dịch:

Khăn tã tự do thỏa ý trời,

Hại dân chẳng kể, kể rong chơi.

Chiêm Thành khúc hát, lời ai oán,

Quy Hóa đầu sông nước chẳng trôi. 

Nhận xét nghiêm khắc của một đấng quân vương dành cho đấng quân vương ở cùng địa vị “thiên tử”, là tấm gương soi chính xác đối với vị vua thứ bảy của nhà Lý. Trị vì đất nước 35 năm (1175 – 1210), là một trong những vị vua trị vì lâu nhất của nhà Lý (chỉ kém vua Lý Nhân Tông) cũng như chế độ phong kiến Đại Việt, nhưng công trạng, sự nghiệp Lý Cao Tông để lại cho hậu thế gần như chẳng có gì. Có chăng là tiếng xấu về sự ham chơi bời, tiêu phí sản nghiệp quốc gia cho những thú vui chơi vô bổ của vua. Nào là ưa phương thuật, sự lạ, tin tài sai bảo hổ của sư Tây Vực năm Đinh Mùi (1187), hay uy trị sấm của Nguyễn Dư năm Bính Dần (1206). Lại chăm việc thổ mộc, xây dựng cung Nghiêm Thiềm năm Đinh Tỵ (1197), dựng gác Kính Thiên năm Quý Hợi (1203)… Đặc biệt, vua rất ưa vi hành, nhưng không phải là quan tâm muôn dân trăm họ, mà để thỏa chí tò mò, sự ham vui chơi của bản thân, như lời Đại Việt sử ký toàn thư thuật lại: “Vua ngự đi khắp núi sông, phàm ngự đến đâu mà có thần linh đều cho phong hiệu và lập miếu để thờ”… “vua xây dựng không ngớt, ngao du không chừng mực”.

Vua Lý Cao Tông lên ngôi từ năm 3 tuổi. Nguồn: Internet.

Cũng vì cái sự ngao du ấy, có lần vua gặp cảnh “bất bình chẳng tha” (trích lời Lục Vân Tiên trong truyện thơ Nôm cùng tên của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu), nhưng đấng kim thượng lại nhắm mắt làm ngơ. Ấy là vào năm Bính Dần (1206) niên hiệu Trị Bình Long Ứng năm thứ hai theo ghi chép của Đại Việt sử lược, việc xảy ra ngay tại kinh thành, khi vua 37 tuổi ta.

Năm đó, trong nước đã loạn lạc dữ lắm, mà vua thích đi chơi, nhưng đường xá không thông được, vua bèn sai làm hành cung Ứng Phong, Hải Thanh ở đầm Ứng Minh, hàng ngày cùng bọn cung nữ đi chơi bời làm vui. Lại lấy thuyền to làm thuyền ngự, lấy các thuyền bé chia làm hai đột, sai bọn cung nữ, phường tuồng chèo thuyền, vua dẫn bọn tả hữu bắt chước nghi vệ thiên tử như khi vua ngự đi chơi đâu vậy. Lại còn lấy sáp ong bọc những tấm lụa và các thứ hải vật thả xuống ao rồi sai người lội xuống mò lên giả làm đồ vật dưới Long Cung đem dâng. Bá quan văn võ thấy vua rong chơi vô độ đều sợ hãi không dám nói.

Một hôm, vua ngự giá đi chơi ở đầm Ứng Minh như mọi khi. Đang lúc cùng bọn hầu cận, cung nữ vui đùa, bỗng nghe từ ngoài thành vọng lại những tiếng kêu thảm thiết. Lại nói thời bấy giờ, đói kém liên miên, bọn giặc cướp có mặt ở khắp nơi, giết người cướp của ngang nhiên như chốn không người. Để ý, cả đoàn mới biết là tiếng người bị ăn cướp đang hô hoán kêu cứu. Mặc dù đủ cả cấm binh vây quanh đến vài lớp, tiếng kêu cứu rõ mồn một, nhưng Lý Cao Tông chỉ ngỡ ngàng một chút, rồi lại cười nói, đùa vui như trước, giả vờ không nghe thấy gì, mặc cho dân đen, con đỏ của mình chẳng có ai giúp đỡ, đành gào thét vì bị cướp của giữa thanh thiên bạch nhật. Thật là:

 

Vui chơi nào có biết gì, 

Thờ ơ phó chuyện an nguy mặc trời.

(Trích Đại Nam quốc sử diễn ca)

Vua siêng đi chơi, bị đá rơi đầu 

Đó là trường hợp của vị vua thứ tư nhà Trần: Trần Anh Tông (1293 – 1314). Vua vi hành bị bọn vô lại ném đá, nhưng đó là quãng thời gian khi vua mới lên ngôi còn ham chơi bời. Xét cả thời trị vì 21 năm của vị vua đặt duy nhất niên hiệu Hưng Long này, Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí, phần Nhân vật chí đã ca ngợi công đức của vua là: “Vua khéo nối nghiệp trước, thương dân, lập chính, đời được yên vui, chính trị tốt đẹp, chế độ rực rỡ, đáng khen”. Hay thời Nguyễn, Thái Hà Diên Mậu Hoàng Cao Khải khi viếtViệt sử yếu, cũng nhận xét thời vua Trần Anh Tông: “Nhân tài xuất hiện ngày càng nhiều, đạo học chấn hưng ngày càng thịnh, triều vua Trần Anh Tông thật là triều thịnh trị nhất về đời nhà Trần”.

Vua Anh Tông bỏ tục xăm mình. Nguồn: Internet.

Quản nước tốt đẹp là thế, nhưng không phải lúc nào vua Trần Anh Tông cũng nghiêm cẩn sửa mình như lời dặn của thượng hoàng Trần Nhân Tông:

Thủ thành nối nghiệp gian nan,

Hễ là tửu sắc lòng toan đã chừa.

(Trích Việt sử diễn âm)

Khi vua mới lên ngôi, tuổi độ thanh niên mới lớn, nên tính bồng bột, ham chơi bời, lại có Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông bên mình trị nước, do đó mà chính sự có phần lơ là. Có lần, vì ham uống rượu xương bồ mà suýt bị Thượng hoàng truất ngôi thiên tử bởi giận. May sao có văn nhân Đoàn Nhữ Hài hay thơ làm biểu tạ lỗi mới được vua cha bỏ qua cho lỗi ấy. Ngoài việc thích uống rượu, do tuổi trẻ thích tìm hiểu, nên Anh Tông thỉnh thoảng cũng hay cùng bọn quân hầu vi hành ra ngoài nhân gian thăm thú dân tình, vui chơi thả sức. Khổ nỗi, đi đêm lắm có ngày gặp ma, sự thể ấy được Việt sử cương mục tiết yếu cho hay.

Tính vua thích vi hành, ban đêm thường cải trang làm công tử con quan, lên kiệu cùng hơn chục tên hầu cận rong ruổi khắp kinh thành Thăng Long, nào ngắm tửu quán đông vui, nào xem người qua lại nhộn nhịp, lại mắt liếc tay đưa những bóng hồng lướt qua. Cứ thế cả đoàn đi đến khi gà gáy mới về lại cung cấm. Ấy rồi có đêm khi đến một phường nọ trong kinh thành, bọn thanh niên hư đốn tính hay ghen ghét, tưởng kiệu Anh Tông là công tử con quan nhà ai diễu phố nên thấy ngứa mắt, mới hùa với nhau cầm gạch ném vào kiệu. Bọn người đi theo hầu hoảng hốt lắm, chẳng cần giấu bí mật vua vi hành nữa, mới thét lên cho bọn kia nghe thấy:

– Kiệu của vua đấy!

Nghe đến thiên tử, bọn thanh niên vô lại cả đám chạy tan sợ bị tội. Đến khi xem lại, thì đầu vua đã bị trúng mảnh gạch ném vào, chảy cả máu, cả chục ngày vết thương mới liền sẹo.

Sau, Thượng hoàng Trần Nhân Tông thấy vết sẹo ấy, mới hỏi nguyên do vì sao lại bị thế. Vua Trần Anh Tông cứ thực thà mà tâu lại. Thượng hoàng Nhân Tông bực mình lắm, lắc đầu, tặc lưỡi mãi mới thôi.

Kể ra chuyến vi hành ấy, may mà mới bị ném đá, nếu có ẩu đả nữa, không biết mệnh vua có được bảo toàn. Cũng sau lần bị nạn vi hành, vua Anh Tông ngày càng trở nên thận trọng, nghiêm cẩn hơn trong vui chơi, trị nước, giúp dân cường, nước thịnh, triều đại thêm thịnh đạt, được Việt sử diễn âm hết lời thi tán:

Khiêm xung hiếu hữu bản sinh tri, 

Cải quá chung hình tuyệt ẩm thì.

Nghiệp kế thủ văn xưng thịnh chúa,

Nội tu lễ nhạc ngoại thương di.

Nghĩa là:

Hiếu hữu khiêm toàn đức bẩm sinh,

Rượu chừa lỗi sửa bỏ phồn hình.

Trọng văn kế nghiệp đời khen thịnh,

Lễ nhạc tôn súng bốn bể thanh. 

Vua hiền gặp trộm giỏi

Thời Lê sơ, vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497) được biết đến là một ông vua cai trị sáng suốt, tạo nên đỉnh cao thịnh trị cho bản thân và triều đại. Nói đến vua, đức trị cũng giỏi, pháp trị cũng hay. Thế nên trong Việt sử yếu mới nhận xét rằng: “Bàn về nền quân chủ ở Việt Nam ta, được xưng tụng về văn trị và võ công cực thịnh không lúc nào bằng triều đại Hồng Đức (Lê Thánh Tông)”.

Vua Lê Thánh Tông, tranh của Vũ Huyên. Nguồn: Internet.

Để yên nghiệp nước, vua không chỉ chăm lo việc giáo hóa, nông tang, mà còn chú trọng tới luật pháp để xã hội đi vào quy củ, Quốc triều hình luật ra đời từ lý do đó. Một trong những trọng tội vua Thánh Tông muốn bài trừ ở mọi góc độ là nạn tham ô, nhũng lạm, nhất là đối với quan lại. Giai thoại dưới đây đề cập tới vấn đề xử tệ nhũng lạm, có liên quan tới chuyến vi hành của vị vua sáng.

Thời vua Thánh Tông trị vì, ở Thăng Long có một tay đạo chích rất giỏi nghề. Nhưng khác với những kẻ chôm chỉa thường thấy khác, hắn hay trộm của nhà giàu chia cho dân nghèo, mà chỉ lấy của những kẻ giàu có bất chính. Do thoắt ẩn, thoắt hiện, ra tay nhanh như chớp nên nhiều người gọi hắn là Quận Gió.

Đúng vào dịp Tết nọ, vua Thánh Tông cải trang vi hành đón giao thừa. Biết tiếng Quận Gió, vua sai người tìm ra nơi Gió đang ở, rồi tự mình giả cách làm học trò trường Giám (Quốc Tử Giám) vào gặp. Chàng giám sinh hờ nói với Quận Gió:

– Tôi ở Thanh Hóa Thừa tuyên, làm học trò trường Giám, năm hết tết đến muốn về quê mà trong tay không còn cắc bạc nào. Dám xin ông giúp cho lộ phí đi đường.

Nghe chàng giám sinh than thở, Quận Gió cảm động. Nói:

– Chẳng giấu gì nhà anh, tôi là Quận Gió, chắc anh đã biết tiếng. Anh nghèo, tôi sẽ giúp. Tiền không có sẵn, nhưng tôi sẽ lấy của mấy tay trọc phú giúp anh. Vậy, bây giờ anh định lấy của nhà ai?

Chàng giám sinh hồ hởi:

– Trộm của phú ông ở cửa Tây thành được không?

– Không được! Ông ấy giàu nhờ cày sâu, cuốc bẫm, lao động vất vả quanh năm suốt tháng – Quận Gió lắc đầu.

– Vậy trộm của chủ cửa hiệu vàng bạc ở phố cửa Đông thành? – Chàng giám sinh lại tiếp.

Quận Gió lại lắc đầu, đáp:

– Ông ấy người ngay thẳng. Có của là nhờ buôn bán, tích cóp. Giờ anh đợi ở đây, tôi đến nhà lão quan coi kho bạc nhà vua ở phố cửa Bắc chôm cho ông vài nén. Lão ấy có lắm vàng ròng, bạc nén trong nhà. Đó là những thứ không phải của hắn.

Nói xong, Quận Gió nhanh như chớp đã mất hút trong đêm đen. Chưa đầy một khắc, Quận Gió đã quay lại với hai nén bạc trên tay, mỉm cười với chàng giám sinh:

– Hai nén bạc này, anh có đủ tiền làm lộ phí và còn để dùng vào việc sôi kinh, nấu sử. Mong rằng sau này anh đỗ đại khoa, nhớ đừng có bòn rút xương máu, công sức của dân mà hãy làm một ông quan liêm.

Chàng giám sinh gật đầu cảm tạ, lại soi hai nén bạc dưới ánh nến, thấy đề bốn chữ: “Quốc khố chi bảo”. Không nghi ngờ gì nữa, đây là bạc trong kho của nhà nước.

Sáng mùng một Tết, chàng giám sinh ấy đã ngự trên ngai vàng, dưới sân điện, các quan tung hô chúc Tết. Khi ấy, vua Thánh Tông mới kể về chuyến vi hành đêm giao thừa, lại cho mọi người chuyền tay nhau hai nén bạc “Quốc khố chi bảo”. Viên quan coi kho mặt cắt không còn giọt máu, bị lột bỏ hết mọi tước vị. Gia sản bị tịch thu, thân bị lưu đày vì tội nhũng lạm quốc khố nhà nước. Còn Quận Gió sau đó được vua cho vời vào cung ban hiệu là “quân tử đạo chích” và ban thưởng rất hậu. Giai thoại vi hành trên của vua phần nhiều mang tính hoang đường, nhưng việc xử nghiêm tệ tham nhũng thì sử sách còn ghi lại nhiều lắm.

Theo kienthuc.net.vn

Viết một bình luận