Nhìn lại thời vàng son của Thanh Sang – Thanh Nga, cặp đôi vàng của huyền thoại sân khấu cải lương một thời

Dù đã trải qua nhiều thập kỷ, thế nhưng cái tên Thanh Sang – Thanh Nga vẫn luôn là cặp đôi nghệ thuật để lại nhiều nỗi nhớ thương trong lòng khán giả mộ điệu sân khấu cải lương xưa.

Trong suốt sự nghiệp sân khấu của mình, cả cố NSƯT Thanh Sang và Thanh Nga đều từng rất đẹp đôi với những bạn diễn khác, nhưng phải đến khi gặp được nhau, cả hai mới cùng bước lên đỉnh cao sự nghiệp và trở thành đôi uyên ương nghệ thuật “đẹp” nhất trong lòng khán giả cho đến tận bây giờ.

Khi sinh thời, cố NSƯT Thanh Sang cũng thừa nhận rằng sự nghiệp của ông rực rỡ và chói sáng nhất chính là khi hát cặp với “người tình sân khấu” Thanh Nga. Thậm chí, từ sau ngày Thanh Nga mất, ông được hát với toàn đào “xịn” như Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Phượng Liên, Thanh Kim Huệ, Mỹ Châu,… nhưng không ai cho ông cảm giác ăn ý hoàn toàn như với cố nghệ sĩ Thanh Nga.

Thanh Sang – Thanh Nga là cặp đôi vàng của huyền thoại sân khấu cải lương một thời

Nói về mối tương giao giữa Thanh Sang – Thanh Nga, cả hai từng diễn cặp với nhau rất nhiều vai diễn, nhưng chỉ cần 2 vở “Bên cầu dệt lụa” và “Tiếng trống Mê Linh” cũng đủ để hiểu lý do vì sao cả hai lại trở thành huyền thoại trong lòng khán giả như vậy.

Với “Bên cầu dệt lụa” (1976), Thanh Sang – Thanh Nga đã chinh phục khán giả bởi câu chuyện tình cổ tích của tiểu thư Quỳnh Nga và chàng trai nghèo Trần Minh. Hình ảnh một Quỳnh Nga với dung mạo đoan trang, đài các cùng phẩm hạnh cao vời được Thanh Nga khắc họa rõ nét qua lối diễn xuất chừng mực, tinh tế và điềm đạm trong từng cử chỉ của mình. Về phía nghệ sĩ Thanh Sang, ông lột tả xuất sắc hình ảnh chàng trai Trần Minh hiền lành, hiếu thảo, trọng tình nghĩa. Qua đó đề cao giá trị của lòng thủy chung và đức nhân nghĩa ở đời.

Nghệ sĩ Thanh Sang vào vai chàng trai nghèo Trần Minh hiếu thảo, trọng nghĩa tình

Bên cạnh “Bên cầu dệt lụa” thì “Tiếng trống Mê Linh” (1977) lại là một tác phẩm ghi dấu ấn cho sự thành công của cặp đôi nghệ sĩ ở thể loại cải lương tuồng cổ. Đặc biệt, trích đoạn Trưng Trắc (Thanh Nga) tiễn chồng mình là Thi Sách (Thanh Sang) hay lời hiệu triệu đầy uy nghiêm và khí chất quật cường của Trưng Trắc đã để lại ấn tượng khó phai trong lòng khán giả mộ điệu. Không chỉ liên tục “cháy vé” ở giai đoạn đương thời, vở diễn “Tiếng trống Mê Linh” vẫn luôn được khán giả yêu thích cho đến tận thời điểm bây giờ. Thậm chí, dù đã được nhiều nghệ sĩ khác diễn lại nhưng hình ảnh cố nghệ sĩ Thanh Nga với khí thế hào hùng khi vào vai người nữ tướng đầu tiên của dân tộc vẫn luôn là tượng đài khó ai vượt qua được.

Cố nghệ sĩ Thanh Sang và Thanh Nga trong vở Tiếng Trống Mê Linh

NSƯT Diệu Hiền từng nhận xét rằng nét nam tính của NSƯT Thanh Sang vốn phù hợp với những vai cương trực, khẳng khái, còn NSƯT Thanh Nga lại đầy đủ tố chất nữ tính, nét ca diễn nhẹ nhàng, dễ chạm vào lòng người những cảm xúc chân thật nhất.

“Ông Tổ quả khéo léo “se duyên” để họ trở thành một đôi bạn diễn ăn ý qua từng ánh mắt, nụ cười, cử chỉ và cả cách ca diễn chân phương, mộc mạc.” – NSƯT Diệu Hiền phân tích.

Bên cạnh đó, nghệ sĩ Bạch Long – người sáng lập đoàn Đồng Ấu Bạch Long một thời đánh giá cao sự hài hòa, bổ sung lẫn nhau của Thanh Sang – Thanh Nga khi đứng chung trên sân khấu: “Đứng chung với Thanh Sang, Thanh Nga được tôn nét nữ tính lẫn tinh hoa diễn xuất, tạo nên nhiều dạng vai kinh điển như tiểu thư Quỳnh Nga, Trưng Trắc, Thái hậu Dương Vân Nga… “Diễn chung với ‘người tình nghệ thuật’, Thanh Sang được chắp cánh, từ đó càng nổi tiếng với các vai kép chính. Họ là gương mẫu về diễn xuất, ca hát lẫn sắc vóc cho các đôi đào, kép sau này”.

Vẻ đẹp luôn chất chứa nỗi sầu man mác của cố nghệ sĩ Thanh Nga lúc sinh thời

Cố NSƯT Thanh Sang cũng từng chia sẻ rằng ông và nghệ sĩ Thanh Nga vốn không cần phải quá vất vả khi tập luyện vì cả hai vốn dĩ đã rất hiểu ý nhau. Đến mức chỉ cần nhìn nhau là cả hai đã biết phải phối hợp làm sao cho nhịp nhàng nhất. Dù cũng có những lúc giận hờn nhau vì bất đồng quan điểm, nhưng chỉ cần bước lên sân khấu, họ đều sẽ dẹp hết cái tôi và diễn vô cùng mùi mẫn như lúc ban đầu.

Thế nhưng, thời vàng son của Thanh Sang – Thanh Nga chưa được bao lâu thì năm 1978, cố nghệ sĩ Thanh Nga bị bắn chết ngay trước cổng nhà riêng cùng người chồng của mình khi vừa đi diễn về. Điều này đã để lại trong lòng nghệ sĩ Thanh Sang nỗi mất mát quá lớn, khiến ông vô cùng hụt hẫng, thậm chí ông còn từng nghi ngờ không biết bản thân có thể đi hát tiếp không khi “người tình sân khấu” của mình đã không còn nữa.

Nghệ sĩ Thanh Nga bên cạnh chồng và con trai mình
Lúc sinh thời, mỗi năm ngày giỗ của cố nghệ sĩ Thanh Nga, nghệ sĩ Thanh Sang đều đến mộ của bà để thăm viếng

Suốt bao năm kể từ sau ngày nghệ sĩ Thanh Nga mất, mỗi lần diễn lại vai Thi Sách, ông đều không giấu được niềm xúc động khi nhớ về người bạn diễn mà mình hết mực yêu thương và trân trọng. Và rồi đêm 21/4/2017, “Thi Sách” Thanh Sang đã lìa xa trần thế, có dịp hội ngộ cùng “Trưng Trắc” Thanh Nga trước sự tiếc thương của biết bao khán giả.

Vào ngày 2/12 sắp tới, nghệ sĩ Hữu Châu – cháu trai của cố nghệ sĩ Thanh Nga sẽ cùng gia đình tổ chức buổi lễ giỗ kỷ niệm 40 năm ngày mất của “nữ hoàng sân khấu cải lương miền Nam”. Đồng thời, đây cũng là cách để gia đình gửi lời tri ân đến những khán giả vẫn luôn yêu mến cái tên Thanh Nga trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Một trích đoạn trong vở cải lương “Bên cầu dệt lụa”:

Viết một bình luận