Nhạc sĩ Lam Phương từng muốn kiểm soát danh ca Chế Linh hát ra sao nhưng không được

“Anh Lam Phương và chị Túy Hồng lên nhà tôi, cầm theo một bài hát” – danh ca Chế Linh nói.

Vừa qua, tại chương trình Chế Linh với dòng hồi ức, danh ca Chế Linh đã ôn lại kỷ niệm những ngày đỉnh cao trong sự nghiệp âm nhạc của ông.

Anh Lam Phương và chị Túy Hồng lên nhà tôi

Tôi là người đầu tiên tạo ra cuộc cách mạng âm nhạc tại Sài Gòn khi tự hát, tự làm đĩa, in ấn và phát hành, không cần thông qua trung tâm băng đĩa lớn. Tôi còn giúp các nhạc sĩ bán được nhạc của họ qua việc thu ca khúc của các nhạc sĩ đó.

Danh ca Chế Linh

Nhạc sĩ Vinh Sử là người đầu tiên tôi giúp. Sau khi tôi thu âm các bài hát của Vinh Sử thì trung tâm băng đĩa mới biết tới và bỏ tiền mua nhạc của ông ấy. Tôi còn cho Vinh Sử một ca khúc của tôi để tự đi in ấn rồi bán.

Sau đó, tôi giúp hàng loạt nhạc sĩ khác như Hàn Châu, Thanh Phương, Việt Khanh…

Các nhạc sĩ lúc này đều tự in ấn nhạc và phải tự thân vận động, làm mọi thứ chứ không như trước đây, chỉ bán nhạc cho trung tâm băng đĩa rồi họ muốn làm gì thì làm.

Từ ngày đó, anh em nhạc sĩ có công ăn việc làm, kiếm thêm thu nhập, cuộc sống khá giả hơn.

Tôi thương anh Lam Phương lắm, hồi đó cứ sáng tác nhạc ra rồi lại bán. Hôm ấy, anh Lam Phương và chị Túy Hồng (vợ cố nhạc sĩ) lên nhà tôi, đem theo một bài hát mới là bài Thành phố buồn và bảo tôi:

Nhạc phẩm Thành phố buồn

“Anh chị tự in bài này như em kêu gọi, anh giao hết ý tứ trong bài hát này cho em”.

Tôi nhìn cảnh đó mà rất thương anh Lam Phương

Tôi nhận ca khúc đó và đem tới hãng đĩa để thu âm. Anh Lam Phương cũng tới phòng thu để kiểm soát xem tôi hát ra sao, cần hát như thế nào. Nhưng anh Lam Phương đến cũng không kiểm soát được tôi vì anh ấy cứ cầm bài hát lên là khóc.

Anh Nguyễn Văn Đông cũng tới, thấy thế mới bảo: “Sao bảo tới đây để kiểm soát quá trình thu âm mà cứ khóc thế này”.

Tôi nhìn cảnh đó mà rất thương anh Lam Phương. Anh ấy hiền và sống trọn cảm xúc trong ca khúc anh ấy tâm huyết viết ra. Vì thế nên tôi cố gắng phải thu thật hay bài Thành phố buồn này.

Sau khi tôi thu xong và phát hành ra thì anh Lam Phương trúng ngay ca khúc đó. Khán giả đổ xô đi mua đĩa, anh Lam Phương phải tái bản liên tục, nhà sản xuất bán không kịp. Bài Thành phố buồn trở thành hiện tượng thời bấy giờ.

Nhạc sĩ Lam Phương

Bài hát này quá ăn khách vào năm 1972, tất cả các đài truyền hình, đài phát thanh đều phát và tôi là người hát nhiều nhất, nổi danh với dòng nhạc tình cảm, trữ tình.

Tôi vui lắm vì đã giúp anh Lam Phương làm được điều đó. Đây cũng là cái giúp tôi nhận được lòng thương mến từ các anh em nhạc sĩ.

Từ đó, tôi được rất nhiều anh em nhạc sĩ viết bài cho. Tôi làm không hết việc.

Viết một bình luận