Nhạc sĩ Hoàng Phương – Ông hoàng nhạc Gò Công và cuộc sống khốn khó lúc cuối đời

Nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Phương, nhiều người yêu thích âm nhạc hầu như đều biết đó chính là tác giả của “Hoa sứ nhà nàng”, nhạc phẩm duy nhất được phép lưu hành sau ngày giải phóng. Ông cũng chính là người tiên phong sáng lập ra dòng nhạc Gò Công đã làm mưa làm gió suốt những năm thập niên 1980. Những ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Phương chủ yếu viết về tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương tha thiết mà bình dị. Những nhạc phẩm của ông dễ hát, dễ nhớ và dễ đi vào lòng người nên rất được yêu thích điển hình như: Hoa Sứ Nhà Nàng, Chuyện Tình Hoa Muống Biển, Thuyền Giấy Chiều Mưa, Chung Một Dòng Sông, Chung Vầng Trăng Đi…

Nhạc sĩ Hoàng Phương

Hoàng Phương tên thật là Nguyễn Kim Hoàng, sinh năm 1943 trong một gia đình “có của ăn của để” tại xóm Cầu Muống, xã Tân Thành, cách thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang) khoảng 17km. Từ nhỏ, Hoàng Phương đã bị một cái mụn mạch lươn ở mắt cá làm rút gân, chân đi khập khiễng nên có lẽ vì thế mà sau này lớn lên ông không bị bắt đi làm nghĩa vụ.

Thuở nhỏ, Hoàng Phương học ở trường tiểu học sơ cấp Tân Thành, sau đó học ở trường Nam Tiểu Gò Công. Gia đình ông vốn muốn hướng ông vào con đường thương nghiệp, thế nhưng với niềm đam mê âm nhạc vốn có ông say mê các nhạc khúc viết về quê hương vùng biển Gò Công thay vì những con chữ trên những trang sách.

Nhạc sĩ Hoàng Phương thời trẻ (bên phải)

Sau khi thi rớt vào bậc đệ thất (lớp 6 bây giờ) trường công lập, Hoàng Phương theo học đệ thất trường Bán công Gò Công. Một năm sau, sau khi học lớp đệ lục ông bắt đầu ghi danh để học nhạc buổi tối với nhạc sĩ Lê Dinh, nhưng đến năm 1956  thì Lê Dinh lên Sài Gòn làm việc tại đài phát thanh nên Hoàng Phương cũng nghỉ học nhạc và chuyển sang học guitar.

Học xong chương trình lớp đệ nhị, Hoàng Phương thi trượt tú tài 1 nên ông thôi học. Từ đây, ngoài tìm tòi học hỏi về nhạc lý, ông còn chọn cho mình cái nghề để sinh sống sau này là học nghề sửa đồng hồ và học nghề thợ bạc.

Con đường đến với âm nhạc của Hoàng Phương cũng khá ngẫu nhiên, theo lời ông Nguyễn Hoàng Tùng (con trai nhạc sĩ Hoàng Phương) chia sẻ thì: “Khi còn sống, cha tôi thường kể cho tôi nghe về những năm tháng đầu tiên ông đến với âm nhạc. Tôi còn nhớ ông kể rằng vào một mùa thu, trên con đường từ trường về nhà sau buổi học thêm, ông đã nghe tiếng đàn violon thoát ra từ cửa sổ trên tầng 2 của ngôi nhà bên cạnh đường. Ai đó đang chơi bài “Con thuyền không bến” của Đặng Thế Phong. Những tiếng đàn, những nốt nhạc đó đã thôi thúc ông tiến đến gần hơn con đường âm nhạc”. 

Năm 1968, Hoàng Phương lên Sài Gòn và tham gia ban nhạc cùng Vinh Sử, Quốc Dũng, Lê Hựu Hà. Với sự miệt mài học hỏi cùng với niềm say mê và khả năng thiên phú sẵn có trong người, Hoàng Phương đã viết nên bản nhạc đầu tay của mình mang tên Hoa sứ nhà nàng (tên ban đầu là Hoa sứ nhà em) do ca sĩ Chế Linh và Thanh Tuyền song ca lần đầu tiên. Ngay lập tức, ca khúc trở nên vô cùng nổi tiếng trong giới yêu nhạc và được các hãng tranh nhau mua bản quyền.

Nhạc sĩ Hoàng Phương

Sau đó, Hoàng Phương còn sáng tác thêm một số ca khúc nữa nhưng dường như không có ca khúc nào nổi tiếng bằng và được biết đến rộng rãi như “Hoa sứ nhà nàng” vào trước năm 1975. Và điều đặc biệt hơn nữa đó là có thể nói “Hoa sứ nhà nàng” là bài nhạc vàng duy nhất không bị cấm sau thời điểm lịch sử 30 tháng 4 năm 1975. Tuy nhiên, dù không bị cấm nhưng ca khúc này lại bị đổi cả tựa đề lẫn lời nhạc, cho đến nay hiếm người nhớ đến tên nguyên thuỷ của bài hát là “Hoa sứ nhà Em” và cũng có ít người hát đúng với lời gốc ban đầu của bài hát.

Sau sự kiện năm 1975, Hoàng Phương hầu như không sáng tác thêm ca khúc nào nữa, ông mở tiệm sửa đồng hồ, tích cóp tiền đến năm 1985 thì mở thêm hai tiệm vàng là “Kim Hoàng” và “Toàn Tân”, lúc này cuộc sống của ông khá giả về mặt tài chính.

Nhạc sĩ Hoàng Phương

Sau đó một năm, Hoàng Phương trở lại với âm nhạc và trở thành một sự kiện đình đám trong dòng nhạc trữ tình ở trong nước với băng nhạc Gò Công cùng tiếng hát của chị em Bảo Yến, Nhã Phương. Lúc bấy giờ, ông sáng tác một loạt ca khúc có giai điệu mượt mà, êm dịu, dễ nghe, nội dung chủ yếu nói về những chuyện buồn của tình yêu nhưng nhẹ nhàng không uỷ mị và về tình yêu quê hương da diết,… Sau đó, Hoàng Phương lên Sài Gòn và nhờ nhạc sĩ Quốc Dũng hoà âm, đưa ca sĩ Bảo Yến hát thử rồi thu vào băng cassette để phát hành, cũng kể từ đó băng nhạc Gò Công ra đời.

Ngày 10 tháng 9 năm 1986, ông cho phát hành Tuyển tập Nhạc Hoàng Phương – Hoa Sứ Nhà Nàng gồm 21 ca khúc do ông sáng tác.

Suốt những năm thập niên 80, nhạc sĩ Hoàng Phương đã làm sôi động đời sống âm nhạc không chỉ miền Nam mà cả miền Bắc với dòng nhạc mang tên quê hương ông. Dòng nhạc Gò Công toả sáng bất ngờ trên bầu trời âm nhạc Việt như một hiện tượng nghệ thuật mới lạ. Người khai phá và duy nhất toả sáng với dòng nhạc này chỉ có thể là Hoàng Phương.

Lúc bấy giờ, ông được giới nghệ sĩ và khán thính giả vinh danh là “Ông hoàng nhạc Gò Công”. Những ca khúc ca ngợi quê hương Gò Công, cũng như những chuyện tình đôi lứa bằng những ca từ trong sáng, mặn mà trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đại đa số người yêu nhạc. Những nhạc phẩm như: “Chuyện tình hoa muống biển”, “Biển tím”, “Chuyến xe Tiền Giang”, “Tình em quán Phượng”, trở nên rất phổ biến, đến độ hầu như ai cũng thuộc nằm lòng. Và cho đến nay, những ca khúc này của ông vẫn chiếm được cảm tình của công chúng yêu nhạc.

Tuy thăng hoa trong âm nhạc là thế nhưng cuộc đời Hoàng Phương cũng trải qua lắm gập ghềnh, gian truân. Có thể nói, cuộc đời ông đã trải qua đủ cả 2 kiếp sống, đó là khi giàu sang, ông có tiệm vàng, tiệm đồng hồ, xe hơi, vài ba căn nhà phố; lúc nghèo khó, ông phải cùng vợ con sống chật vật trong căn nhà chật chội “trống trước hở sau” nằm ngay trước mảnh đất của cha mẹ ông ở Tân Thành nơi quê nhà. Nhưng bất hạnh ở chỗ, cái nghèo khó lại đến sau, nó bám riết ông hàng chục năm cho đến tận cuối đời.

Hình ảnh vợ và con của nhạc sĩ trước căn nhà lúc ông qua đời.

Cuộc đời của nhạc sĩ Hoàng Phương gắn bó với hai người phụ nữ. Người vợ đầu tiên gắn bó với ông tới năm 1989 thì chia tay. Ông đến với người vợ sau ( bà tên Mộng Vân, nhỏ hơn ông 2 con giáp) khi đã có tuổi và đang trong giai đoạn khó khăn về tài chính, bởi thế ông vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía gia đình bà Mộng Vân. Nhưng bất chấp sự ngăn cản của gia đình, bà Mộng Vân vẫn bỏ nhà để theo ông hơn một năm, cho đến lúc sinh được đứa con đầu lòng thì gia đình bà mới chấp nhận.

Theo lời bà Mộng Vân (vợ sau của nhạc sĩ Hoàng Phương) chia sẻ thì hai vợ chồng bà sống trong môt cái chòi nhỏ chỉ có giường ngủ và hai cái ghế, thời đó nhạc của Hoàng Phương không kiếm được nhiều tiền, chỉ đủ để trang trải mấy miệng ăn vì thế cuộc sống vô cùng khó khăn.

Về cuối đời, cuộc sống mỗi ngày càng trở nên cơ cực, Hoàng Phương phải lên Sài Gòn tìm đến các trung tâm băng nhạc để kiếm sống nhưng cũng không vực dậy kinh tế. Cũng thật trớ trêu khi trong chính cảnh sống túng bấn, cùng khổ, cảm xúc của ông lại dạt dào và rồi ông lại sáng tác.

Nhưng đến năm 2002, khi phát hiện mình mang trong mình căn bệnh ung thư gan thời kì cuối ông suy sụp hoàn toàn. Ngày 19 tháng 10 năm 2002, nhạc sĩ Hoàng Phương ra đi mãi mãi. Đám tang của ông được tổ chức đơn sơ trong căn nhà nhỏ của vợ chồng ông trên bãi biển Tân Thành. Khi ra đi rồi ông vẫn còn nặng nợ với nghiệp cầm ca, ông còn để lại cho đời khoảng 10 ca khúc bản thảo viết tay như: “Biển khóc”, “Thuyền giấy chiều mưa”, “Hương bâng khuâng”, “Tình hạ buồn”, “Bươm bướm ngày thơ”, “Em vẫn chờ”, “Kiếp tơ tằm”, “Mộng tàn”, “Mùa nhạn trắng”…

Thoixua biên soạn

Viết một bình luận