Nhà thờ Cha Tam – Nhà thờ 100 tuổi với phong cách lai “Á Âu”

Nhà thờ Cha Tam có tên chính thức là Nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê vì thuộc giáo xứ Phanxicô Xaviê, Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một ngôi nhà thờ cổ của Sài Gòn, hiện tọa ở số 25 đường Học Lạc, phường 14, quận 5, TP.HCM. Đây là một trong những nhà thờ cổ của Sài Gòn với tuổi đời lên đến 100 năm với lối phong cách hòa trộn độc đáo giữa Âu và Á, tạo nên sự đặc biệt của nhà thờ người Hoa. Nơi đây được xem là chỗ dựa tinh thần cho những giáo dân, là công trình tôn giáo đáp ứng nhu cầu tâm linh của những người theo họ đạo.

Nhà thờ Cha Tam (nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê) trên đường Học Lạc, nơi cuối đường Đồng Khánh. Ảnh chụp năm 2007.

Nguồn gốc Nhà thờ Cha Tam 100 tuổi

Lý giải cho việc xây dựng nhà thờ Cha Tam vào thời điểm đó là do, xét thấy ở tình hình hiện tại của khu vực thành phố Chợ Lớn thuộc địa phận của giáo xứ Chợ Quán, những người Việt gốc Hoa theo Công giáo không có nơi để cầu nguyện cùng như sinh hoạt giáo dân, nên đô đốc Lagrandière (cũng đồng thời là Thống đốc Nam Kỳ) đã ra lệnh cho Sở Công trình công cộng dùng tiền công của chính phủ, để xây dựng một ngôi nhà thờ.

Năm 1898, Giám mục Dépierre thấy giáo dân họ đạo Thanh Nhân trong Chợ Lớn ngày càng giảm sút, ban đầu còn khoảng 100 người sau đó lại gia giảm dần chỉ còn khoảng chừng 40 người, nên đã cử linh mục Pierre d’Assou có tên tiếng Hoa là Đàm Á Tố (Tam An Su), được phiên âm sang tiếng Việt đọc là Cha Tam (vì linh mục Assou là đồng hương của Giám mục và cũng là người nói được các thứ tiếng của Hoa kiều) về Thanh Nhân để chấn hưng lại. Trước đó, linh mục Pierre d’Assou vốn được sai về làm phó xứ Nhà thờ chính tòa Sài Gòn, đồng thời làm giáo sư cho Trường Trung học Lasan Taberd (Trường này là sản nghiệp riêng của Hội truyền giáo Công giáo, có công và thanh danh lớn trong việc đào tạo nhân tài trong xứ thời bấy giờ ở Sài Gòn). Ông phục vụ tại khu vực Sài Gòn trong 16 năm.

Cha Tam – Phanxicô Xaviê Tam Assou

Được sự hỗ trợ của chính quyền, ông đứng ra tìm mua một khu đất rộng 3 hecta ở xóm Lò Rèn (theo như cụ Vương Hồng Sển cho biết – chỗ nhà thờ Cha Tam hiện nay, xưa là chợ Lò Rèn, đây là xóm của thợ rèn và thợ kéo chỉ sắt, vì họ là thợ chuyên môn giỏi, nên thời ấy đã gọi họ là quân Mậu tài. Mặt tiền của nhà thờ quay về hướng đối diện đường Thủy Binh (đường Rue des Marins, nay là đường Trần Hưng Đạo, Sài Gòn), gần khúc Lệ Châu hội quán (cũng chính nhà thờ tổ nghề kim hoàn của Sài Gòn ngày xưa), ngay vị trí của trung tâm thành phố Chợ Lớn. Ngày 3 tháng 12 năm 1900, nhân ngày lễ Thánh Phanxicô Xaviê (Saint Francisco Xavier) và Lễ Cung Hiến trọng thể, vị Giám mục địa phận Sài Gòn Mossard – Đức Cha Lucien Mossard (Mão, 1899 – 1920) cử hành buổi lễ làm phép đặt viên đá đầu tiên xây ngôi thánh đường, cũng vì thế mà ngôi thánh đường này cũng mang tên của bị thánh này. Khoảng hai năm sau, vào ngày 10 tháng 1 năm 1902, lễ cung hiến thánh đường cũng được tiến hành một cách trọng thể.

Đức Cha Lucien Mossard

Vị linh mục Pierre d’ Assou – người đứng ra xây dựng nhà thờ và cũng là vị cha sở đầu tiên, dân gian quen gọi ông là Cha Tam nên cũng từ đó mà gọi ngôi nhà thờ đó là Nhà thờ Cha Tam. Sau khi nhà thờ được xây dựng, Cha Tam cho xây dựng thêm ở khu vực gần nhà thờ một trường học, nhà nuôi trẻ, một nhà nội trú và một số nhà dành để cho thuê. Đến năm 1990, tháp chuông phía trên nhà thờ được tu sửa lại và thánh đường cũng được tân trang lại đẹp hơn.

Nhà thờ Cha Tam (nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê) trên đường Học Lạc, nơi cuối đường Đồng Khánh. Ảnh chụp năm 1904.
Nhà thờ Cha Tam (nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê) trên đường Học Lạc, nơi cuối đường Đồng Khánh. Ảnh chụp năm 1938.

======================

Một số thông tin bổ sung thêm:

Ngày 1 tháng 11 năm 1963, cuộc đảo chính quân sự nổ ra, Tổng thống Ngô Đình Diệm và người em ruột là Cố vấn Ngô Đình Nhu của chính thể Việt Nam Cộng hòa đã phải tạm lánh đến ở một nhà người Việt gốc Hoa tên Mã Tuyên ở khu vực Chợ Lớn.

Sáng hôm sau, tức ngày 2 tháng 11 năm 1963, hai ông đã đến ngôi nhà thờ này cầu nguyện trước khi tự nộp mình cho phe đảo chính, nhưng rồi cả hai ông đều bị một sĩ quan trong lực lượng đảo chính (Nguyễn Văn Nhung) hạ sát ngay trên đường áp tải từ nhà thờ Cha Tam về Bộ Tổng tham mưu.

Có người cho rằng đây là một nhà thờ duy nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh có trang trí những hoành phi, liễn đối giống như đền miếu kiểu của người Hoa là không đúng. Nhà thờ Đức Bà Hòa Bình ở số 26, đường Nguyễn Thái Bình, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh do linh mục người Hoa tên Melchior Cheng Hung Jy sáng lập năm 1952 trên cơ sở ngôi từ đường của Hui Bon Hoa (chú Hỏa), cũng có những liễn đối tương tự.

Nhà thờ này là nơi anh em Thủ Tướng Ngô Đình Diệm tạm lánh mặt trước khi bị bắt trong cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963.

Kiến trúc nhà thờ lai “Á Âu” ở Sài Gòn

Nhìn chung, nhà thờ Cha am có lối kiến trúc Gothique, giống như các nhà thờ ở Châu Âu, nhưng yếu tố văn hóa Hoa vẫn được coi trọng.

Đây là một ngôi nhà thờ cổ 100 tuổi, mang trong mình nét kiến trúc riêng biệt, nó là sự giao thoa giữa châu Âu theo lối kiến trúc Gothic và châu Á theo phong cách của người Trung Hoa. Cổng vào thiết kế theo kiểu tam quan, tên trên nhà thờ được ghi bằng chữ Hán, mái lợp ngói âm dương, các đầu đao cong, kiến trúc thường thấy ở cung đình, chùa chiền. Ở hai bên cây thánh giá có hai con cá tượng trưng cho hình ảnh “cá chép hóa rồng”.

Ngay sau cổng vào là gian nhà thờ Đức mẹ Maria, kiến trúc giống tiểu đình của người Hoa. Các cột sơn son thếp vàng có câu đối, trên các đầu đao treo lồng đèn. Mái cổng vào và gian thờ đều được lợp bằng ngói lưu ly, loại ngói phổ biến trong các công trình kiến trúc Á Đông. Lối vào thánh đường với các cửa chóp nhọn, một kiểu thức đặc trưng riêng trong kiến trúc Gothic. Cạnh lối đi vào đặt nhà thờ là mộ phần Cha Tam khi ông qua đời năm 1934 – đặt trong nhà thờ để tưởng nhớ vị cha sở đầu tiên của thánh đường. Trên nóc nhà thờ còn gắn hoa sen, hai bức liễn ở hai bên cửa ra vào cũng viết bằng chữ Hán, bốn cây cột nơi chính điện sơn đỏ, là màu không phổ biến trong nhà thờ Công giáo. Nơi treo hình tượng Chúa Giêsu bị đóng đinh là hai bức liễn sơn son thiếp vàng, chạm chữ màu đen:

“Ảo thế phù vinh bất túc mãn nhân nguyện,

Thiên hương vĩnh phúc phương năng sung thiện tâm.”

Tạm dịch:

“Những vinh hoa phù phiếm hư ảo không thể làm thỏa mãn ham muốn của con người,

Ơn đức lâu dài thơm thảo của Thiên Chúa giúp người suy gẫm về lòng thiện.”

Kiến trúc bên trong thánh đường về tổng thể mang phong cách Gothic quen thuộc ở các nhà thờ được xây dựng dưới thời Pháp thuộc ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi chiêm ngưỡng kỹ hơn, ở bốn cây cột nơi cung thánh lại được sơn một màu đỏ – màu đặc trưng trong kiến trúc tôn giáo Trung Hoa (màu đỏ mang ý nghĩa của sự may mắn và hạnh phúc, với mong muốn nguyện cầu những điều tốt đẹp nhất với những giáo dân).

Các chi tiết trang trí chóp nhọn gồm cửa sổ, ô hộc, cột trụ cân đối, sử dụng nhiều đường cong hình cung nhọn theo cung cách kiểu phương Tây. Tuy nhiên, các họa tiết trên cột, cửa sổ lại được chạm khắc mang hình hoa sen cách điệu của phương Đông. Lớp kính màu ở những ô cửa sổ là hình ảnh quen thuộc trong các nhà thờ. Mỗi lớp kính lại thể hiện câu chuyện trong kinh Thánh. Bên ngoài sân là những bức tranh phù điêu tinh tế, mô tả 107 thánh tử đạo người Việt và 110 thánh tử đạo người Hoa.

Viết một bình luận