Nguồn gốc về cây thông Noel – Biểu tượng của một mùa Giáng sinh an lành

Theo định nghĩa, Giáng sinh là lễ hội hàng năm được tổ chức để kỷ niệm ngày Chúa Giê – su ra đời, thường rơi vào ngày 25 tháng 12 (độ gần cuối năm) và đây được xem như một ngày kỷ niệm của tôn giáo – văn hóa của hàng tỷ người trên toàn thế giới. Theo lịch sử phương Tây, Giáng sinh chính là một ngày lễ trọng yếu của năm phụng vụ Kitô giáo, là dấu chấm cho mùa Vọng và khởi đầu mới cho một màu Giáng sinh an lành, nó có thể kéo dài đến tận mười hai ngày, thậm chí có thể lên đến đỉnh điểm vào Đêm thứ mười hai. Ngày Giáng sinh là một lễ hội lớn được chào đón bởi nhiều quốc gia trên thế giới, ở mọi sắc tộc, tôn giáo cùng với nhiều tầng lớp trong xã hội, phần lớn là được tổ chức theo Kitô hữu và tổ chức như một lễ hội văn hóa của nhiều người ngoài Kitô giáo. 

Không chỉ có những thành thị giàu sang, mà ở xa tích những vùng nông thôn hẻo lánh, dân chúng sẽ tìm đủ mọi cách và trong mọi hình thức để trang hoàng cho ngày lễ long trọng này. Tỷ dụ như tạo ra những đá máng cỏ, việc dựng lên những cây thông Noel lấp lánh, hoặc chỉ đơn giản là thắp lên những ánh đèn đơn sơ trong những căn nhà nhỏ ở vùng quê vắng vẻ,…..khắp nơi đều sẽ chung tay tạo ra không khí chào mừng cho ngày lễ đặc biệt này. 

Theo quan niệm của nhiều người phương Tây, màu xanh lá chính là màu sắc tượng trưng cho sự vĩnh hằng và trường cửu, ngợi ca sự phồn vinh và no ấm. Những loại cây mang trong mình sắc thái xanh lá quanh năm thường có ý nghĩa đặc biệt đối với con người. Và cây thông chính là loại cây đại diện cho dịp lễ Giáng sinh, bởi nó có thể giữ mãi màu xanh của mình, kể cả mùa đông vô cùng giá lạnh. Còn đối với nhiều quốc gia khác, trong quan niệm của họ, màu xanh của cây thông Noel sẽ giúp họ xua đuổi được tà ma cùng bệnh tật và thiết lập một cây trú ẩn cho chim muông trong mùa Giáng Sinh. 

Rõ ràng, cây Giáng sinh hiện đại có nguồn gốc từ nước Đức thời phục hưng từ thế kỷ 16, ấy vậy mà vẫn có một số giả thuyết và truyền thuyết được truyền tụng về nguồn gốc tối hậu của nó. Theo Encyclopaedia Britannica ghi nhận lại rằng: “Việc sử dụng cây xanh mãi, vòng hoa, và những dây trang trí tượng trưng cho sự sống đời đời là một phong tục của người Ai Cập cổ đại, Trung Quốc, và Do Thái cổ”.

Còn theo truyền thuyết kể lại thì vào thế kỷ thứ VIII, thánh Boniface – một thầy tu người Anh, khi đang trên đường hành hương, ông đã vô tình bắt gặp một nhóm kẻ ngoại đạo đang sùng bái quanh một góc cây sồi lớn và dùng một đứa bé làm vật tế thần linh. Vì để cứu lấy đứa bé vô tội kia và ngăn cản buổi lễ tế thần, thánh Boniface đã dùng một quả đấm để hạ gục cây sồi lớn kia. Chính tại nơi cây sồi đổ gục đã mọc lên một cây thông nhỏ xanh mướt, vị thánh đã nói với những kẻ không thờ thiên chúa rằng cây thông nhỏ chính là đại diện cho sự sống và tượng trưng cho cuộc sống vĩnh hằng của Chúa cứu thế. Bên cạnh đó, cũng có một truyền thuyết nói rằng khi thánh Boniface từ Anh sang Đức để truyền bá đức tin Cơ Đốc, ông đã dành tặng cho thành phố này một cây thông mang hàm ý về tình thương và tín ngưỡng mới. Khi người Đức chấp nhận Cơ Đốc giáo, họ cũng chọn cây thông làm cây giáng sinh để tưởng nhớ đến công ơn của vị thánh này – người đã giúp họ dẹp bỏ tà thần, trở về với Thiên Chúa. 

Thêm một truyền thuyết khác lại kể, ngay từ những năm 2000 đến 1200 TCN đã có tục lệ trưng bày cây thông vào dịp lễ Giáng sinh (ngày 24/12), bởi họ cho rằng đấy là ngày Mặt Trời tái sinh, họ muốn nguyện cầu cho một năm mới an lành và gặp nhiều may mắn, họ tin thần Mặt Trời sẽ bảo vệ họ tránh khỏi những tai ương không mong muốn. Trước đây, người Đông Âu thường dùng lịch theo chu kỳ Mặt Trăng (tức là âm lịch), mỗi tháng trong năm sẽ được liên kết với một loại cây. Ngày 24/12 nhằm ngay tiết Đông chí được đặt tên là tùng cách, nên mọi người đã lựa chọn một cây xanh để tượng trưng cho sự sống, trang trí thêm hoa, trái, lúa mì,…để cầu một năm mới bội thu. Và đến năm 354, khi Giáo hội Công giáo định ngày 25/12 là lễ Giáng sinh thì cây Noel trong dòng chảy lịch sử cũng được định là hình ảnh thân quen trong mỗi dịp lễ. 

Ngoài ra, còn có câu chuyện về một người tiều phu nghèo trên đường về nhà thì bất ngờ gặp một đứa bé đi lạc và lả đi vì đói trên đêm Giáng sinh. Dù bản thân cũng không khá khẩm là mấy nhưng người tiêu phu ấy vẫn dành lại cho đứa trẻ kia một chút thức ăn ít ỏi của mình và chấp nhận cưu mang cậu bé qua đêm nay cho nó được yên giấc. Vào buổi sáng hôm sau, khi mở mắt tỉnh dậy, trước mặt anh là một cái cây vô cùng lộng lẫy, hóa ra, cậu bé tối qua chính là do Chúa cải trang thành và thử lòng anh. Chúa đã tạo ra cái cây đó để thưởng cho tấm lòng nhân hậu của người tiều phu nghèo nhưng tốt bụng. 

Nguồn gốc thực sự của cây Giáng sinh có thể là gắn liền với những vở diễn thiên đường. Dưới thời Trung Cổ, những vở kịch răn dạy con người về đạo đức được mang đi lưu diễn khắp châu Âu, thông qua đó người ta có thể truyền bá được những câu chuyện về Kinh thánh. Phần lớn sẽ xoay quanh về nguồn gốc của loài người và sự dại dột của Adam cùng Eva ở khu vườn Eden. Trong vở diễn có sự xuất hiện của cây táo với đầy ắp trái trên cây, nó chẳng qua chỉ là một đạo cụ được các diễn viên treo lên mà thôi, bởi vở diễn thường diễn ra vào mùa đông nên các loại cây chưa thể kết trái được. 

Tương truyền, một lần Martin Luther đi dạo qua một cánh rừng vào dịp Giáng sinh năm 1500, hàng triệu vì sao đã rực sáng, xuyên qua từng khe lá tạo nên một khung cảnh rực rỡ khó nói thành lời. Ông đã ngỡ ngàng trước cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ như thế, trước mắt ông là một loài cây nhỏ, trên cây được phủ đầy tuyết trắng, những vì sao đêm như vật trang trí được đính lên cây, lung linh và đầy huyền ảo dưới bầu trời đêm. Thế nên, ngay khi trở về, ông đã đặt một cây thông nhỏ trong nhà và đem câu chuyện ấy kể lại với lũ trẻ, muốn tái hiện lại hình ảnh kỳ vĩ ấy. Ông đã treo những ngọn nến nhỏ lên cây thông và thắp sáng chúng với lòng tôn kính trong ngày Giáng sinh. Ông giải thích, thứ ánh sáng phát ra từ ngọn nến, từ những nhành cây xanh lá trong mùa đông chính là ánh sáng của Đức Giêsu mang đến cho nhân loại. 

Lễ Giáng sinh được tổ chức ở trường nữ sinh Marie Curie năm 1951

Phong tục trang trí cây Giáng sinh đã trở nên phổ biến ở Đức vào những năm của thế kỷ 16, lúc ấy khi vị Cơ Đốc mang một cây xanh vào trong nhà và trang hoàng nó trở nên lộng lẫy trong dịp lễ Giáng sinh. Và ở những vùng vắng bóng cây, người ta thường tạo ra các vật phẩm hình chóp từ gỗ và trang trí nó bằng những cành cây xanh cùng với nến sáng. Chẳng qua bao lâu thì phong tục trang trí cây Giáng sinh đã trở nên phổ biến ở các nước châu Âu. 

Lần đầu tiên người Hoa Kỳ biến đến cây Giáng sinh là vào năm 1830. Ở thời điểm mà hầu hết mọi người đều cho rằng việc trang trí cây xanh trong nhà dịp Noel là một điều kỳ cục thì những người Đức nhập cư lại mang cây Giáng sinh vào nhà các buổi biểu diễn để tăng tiền quyên góp cho nhà thờ. Năm 1851, có một vị mục sư người Đức đặt cây Giáng sinh trước nhà thờ đã làm cho nhiều người dân xứ đạo ở đó cảm thấy bị xúc phạm và buộc ông phải hạ nó xuống, họ cảm thấy đó là một phong tục ngoại đạo. Tuy nhiên, đến những năm 1890, nhiều mặt hàng trang trí bắt đầu được nhập từ Đức và cũng từ đó, phong tục về cây Giáng sinh cũng trở nên phổ biến hơn ở Hoa kỳ và Canada. 

Ở Việt Nam không có ngày nghỉ Noel chính thức, dù vậy Giáng sinh vẫn được coi là một ngày lễ chung, được tổ chức vào tối ngày 24/12 kéo dài đến hết ngày 25/12. Trong những ngày này, cây thông Noel được trang trí ở nhiều nơi, hầu hết đều là cây nhân tạo được làm bằng nhựa hoặc thật thì chỉ là dạng thông ba lá và thông đuôi ngựa. Trên cây thông, người ta sẽ trang trí lên nhiều loại như cặp chuông, dây ruy băng, chiếc ủng đỏ nhỏ, những gói quà tượng trưng hoặc các đèn tròn trang trí như ở phương Tây. Trong những năm gần đây, việc nhập khẩu thông thật từ nước ngoài về đột nhiên trở nên phổ biến, mặc dù việc nhập khẩu vô cùng khó khăn và giá cả thì chẳng hề rẻ chút nào! Nhiều người cho rằng, việc trang trí cây thông giả trông rất vô hồn và thiếu tính thẩm mỹ, trong khi thông thật có tán dày, màu sắc sậm hơn, đẹp mắt hơn và đặc biệt là có mùi thơm thoang thoảng vô cùng dễ chịu, tạo nên không khí Giáng sinh vô cùng đặc trưng. Lễ Giáng ở Việt Nam cũng là một dịp để sinh hoạt văn hóa cộng đồng, cũng giống như Nhật Bản, không chỉ những người họ đạo mới yêu thích mà là dành cho tất cả mọi người: những đôi tình nhân âu yếm trao quà, trẻ em háo hức chợ ông già Noel xuất hiện, gia đình bạn bè thì cùng nhau mở tiệc,…Những người Công giáo thì chuẩn bị tham dự thánh lễ tại giáo đường.

Viết một bình luận