Người lưu dân miền Trung đã “mở đường” cho khu đô thị trù phú bậc nhất nước – Sài Gòn

Thú dữ rình mồi, đối đầu chống trả, khẩn hoang rừng rậm mở đường,….những lưu dân từ Quảng Ngãi, Quảng Nam đã biến vùng đất Sài Gòn – Gia Định ngày xưa từ hoang sơ trở nên trù phú và là đô thành bậc nhất đất nước sau 300 năm.

Đầu thế kỷ XVII, vùng đất Nam Bộ nay đã được một nhà truyền giáo phương Tây tên là Alexandre de Rhodes miêu tả là: “quạnh hiu, hoang mạc, không có vật gì thuộc về sự sống”. Còn có quyển sách “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn thì ghi nhận rằng: “từ các cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, cửa Tiểu, cửa Đại trở lên toàn là rừng rậm hàng nghìn dặm”.

Khu vực Bến Nghé – nơi những cư dân miền Trung đầu tiên vào lập làng ấp

Người người truyền tai nhau, vùng đất bị bị hoang hóa thật ra là do sự tan rã của cơ cấu dân cư. Thuộc nhóm những người bản địa như Mạ, Stiêng, Khmer,….sống rải rác và thưa thớt ở một số vùng, trong đó có vùng đất Sài Gòn ngày nay và những người dân này hoàn toàn tự do mà không bị ràng buộc bởi bất kỳ chính quyền nào.

Theo quyển “Gia Định thành thông chí” của tác giả Trịnh Hoài Đức, những lưu dân miền Trung đã bắt đầu đặt chân và tiến hành khai phá vùng đất Bến Nghé từ hơn 300 năm về trước. Những gò đất cao như Chợ Quán, gò Cây Mai, khu vực chợ Bà Chiểu hoặc Gò Vấp,….trải dài đến vùng Hóc Môn, đều là nơi mà người Việt đến khai hoang và lập làng ấp đầu tiên.Nhưng hầu như những điểm định cư này chỉ rải rác, chủ yếu là họ sống dọc theo những con sông, con rạch,…những nơi có địa thế giao thông thuyền bè thuận lợi. Và hiển nhiên, những vùng đất trống, rừng rậm còn rất nhiều nhưng phần lớn người sống ở đây đều là dân nghèo phiêu bạt, không có tiền bạc, cũng chẳng có phương tiện sản xuất.

Về phần những lưu dân miền Trung, họ chấp nhận bỏ quê để vào Nam lập nghiệp là do khí hậu ở miền Trung quá khắc nghiệt, lại cộng thêm cảnh chiến tranh liên miên, họ chẳng thể làm ăn hay trồng trọt được gì nhiều mà thuế quan lại bị đánh rất cao và được chia thành hàng chục khoản. Không những thế, họ còn chịu đựng rất nhiều sự chèn ép cùng bóc lột của cường hào, địa chủ địa phương, căn bản là chẳng thể nào sống yên ở vùng đất miền Trung đầy “sóng gió” đó, nên họ quyết định di tản vào Nam để tìm cơ hội sống mới.

Trong quyển biên khảo của nhà văn Sơn Nam có ghi nhận lại thế này: “Di dân khẩn hoang gặp nhiều khó khăn ở vùng đất mới với bùn lầy nước đọng, muỗi mòng rắn rết… nhưng không sờn lòng vì dù sao thú dữ trước mặt cũng không ác bằng quan lại, vua chúa nơi quê nhà”.

Ban đầu, việc nộp thuế quan ở vùng đất Sài Gòn – Gia Định khá thoải mái, bởi đây là mảnh đất mới khai hoang thêm việc chính quyền chưa được tổ chức một cách chặt chẽ. Những lưu dân khi tiến hành khai phá, được bao nhiêu ruộng đất thì cứ khai báo mới cấp trên một tiếng là được, những quan lại ở trên cũng chẳng buồn để ý nên chẳng mấy ai xuống kiểm tra hay xác thực một con số thực tế cụ thể.

Nhưng mấy ai biết được, vùng đất Sài Gòn xưa lại là vùng đất tốt đẹp như thế, đã vậy địa hình còn ven biển với hệ thống sông ngòi, kênh rạch vô số nên lưu dân có thể dễ dàng đi ghe bầu từ miền Trung, theo cửa sông mà vào khu đất tốt này để lập nghiệp. Ngoài huê lợi ruộng nương, những lưu dân này còn huê lợi tôm cá, đây vốn là sở trường của người dân Việt nên càng thuận lợi hơn cho việc phát triển. Và cũng nhờ chính con đường biển này thông ra Cần Giờ mà việc liên lạc về quê được thuận lợi hơn nhiều.

Đến tận sau này, khi chúa Nguyễn muốn nâng cao thực lực của Đàng Trong, mượn sức đánh chiếm Đàng Ngoài nên bắt đầu chiêu mộ những người có của cải của xứ Quảng Nam, các phủ Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Bố Chánh… để đưa đi khẩn hoang ở vùng đất Sài Gòn – Gia Định. Điều kiện đương nhiên là những người di dân này sẽ được tự tiện chiếm đất, thoải mái mở vườn trồng rau, xây dựng nhà cửa.

Từ cuối thế kỷ XVII mới bắt đầu ghi nhận lại danh sách người miền Trung di dân ồ ạt vào Nam. Những điền chủ giàu có thì tổ chức công cụ, đưa dân lưu tán hết, bỏ quê, bỏ làng xã, tha hương làm ăn. Nhưng buồn thay, đất đai được khai phá lại thuộc về người bỏ tiền, còn những lưu dân này thì chỉ được nhận lương lẻ tẻ nhưng phải trực tiếp cầm dao phá rừng, cày bừa đất ruộng.

Khu vực Chợ Lớn – Sài Gòn năm 1866

Đến tận năm 1968, Nguyễn Hữu Cảnh giữ vai trò Kinh lược vào nam để tiến hành sắp xếp lại bộ máy hành chính. Ông mới cho lập ra phủ Gia Định bao gồm 2 huyện: Phước Long và Tân Bình. Ở thời điểm này, Gia Định cũng khá rộng lớn khi bao gồm cả khu vực Nam bộ cùng với trung tâm hành chính – quân sự Bến Nghé – Sài Gòn.Cũng chính thời điểm này mà Sài Gòn – Gia Định như thay da đổi thịt, từ một vùng đất hoang vu với đầy cỏ cây rừng rậm trở thành những đồng ruộng tươi tốt với nhiều làng xóm đông đúc. Hoạt động giao thương giữa các vùng, hay quốc tế cũng dần được mở rộng nhờ hệ thống sông ngòi chằng chịt.

Nếu tra lại gốc gác của những nhân vật nổi tiếng Sài Gòn và vùng đất Nam Kỳ xưa thì hầu hết tổ tiên đều là người từ miền Trung di cư vào lập nghiệp. Điển hình một nhân vật là ông Lê Văn Duyệt – giữ chức Tổng trấn quyền uy nhất Sài Gòn thuở bấy giờ, có ông nội là người Quảng Ngãi, cũng thuộc trong lớp người đầu tiên vào Nam khai khẩn đất hoang. Hay bà Từ Dũ Thái hậu cùng với dòng dõi danh giá bậc nhất miền Nam cũng có ông cố nội là người Quảng Ngãi vào Nam khai phá đất, lập nghiệp. Hoặc dòng họ của vị hổ tướng Sài Gòn – Nguyễn Huỳnh Đức cũng đã đến miền Nam từ rất sớm.

Nơi đây, không chỉ có những lưu dân miền Trung sinh sống, mà còn một số người Minh Hương mang tâm thế “không khuất phục nhà Thanh” mà xin chúa Nguyễn để được lưu trú lại Sài Gòn – Gia Định cũng góp phần không nhỏ vào sự phát triển vùng đất này. Nhưng, theo một số nhà sử học, nếu xem xét kỹ lại thì người Hoa chỉ tập trung nhiều vào vấn đề giao thương chứ không chú trọng hay cũng như không góp nhiều sức vào cuộc khẩn hoang. Trong thâm tâm của họ chỉ có mong mỏi duy nhất là sẽ có một ngày trở về và giành lại đất nước từ tay nhà Thanh.

Sau hơn 300 năm lịch sử thì vùng đất Sài Gòn hay còn tên gọi khác là Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành một khu đô thị lớn với đông đúc dân cư sinh sống. Phát triển và đông dân là thế nên cũng đồng nghĩa nhiều tình trạng xấu xảy ra, điển hình là kẹt xe, hạ tầng quá tải luôn là chủ đề nóng được quan tâm và khắc phục. Dù vậy, Sài Gòn vẫn là khu đô thị non trẻ từng một thời mang trên mình danh xưng mỹ miều “Hòn ngọc Viễn Đông”.

Viết một bình luận