Người Em Xóm Đạo – Nhạc khúc về tình yêu đôi lứa trong thời binh đao

“Anh đi đường ấy xa xa,
Để em ôm bóng trăng tà năm canh.”

Câu ca dao như nói lên tiếng lòng của cô gái đang từng ngày, từng giờ mong chờ người yêu trở về. Ước mơ tưởng chừng như nhỏ bé, đơn giản đó lại khó có thể thực hiện được trong thời chinh chiến. Đồng cảm cho số phận những người yêu nhau lại phải chia cắt nhau, nhạc sĩ Bằng Giang đã sáng tác ca khúc “Người em xóm đạo”. Đây là một ca khúc về tình yêu đôi lứa, cô gái tiễn chàng trai đi lính, nhưng ngày anh trở về thì hay tin giặc đã cướp đi người con gái anh yêu.

Nhạc sĩ Bằng Giang tên thật là Trần Văn Khôi là một nhạc sĩ Việt Nam.  Ông sinh năm 1939 tại vùng đất Biên Hòa. Niềm đam mê âm nhạc đã có nơi ông ngay từ những ngày còn thơ bé. Hai sáng tác đầu tiên của ông cùng tác giả Chế Linh là Đêm buồn tỉnh lẻ, Bài ca kỷ niệm. Ngoài ra, Bằng Giang còn tự sáng tác riêng các bài như: Thành phố mưa bay, Người em xóm đạo, Người về đơn vị mới,…Nhưng từ sau năm 1975, ông định cư tại tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ.

Nhạc sĩ Bằng Giang

Nhạc khúc “Người em xóm đạo” được ông sáng tác vào năm 1970, kể về chuyện tình yêu đôi lứa trong thời binh đao, loạn lạc. Mở đầu bài hát là những kỷ niệm ngày hai đứa mới yêu.

Ngày xưa tôi có người yêu rất đẹp ở xóm đạo
Những buổi tan trường thường hay tìm nhau
Xây mơ ước ngày sau.

Cũng như những cặp đôi yêu nhau khác, trong mắt người lính, người yêu anh rất đẹp. Hai người sẽ cùng gặp nhau sau những buổi tan trường, và ước mơ về một ngày sau, một mái ấm hạnh phúc.

Nhặt cành hoa trắng
Thiết tha tôi cài lên trên áo lụa xinh mầu tím
Say sưa trao nhau kỷ niệm phút giây ban đầu
Tình ta sẽ dài lâu như hoa trắng không phai màu.

https://www.youtube.com/watch?v=BFAIUMU9jgQ

Bấm vào hình để nghe ca khúc do Trường Vũ trình bày.

Chàng trai mượn màu hoa trắng để thề ước chuyện tình đôi lứa, bởi lẽ anh tin rằng, màu trắng sẽ không nhạt phai theo thời gian, cũng như tình yêu của anh và cô. Hình ảnh anh cài hoa trắng lên màu áo lụa tím là một hình ảnh đầy lãng mạn. Bằng giang như sử dụng ca từ để vẽ nên bức tranh hạnh phúc với nhiều sắc màu, màu trắng của hoa, màu của sự tinh khôi, thủy chung trên cái nền tím của lụa, màu tím của sự lãng mạn, nên thơ. Tất cả như hòa hợp để tạo nên một khung cảnh hạnh phúc, nơi mà anh và cô “trao nhau kỷ niệm giây phút ban đầu”. Nhưng cuộc đời vô thường, hạnh phúc sao quá đỗi ngắn ngủi khi anh nhận tin mình phải đi chinh chiến, phải rời xa quê hương, xa người con gái anh yêu.

Một hôm tôi đến tìm em để từ giã lên đường
Gửi lại phố phường chuyện đôi mình thương
Mai xa cách ngàn phương.

Anh lên đường ԍιếт ԍιặc, xin gửi lại cho em tất cả kỷ niệm, xin phố phường hãy lưu giữ lại những khoảng khắc ta từng có nhau. Hết hôm nay chúng ta sẽ phải xa cách nhau, xa cách ngàn phương. Vì đất nước cần anh, vì nhân dân cần anh, nên anh phải lên đường chinh chiến.

Cuộc đời sương gió chiến chinh nơi miền xa
Qua những vùng xa lạ quá
Quê hương bao la những chiều đóng quân ven rừng
Gặp hoa trắng ngày xưa thương em nói sao cho vừa.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Tuấn Vũ trình bày.

Hành quân trên những con đường xa lạ, vất vả sương gió, anh vẫn không thấy mệt. Nhưng khi chiều về, khi mà cảnh vật buông xuống trong màn đêm, anh đóng quân ven đường và gặp hoa trắng ngày xưa, anh lại nhớ em, nhớ em khôn xiết. Không một từ nào mà anh có thể dùng để nói hết nỗi nhớ em “Thương em nói sao cho vừa”.

Nhưng có ai đâu ngờ một chiều mưa lộng gió
Người em đã ra đi
Không nói lời biệt ly trường xưa giờ vắng bóng
Xóm đạo hết chờ mong.

Anh luôn mong chờ ngày đất nước sạch bóng quân thù, anh sẽ về với em. Nhưng ngày đó chưa đến thì anh đã hay tin em không còn. Em ra đi vào một chiều mưa lộng gió, phải chăng ông trời cũng mưa khóc cho em, một người con gái bé nhỏ phải ra đi khi tuổi đời còn trẻ. Hay chính ông trời đang mưa khóc thay anh? Em không một lời biệt ly mà ra đi, anh biết phải làm sao?

Những đêm dài hành quân, anh luôn nhớ về xóm đạo, nhớ về em, nhớ về chuyện đôi mình. Nhưng giờ đây còn lại gì khi em đã mất, ngôi trường xưa cũng vắng bóng em, xóm đạo nay cũng không có em.

Ôi xót thương vô bờ
Giặc về gieo sầu nhớ
Mang theo xác em thơ
Bao ước hẹn ngày xưa
Chuyện vui buồn hai đứa
Giờ còn riêng mình tôi.
Về đây hoa lá cỏ cây cũng buồn theo tháng ngày
Trở lại xóm đạo còn đâu người yêu
Ôi hoang vắng đìu hiu.

Em ra đi còn mình anh ôm bao kỷ niệm. Bao ước hẹn ngày anh trở về chúng mình sẽ thành đâu, bao mộng ước tương lai còn chưa thực hiện giờ cũng hóa xót thương vô bờ. Quay về nơi mà anh luôn khát khao để trở lại, vì nơi đó có em. Nhưng giờ đây còn gì khi người yêu không còn! Không có em, tất cả với anh chỉ là vô nghĩa, chỉ là cảnh hoang vắng đìu hiu. Vì em là cuộc sống, là hạnh phúc của anh, nhưng nay hạnh phúc đó đã bị lũ giặc kia cướp mất, cướp mất người con gái anh yêu.

Nhặt cành hoa trắng
Xót xa tôi cài lên trên nấm mộ xanh cỏ lá
Em ơi em ơi
Nhớ hoài nhớ nhau muôn đời
Vì chinh chiến ngược xuôi nên em cách xa tôi rồi

Ngày ấy anh nhặt cành hoa trắng cài lên áo em thề câu ước nguyện, nay anh lại nhặt cành hoa trắng cài lên nấm mộ xanh cỏ lá. Hình ảnh hoa trắng trong kỷ niệm càng tinh khôi, đẹp đẽ bấy nhiêu thì giờ đây khi nhắc lại hình ảnh hoa trắng  như cắt đứt con tim người lính. Ngày ấy, màu hoa trắng là màu tinh khôi, là sắc màu không phai nhòa theo thời gian, còn giờ đây, cũng màu trắng ấy, nhưng là màu trắng của sự tang thương, mất mát.Ngày ấy, anh cài lên lụa tím áo em, giờ đây anh phải cài lên nấm mộ xanh cỏ lá. Có thể nói, màu hoa trắng như mắc xích của câu chuyện tình này: Hoa trắng anh và em ước hẹn “Tình ta sẽ dài lâu như hoa trắng không phai màu “– ngày chia ly, “Gặp hoa trắng ngày xưa thương em nói sao cho vừa”- Hoa trắng anh cài lên mộ tiễn đưa em “Nhặt cành hoa trắng. Xót xa tôi cài lên trên nấm mộ xanh cỏ lá”. Bằng một cách tài tình trong việc sử dụng ca từ, Bằng Giang đã khắc họa lên một nỗi đau tột cùng khi mất đi người yêu của người lính. Và khép lại ca khúc này là một lời hẹn ước nhớ nhau muôn đời “Nhớ hoài nhớ nhau muôn đời”.

Nhạc khúc “Người em xóm đạo” nói về tình yêu đôi lứa trong thời chinh chiến, nhưng ẩn sau đó là một lời cáo buộc cho tội ác mà chiến tranh gây ra. “Vì chinh chiến ngược xuôi nên em cách xa tôi rồi”. Liệu chiến tranh còn cướp đi bao nhiêu người yêu thương nhau, đã phá vỡ bao nhiêu hạnh phúc đôi lứa. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng tội ác cũng như những nỗi đau mất đi người yêu vẫn sống mãi trong lòng thính giả khi nghe nhạc khúc “Người xem xóm đạo” của nhạc sĩ Bằng Giang.

Trích lời bài hát Người Em Xóm Đạo:

Ngày xưa tôi có người yêu rất đẹp ở xóm Đạo.
Những buổi tan trường thường hay tìm nhau,
xây mơ ước ngày sau.

Nhặt cành hoa trắng
Thiết tha tôi cài lên trên áo lụa xinh màu tím.
Say sưa trao nhau kỷ niệm phút ban đầu
Tình ta sẽ dài lâu như hoa trắng không phai màu.

Một hôm tôi đến tìm em để từ giã lên đường.
Gửi lại phố phường chuyện đôi mình thương mai xa cách ngàn phương.

Cuộc đời sương gió chiến chinh nơi miền xa qua những vùng xa lạ quá.
Quê hương bao la những chiều đóng quân ven rừng
Gặp hoa trắng ngày xưa thương em nói sao cho vừa.

Nhưng có ai đâu ngờ một chiều mưa lộng gió người em đã ra đi.
Không nói lời biệt ly trường xưa giờ vắng bóng xóm Đạo hết chờ mong.
Ôi xót thương vô bờ giặc về gieo sầu nhớ mang theo xác em thơ
Bao ước hẹn ngày xưa
Chuyện vui buồn hai đứa giờ còn riêng mình tôi!

Về đây hoa lá cỏ cây cũng buồn theo tháng ngày
Trở lại xóm Đạo còn đâu người yêu, ôi hoang vắng đìu hiu.

Nhặt cành hoa trắng
Xót xa tôi cài lên trên nấm mộ xanh cỏ lá
Em ơi! Em ơi! Nhớ hoài nhớ nhau muôn đời
Vì chinh chiến ngược xuôi nên em cách xa tôi rồi!

Viết một bình luận