Ngôi chùa 300 năm linh thiêng có tiếng tại Sài Thành

Khu vực Chợ Lớn quận 5 hiện nay là một trong những khu vực có số lượng người Hoa kiều sinh sống đông nhất Việt Nam. Từ những năm của thế kỷ XVII, khu vực Chợ Lớn đã trở nên sầm uất hơn khi có người Hoa từ Cù lao Phố (Biên Hòa ngày nay) di dân tránh nạn khi bị quân Tây Sơn đuổi đánh cộng với làng người Minh Hương trước đó. Họ mang theo nét văn hóa, nghệ thuật Trung Hoa đã hình thành nên một vùng đất đặc trưng ở Khu đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn xưa. Trong đó, văn hóa tín ngưỡng đặc biệt là nghệ thuật đền chùa của người Hoa là điểm nhấn nổi bật, góp phần làm nên nét phong phú trong nghệ thuật kiến trúc của miền Nam. 

Chùa Ông Bổn của người Phước Kiến giai đoạn 1900 – 1910

Miếu Nhị Phủ còn có tên là Hội quán Nhị Phủ hay chùa Ông Bổn ở quận 5 từ lâu đã rất nổi tiếng là ngôi chùa người Hoa cầu duyên có tiếng. Là ngôi miếu được xây dựng trên nền đất Đề Ngạn ngày xưa vào khoảng đầu thế kỷ XVIII. Hiện ngôi miếu tọa lạc tại số 264 đường Hải Thượng Lãn Ông, Phường 14, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.

Vào cuối những năm thế kỷ XVII, nhiều người Phúc Kiến đã quyết định di dân vào Đàng Trong để tìm kế sinh nhai, họ lựa chọn định cư tại vùng đất Đề Ngạn (Chợ Lớn ngày nay) để mưu sinh lập nghiệp. Sau đó, vì để có một nơi thờ cúng và giữ gìn văn hóa, cùng như gặp gỡ giao lưu giữa những người đồng hương ở hai phủ Tuyền Châu và Chương Châu (thuộc tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc) nên họ đã chung sức góp tiền bỏ công để lập nên một ngôi miếu thờ vào khoảng năm 1730 (cách đây cũng khoảng 290 năm). Trước đó, ngôi miếu có tên là Hội quán Nhị Phủ do đồng hương hai phủ lập nên, sau này người ta quen với cách gọi miếu Nhị Phủ. 

Về sau, hai phủ này quyết định tách ra để lập thêm hội quán mới – Nhóm Tuyền Châu lập Hội quán Ông Lăng năm 1740 (hay còn gọi là chùa Ông Lăng ở số 12 đường Lão Tử) và nhóm Chương Châu cũng xây dựng nên Hội quán Hà Chương năm 1809 (hay còn được biết đến là chùa Ông Hược ở số 802 đường Nguyễn Trãi), cả hai đều ở khu vực cách miếu Nhị Phủ không xa. 

Từ khi thành lập cho đến nay, miếu Nhị Phủ đã trải qua 3 lần trùng tu lớn, lần lượt vào các năm: 1875, 1901 và 1990. Dù thế thì ngôi miếu thờ vẫn giữ được những nét đẹp cổ kính trong phong cách kiến trúc lẫn cách bày trí truyền thống trong từng ngóc ngách của người Phúc Kiến xưa. Trong một bài phú dài có tên là “Cổ Gia Định phong cảnh vịnh”, chùa Ông Bổn hay còn được gọi là miếu Nhị Phủ được nhắc đến như sau: 

“Coi chùa ông Bổn Đầu Cân 

Dám quên chữ ngọn rau tấc đất.”

Sở dĩ có cái tên “chùa Ông Bổn” thì phải kể đến vị thần được thờ cúng chủ yếu trong ngôi miếu cổ. Trong hầu hết những chùa, đền, miếu hay hội quán của người Hoa ở Chợ Lớn thì người dân chủ yếu sẽ thờ phượng Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Đế hoặc Quan Âm, nhưng ở miếu Nhị Phủ người ta lại thờ phượng Bổn Đầu Công – Một vị thần mang nhiệm vụ bảo vệ đất đai và con người – Đây cũng là ngôi miếu duy nhất ở Chợ Lớn thờ Bổn Đầu Công, nên người ta mới gọi là chùa Ông Bổn. 

“Phúc đức chính thần” tức ông Bổn, chiếm vị trí trung tâm của gian chính điện. Tượng ông Bổn bằng gỗ cao khoảng 1.5m, thể hiện một ông già quắc thước, khoan hòa với chòm râu bạc trắng buông dài, dáng ngồi thoải mái, một tay gác lên tay ngai, một tay vuốt chòm râu… Ngoài Ông Bổn được thờ chính (ngày lễ tế: 15 tháng 8 âm lịch), miếu Nhị Phủ còn thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, Quảng Trạch Tôn Vương, Quảng Đại Tôn Vương, Thái Tuế, Quan Công, Quan Thế Âm bồ tát, Chúa Sanh nương nương, Hoa Phấn phu nhân,….cùng rất nhiều vị thần khác.

Miếu Nhị Phủ được xây dựng trên một khu đất khá rộng, có diện tích khoảng 2.5ha, nhưng phần sân của ngôi miếu lại chiếm gần phân nửa và phần còn lại dành cho điện thờ cùng với phòng làm việc của Hội quán. Được xây dựng theo lối kiến trúc đặc trưng của người Hoa, miếu Nhị Phủ được xây tổng thể theo hình chữ “Khẩu” gồm bốn dãy nhà dài, vuông góc nhau, khoảng trống chính giữa tạo nên sân thiên tĩnh hay còn được gọi là giếng trời. Nét đặc trưng trong kiến trúc người Hoa là mái nhà cong hình thuyền được trang trí bởi những phù điêu rồng, cá chép bằng những mảnh sành sứ ghép lại vô cùng đặc sắc và công phu. Ở phần mái chính giữa, phía trên mỗi đầu đao lại có hình con rồng đuôi dựng đứng, xòe ra, hai con rồng ở giữa làm thành thế “lưỡng long tranh châu” và dưới mỗi bên sẽ có hai chữ Hán, ghép lại sẽ thành câu “phong điều vũ thuận”. Tất cả mái đều lợp ngói ống, diềm mái là hàng ngói men xanh. Dọc theo đường bờ nóc và tàu đao là phù điêu rồng, phượng, mai, lan, cúc, trúc… được ghép bằng mảnh gốm nhiều màu sắc.

Phần trước cửa miếu còn có hai quả thạch cầu (hay còn được gọi là bảo cổ thạch) khá to. Hoa văn hoa lá ở phần đế của quả thạch cầu chiếm vị trí chủ đạo, làm nổi bật nên toàn bộ thiết kế. Phần giữa lại được chèn thêm chút hoa văn bát bửu như kiếm, quạt,…còn bên trái thì có hình con nai cùng một số họa tiết trang trí khác, bên phải là một con dơi. Mặt tiền của miếu làm giống kiểu nhà Trung Hoa khi có cửa lớn và hai ô cửa tròn nhỏ trong như hai con mắt hổ đang nhìn ra phía bên ngoài. Trên những bức tường đặt trong miếu đều được chạm trổ hình ảnh về phong tục tập quán hoặc những nét văn hóa đặc trưng của người Hoa. 

Miếu Nhị Phủ là một trong những ngôi chùa miếu có lịch sử lâu đời nhất của người Hoa ở Sài Gòn. Nó không chỉ mang giá trị về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc hay hiện vật cổ còn tồn tại để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, mà hơn hết đây còn là nơi quy tụ cùng tương trợ lẫn nhau giữa những người Phúc Kiến. Cũng vì những giá trị vật chất lẫn tinh thần như thế mà vào năm 1998, Bộ Văn hóa Thông tin đã công nhận miếu Nhị Phủ là một di tích Văn hóa – Lịch sử thuộc cấp quốc gia.

Viết một bình luận