Nghiền ngẫm về những điều đã xa của Sài Gòn cũ

Nếu được hỏi, bạn nhớ gì nhất ở Sài Gòn, thì câu trả lời sẽ là gì? Với tôi, mỗi khi có người hỏi nhớ gì ở Sài Gòn, tôi sẽ bảo rằng nhớ những cơn mưa chóng vánh của Sài Thành. Mưa chợt đến rồi chợt đi, không dai dẳng, nhưng cũng chẳng có bất kỳ dấu hiệu nào báo trước. Những trong mắt nhiều người thì họ vẫn thích cái nắng ấm áp của Sài Gòn hơn, điển hình là nhà thơ Nguyên Sa – Ông thể hiện tình yêu nồng nhiệt của mình với cái nắng của Sài Thành như này: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát…”. Những riêng bản thân tôi, dân Sài Gòn chính là “con nai vàng” ngơ ngác, còn Sài Gòn là nàng tiểu thư đỏng đảnh “lúc nắng lúc mưa”, tâm tính thay đổi thất thường, khiến chẳng ai lường trước được – Nhưng cũng rất dễ thương và dễ mến. 

Em còn nhớ hay em đã quên

Nhớ Sài Gòn mỗi chiều gặp gỡ

Nhớ món ăn quen nhớ ly chè thơm

Nhớ bạn bè chào nhau quen tiếng

Phố em qua gạch ngói quen tên…”

(Bài hát “Em còn nhớ hay em đã quên” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn)

Sài Gòn xưa là một thành phố mang đầy sự khập khiễng; một bên thì lộng lẫy với những tòa biệt thự “kín cổng cao tường” – bên trong là những cậu ấm cô chiêu, học trường Tây, du học nước ngoài; một bên là những khu ổ chuột nghèo, những mái nhà san sát nhau chênh vênh trên dòng kinh nước đen đầy hung hiểm – có những thằng bé cô nhóc nước da đen nhẻm, mình thì trần trụi, suốt ngày phơi nắng phơi sương ngoài mưa ngoài gió để nhặt nhạnh từng đồng bạc lẻ, nóng nực thì cứ lột sạch rồi nhảy “ùm” xuống sông tắm như chốn không người. Sài Gòn là như vậy đó! Xen lẫn giữa những cái văn minh và tri thức chính là tiếng chửi nhau chửi thề nhiều như hát, bên cạnh không gian im ắng của “nỗi buồn không tên” chính là sự ồn ào và nhộn nhịp của xe cộ tấp nập, người người hối hả vì cuộc sống mưu sinh. 

Vùng ngoại ô Sài Gòn – Mảnh đất Gia Định ngày xưa

Dù như thế thì Sài Gòn vẫn vô cùng đáng yêu! Cuộc sống sẽ có những lúc khó khăn, người Sài Gòn lúc nào cũng tất bật với công việc như sợ đánh mất một nhịp thời gian nào đó, nhưng họ lại vô cùng phóng khoáng và hiếu khách. Người Sài Gòn không hoa hòe và cũng chẳng cần những thứ triết lý sâu xa, họ vẫn cứ đơn giản và là chính mình, đối xử chân thành với người khác. 

Sài Gòn là gì nhỉ? Là những buổi trưa hè hiu hiu gió thoảng với những đợt nắng ấm, là những cụm mây xanh lơ nhè nhẹ trôi êm trên bầu trời, là những chiều tắt nắng trên các tòa cao ốc hay bên nhánh sông buồn. Sài Gòn đôi khi lại là những đêm lấp lánh khi ánh đèn đường so kè sự rực rỡ với các vì sao lung linh trên bầu trời, là những đêm nằm nghe tiếng mưa rơi tí tách bên mái hiên nhà như từng giọt buồn lảnh lót, có khi lại cô quạnh và buồn tênh trong đêm dài dai dẳng. 

Yêu làm sao tiếng rao hàng đường phố Sài Thành, những gánh hàng rong dưới sương đêm mang theo sự âm vang nao lòng. Sẽ có lúc, tiếng rao ấy vang lên những người nghe chẳng thể nào hiểu được ý nghĩa – nhưng cứ như bị thôi miên, nghe mãi nghe mãi thành quen lúc nào chẳng hay, cái giai điệu ấy cứ lặp đi lặp lại trong miền ký ức đến tận khi bản thân biết được họ bán cái gì. Có người bán hàng rong đêm thì làm sao thiếu được người “ăn hàng’ đêm, cái thói quen này không biết được tập từ khi nào, nhưng lâu dần nó đã trở thành một nét văn hóa của người Sài Thành. Những gánh hàng khuya được mang đến tận cửa, những chiếc bánh giò hay những tô hủ tiếu gõ vẫn còn nghi ngút khói….những chén chè đậu trắng với đầy ắp nước cốt dừa béo ngậy, chén tàu hủ nóng ấm lòng lúc đêm hôm….Hình như, bây giờ, Sài Gòn chẳng còn mấy người bán bánh bao chỉ, kẹo kéo, sương sa hạt lựu, mía ghim hay mía hấp nữa,….đó đều là những “đặc sản” mà người người yêu thích thời xưa, giờ chỉ còn là khoảng ký ức để hoài niệm mà thôi! 

Gánh hàng rong

“…..Em còn nhớ hay em đã quên

Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng

Nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân

Nhớ ngựa thồ ngoại ô xa vắng

Nối xôn xao hàng quán đêm đêm…”

….

“….Một ngõ vắng xôn xao

Nằm trong lòng phố lớn……”

(Bài hát “Ngõ vắng không tên” của nhạc sĩ Trần Quang Huy)

Sài Gòn trong ký ức của các bạn là gì? Phải chăng là những chú dế “hộp quẹt” xách râu lên quay, thổi phù phù rồi đá “bắt xác”. Có những ngày hè, ngoài những trò chọi đáo, chơi cù,…thì bọn trẻ còn rủ rê nhau lang thang khắp đường phố chỉ để lượm nhặt những vỏ bao thuốc lá về chơi. Mỗi loại bao thuốc sẽ mang một mệnh giá khác nhau, loại nào càng hiếm thì đồng nghĩa mệnh giá càng cao như thuốc lá Camel có hình con lạc đà, thuốc Salem,…loại mệnh giá thấp như Ruby, Cotab,…Đó là còn chưa kể đến trò “tạt hình”, “tạt lon”,…Mùa nào thì có trò chơi đó, bọn nhóc thời đấy có biết bao nhiêu là trò nghịch phá, biết bao nhiêu thứ để chơi – toàn là những trò chơi của đám trẻ con nhà nghèo.

Rồi thời gian cứ lẳng lặng mà nhẹ trôi, đám trẻ ngày nào cũng dần giã từ thế giới mộng mơ để bước vào chốn mưu sinh của người lớn. Không còn những bâng khuâng hay ngượng ngùng, chỉ có sự chững chạc và trưởng thành được mài giũa từng ngày. Thuở ấy, Sài Gòn là “những lần hái hoa phượng ép vào vở thành cánh bướm”, “là buổi chiều tan trường theo bước chân nhau dạo quanh”, là: 

“Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc 

Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường 

Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu thương 

Tôi pha mực cho vừa màu nhớ thương…” 

(Trích trong bài thơ tình “Tuổi mười ba” của Nguyên Sa và Trần Bích Lan)

Sài Gòn hiền lành và đáng yêu biết nhường nào! Người Sài Gòn thích ngắn gọn nhưng lại dễ hiểu, chứ không dài dòng dai dẳng và quanh co, luồn lách. Sài Gòn có góc sáng thì cũng sẽ có góc tối, có những giọt nước mắt âm thầm rơi rơi một cách lặng lẽ mà chỉ riêng người Sài Thành mới cảm nhận được. Sài Gòn khi về đêm, bên trong những nhà hàng sang trọng, có những bữa tiệc lộng lẫy ánh đèn, người người vui cười rộn rã, người xài tiền chẳng cần đếm. Thế nhưng, bên cạnh đấy vẫn có một cuộc sống hoàn toàn khác, một thế giới hoàn toàn đối lập – có những mảnh đời cơ cực đang vật vã kiếm sống, có những người lao động xóm nhỏ quanh năm chưa có ngày sung sướng, “cơm áo gạo tiền” luôn là điều mà họ quan tâm hàng giờ, hàng phút…

Cảnh những khu chợ nhỏ mọc lên trên khuôn viên ngôi nhà thờ

Xứ sở Sài Gòn lạ lùng lắm, lạ như cái nắng cái gió phương Nam vậy đó, cuộc sống tuy có khó khăn và vật lộn để mưu sinh nhưng lại rất hào sảng và phóng khoáng, đôi lúc lại chân tình và sẵn sàng chia sẻ cùng những người cơ nhỡ. Bởi người ta mới nói, người Sài Gòn có thể nghèo tiền nghèo bạc, nhưng chẳng bao giờ nghèo tình nghèo nghĩa – Không chỉ là người giàu có, kể cả những người nghèo khó lo lắng chạy từng miếng ăn, chắt chiu từng đồng từng cắt thì vẫn sẵn sàng chia sớt với người khó hơn mình….Một cậu bé bán vé số, một chú lái ba gác, một chú chạy xe ôm hay một cô bán hàng rong….đều mỉm cười “nhường cơm sẻ áo” cho những người “đói” hơn mình. Dù nghèo khó, dù lo toan cho miếng ăn hàng ngày thì họ vẫn sẵn sàng quyên góp chút gì đó cho đồng bào các vùng thiên tai. Làm sao mà đong đếm hết được tình nghĩa của người Sài Gòn! 

Sài Gòn đôi lúc cũng lãng mạn lắm – Không gian êm đềm và thơ mộng với những bông hoa, cành cây, ngọn cỏ…đâu đó vẫn sẽ có một khoảnh khắc ngọt ngào xuất hiện giữa cuộc sống hối hả và đầy bụi bặm. Âm thanh lay đưa của cây cỏ hòa như đang thì thầm về những vui buồn, trăn trở trong cuộc sống,…Nhắc đến Sài Gòn, làm sao quên những hình ảnh của những quán ăn, quán cà phê….đây đều là cái hồn của người Sài Gòn, là hương sắc đặc trưng làm nên nét đặc thù của Sài Gòn, là nỗi nhớ nhung và lưu luyến nhất cho những ai đã một lần ghé thăm Sài Thành.

Có một con đường Sài Gòn được người người yêu thích – đường Duy Tân, bởi hai hàng cây xanh rợp bóng cho những đôi nhân tình thong thả đi bên nhau, họ thả hồn mộng mơ vào không gian, lắng nghe tiếng lá đung đưa xào xạc để chợt thấy lòng bâng khuâng. Còn con đường Tú Xương ôm trong mình hai hàng cây cao vút, nhưng cứ mãi lặng thinh mang theo dấu ấn người nhân tình, những chiếc lá vàng vào mùa thay lá cứ bay bay dập dìu trong gió, thi thoảng lại rơi trên tà áo dài trắng của những nữ sinh….Sài Gòn bây giờ làm gì tìm thấy được cái gọi là “con đường tình ta đi” như trong sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy….

Bìa trái là hai trụ cổng của Tổng Hội Sinh Viên Saigon, số 4 đường Duy Tân

“…..Sài Gòn ơi! Thôi hết rồi những ngày hát nhớ nhau

Như trường xưa mất tuổi thiên thần

Hy vọng xa hay mộng ước gần

Đã ngậm sầu ngang môi lắng im…”

(Bài hát “Nước mắt cho Sài Gòn” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn)

Nhắc nhẹ một xíu về con gái Sài Gòn – là những cô nàng có khuôn mặt thanh thoát, đôi mắt nho nhỏ có phần tinh ranh, cái miệng nhanh lẹ lại lém lỉnh, khác xa những cô gái Hà Nội sắc sảo, hay con gái Huế trầm buồn….Nước da con gái Sài Thành không trắng bóc như gái Hà Nội, cũng chẳng hồng hào như cô nàng Đà Lạt hay mặn mà như những em Tây “tóc vàng, mắt xanh” mà mang theo chút gì đó rất khác lạ, khiến người ta nhớ mãi chẳng quên. Tính tình của những cô gái Sài Gòn hả? Nói sao ta? Đỏng đảnh lại thêm chút kiêu kỳ nhưng mau quên, mau giận mau hơn nhưng cũng chẳng nhớ được lâu, lúc nắng lúc mưa vô cùng thất thường, chẳng giống những cô nàng Hà Nội âm ỉ và dai dẳng. 

Không khéo ăn nói như con gái miền Bắc, không sớm hôm tần tảo như cô nàng nông thôn, chẳng kín đáo hay e ấp như con gái Huế…con gái Sài Gòn giản dị lắm, tự nhiên trong tính cách, chân thành trong cách đối nhân xử thế và cởi mở trong giao tiếp. Có lẽ, chính những điều này đã tạo nên một cảm giác thoải mái cho người đối diện, sự dễ chịu khi tiếp xúc. Lối sống đơn giản, mộc mạc cộng với giọng nói khó lẫn càng làm cho người khác dễ gần hơn. 

Chẳng hiểu sao, giữa dòng người đông đúc, xe cộ cứ tấp nập ngược xuôi cũng không thể nào che giấu đi nét đẹp lạ lùng của người con gái Sài Thành – Dáng vẻ thời trang với nhiều trang sức, quần áo lụa là chẳng đâu sánh kịp. Se sua là thế nhưng lại không khiến người đối diện khó chịu, họ chẳng mang theo chút nào gọi là ‘lố lăng” mà chỉ nhiều hơn phần thướt tha và xinh đẹp. 

Một nhóm các cô gái đi bộ đến một buổi trình diễn nhạc rock được tổ chức tại khuôn viên Sở thú Sài Gòn

Đỏng đảnh hay kiêu kỳ ra sao thì chưa biết chắc được, nhưng cái điệu đà và õng ẹo thì đích thị là con gái Sài Thành. Người ta nói, đó chính là cái duyên ngầm của người con gái đất Gia Định xưa, chỉ những ai thấu hiểu được mới biết yêu thương và nhớ mãi không quên. 

“…..Sài Gòn ơi! Đâu những ngày mưa mùa khoác áo đi

Tay cầm tay nói nhỏ câu gì

Những quầy hoa quán nhạc đêm về

Ta hỏi thầm em có nhớ không!…”

(Bài hát “Sài Gòn niềm nhớ không tên” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn)

Viết một bình luận