Ngắm nhìn Sài Gòn hư ảo năm 1968 qua ống kính của Mike Mondzak

Sài Gòn là một thành phố đẹp và hoa lệ. Trải qua biết bao nhiêu năm tháng thăng trầm, Sài Gòn lặng lẽ chứng kiến những sự đổi thay cả về kinh tế, chính trị, gần gũi nhất chính là tên các con đường của Sài Gòn cũng bị thay đổi qua nhiều năm.

Sài Gòn xưa trong tôi là một điều gì đó chỉ còn hiện hữu trong kí ức, là tên những bảng hiệu với những màu sắc đỏ xanh và nét chữ rất riêng biệt mà lại rất đặc biệt. Hiện nay, để đáp ứng thị hiếu của mọi người, hàng loạt sự đổi thay về cách đặt bảng quảng cáo trên các con đường hay nội dung quảng cáo vốn dĩ cũng đã khác xưa nhiều, nó hiện đại hơn, đa dạng màu sắc hơn. Nhưng đối với một ông già đã hơn 60 tuổi như tôi thì dẫu cái quảng cáo hiện đại có đẹp, có sang thì cũng không thể bì kịp với những thứ trước năm 1975. Tất nhiên cũng không thể chối bỏ rằng xã hội đã phát triển hơn, mọi thứ cũng cần phải đổi thay để phù hợp với hiện tại. Chỉ có điều cá nhân tôi cảm thấy nhớ những gì xưa cũ, bởi nó không chỉ mang lại giá trị vật chất không thôi mà còn có cả giá trị tinh thần một thời đã qua.

Chúng ta có thể ví Sài Gòn xưa như một cô nàng bí ẩn và ma mị, bởi vì những ai từng đi qua đây ít nhất cũng một lần bị hút hồn bởi vẻ đẹp riêng biệt của nó mà bất giác dừng chân lại, giơ ống kính lên và lưu giữ những khoảnh khắc tuyệt vời của Sài Gòn. Vào những năm 1968, khi máy ảnh chưa thực sự phổ biến, Mike Mondzak cũng đã “tranh thủ” ghi lại hình ảnh các con đường Sài Gòn xưa bằng một tình cảm chân thành và trân trọng. Khi ngắm nhìn Sài Gòn qua loạt ảnh dưới đây, bạn chắc chắn sẽ cảm nhận được sự trân trọng ấy.

Sân bay quân sự Tân Sơn Nhứt
Tan Son Nhat Gate, Saigon Vietnam 1968

Sân bay quân sự Tân Sơn Nhứt vốn dĩ được Pháp xây dựng để phục vụ cho mục đích quân sự. Tọa lạc trên gò đất cao tại phía Bắc Sài Gòn, thuộc phủ Tân Bình xưa. Tên Tân Sơn Nhứt vốn dĩ bắt nguồn từ ngôi làng cùng tên. Trải qua nhiều cải biên, khu đất từ một đường băng đất đỏ, xung quanh cỏ mọc um tùm đã trở thành một nơi đồ sộ. Ngày nay, sân bay Tân Sơn Nhứt được mọi người gọi bằng cái tên hiện đại là sân bay Tân Sơn Nhất. Hằng năm phục vụ cho hàng triệu khách du lịch với đường bay trong và ngoài nước. Sân bay vẫn đang được cải thiện hằng ngày để phục vụ tốt hơn cho hành khách.

Đường Tự Do (đường Đồng Khởi hiện nay)

Đường Đồng Khởi ngày nay là tên đường Tự Do cũ, là một trong những con đường xưa nhất ở Sài Gòn. Đường Đồng Khởi tọa lạc ở quận 1, thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, nơi có nhiều xe cộ qua lại và mật độ dân cư đông đúc. Tự Do là con đường vốn dĩ đã xuất hiện từ lâu đời, trước cả khi Pháp tấn công Gia Định vào năm 1859.

Con đường này được người Pháp mô tả với vẻ đẹp mộc mạc, giản dị. Nhà cửa ở hai bên đường chủ yếu lợp bằng lá cọ ngắn, có một số căn nhà khác được làm bằng đá, còn mái nhà thì lợp bằng ngói đỏ. Tất cả đem lại cảm giác vô cùng yên bình. Sau này Pháp đã tiến hành quy hoạch lại mảnh đất này. Dần dà nó trở thành trung tâm sầm uất của Sài Gòn ngày đó và kéo dài cho đến tận ngày hôm nay.

Đường Tự Do
Đường nằm ngang là đường Tự Do – Ngã 3 Tự Do – Hồ Huấn Nghiệp
Đường Tự Do
Dãy phố bên trái là dãy số lẻ, khách sạn Majestic (số 1 Tự Do) cũng nằm bên phía này, đường này nhìn thẳng về phía nhà thờ Đức Bà

Đường Tự Do có chiều dài 630m, hình phía trên là nhìn về hướng nhà thờ Đức Bà. Công trình này do Pháp xây dựng bởi kiến trúc sư Jules Bourard thiết kế vào năm 1880. Nhà thờ Đức Bà là công trình kiên cố, được xây dựng bằng gạch từ Marseille (Pháp) nên hầu như nhà thờ đã trải qua mấy trăm năm vẫn giữ được giá trị nguyên sơ của nó. Đặc biệt, phía trước nhà thờ là đồng hồ Thụy Sĩ dù đã trải qua hơn 100 năm vẫn hoạt động tốt, không hề hỏng hóc dù lớp bụi thời gian đã hằn lên chiếc đồng hồ cổ xưa này.

Đường Lê Lợi

Đại lộ Lê Lợi xưa có tên thời Pháp thuộc là Bonard. Đường Lê Lợi lúc đầu chỉ là một con kênh dài đổ ra sông Sài Gòn và nối với kênh Olivier đổ ra rạch Bến Nghé. Đến năm 1880, người ta lấp toàn bộ con kênh này và đổi tên thành Bonard.

Đến năm 1955, đại lộ này được đổi tên thành đường Lê Lợi và kéo dài cho đến ngày nay. Từ thế kỷ XX cho đến thời điểm hiện tại, con đường này trở thành một trong những trục chính của Sài Gòn khi sở hữu sự sầm uất, nhộn nhịp và hơn hết là đường Lê Lợi được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông.

Đường Nguyễn Huệ

Con đường có đông đúc xe và người qua lại ở hình phía bên trên là đường Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Xưa kia, con đường này chỉ là một con kênh dẫn vào thành Gia Định. Người Pháp gọi nó là kênh Grand, còn người Việt mình gọi nó bằng cái tên mộc mạc hơn: Kênh Chợ Vải. 2 tên đường dọc bên bờ kênh có tên lần lượt là đường Charner và đường Rigault de Genouilly. Sau này đến năm 1887, người Pháp sáp nhập hai con đường lại thành một và gọi với tên chung là đại lộ Charner.

Khi nhìn vào hình, bạn còn thấy hình ảnh các cô gái mặc áo dài trắng thướt tha đang đi bộ dọc đường Nguyễn Huệ. Áo dài đó chính là áo dài Raglan, người Việt mình gọi là ráp-lăng. Điểm nhận biết của nó là vùng eo có một sợi thun nhỏ mỏng dùng để siết eo lại, đem đến cảm giác vùng eo trông thon gọn, điệu đà hơn. Từ áo dài này người ta đã cải tiến thành kiểu dáng hiện đại và hợp thời hơn, tạo nên bộ quốc phục của Việt Nam như hiện nay mọi người thường thấy.

Phải thú nhận rằng, khi ngắm nhìn bộ ảnh này lại làm tôi lại càng thêm trân quý vùng đất Sài Gòn đã có hàng trăm năm tuổi. Đây là nơi tôi đã sinh ra và lớn lên, được sống tại đây, bên cạnh người thân và gia đình chính là điều tuyệt vời nhất mà tôi từng có. Nếu sau này tôi không còn trên đời này nữa, hy vọng mọi người vẫn sẽ thay tôi yêu quý vùng đất này.

Viết một bình luận