Ngắm nhìn lại bốn Trường Trung Học hàng trăm năm tuổi gắn liền ký ức của bao học trò tại Sài Gòn

“Bên thềm ngắm lại mái trường xưa

Dấu ấn thời gian kể chẳng vừa

Bạn hữu còn đây thầy đã khuất

Đâu rồi tiếng giảng, học trò thưa…”

Đó là cảm xúc của rất nhiều người trong chúng ta khi nhớ về những kỷ niệm với một thời áo trắng đến trường. Vào những năm tháng tuổi học trò, trường học như ngôi nhà thứ hai chúng ta hay đến hay về. Rồi khi thời gian qua đi, những ký ức về trường học năm nào cũng dần bị chúng bỏ quên trong ngăn tủ kỉ niệm xưa. Có thể người xưa đã không còn hoặc đã quên nhưng trường xưa vẫn ở đấy, dù qua hàng trăm năm tuổi vẫn sừng sững giữa lòng Sài Gòn. Trong thành phố hoa lệ Sài Gòn, đến nay vẫn còn giữ lại những ngôi trường trung học với tuổi thọ hàng trăm năm. Và không chỉ một mà có đến bốn trường như: Trường Marie Curie, Trần Đại Nghĩa, Lê Quý Đôn, Nguyễn Thị Minh Khai

1. Trường nữ Trung học Marie Curie

Trường trung học phổ thông Marie Curie là một trường trung học phổ thông công lập, với diện tích 20.700 m2, ở quận 3, thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một trong những trường trung học lâu đời nhất của Sài Gòn và là trường duy nhất không thay đổi tên ban đầu do người Pháp đặt. Trường được đặt tên theo nhà khoa học Marie Curie.

Trường Marie Curie ngày nay

Năm 1858, Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, lần lượt chiếm đóng Sài Gòn và các tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Định Tường rồi chiếm nốt ba tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.

Để phục vụ cho guồng máy cai trị, người Pháp đặt mục tiêu hủy diệt nền Nho học, chữ Hán, chữ Nôm phải triệt bỏ và thay thế bằng chữ Pháp, chữ quốc ngữ. Trường học được mở ra, phục vụ cho con em các viên chức của bộ máy cai trị Pháp ở thuộc địa và cho người Việt.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư trong cuốn Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ, thời gian đầu, khi chưa có trường công của nhà nước, trẻ em gái người Pháp và người Âu đều theo học trong các trường tư của các bà sơ thuộc dòng Saint Paul De Chartres ở Sài Gòn.

Về sau, số gia đình kiều dân Pháp ở Sài Gòn, Chợ Lớn tăng lên nhiều, các em gái cần có trường công của nhà nước để theo học chương trình chính quy.

Khoảng đầu thế kỷ 20, một số nhân sĩ người Việt có tâm huyết tại Sài Gòn, Chợ Lớn làm đơn xin chính quyền lập một trường trung tiểu học cho nữ sinh Việt Nam.

Việc xây dựng trường dành riêng cho nữ sinh người Pháp được tiến hành từ năm 1915, chính quyền mua lại một khu đất dọc đường Mac Mahon (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) thuộc khu trung tâm để xây trường.

Trường MARIE CURIE năm 1920-1929
Cổng trường ngày ấy
Cổng trường ngày nay

Công việc xây dựng và trang trí trường học mất khoảng ba năm mới xong. Từ năm 1918 trường mang tên nữ bác học Marie Curie, là trường dành riêng cho nữ sinh, với tên gọi ban đầu là Cao đẳng tiểu học nữ sinh người Pháp (École Primaire Supérieure des Jeunes Filles Françaises) Lycée Marie Curie. Sĩ số ngày một tăng, đến năm 1939 có hơn 800 học sinh.

Nữ sinh trường MARIE CURIE

Năm 1941, quân Nhật kéo vào Đông Dương, một số trường học bị trưng dụng làm nơi đóng quân và trường Marie Curie cũng không khác. Phòng học trở thành bệnh viện cho quân chiếm đóng, trường phải dời sang trường Mẫu giáo ở đường Garcerie, nay là Phạm Ngọc Thạch.

Một năm sau trường được trả lại và đổi tên là Trung học cơ sở Calmette. Ngày 23/9/1945, quân Pháp trở lại chiếm Sài Gòn, sau đó thì đổi tên trường thành Trung học Lucien Mossard với 300 học sinh, có tám lớp từ Primière đến Quatrième

Sân trường LYCÉE MARIE CURIE ngày ấy
Sân trường giờ ra chơi

Đầu năm 1948, trường chính thức trở lại với tên gọi Trung học Marie Curie – một nữ bác học hai lần đoạt giải Nobel về Vật lý. Hiện, Marie Curie là một trường THPT công lập có tiếng ở TP HCM.

Đến năm 1970, trường mới tiếp nhận thêm nam sinh theo học.

Mặt bằng tổng thể trường Trung học Marie Curie năm 1974

Sau 30/4/1975, Trường Marie Curie đổi tên thành Trường Phổ thông cấp 2&3 Marie Curie cho hai niên học (1975-1976 và 1976-1977); đến niên học 1977-1978, trường không còn dạy các lớp cấp 2 phổ thông hệ 12/12 năm, chỉ dạy cấp 3 phổ thông hệ 12/12 năm (lớp 10, 11 và 12 các khối A-B – C – D) nên Trường Phổ thông cấp 2&3 Marie Curie đổi tên thành Trường Phổ thông trung học Marie Curie…

Năm 1997, trường được đổi tên thành Trung học phổ thông bán công Marie Curie.Trước đây, trường từng là trường trung học phổ thông lớn nhất Việt Nam với hơn 5000 học sinh mỗi năm. Trường dạy hai ca sáng và chiều với tổng cộng 90 đến 100 lớp trong hơn 50 phòng học. Hiện trường có gần 200 giáo viên, nhân viên,và hơn 3000 học sinh, với trên 70 lớp.

Năm 2006, trường được chuyển sang hệ công lập với tên gọi Trung học phổ thông Marie Curie cho đến nay. Đồng thời, đồng phục nữ sinh của trường sẽ là váy dài xanh, áo trắng vào các ngày thường, còn thứ 2 đầu tuần, thứ 7 và các ngày lễ mặc áo dài, nam mặc quần xanh, áo trắng, mang giày thể thao bata, và khi học quốc phòng và thể dục thì cả nam lẫn nữ đều mặc đồng phục thể dục.

Năm 2015, trường được UBND TP.HCM công nhận là di tích lịch sử – văn hóa – danh lam thắng cảnh của thành phố.

Một số hình ảnh về trường Marie Curie xưa:

Lớp học nữ sinh ngày ấy
Thư viện trường Marie Curie
Thư viện trường Marie Curie
Cổng trường giờ tan học

2. Lasan Taberd – THPT chuyên Trần Đại Nghĩa

Trường Trung học Phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa (tên tiếng Anh là: Tran Dai Nghia High school for the Gifted), hay gọi tắt là Trần Chuyên, là một trường Trung học công lập chuyên ở Thành phố Hồ Chí Minh (dành cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 có năng khiếu), hoạt động theo hình thức bán trú. Hiện nay, trường là một trong ba trường Trung học phổ thông chuyên tốt nhất Thành phố Hồ Chí Minh.

Trường La San Taberd nay là trường THPT Trần Đại Nghĩa

Năm 1874, Đức cha Henri De Kerlan – Cha sở coi Thánh đường Sài Gòn đã sử dụng số tiền riêng mà mình dành dụm, sáng lập nên trường Trung học La San Taberd (tiền thân của trường sau này) đặt tại dinh của Tri phủ Tân Bình đời Tự Đức.

Trường bắt đầu khởi công vào năm 1875. Sau 12 năm kéo dài, năm 1887, nhà trường chính thức đã hoàn thành việc xây dựng.

Ban đầu trường nuôi trẻ mồ côi lai Âu và lai Pháp bị bỏ rơi, sau này thu nạp học sinh bất luận lương – giáo. Khóa đầu tiên, trường Taberd có 58 học trò do các tu sĩ, truyền giáo sư gồm hai người Việt và hai người Pháp dạy dỗ.

Những dãy nhà cũ của trường là do Đức cha Mossard đứng coi xây cất, phần mới xây đồ sộ sau này do các sư huynh tiếp tục tu tạo để dạy học sinh từ cấp tiểu học đến đệ nhị cấp. Đến năm 1949, quy mô của trường lớn mạnh với hơn 1.200 học sinh.

Trường La San Taberd (Sài Gòn) thập niên 1910s
Trường La San Taberd (Sài Gòn) thập niên 1910s

Sau năm 1975, trường Lasan Taberd được chính thức bàn giao cho chính quyền TP HCM, tiếp tục duy trì đào tạo giáo dục phổ thông từ cấp một đến cấp ba, với hơn 6.000 học sinh.

Do nhu cầu đào tạo giáo viên cấp một của thành phố, năm 1976 trường Trung học Sư phạm nhận bàn giao từ trường Taberd và bắt đầu khóa đào tạo đầu tiên

Năm 2000, trường Trung học Sư phạm được bàn giao để thành lập trường THPT Trần Đại Nghĩa rồi trở thành trường chuyên hai năm sau đó.

Tháng 12 năm 2019, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đã được UBND Thành phố Hồ Chí Minh xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh Thành phố Hồ Chí Minh.

Trường THPT Trần Đại Nghĩa ngày nay
Trường THPT Trần Đại Nghĩa ngày nay

3. Chasseloup Laubat – THPT Lê Quý Đôn

Trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn là một trường trung học phổ thông công lập của Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là trường trung học đầu tiên của Sài Gòn, được thành lập năm 1874, với tên gọi ban đầu Collège Cha.

Trường Lê Qúy Đôn những năm 1920-1929

Sau khi chiếm được toàn cõi Nam Kỳ, ngày 14/11/1874, Thống đốc Nam Kỳ Jules François Emile Krantz đã ký nghị định thành lập ngôi trường trung học tại Sài Gòn để đào tạo con em những người Pháp sinh sống ở đây.Chương trình giảng dạy theo chính quốc, dạy từ tiểu học đến tú tài (chương trình Pháp).

Trường Lê Quý Đôn ngày xưa, trước 1975 mang tên Lycée Jean Jacques Rousseau (1954-1975)
Trường Lê Quý Đôn ngày xưa, trước 1975 mang tên Lycée Jean Jacques Rousseau (1954-1975)

Trường được khởi công xây dựng ngay vào năm 1874 và hoàn tất vào năm 1877, có tên là Collège Indigène (trung học bản xứ). Không lâu sau, trường được đổi tên thành Collège Chasseloup Laubat (Bộ trưởng Thuộc địa của Pháp lúc bấy giờ).

Ban đầu, trường chỉ nhận các học sinh người Pháp, đến đầu thế kỷ 20 thì mở rộng để nhận thêm học sinh người Việt có quốc tịch Pháp. Trường dạy từ tiểu học đến tú tài (chương trình của Pháp), chia làm 2 khu vực: khu dành riêng học trò người Pháp và khu dành cho học trò Việt, gọi là khu bản xứ.Cả hai khu này đều học chung chương trình Pháp và thi tú tài Pháp.

Năm 1954, trường lại đổi tên một lần nữa thành Jean Jacques Rousseau (nhà trí thức Pháp trong phong trào Ánh Sáng thế kỷ 18) nhằm tránh gợi nhớ thời thuộc địa. Lúc này, trường vẫn do người Pháp quản lý, chủ yếu dạy học sinh người Việt.

Năm 1967, trường được trả lại cho người Việt Nam và trở thành Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn. Tháng 8/1977, UBND TP HCM quyết định thành lập trường Phổ thông trung học Lê Quý Đôn.

Hiện, trường THPT Lê Quý Đôn thuộc hệ thống trường công lập do Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM quản lý.

Trải qua hơn một thế kỷ, kiến trúc ban đầu của ngôi trường vẫn còn gần như nguyên vẹn, gồm bốn dãy nhà cao hai tầng ghép lại có hình chữ “khẩu”. Với lối kiến trúc mang đậm chất Tây Âu, trường được xem như một kiến trúc cổ có lịch sử văn hóa lâu đời, vẫn giữ gìn được nét truyền thống cổ kính mặc dù đã được trùng tu, sửa chữa. Dựa trên nền kiến trúc cổ, hiện tại trường đã xây thêm một số công trình phụ gồm nhà luyện tập thể thao và 10 phòng học kiểu mới. Tính truyền thống và hiện đại được nhà trường chú ý ngay trong khâu thiết kế và trang trí, vì thế ngôi trường Lê Quý Đôn vẫn mang đậm nét cổ kính.

Một dãy hành lang lớp học cổ kính của trường THPT Lê Quý Đôn

Ngày 20 tháng 11 năm 1998, dựng tượng đài nhà bác học Lê Quý Đôn phía sau cổng trường.

Trường Lê Qúy Đôn ngày nay

4. Trường nữ Trung học Áo Tím – THPT Nguyễn Thị Minh Khai

Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (Tên cũ: trường nữ Gia Long, trường nữ sinh Áo Tím; tên khác: Miki) là một trường trung học phổ thông công lập ở Thành phố Hồ Chí Minh. Được thành lập vào năm 1913, đến nay trường là một trong những đơn vị lâu đời nhất của nền giáo dục Việt Nam.

Trường Nữ Trung Học Gia Long nay là trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai

Khoảng đầu thế kỷ 20, nền giáo dục còn mang tính chất Nho giáo ở Việt Nam ít chú trọng đến giáo dục nữ giới. Đến năm 1908, Nghị viên Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ Lê Văn Trung cùng bà vợ của Tổng đốc Đỗ Hữu Phương đề nghị chính quyền thực dân Pháp thành lập một ngôi trường đa cấp dành cho nữ.

Trường nữ sinh bản xứ, sau này là Trung học Gia Long. Nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai

Năm 1913, ngôi trường dành riêng cho nữ sinh được khởi công trên khu đất rộng đường Legrand de la Liraye (nay là Điện Biên Phủ, quận 3), vật liệu xây dựng được đưa từ Pháp qua.

Sau hai năm thi công, trường được khánh thành và mở khóa khai giảng đầu tiên với 42 nữ sinh. Trong buổi lễ, Toàn quyền Đông Dương Doumer và Thống đốc Nam Kỳ Courbeil chọn đồng phục là áo dài màu tím cho nữ sinh.

Nữ trung học Gia Long năm 1920-1929

Sở dĩ màu tím được chọn bởi đây là biểu tượng cho đức tính đoan trang, kín đáo và khiêm nhường của phụ nữ Việt. Từ đó, trường có tên Nữ sinh Áo Tím.

Trường trung học Nữ sinh bản xứ, còn có tên là Trường Nữ sinh Áo Tím.

Ban đầu trường mới dạy cấp tiểu học, từ lớp đồng ấu đến cao đẳng. Học sinh phần lớn là con nhà giàu ở Sài Gòn, dần dần có thêm nhiều em ở các tỉnh lên học nên trường mở thêm nội trú.Trường đào tạo thành nhiều cấp: Đồng ấu (Enfantin), Cao đẳng (Supérieur). Năm cuối Sơ học (CEP), học sinh phải thi lấy Chứng chỉ Căn bản Giáo dục sau khi tốt nghiệp những lớp cao cấp.

Năm 1918, vì số lượng học sinh gia tăng, trường xây thêm tòa nhà thứ hai với nhiều chức năng, đó cũng là nơi giảng dạy các môn nữ công gia chánh và thêu thùa.

Bốn năm sau, trường mở thêm bậc trung học vì được xây thêm dãy nhà phía sau đủ rộng và được gọi là trường Nữ trung học bản xứ, tiếp tục chủ trương chỉ tuyển nữ sinh.

Tuy do người Pháp quản lý nhưng phong trào đấu tranh chống thực dân trong học sinh vẫn âm ỉ khi trong thập niên 1920, ít nhất hai lần nữ sinh của trường xuống đường biểu tình.

Mùa hè năm 1940, quân đội Nhật chiếm đóng cơ sở trường rồi sau đó đến quân đội Anh, trường dời về tiểu học Ðồ Chiểu tại vùng Tân Ðịnh. Cũng trong năm này, trường đổi tên: Collège Gia Long, rồi Lycée Gia Long.

Năm 1947, khi được người Anh trao trả, trường bị hư hại nhiều đến nỗi vị hiệu trưởng lâm thời phải vận động quyên góp tài chính để tu sửa trường. Năm 1949, trường lại được mở rộng: một tòa nhà hai tầng được xây mới ở đường Bà Huyện Thanh Quan để đáp ứng số lượng học sinh ngày càng tăng. Cũng trong năm 1949, nữ sinh trường cùng với nam sinh trường Petrus Ký tổ chức bãi khóa kỷ niệm ngày Nam Kỳ Khởi Nghĩa dẫn đến việc trường bị nhà cầm quyền cho đóng cửa.

Đến năm 1950, sau một cuộc đấu tranh dài hơi có sự góp sức của đông đảo học sinh các trường khác ở khắp vùng Sài Gòn – Gia Định(trong số ấy có nhiều học sinh đã hy sinh, như Trần Văn Ơn của trường Petrus Ký) trường được mở cửa lại và đánh dấu một sự kiện lớn: lần đầu tiên hiệu trưởng là người Việt đồng thời cũng là một cựu nữ sinh của trường: cô Nguyễn Thị Châu. Đến 1952, chương trình giáo dục Việt dần thay thế chương trình giáo dục Pháp; nữ sinh phải học cả hai ngoại ngữ là Anh-Pháp song song. Kỳ thi tuyển vào trường rất khó và được đem so sánh với kỳ thi vào trường dành cho nam là Lycée Petrus Ký với số học sinh tham dự đến từ khắp nơi trong miền Nam: Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Biên Hòa, Tân An… (một cuộc tuyển sinh vào hệ trung học trường vào khoảng năm 1971 được ghi nhận như sau: có tổng cộng 8000 học sinh ghi danh và thi tuyển nhưng chỉ có 819 đậu). Năm 1953, đồng phục trường đổi từ áo dài tím sang áo dài trắng với phù hiệu của trường là đóa mai vàng khâu lên trên áo. Chương trình giáo dục bằng tiếng Pháp của trường sau đó cũng được đổi sang tiếng Việt và tên trường đổi thành tên tiếng Việt Trường Nữ Trung học Gia Long.

Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai năm 1965

Sau ngày đất nước thống nhất, trường được chính quyền đổi tên thành Phổ thông cấp 2-3 Nguyễn Thị Minh Khai. Sau đó, trường giải thể cấp hai, thu nhận cả nữ lẫn nam sinh và đổi tên thành THPT Nguyễn Thị Minh Khai.

Năm 2003, trường được đưa vào danh mục của 55 công trình đề nghị điều tra xác lập di tích kiến trúc cổ của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh

Năm 2012, trường được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công nhận là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Thành phố.

Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay

Viết một bình luận