Nét thanh bình của một Sài Gòn năm 1966 qua tài nhiếp ảnh của John Girardeau

Cùng nhìn lại Sài Gòn của 55 năm về trước với những con phố nhỏ, những đoạn đường rợp bóng, những nhà thờ xưa,… hãy cùng hoài niệm lại một Sài Gòn dưới thời Việt Nam Cộng hòa. 

Từ rất lâu rồi, Sài Gòn của chúng ta đã mang danh là một vùng đất năng động và không bao giờ ngủ. Nếu ban ngày nhộn nhịp với tiếng xe cộ cùng hình ảnh người người tấp nập, thì khi màn đêm buông xuống, Sài Gòn khoác lên mình chiếc áo “đèn” điểm thêm nét hoa lệ. Nhưng cũng có một Sài Gòn rất đẹp với nét yên bình dưới ánh nhìn của nhiếp ảnh gia John Girardeau trong bộ ảnh “Sài Gòn năm 1966”. 

Chợ Cũ, góc đường Hàm Nghi – Võ Di Nguy (sau năm 1975, đường này được đổi tên thành đường Hồ Tùng Mậu). Góc đường này bây giờ là tiệm bánh mì Như Lan.

Ngã tư đường Nguyễn Tri Phương – Nguyễn Hoàng nhìn về công viên tại đường An Bình, bên phải của hình là một vỉa hè rộng lớn.

Ngã tư Nguyễn Tri Phương – Nguyễn Hoàng, sau năm 1975 thì đoạn góc nhọn này được đổi thành Nguyễn Tri Phương – Trần Phú. Sạp quán của góc đường này cũng được đổi thành tòa nhà của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam – VIB. Phía bên kia đường là tiệm nước Nam Đô và nhà tang lễ của bệnh viện Nguyễn Tri Phương – trung tâm Pháp Y Thành Phố.

Rạp cinéma Oscar nằm trên đường Trần Hưng Đạo, đi lên qua ngã tư Trần Hưng Đạo – Bùi Hữu Nghĩa thì sẽ gặp rạp chiếu phim Palace (nhưng sau này thì rạp này đổi tên thành rạp Đống Đa)

Đường Trần Hưng Đạo, bên trái là khách sạn Victoria – vị trí cây xăng gần phía bên trái hình đến nay vẫn còn.

Hình ảnh của những chiếc xe hơi xuất hiện rất nhiều ở Sài Gòn vào những năm thập niên 1960

Nhà thờ Thánh Jeanne d’Arc (hay còn được gọi là Nhà thờ Ngã sáu), xây từ năm 1922 và hoàn thành vào tháng 5 năm 1928, có phong cách Kiến trúc Romanesque, được xây trên khu nghĩa trang Hoa kiều.

Mộ của ông trùm họ đạo Chợ Quán. Công trình này được xây dựng vào năm 1914 để đặt lăng mộ của Dominique Thomas Trịnh Khánh Tấn (mất vào năm 1913) – Là Quận trưởng danh dự của Chợ Quán, nằm cách lăng mộ Petrus Ký khoảng 100m.

Một công trình đang trong quá trình xây dựng trên đường Trần Hưng Đạo

Đường Trần Hưng Đạo ngày nay là đoạn đường nối dài từ quận 1 đến quận 5, nó được xem là minh chứng cho mối liên hệ giữa Sài Gòn – Chợ Lớn.

Đường Trần Hưng Đạo – Bên phải của hình là đường vào hồ bơi của Chú Hỏa.

Đường Trần Hưng Đạo, đoạn gần ngã tư Trần Hưng Đạo – Huỳnh Quang Tiên

Đoạn Trần Hưng Đạo ở quận 5, ban đầu có tên là Des Marins nhưng cuối năm 1952 thì chính quyền Bảo Đại quyết định đổi tên thành đường Đồng Khánh. Còn đoạn Trần Hưng Đạo ở quận 1, trước năm 1955 thì mang tên là đường Galliéni. Đến tháng 8/1975, hai đoạn đường này mới được gộp chung thành một và phân biệt bằng cách gọi đoạn quận 1 là Trần Hưng Đạo A và đoạn quận 5 là Trần Hưng Đạo B.

Khách sạn Metropole nằm trên đường Trần Hưng Đạo

Trường Tiểu học Phan Văn Trị (trước đó còn có tên là trường nữ sinh tiểu học Tôn Thọ Tường), sau năm 1975 thì được đổi tên thành trường THPT Ernst Thalmann.

Đây là góc đại lộ Trần Hưng Đạo – Yersin, bên phải hình có rạp hát bội Bầu Thắng và nơi có mái tôn cao là rạp cinéma Diên Hồng (ngày xưa còn có tên là rạp Thành Xương). Bên trái của hình là Tòa Hành Chánh Quân Nhì (tọa lạc tại số 6 đường Trần Hưng Đạo).

Mũi tàu đại lộ Trần Hưng Đạo và đường Phạm Ngũ Lão. Phía bên trái hình là cây xăng tự động SHELL (một ng ty dầu khí đa quốc gia của Anh và Hà Lan)

Giao thông trên đường phố Trần Hưng Đạo

Chợ chim, chó ở góc đường Hàm Nghi – Công Lý

Chợ Cũ ở góc ngã tư đường Hàm Nghi – Tôn Thất Đạm

Chợ cũ ở góc đường Hàm Nghi – Tôn Thất Đạm đã chấm dứt hoạt động vào năm 2017, nhưng hình ảnh ngôi chợ này vẫn thường trực trong tâm trí của người Sài Gòn xưa.

Tiệm Thịt Thái Hưng ở chợ Cũ trên đường Hàm Nghi

Một góc chụp khác ngôi chợ Cũ đường Hàm Nghi

Đoạn gần đến đầu đường Hàm Nghi, phía sau Tổng nha Quan Thuế

Công trường Mê Linh, trụ đặt tượng Hai Bà Trưng sau khi bị giựt đổ sau cuộc đảo chính năm 1963, ở thời điểm này tượng Trần Hưng Đạo vẫn chưa được dựng nên.

Câu lạc bộ của Hải Quân ở góc Cường Để – Lê Thánh Tôn

Rạch Thị Nghè, chụp từ cầu Thị Nghè hướng về thượng lưu.

Phía sau chợ Thị Nghè nhìn từ đầu cầu Thị Nghè, có thể thấy được khu chợ ở thời điểm rất đông đúc khách qua lại

Hình ảnh ngôi nhà nhỏ đơn sơ ở vùng ngoại ô thành phố

Đường Hùng Vương, gần đầu cầu Thị Nghè

Vẫn là đoạn đường trên (đường Hùng Vương, gần hướng về đầu cầu Thị Nghè) nhưng không biết có chuyện gì mà mọi người tập trung tại đây rất đông?

Đường phố Sài Gòn – Hình ảnh người phụ nữ vận chiếc áo dài thướt tha, ngồi trên chiếc xe đạp lại toát lên nét duyên dáng lạ thường…

Đường phố Sài Gòn

Vùng ngoại ô Sài Gòn, khu vực này vẫn chưa được xây dựng những tòa cao ốc chằng chịt như bây giờ

Ngã tư Hàng Xanh là tên một giao lộ lớn ở quận Bình Thạnh – Về tên gọi, có ý kiến cho rằng phải viết Hàng Sanh bởi vì trước đây, vùng này trồng rất nhiều cây sanh (một cây thuộc họ Dâu tằm), tiếng địa phương phát âm chệch thành Hàng Xanh.

Đường Trương Định, Sài Gòn – Được nối bởi hai đoạn đường nhỏ khác: Đoạn ở quận 1 – trước năm 1954 có tên là đường Amiral Roze và trước năm 1975 là đường Trương Công Định; đoạn ở quận 3 – trước năm 1954 là đường Larégnère và trước năm 1975 là đường Đoàn Thị Điểm.

Đường Trương Công Định – Đoạn dọc của vườn “thượng uyển Sài Gòn” Tao Đàn

Đường Trương Công Định và hai bên của công viên Tao Đàn – Nguyên thủy khu đất này vốn thuộc khuôn viên Dinh Toàn quyền của Pháp, nhưng năm 1869, người Pháp cho xây con đường Miss Clavell tách khu vườn khỏi Dinh.

Vườn Tao Đàn và đường Trương Công Định (sau năm 1975 thì gộp với Đoàn Thị Điểm và đổi thành đường một chiều Trương Định)

Đường Trương Công Định

Thời điểm này có thể thấy khuôn viên của vườn Tao Đàn vẫn còn rất hoang sơ với nhiều khoảng đất trống

Tà áo dài trắng trên chiếc xe đạp thô chạy bon bon trên đường phố Sài Gòn – Đường Trương Công Định

Đường Trương Công Định và cổng vào khuôn viên của Vườn Tao Đàn

Cư xá Meyerkord BOQ nằm góc đường Trương Công Định – Nguyễn Du

Cư xá Meyerkord BOQ tọa lạc tại vị trí số 113 đường Trương Công Định (sau năm 1975 đổi thành đường Trương Định)

Bản đồ cùng với hình ghép ngã tư Nguyễn Tri Phương – Nguyễn Hoàng (nay là ngã tư đường Nguyễn Tri Phương – Trần Phú)

Viết một bình luận