Nét đi chợ độc đáo, chân thật của người miền Nam

Đố mọi người biết được, từ 100 năm trở lại đây có ai nhớ hết Sài Gòn chúng ta có tất cả bao nhiêu cái chợ không, nếu tính cả khu vực Chợ Lớn? Và cũng như có ai có thể nói hết được tấm lòng người Sài Gòn, không có gì nhiều lắm, nhưng lại chẳng thể nào diễn giải ra hết được! Đôi khi người ta đi chợ cũng chẳng phải mua bán cái gì, mà chỉ là một câu nói thâm tình giữa người với người: “Nè cưng, sao lâu quá không thấy cưng ghé chị mua đồ?”. Thiết nghĩ, nếu muốn hiểu cung cách đối xử nhau thế nào giữa các vùng miền ở Việt Nam, thì chỗ đầu tiên bạn được khuyên nên đến thăm chính là “chợ”. 

Chợ Cũ, trước cửa tiệm chạp phô góc Hàm Nghi – Võ Di Nguy năm 1968

Ở đó có vô vàn thứ mà bạn cần, nếu bạn đang cần những thứ đồ mới cho chỗ ở mới của mình thì nói đó thật lý tưởng, các sản vật từ tự nhiên đến nhân tạo, từ thủ công mỹ nghệ đến hàng công nghiệp đại trà và tất thảy. Và đặc biệt, ở đó đặc sệt một số thứ văn hóa vùng miền…cho dù bạn có thích nó hay không thì cũng thử ít nhất một lần “hít thở” chung bầu không khí với nó, học cách chia sẻ và gắn bó với bầu không khí ấy. Thật sự mà nói, thì chẳng có ai có thể kể hết được Sài Gòn có tổng bao nhiêu khu chợ, ý ở đây chỉ nhắc đến những khu chợ có tên chính thức được bản đồ ghi nhận, chứ không phải kể hết những khu chợ chồm hổm, chợ chiều hay chợ tự phát,….

Phải công nhận một điều là, Sài Gòn có thật nhiều chợ, từ những khu chợ lớn lớn như chợ Bình Tây (hay còn gọi với cái tên không chính thức là chợ Lớn), chợ Bến Thành, chợ An Đông,….cho đến những khu chợ phường, chợ xóm nho nhỏ, từ chợ bán buôn từng mặt hàng riêng biệt như chợ vải, chợ cá, chợ rau, chợ hóa chất,….cho đến những khu chợ hầm bà lằng như chợ nhỏ, chợ dân sinh, hay chợ đầu mối,…Nhưng dù là chợ gì đi nữa thì nó vẫn mang đậm không khí của một Sài Gòn năng động với những con người tình cảm và đầy sự phóng khoáng. 

Chợ cũ, góc đường Hàm Nghi – Tôn Thất Đạm năm 1990

Người ta vẫn hay lo ngại cho số phận của những khu chợ nhỏ khi có sự xuất hiện hàng loạt của những hệ thống siêu thị bán lẻ đang tràn khắp khắp nẻo đường của Sài Gòn. Những siêu thị ngày càng được đầu tư tư quy mô, cho đến sự đa dạng về những mặt hàng dịch vụ cùng rất rất nhiều dịch vụ đính kèm khác. Nhưng đến cuối cùng những khu chợ vẫn còn đó, dù vẫn rất nóng do đặt ngoài trời, vẫn rất ồn ào náo nhiệt, vẫn rất “dơ”, nhưng chẳng hiểu sao vẫn rất đông đúc người lui tới. 

Có lẽ người ta đi chợ không phải vì mua một hàng nào đó mà chủ yếu là để thăm nom “người quen”, ở đó sẽ có những thứ tình cảm mà siêu thị chẳng thể nào đáp ứng được. Người ta đi chợ chắc cũng không phải vì đồ bán ở chợ rẻ hơn nhiều so với siêu thị, mà chủ yếu là tìm gặp những người “xa lạ” để được nghe câu chào hỏi thăm nhau, được nghe, được nói, được gặp gỡ,…..Ở Sài Gòn đặc biệt lắm, khi bước chân vô chợ thì ta được coi như một thành viên trong ngôi “nhà” lớn ấy, người ta có thể gọi mình bằng đủ thứ tên hoặc những đại từ nhân xưng: Thím Hai, Cô Út, Chú Bảy,….Còn nếu người còn trẻ trẻ thì nào là “cưng”, “bé”, “con”, “em gái”, “chế”,….hoặc kêu bằng những cái tên tự đặt luôn. Nếu người đó lớn lớn tuổi một xíu thì gọi là “má”, “ngoại”, “dì Hai”,….nghe sao mà ngọt xớt hà! 

Ở Sài Gòn mà đặt chân đến chợ, ta sẽ luôn nhận được những lời chào hỏi rất chi là dễ thương đến nỗi dù bạn có can đảm từ chối thì cũng chẳng thể nào không mỉm cười cảm ơn: “Nè cưng, trời nắng nóng, ngồi xuống ăn ly chè cho mát đi”, không thì “Má ơi, má thử bộ đồ này đi, chời ơi nó hợp với má lắm á, thử đi không mua cũng được”…..Còn nếu gặp những ông chồng đưa vợ đi chợ thì bạn cũng được chào hỏi luôn chứ không bị “bỏ qua” đâu, dù biết là bạn chỉ đi theo thôi chứ chẳng mua lấy thứ gì: “Em trai, ngồi chơi đi để vợ chọn đồ, uống cà phê không chị kêu cho em ly hen”….

Nếu vô coi hàng rồi mà thấy món đồ đó mình không ưng, cũng đừng thể hiện ra mặt nhé kẻo người bán họ buồn, cứ nở một nụ cười cảm ơn rồi đi, bạn sẽ nhận lại một nụ cười thật tươi từ cô chủ sạp như khi bạn đến: “Không sao, bữa khác cần gì ghé lại nghen cưng”.

Ở Sài Gòn, đi chợ là phải “ăn hàng” thì mới đúng điệu và hiển nhiên là trong chợ thì chỗ nào cũng có những sạp hàng nhỏ buôn bán đồ ăn vặt, ngay trong chợ cũng có, bên hông chợ hay phía sau chợ cũng có luôn. Hàng quán trong chợ đôi khi sẽ có phần hơi sập xệ một chút, trông thì có vẻ hơi mất vệ sinh nhưng vị thì ngon phải biết, đồ ăn được làm ngay tại chỗ nên lúc nào cũng nóng hỏi “vừa thổi vừa ăn” với đầy đủ hương vị “khó lòng chối từ”. 

Chợ Cũ năm 1970

Thường thường thì ở mỗi hàng mỗi sạp người ta sẽ bán chuyên một món, ví dụ có chỗ thì chỉ bán nước uống, chỗ thì bán đồ ăn được làm sẵn, nhưng đừng ngại khi bạn chẳng cần di chuyển đi đâu mà vẫn có thể thưởng thức đầy đủ mọi thứ. Ngồi ở sạp ăn bún bò mà bạn muốn có một tô hủ tiếu thì vẫn có người mang đến tận nơi, thêm một ly sữa đậu nành nóng ấm bụng cũng được tất. Hay đang ngồi uống cà phê sáng mà muốn ăn cơm tấm sườn bì chả thì cũng sẽ có cô phục vụ vui vẻ mang đồ ăn đến tận nơi, thậm chí còn bô-nớt thêm y trà đá miễn phí uống đến khi nào đã khát thì thôi. Nếu có nhỡ đi ngang một chỗ bán quần áo ở chợ Bến Thành mà thấy chị bán bún riêu đi ngang mà buột miệng khen: “Ngon quá” thì sẽ có người xởi lởi hỏi thăm ngay: “Ngon dữ ha, ăn không em trai, ngồi xuống đây đi chị kêu vô cho nè, 30 giây là có ăn liền”. 

Đi chợ ở Sài Gòn, cảm giác nó lạ lắm mọi người ơi! Người bán luôn tìm đủ mọi cách để làm vừa lòng khách hàng củ mình như không hề có sự vụ lợi nào. Ở chợ, dường như mọi rào cản về khoảng cách sẽ được xóa bỏ hết, bạn sẽ trở thành người nhà, người bà con láng giềng, người bạn bè, bạn có thể thoải mái và tự do trao đổi cùng với người bán chuyện học hành của con cái, hay buôn chuyện ông hàng xóm cạnh nhà khiến bạn có bao nhiêu là khó chịu. Tại đây, bạn sẽ luôn được lắng nghe, luôn được chia sẻ, luôn được động viên và giúp đỡ một cách rất chân tình và thâm tình. 

Nếu đang ở quầy sạp bán quần áo lựa đồ, mà chợt nhớ ra bản thân cần mua thêm một bộ chén bát thì yên tâm nha! Người bán sẽ dẫn bạn đến tận nơi bán sành sứ và giới thiệu bạn là anh/chị/em/bà cô/ bà dì của họ…còn nói với người bán kia là bán cho bạn giá sỉ nha, bạn là khách VIP đó…Có lẽ sẽ có nhiều người cho rằng đây chẳng qua chỉ là một hình thức lấy lệ, qua loa, nhưng không hề nha! Đều là sự thiệt tình của người ta đó, bạn sẽ không bao giờ có cảm giác bị làm phiền đâu, dù có lỡ mua phải một món hàng bị hớ giá hay không thể nào tìm ra được món hàng bản thân ưa thích. 

Bạn sẽ luôn nhận được những món hàng vô cùng bất ngờ đến từ những người bán hàng chân chất dù bản thân chẳng hề đòi hỏi điều gì cả! Mua chục trái cây thì lại được tận mười lăm, mười sáu trái; mau hai cái áo lại được tặng thêm cái nón; mua có mỗi cái bóp nhưng lại được đãi hẳn một ly cà phê…..Đây chẳng phải là thứ hàng khuyến mãi hay gì đâu, mà nó gọi là tấm lòng, là tình cảm mà người bán muốn gửi đến “người nhà” của họ, nên hãy nhận chúng bằng cả tấm lòng nhé! 

Chợ cũ Sài Gòn năm 1967 – Tấm biển màu xanh là Hiệu thuốc bắc Quảng Thái Hòa

Có một lần, bản thân đi mua một chiếc dây nịt giá 150 ngàn, những khi đi dạo một vòng chợ thì lại thấy chỗ khác bán chỉ có 100 ngàn thôi! Khi quay lại nói với người bán: “Nè anh trai, sao bên kia bán có trăm ngàn, mà anh bán tui tới trăm rưỡi lận?”. Anh ta mới cười cười mà nói lại: “Chắc do em lộn giá, thôi để em đền anh cái bóp nha, bóp xịn đàng hoàng, giá cũng phải năm trăm lận đó.”

Cầm cái bóp thấy ưng ưng, nhưng biết tỏng là nó còn chưa tới trăm ngàn, nhưng bản thân cũng thấy vui vẻ. Sau này, mỗi lần ghé lại, gã đều nói: “Anh cứ đi đi, chỗ nào rẻ hơn, em đền anh gấp đôi liền”. Nói thì nói vậy, chứ tôi cũng chẳng hỏi ai bao giờ! 

Đi chợ, đôi khi chẳng phải là cần mua một thứ gì đó cố định, mà có khi chỉ là muốn đến để nghe lấy một câu hỏi thăm chân tình: “Nè cưng, bữa giờ đi đâu mà lâu quá không thấy ghé!”.

Viết một bình luận