Nét đẹp quyền lực của “Tứ đại phu nhân” Việt Nam giai đoạn 1900 – 1975

Theo bạn đọc, ai sẽ là người đẹp nhất và quý phái nhất trong “Tứ Đại Phu Nhân” của Việt Nam chúng ta nếu tính từ năm 1900 cho đến ngày cuối cùng của năm 1975.

1. Hoàng Hậu Nam Phương

Nam Phương Hoàng Hậu là Hoàng hậu của Hoàng đế Bảo Đại thuộc triều nhà Nguyễn – vị vua của Đế Quốc Việt Nam thời kỳ từ năm 1900 đến năm 1954, đồng thời cũng là hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến trong lịch sử Việt Nam. 

Hoàng Hậu Nam Phương nhũ danh là Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Thị Lan sinh ra tại Gò Công (nay thuộc thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình Công giáo giàu có, là con gái của ông Pierre Nguyễn Hữu Hào và bà Marie Lê Thị Bình. Ông ngoại là Lê Phát Đạt, tên gọi quen thuộc là Huyện Sỹ – một trong những người giàu nhất Sài Gòn vào cuối thế kỷ XIX. Bà là đứa con thứ hai của vợ chồng ông Hào, giấy khai sinh quốc tịch Việt Nam là Nguyễn Hữu Thị Lan, còn tên theo Pháp tịch phải ghi thêm là Jeanne Mariette Thérèse.

Trong quyển sách “Hồi ký Le Dragon d’Annam” – Trang 63, ông Bảo Đại có đôi lời chia sẻ về vị Hoàng hậu cuối cùng này như sau: 

“Vào dịp cuối năm, tôi có lưu lại vài ngày ở Đà Lạt cùng với Toàn Quyền Pasquier, trong dịp gặp ông này ở phòng khách, khách sạn Langbian Palace, ông có giới thiệu một cô gái trẻ là bạn bè của bà Charles, cô Marie Thérèse Nguyễn Hữu Hào, cô thuộc một gia đình điền chủ giàu có ở xứ Nam Kỳ. Cô cũng là người Công giáo như cha mẹ và vừa học hết chương trình học của cô ở trường Oiseaux, bên Pháp. Cô ấy 18 tuổi.”

Sau lần hội ngộ “tình cờ” ấy, thỉnh thoảng hai người vẫn có những buổi gặp mặt đơn thuần như sự tìm hiểu giữa nam và nữ. Trai tài gái sắc hợp ý mến mộ nhau nên nảy sinh tình cảm và sau cùng là quyết định đi đến hôn nhân. Ngày 20 tháng 3 năm 1934, một lễ cưới uy nghi đã được diễn ra sau khi vua Bảo Đại đáp ứng được tất cả 4 điều kiện của gia đình bà Nguyễn Hữu Thị Lan. Và đây cũng là một ngày trọng đại khi cô tiểu thư ấy được vinh dự hưởng một biệt lệ đầu tiên trong triều đại nhà Nguyễn. 

Ngay ngày hôm sau, lễ tấn phong Hoàng Hậu được diễn ra rất trọng thể ở điện Thái Hòa. Hoàng đế phong Nguyễn Hữu Thị Lan tước vị Nam Phương Hoàng Hậu – Có nghĩa là hương thơm của miền Nam. Bảo Đại kể về sự kiện này trong hồi ký như sau: 

“Vâng, tôi đã quyết định đặt vợ tôi lên làm Hoàng Hậu trong cuộc hôn nhân này, cái chức mà chỉ dành cho mẫu hậu khi mà nhà vua đã qua đời. Mặc phẩm phục triều đình với chiếc áo choàng rộng, đi giầy hài mũi cong nhọn, chít khăn có đính những viên đá quý. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Annam mà một người đàn bà đã tiến lên một mình giữa sự chào đón của triều đình. Cũng vẫn chỉ một mình, cô đã vào trong đại sảnh đã có tôi đợi ở đó, và ngồi ở một cái đôn để ở thấp hơn.”

Hoàng hậu Nam Phương viếng thăm Tòa thánh Vatican 20-7-1939

Ngoài ra, Bảo Đại còn ra một chỉ dụ đặc biệt là cho phép bà phục sức màu vàng – đây là màu sắc chỉ dành cho Hoàng đế. Bên cạnh đó, theo một số tài liệu của ông Nguyễn Văn Lục, bà nam Phương còn là người phụ nữ đầu tiên có tân học khi chịu ảnh hưởng bởi nếp sống và nếp suy nghĩ phương Tây. Thêm một điều đặc biệt nữa, bà cũng là người phụ nữ đầu tiên của nước ta cùng vua tiếp khách ngoại quốc như Thống chế Tưởng Giới Thạch của Đài Loan, Quốc Vương Soupha Vangvong nước Lào hoặc Quốc vương Sihanouk của Cao Miên,……Trong những lễ lạc tiếp kiến, bà đóng vai trò đệ nhất phu nhân.

Nam Phương cũng là vị Hoàng hậu đầu tiên xuất cung để tham gia những hoạt động xã hội như thăm nom các cô nhi viện, trường học, những cơ sở xã hội….Ngày Chủ Nhật, bà còn giống như những người dân bình thường khi đi lễ tại nhà thờ Phú Cam. 

Toàn quyền Decoux đã hết lời khen ngợi Nam Phương, họ nhận xét bà là một người đức hạnh, dung hợp rất hài hòa nếp sống giữa Đông – Tây. Còn về quốc tế, Hàn Lâm Viện Y khoa Pháp và Hội Hồng Thập Tự Quốc tế đã trao tặng bà những tấm bằng khen vinh dự. 

Trong chuỗi ngày hạnh phúc đó, bà đã sinh hạ được 2 vị Hoàng tử khôi ngô và 3 nàng Công chúa xinh đẹp. Đến khoảng tháng 9 năm 1945, triều đình đến hồi mạt vận – quốc phá gia vong, dưới sự thúc ép của nhiều phía khi buộc Bảo Đại thoái vị, hạnh phúc của bà cũng mỏng dần bởi bản tính trăng hoa của chồng. Nếu Bảo Đại càng sa đọa và trác táng thì Nam Phương càng im lặng và trang nghiêm, có lẽ vì muốn giữ lại chút uy tín cho Hoàng tộc và những đứa con của mình nên bà lựa chọn cam chịu mọi thứ theo cung cách của một người có học, có giáo dưỡng. 

Ngày 1 tháng 1 năm 1947, Nam Phương Hoàng hậu cùng các con rời Việt Nam sang Pháp, chấm dứt tất cả liên hệ dây dưa với những điều tiếng trăng hoa của chồng. Ở đây Bà được nhận một khối tài sản lớn do cha đẻ của mình trao cho. Đó là một chung cư lớn tại Neuilly và một chung cư tai Đại lộ Opera, ngoài ra còn nhiều nhà đất ở Côngô, Marốc… Tất cả bà chia cho các con, chỉ giữ lại một trang trại ở Chabrignac gồm 160 mẫu đất với một đàn bò gần 100 con bò và một vườn hồng lúc nào cũng nở hoa. 

Bà Nam Phương là vị mệnh phụ uy nghi, xinh đẹp, trang trọng và quý phái. Nhưng điều khiến bà càng trở nên tôn quý chính là dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì vẫn sống một cuộc sống đường hoàng, đúng bậc mẫu nghi thiên hạ. 

Sau năm 1955, Bảo Đại để bà Nam Phương ở nhà một mình với mấy người con khi đó đã lớn, mỗi người đi làm một nơi. Về sau, bà Nam Phương rời lâu đài Thorenc ở Cannes để về sống ở lâu đài Domain de la Perche ở Chabrignac, tỉnh Corrèze, vùng Nouvelle-Aquitaine cách Paris chừng bốn năm trăm cây số. Dân làng Chabrignac kể rằng, bà Nam Phương giàu có, nhưng sống trầm lặng. Bao nhiêu năm chỉ thấy cựu hoàng Bảo Đại về thăm Hoàng hậu mấy lần, lần nhớ nhất là vào dịp lễ cưới của con gái lớn – công chúa Phương Liên kết hôn với chàng trai người Bordeaux. Buồn nản vì tình cảm của mình, bà Nam Phương chỉ sống âm thầm trong ngôi nhà vắng vẻ. Những năm sau này bà Nam Phương ít đi ra ngoài và gặp gỡ ai, sau đó đến ngày 14 tháng 9 năm 1963, bà cũng nhẹ nhàng qua đời. 

2. Trần Lệ Xuân

Trần Lệ Xuân, còn được gọi tắt theo tên của chồng là Bà Nhu (tiếng Anh là Madame Nhu) – là một gương mặt then chốt trong chế độ Ngô Đình Diệm (vợ của Ngô Đình Nhu, em trai và cũng là cố vấn thân cận nhất của Ngô Đình Diệm) và là chủ tịch Phong trào Liên đới Phụ nữ trực thuộc Đảng Cần lao Nhân vị. 

Bà là thứ nữ của ông bà luật sư Trần Văn Chương – từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thời kỳ Đế quốc Việt Nam, rồi bộ trưởng Bộ Kinh tế của Việt Nam Cộng Hòa thời Đệ Nhất trước khi được bổ nhiệm là đại sứ tại Mỹ. Mẹ là Thân Thị Nam Trân – con gái Thượng thư Bộ Binh Thân Trọng Huề, cháu ngoại của vua Đồng Khánh. 

Bà là dân biểu trong Quốc hội thời Đệ Nhất Cộng hòa và cũng là chủ tịch Hội Phụ nữ Liên đới (một tổ chức ngoại vi của đảng Cần lao). Tuy nhiên địa vị quan trọng hơn là “Bà Cố vấn” vì là vợ của Ngô Đình Nhu, em trai kiêm cố vấn thân cận nhất của Ngô Đình Diệm. Do tổng thống Ngô Đình Diệm không có vợ nên bà được coi là Đệ Nhất Phu nhân của Việt Nam Cộng hòa từ năm 1955 đến năm 1963. 

Có lẽ, trong lịch sử Việt Nam chưa có mệnh phụ nào mang nhiều tiếng xấu như Madame Nhu, phần lớn là những lời thêu dệt ác ý bởi thời kỳ này người ta vẫn chưa chấp nhận được quan điểm phụ nữ tham chính. Bà từng có ý muốn cải tổ xã hội khi vận động quốc hội ban hành nên ộ luật gia đình – cấm kỵ ly dị và chế độ một vợ một chồng. Và hiển nhiên, bà đã gặp không ít rắc rối với vấn đề này vì ở thời điểm đó, xã hội vẫn còn rất nặng sự phong kiến nên xuất hiện rất nhiều thành phần ngầm chống đối. Ngoài ra, trên cương vị là Chủ tịch Hội Phụ nữ Liên đới, bà còn lập ra Thanh nữ Cộng hòa để tập cho phụ nữ cách cầm súng – sử dụng súng để cần khi chiến đấu. 

Trần Lệ Xuân cũng là người khởi xướng kiểu áo dài cổ thuyền, khoét sâu (mà dân chúng vẫn gọi nôm na là “áo dài Trần Lệ Xuân”) tạo ra một làn sóng thời trang áo dài hở cổ mới mà những người cổ học lên tiếng phê phán. Loại áo dài này vẫn thịnh hành đến ngày hôm nay. Ngày nay, những cánh rừng do bà khởi xướng trồng trên đường từ Sài Gòn đến rừng Cát Tiên vẫn được người dân gọi là rừng Trần Lệ Xuân.

Theo nhà ngoại giao John Mecklin, Trần Lệ Xuân là một người dễ nổi nóng, muốn áp đặt giải pháp của mình cho những vấn đề chính trị nhưng hầu như luôn làm những vấn đề đó trở nên tai hại. Bà có khả năng diễn đạt tốt và nhanh. Theo Mecklin, cách bà Nhu nói chuyện như “như súng liên thanh nổ bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh”. Bà là người phụ nữ dám nói dám làm, dám tham vọng và dám dấn thân, có lẽ vì điều này mà bà chiếm được tình cảm của khá nhiều người.

Theo ký giả Halberstam, nguyên tắc chính trị của Trần Lệ Xuân khá đơn giản: Nhà họ Ngô luôn luôn đúng, không cần phải thỏa hiệp và cũng không cần để ý đến những chỉ trích. Theo ký giả Malcolm Browne của tờ AP, do bất đồng quan điểm, Trần Lệ Xuân còn từ bỏ cả gia đình của chính bà. Năm 1962 bà đã làm cho chị của bà (Trần Lệ Chi) phải tìm cách tự tử. Năm 1963, bà tuyên bố từ bỏ cha mẹ mình do họ phản đối thái độ của bà với Phật giáo. 

Robert McNamara, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đã nhận xét về Trần Lệ Xuân: “Giống như hầu hết những người Mỹ đến đất nước này, và theo tôi, cả nhiều người Việt nữa, tôi thấy bà Nhu là một người sáng sủa, mạnh mẽ và xinh đẹp, nhưng cũng độc ác và mưu mô – một mụ phù thủy thực sự”.

Sau cái chết liên tiếp của Diệm – Nhu – Cẩn, bà cùng 3 đứa con sống lưu vong tại Ý, nhưng sự bi thương chưa dừng lại tại đó khi bất ngờ đứa con gái đầu lòng – Ngô Đình Lệ Thủy thân thiết với bà lại bị chết trong một vụ tai nạn xe cộ. Cũng từ đó hình như không ai có những tin tức chính xác về bà, thế sự thăng trầm, vận nước đảo điên.

Mãi đến ngày 30 tháng 10 năm 1996, mới có tin tức nói rằng bà Trần Lệ Xuân đã lên tiếng xin lỗi các Phật tử và xin lỗi cố hòa thượng Thích Quảng Đức về những lời nói của bà về các lãnh đạo Phật giáo trong quá khứ. Sau khi nhận được sự chấp thuận của Hòa Thượng Thích Mãn Giác về chuyện cầu siêu cho thân thì bà lại lựa chọn cuộc sống thầm lặng và qua đời lúc 2 giờ sáng ngày 24 tháng 4 năm 2011 tại một bệnh viện ở Ý, thọ 87 tuổi.

3. Nguyễn Thị Mai Anh

Có khá ít tài liệu hay hình ảnh có liên quan nói về bà nhưng hầu hết lời nhận xét về người thiếu nữ tên Nguyễn Thị Mai Anh đều là khen ngợi. Một người từng phục vụ trong Dinh Độc Lập dưới thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhận xét rằng: 

“Tôi luôn luôn giữ lòng quý mến đối với Tổng thống Phu nhân. Bà lúc nào cũng giữ nếp sống bình dị của người đàn bà phúc hậu, bao dung của sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đối với tôi, bà Thiệu là hình ảnh một người mẹ, một người vợ hiền đảm đang hơn là một vị Đệ Nhất Phu nhân sống trong tột đỉnh của quyền thế và nhung lụa giàu sang. Bà là điển hình của mẫu người phụ nữ lớn lên trong gia đình được hấp thụ trọn vẹn một nền giáo dục Khổng Mạnh (tuy bà là người Công giáo) mà chúng ta thường thấy trong xã hội miền Nam thời thập niên 40. Bà Thiệu luôn luôn tỏa ra sự trong sáng và vui tươi. Bà không bao giờ câu nệ về cách ứng xử của nhân viên thuộc cấp. Mỗi lần gặp mặt, bà luôn luôn lên tiếng hỏi thăm sức khỏe chúng tôi trước, không kịp để chúng tôi chào bà. Điều đặc biệt là bà không bao giờ đề cập đến bất cứ chuyện gì có liên hệ đến việc làm của ông Thiệu với chúng tôi. Trong suốt thời gian làm việc tại đây, chỉ có một lần duy nhứt tôi nghe bà than phiền với ông Thiệu bằng lời lẽ rất ôn tồn về một nhân vật có đầy quyền thế tại Phủ Tổng thống trong lúc tôi đang đứng bên cạnh.” 

Nguyễn Thị Mai Anh là phu nhân của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu. Bà cũng là vị Đệ Nhất Phu nhân đầu tiên của chính thể Đệ Nhị Cộng hòa, nhiều người con gọi bà là Madame Nguyen Van Thieu (Bà Nguyễn Văn Thiệu) trong truyền thông phương Tây. 

Bà sinh năm 1931, là con gái thứ bảy (nên còn có biệt danh Cô Bảy Mỹ Tho) trong một gia đình có mười anh chị em. Xuất thân trong một gia đình Công giáo toàn tòng ở Mỹ Tho, nhưng do truyền thống Đông y, bà chịu ảnh hưởng khá lớn nề nếp, gia phong phong kiến, nhất là trong cách đối nhân xử thế.

Tuổi hoa niên, bà cùng người em gái Tám Hảo thường xuyên lên Sài Gòn để học tập và thăm thân. Do gia đình quen biết với dược sĩ Huỳnh Văn Xuân, làm việc ở viện bào chế Trang Hai, hai chị em bà được giới thiệu làm trình dược viên tại Viện bào chế Roussell. Chính ông Huỳnh Văn Xuân làm mai mối cho Nguyễn Văn Thiệu (bấy giờ mang cấp hàm Trung úy) quen Mai Anh. Mặt khác, cậu Mai Anh là Đặng Văn Quang cũng là bạn đồng khóa Trường Võ bị Đà Lạt với ông Thiệu nên mối tình nhanh chóng được xúc tiến hôn nhân, dù có đôi chút trở ngại vì Mai Anh là tín đồ Công giáo. Ông bà chính thức làm lễ cưới vào năm 1951. Sau này, vào năm 1958, ông Thiệu mới rửa tội theo Công giáo. 

Trong những năm chồng mình đạt đến đỉnh cao quyền lực, không như Đệ Nhất phu nhân Trần Lệ Xuân, bà hoàn toàn không can dự vào chính trường, mà đi nhiều vào các hoạt động xã hội. Bà giống tính cách của bà Laura Bush, lúc nào cũng dịu dàng đứng sau lưng chồng mình. Có lẽ còn rất nhiều người nhớ và khen thầm bà Thiệu có dáng dấp hết sức cao quý và đôn hậu.

4. Đặng Tuyết Mai

Đặng Tuyết Mai (hay còn được gọi là bà Nguyễn Cao Kỳ) là cựu phu nhân của ông Nguyễn Cao Kỳ – Một chính trị gia Việt Nam Cộng hòa. Một số ý kiến cho rằng bà Đặng Tuyết Mai là cựu Đệ Nhất Phu nhân trong khi những người khác cho rằng bà là Đệ Nhị phu nhân của Việt Nam Cộng hòa là bởi vì địa vị cao nhất chồng cũ của bà trước đây là phó tổng thống, không phải tổng thống; còn chức thủ tướng của ông là đứng đầu của chính phủ, không phải đứng đầu nhà nước. 

Đặng Tuyết Mai là người phụ nữ xinh đẹp nổi tiếng, trước khi kết hôn cùng ông Nguyễn Cao Kỳ – Bà từng là một chiêu đãi viên làm việc tại hãng Air Vietnam. Khi chồng lên làm Thủ tướng và Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, bà tháp tùng ông khắp miền Nam Việt Nam và cùng với ông mặc một bộ đồ bay không quân để thể hiện tình đoàn kết với các lực lượng vũ trang mà ông vốn là tham mưu trưởng. Trong tháng 12 năm 1966, bà đến Bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ Jujin ở Tokyo và thực hiện phẫu thuật dưới cái tên Đặng Tuyết Mai đến từ miền Nam Việt Nam, theo tin từ Tạp chí Time. 

Sau biến cố năm 1975, bà và con gái được chồng sắp xếp sơ tán, còn ông đào thoát bằng trực thăng và họ đoàn tụ tại Hoa Kỳ, định cư tại tiểu bang California. Năm 1989, ông bà đã quyết định ly hôn, trong khoảng thời gian đó bà Tuyết Mai vẫn còn tham gia dẫn chương tình cho một số chương trình nghệ thuật ở hải ngoại, nhưng không thường xuyên. 

Bà Đặng Tuyết Mai đã qua đời tại bệnh viện Hoag, thành phố Newport Beach, California vào 5 giờ sáng ngày 21 tháng 12 năm 2016 (giờ địa phương), thọ 75 tuổi

Viết một bình luận