Mùa Xuân xinh đẹp và những lời nguyện ước khi xuân sang qua ca khúc “Chúc Xuân” của nhạc sĩ Thanh Sơn

Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về là khắp nơi lại vang lên ca khúc” Đoàn xuân ca, “Xuân đẹp làm sao”, “Mùa xuân bên nhau”, “Chúc xuân”… của cố nhạc sĩ Thanh Sơn. Đây là những ca khúc để đời của ông được nhiều người biết đến. Hầu như Tết nào nhạc sĩ Thanh Sơn

cũng dành trọn thời gian của mình để vui Tết với gia đình. Ông từng nói: “Tôi luôn mong muốn ngày Tết là ngày cả gia đình đoàn tụ, đó là khoảng thời gian rất thiêng liêng, quý giá mà những thành viên trong gia đình nên dành trọn vẹn cho nhau”.

Nhạc sĩ Thanh Sơn

Nhạc sĩ Thanh Sơn tên thật là Lê Văn Thiện sinh năm 1938, trong một gia đình có 12 người con ở Sóc Trăng. Tuổi thơ của ông rất cơ cực và phải theo gia đình dọn nhà di chuyển đi nhiều tỉnh. Từ nhỏ Thanh Sơn đã có niềm đam mê với âm nhạc. Những năm học tiểu học Thanh Sơn được nhạc sĩ Võ Đức Phấn ( em út của nhạc sĩ nổi tiếng Võ Đức Thu) nhận làm học trò. Năm 1955, thầy phấn qua đời, Thanh Sơn lên Sài Gòn và theo học lớp nhạc của nhạc sĩ Lê Thương, công việc chủ yếu của ông lúc đó là chép và kẻ khung nhạc. Năm 1963, Thanh Sơn bỏ hẳn nghiệp ca hát để chuyển sang sáng tác chuyên nghiệp. Riêng về bài hát học trò, tới nay ông đã viết hơn 200 bài. Với Thanh Sơn, đó là thời gian rất đẹp. Thanh Sơn viết về học trò như viết cho chính mình, viết về sự nuối tiếc thời thơ ấu, vì nhà nghèo phải bỏ học.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Tam Phương (Hoài Tâm, Hồng Quế, Hồng Ngọc) trình bày.

Năm 1973, cảm hứng chủ đạo trong những sáng tác của Thanh Sơn chuyển dần sang đề tài quê hương, đất nước và mùa Xuân. Thanh Sơn đã viết khoảng gần 500 bài hát và có rất nhiều bài nổi tiếng. Nhạc của ông mang đậm nét miền Nam, chứa đựng trong đó là tình yêu quê hương, kỷ niệm tươi đẹp thời học trò. Những tác phẩm của Thanh Sơn đã góp phần quan trọng cho nền âm nhạc của Việt Nam. Với gia tài gần 500 ca khúc đó, thì ông có rất nhiều bài hay và phổ biến viết về mùa xuân.“Mùa xuân rất đặc biệt, nó luôn mang lại cho tôi những cảm giác thật lạ, vừa bồi hồi, rộn rã, vừa phấn chấn, xốn xang”. Đó là lời nhạc sĩ Thanh Sơn tâm sự khi còn sống. Những bài hát về mùa xuân của nhạc sĩ Thanh Sơn luôn gắn liền với tên tuổi của nhiều ca sĩ ở dòng nhạc trữ tình, quê hương. Gần nửa thế kỷ trôi qua những ca khúc nhạc xuân của ông vẫn luôn tồn trường theo thời gian qua giọng hát ngọt ngào, đằm thắm của các ca sĩ trong làng nhạc Việt như: Hương Lan, Bích Phượng, Quang Linh, Cẩm Ly, Đông Đào…

Về mặt số lượng, các tác phẩm về mùa xuân của ông không nhiều, nhưng hầu hết những bài hát hiếm hoi đó lại gây được ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng yêu âm nhạc trong suốt những thập niên qua.  Đối với người nghệ sĩ, mùa xuân là mùa của hoa thơm, trái ngọt, mùa của tình yêu đôi lứa. Thanh Sơn đã hòa mình vào niềm vui chung của đất nước và niềm vui chung của âm nhạc, ông sáng tác Chúc Xuân và đó là một trong số những ca khúc để đời của ông:

“Mùa xuân sang ngàn nơi ngát niềm tin yêu đời

Bầy chim non lượn bay hót lời ca vang trời

Đàn bé hé môi cười ngọt ngào tình thương áo xanh, vàng

Chào đón Chúa xuân huy hoàng”

Khung cảnh mùa xuân xinh đẹp qua miêu tả của tác giả. Mùa xuân chính là mùa tươi đẹp nhất trong năm. Sau những ngày đông dài và buồn thì mùa xuân đến như thổi vào cuộc sống của con người những luồng sinh khí mới, dào dạt mà thiết tha, làm cho ai cũng thêm niềm tin và yêu đời hơn. Sự hài hòa giữa thiên nhiên và cuộc sống con người, đặc biệt vào những ngày mùa xuân, khung cảnh ấy như tươi mới hơn, nhựa sống tràn trề qua mỗi cảnh vật “Bầy chim non lượn bay hót lời ca vang trời”, “Đàn bé hé môi cười ngọt ngào tình thương áo xanh, vàng” để cùng “Chào đón Chúa xuân huy hoàng”.

“Thành đô, những miền quê ước mùa xuân thanh bình

Người nông phu mừng xuân nhấp cạn ly thâm tình

Người chiến sỹ xa vời thì mừng mùa xuân thắng lợi nhiều

Để đón Chúa xuân yêu kiệu”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Phương Hoài Tâm thâu thanh trước 1975

Tiếp đến là mong ước vào mùa xuân của con người, của “cảnh vật” trong cuộc sống. “Thành đô, những miền quê ước mùa xuân thanh bình”, “Người nông phu mừng xuân nhấp cạn ly thâm tình, “Người chiến sĩ xa vời thì mừng mùa xuân thắng lợi nhiều”. Mỗi người mỗi vật có một điều mong ước nhưng tất cả đều ước những điều tích cực trong cuộc sống “Để đón Chúa xuân yêu kiều”.

“Thấm thiết biết mấy mùa xuân ấm êm bên nhạu

Bao nhiêu ưu tư giận hờn xóa tan thương đạu

Tiếng hát quyến luyến làm ngây ngất trong tim tạ

Mừng xuân xưa đi qua, cùng đón lấy gió mới”.

Mùa xuân đến không chỉ với đất trời mà còn đến trong lòng người nữa. Khoảnh khắc khi xuân về, đêm giao thừa với một năm mới bình an bên gia đình của mình. Ấm áp sum vầy bên mâm cỗ cùng ông bà, cha mẹ, người thân trong không khí an lành. Xuân về là năm mới đối với mỗi người. Bao em thơ khoe áo mới tươi cười với những chiếc lì xì đỏ thắm. Đó là màu đoàn viên, kéo mọi người lại gần nhau hơn, đâu đâu cũng đông vui náo nhiệt với quần áo sặc sỡ sắc màu và nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt sáng ngời. Không khí Tết đó xóa tan đi “bao nhiêu ưu tư, giận hờn, xóa tan thương đau” cũng như những chuyện buồn, những chuyện không tốt trong năm cũ để “Mừng xuân xưa đi qua, cùng đón lấy gió mới”.

“Tình nhân ước mùa xuân “chúc người yêu đẹp hoài”

Người thương gia mừng xuân “chúc đầu năm phát tài”

Hạnh phúc khắp muôn nhà cùng hòa lời ca chúc xuân này

Đẹp ý non sông an họa

 

Chúng ta mừng Xuân mới

Đến cho lòng phơi phợi

Trong nắng Xuân ta đắm say câu ước nguyên

Xin Chúa Xuân mang thắm tươi cho ngàn nơi.”

Mùa xuân cũng chính là mùa của lứa đôi. Họ tay trong tay cùng nhau mong ước tình yêu luôn đẹp và “chúc người yêu đẹp hoài”. Mùa xuân cũng là dịp để những nhà thương gia cúng vái cho một năm mới làm ăn được thuận lợi và phát tài hơn năm cũ. Mùa xuân thật đẹp, mùa xuân đến đã thổi bùng lên sức sống cho thiên nhiên và con người. Người người cùng hòa lời ca chúc xuân này trong niềm hạnh phúc ngập tràn. Tạo hóa thật tuyệt vời khi đã ban cho chúng ta một mùa xuân tươi đẹp như thế.

Nghe nhạc xuân của Thanh Sơn mới biết ông yêu mùa xuân như thế nào, ông mong muốn sự sum vầy ngày Tết ra sao. Ca khúc Chúc Xuân của ông với lời ca và giai điệu đơn sơ, chân thật nhưng cho đến bây giờ vẫn làm hàng triệu trái tim người Việt Nam chúng ta xao xuyến, bồi hồi khi nghe mỗi dịp Tết đến xuân sang.

Viết một bình luận