Một thoáng đượm buồn: Sài Gòn mất đâu chỉ ở cái tên…!

Sài Gòn là thành phố lớn của đất nước – là trung tâm của miền Nam, từ khi được hình thành đến hiện tại, Sài Gòn đã có quá nhiều sự thay đổi khiến cho người ta không khỏi thở dài tiếc nuối….Nói thế nào nhỉ! Sài Gòn được biết là một nơi rất thu hút – là điểm đến của mọi thứ, với sự đa dạng mọi ngành nghề và người dân ở khắp vùng miền đều đổ xô về đây mưu sinh kiếm sống. 

Trường học tốt nhất nằm ở Sài Gòn – Chỉ đơn giản một ví dụ, khi mùa thi đến, người ta sẽ thấy có rất nhiều thí sinh cùng người thân lũ lượt từ các vùng miền, từ cao nguyên xuống, từ miền Tây lên, thậm chí có người còn ở Bắc vào để tham gia thi cử tại các trường đại học tại Sài Gòn. Thậm chí, ở những bậc trung học, cũng có nhiều phụ huynh vì không tin tưởng trường làng, trường địa phương mà làm hồ sơ đưa con lên thành phố học nội trú tại các trường tư thục.

Bệnh viện giỏi nhất nằm ở Sài Gòn – Không biết có nói quá hay không khi thành phố Sài Gòn là điểm đến của mọi bệnh nhân. Những bệnh nhân nặng được chuyển từ tỉnh lên bởi chỉ có Sài Gòn mới có những bệnh viện chuyên khoa như tim mạch, ung thư, da liễu,…Các bệnh viện lớn liên tục than thở, bởi hàng ngày tiếp quá nhiều bệnh nhân, có thể lên đến hàng ngàn hàng trăm, thậm chí có người chỉ hơi bệnh bệnh một xíu cũng khăn gói lên Sài Gòn thăm khám cho “chắc ăn”. 

Không những thế, du lịch – khách sạn – thể thao – nghệ thuật….đều có mặt ở mọi nơi, món ngon vật lạ cũng tập trung hết ở thành phố phồn hoa này. Do đó, Sài Gòn phải liên tục phát triển, không những phát triển nhanh mà còn phải là đầu tiên trong xu thế để xứng đáng với vị thế hiện tại của mình. 

Sài Gòn ngày một bành trướng, mở rộng thêm về các quận 7, Tân Phú, Bình Tân,…chỉ để đáp ứng nhu cầu dân số gia tăng nhanh chóng. Nhiều cư xá, chung cư chen nhau mọc lên nhanh chóng để giải quyết vấn đề nhân sinh, ăn ở. Và hiển nhiên, không thể thiếu những “thảm họa” xuất hiện từ việc này, ví như khu đô thị Phú Mỹ Hưng được coi là một trong những nguyên nhân gây ngập nước do được xây dựng trên vùng trũng thoát nước của thành phố. Dù vậy, vẫn có rất nhiều người thích đổ xô đến vị trí trung tâm Sài Gòn, với mục đích học hành, chữa bệnh, ăn chơi,….đất thì vẫn thế, không mở rộng được thêm nữa nhưng người thì cứ gia tăng. 

Người ta luôn truyền tai nhau một câu nói khi nhắc đến vị trí trung tâm thành phố Sài Gòn: “Ăn quận 5, nằm quận 3, xa hoa quận 1” – Chỉ với 14 chữ, câu nói đã tóm tắt đầy đủ nét đặc trưng của 3 quận nổi tiếng nhất trên đất Sài Gòn. Quận 5 đã không còn xa lạ khi nổi tiếng với các nhà hàng người Hoa cùng nhiều xe hàng rong bán đồ ăn vặt vô cùng ngon, Quận 3 thì không cần bàn cải khi xuất hiện rất nhiều khu biệt thự trên những con đường yên tĩnh và xanh mát, Quận 1 thì sầm uất với nhiều nhà hàng, rạp hát, quán bar,….

Trước năm 1975 thì chính quyền đã có kế hoạch phát triển Thủ Thiêm thành khu đô thị mới, còn hướng Sài Gòn sẽ được giữ nguyên và trở thành khu đô thị hành chính. Nhưng đến khi thực hiện thì kéo theo nhiều bất cập khác. Thủ Thiêm đã được giải tỏa nhưng có thời gian con đường chính này trở nên hẹp với đất cát bụi bay mịt mù, nhà cửa thì được mua sang tay nhưng lại chẳng thấy người nào xây cất, đường xá và cầu cống thì bị đình trệ chẳng thấy cải thiện hay nhúc nhích gì….Đó là còn chưa kể đến chuyện đền bù trong quy hoạch giải tỏa. 

Có hầm Thủ Thiêm, có luôn cầu Thủ Thiêm vậy nên thừa phà, giờ còn mấy người chịu đi phà khi cầu hầm đều có sẵn nữa chứ? Trong những ngày cuối cùng hoạt động, con phà trăm năm chở đầy người thành phố qua lại trên sông Sài Gòn đã để lại trong tim mỗi người nhiều tiếc nuối khôn nguôi. Có một cụ già cho biết, từ sáng sớm, ông đã xuống phà rồi theo phà qua lại mãi chứ không chịu lên bờ. Thậm chí còn có người mang con nhỏ ra đứng nơi góc phà, ngắm nhìn lại những ký ức con phà trôi chậm trong trí nhớ, để rồi nghiền ngẫm về câu ca dao sau: 

“Bắp non mà nướng lửa lò

Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm”

Ngoài ra, vẫn còn rất nhiều câu ca dao khác nhắc đến địa danh như vậy trôi êm vào lịch sử. Những chuyến phà cuối cùng còn hoạt động trước khi tạm biệt con sông xưa đã chở rất nhiều hành khách, nhưng hầu hết đều là người quay phim, chụp ảnh hơn là hành khách muốn qua sông. Có lẽ, họ muốn ghi nhận lại những mảng ký ức xưa cuối cùng còn sót lại trên con sông Sài Gòn này. Sau đó, phà di cư sang Cát Lái, chỉ để lại mấy khẩu súng “thần công” đen bóng nằm yên trên bờ, ngóng nhìn bến phà chuyển mình trở thành bến neo đậu cho những con thuyền cao tốc. 

Ngày trước, nhiều người còn truyền nhau chủ trương giữ vững những khu trung tâm thương mại ở Sài Gòn như thương xá TAX, thương xá EDEN,…nhất là trên những con đường chính như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Hàm Nghi,…nhưng đó chỉ là ước mơ của dân chúng mà thôi. Bởi Sài Gòn là mảnh đất vàng, làm gì chuyện “bảo tồn hoài niệm xưa”. 

Khu “tứ giác vàng” phải thương lượng mấy năm trời bởi vụ kiện cáo khu EDEN nổi tiếng với rạp chiếu phim EDEN, hiệu sách Xuân Thu, nhà hàng Pagode,…Vài cái đã có quyết định giải tỏa từ lâu nhưng người dân tiếc inh ỏi nên mới làm rần rần lên như thế! Đến cuối cùng thì cũng bị tháo dỡ, chỉ còn giữ được vài ba cái như hiệu sách Xuân Thu thì bị đưa hẳn ra Trần Hưng Đạo, nhà hàng Givral bị đổi tới đổi lui cũng vài nơi,…dù vẫn giữ được hình thức cũ nhưng lại khá lạc lõng giữa cái hiện đại của Sài Thành. 

Bây giờ thì hay rồi! Quanh khu đó giờ mọc lên vô số căn nhà, còn có cả Vincom đối diện với phía bên kia quay mặt hướng đường Lê Thánh Tôn – tòa cao ốc nằm trên ngọn đồi của Sở Giáo Dục cũ, ép công viên Chi Lăng thành một mảnh vườn nhỏ của khu trung tâm thương mại. Rồi xuất hiện thêm cái cao ốc Parkson ngay vị trí đó, cũng tham gia vào đường đua hiện đại hóa. 

Đường Đồng Khởi hay trước đó là đường Tự Do, từng được mệnh danh là “bà đầm Pháp” bởi dãy nhà mang kiến trúc phương Tây nằm dọc hai bên đường, dưới hàng cây xanh rợp bóng. Nếu so sánh với đường Nguyễn Huệ – Cô đầm Mỹ thì cũng chẳng hơn kém là bao. Giới kiến trúc từng rên rỉ chỉ mong giữ lại chút gì đó của ngày xưa, nhưng cuối cùng vẫn chẳng ngăn được bước phát triển của những tòa cao ốc như Metropolitan, Sun Wah,…

Tình trạng kẹt xe ở đường xá Sài Gòn không phải là mới đây, nhưng từ hồi các nhà đầu tư nước ngoài chen chúc nhau vào khu trung tâm ngày càng nhỏ xíu này, khiến cho nhiều cao ốc mọc lên như nấm sau mưa thì tình hình kẹt xe càng trở nên nhức nhối. Giới báo chí cứ kháo nhau tìm hiểu nguyên nhân: nào là kiosk choán đường, số lượng xe gắn máy tăng cao, xe ô tô xuất hiện ngày một nhiều,….Nhưng cuối cùng thì sao, mấy cái kiosk trên đường dù dẹp hết thì tình trạng kẹt xe cũng chẳng chút nào cải thiện. Bây giờ, học sinh có phải tới tối mới được thả về thì kẹt xe vẫn là kẹt xe thôi, nó như một nếp văn hóa kỳ lạ của người Sài Gòn nói riêng và người Việt Nam nói chung rồi. Mà nguyên nhân chủ yếu là do mấy cái cao ốc to bự chen lấn trên một cái diện tích đất nhỏ xíu, thu hút biết bao nhiêu là người là xe, nhân viên, dân cư ra vào như “kiến vỡ tổ” thì chẳng thấy người nào nhắc tới, dường như họ xem là là điều hiển nhiên, chứ chẳng liên quan gì đến vấn nạn kẹt xe cả. 

Nhà thương Sài Gòn ngay đường Lê Lợi, kế bên là chợ, bến xe buýt, cạnh bờ sông,…bốn phía đều tiện đường giao thông. Ngày trước, cứ hễ có bệnh nhân là được chuyển thẳng vào đó, chẳng cần nghĩ suy toan tính điều gì. Nhà thương này là do chú Hỏa (Hoa Kiều – Chợ Lớn) bỏ tiền ra xây dựng, chắc cũng phải qua trăm năm rồi nên giờ cũng cũ kỹ. Vị trí đẹp quá nên làm gì có chuyện yên thân yên vị. Mấy tập đoàn lớn cứ nhăm nhe dòm ngó, nhưng lại chẳng chịu ngã giá nên khiến bệnh viện lâm vào cảnh “quy hoạch treo” đầy trớ trêu. Bệnh viện lâu năm, nhưng không được sửa sang, trang thiết bị không được nâng cấp nên bất cứ lúc nào cũng có thể bị đập bỏ. Nếu thử đi vào bên trong thử xem, khung cảnh đìu hiu, hoang vắng, chẳng khác gì cảnh “di dời”. 

“Đồng bệnh tương liên” còn có bệnh viện Chấn thương chỉnh hình – Sùng Chính cũ, nằm ngay đường Trần Hưng Đạo. Ban đầu, bệnh viện nhận được lời đề nghị chuyển dời sang vị trí mới ở khu vực quận 7, nhưng qua bao tháng ngày thì vẫn nằm yên chỗ cũ, chẳng thấy nhúc nhích tí nào! Nhiều bệnh viện khác cũng như thế, đều có dự định dời ra ngoại thành. Chỉ có Từ Dũ là mệt mỏi chờ đợi mà chẳng được nên đã lên thêm vài tòa lầu mới.

Luật mới được đưa ra dành cho các trường đại học, tiêu chuẩn tiên quyết đầu tiên chính là diện tích rộng rãi. Từ Đại học Khoa học Tự Nhiên cho đến Khoa học Xã hội Nhân văn (trường Văn Khoa cũ),…đều chuyển bớt một phần ra khu vực Thủ Đức. Phần còn lại đường nhiên là “đập đi xây lại” hết để đáp ứng tiêu chuẩn bộ luật mới, kể cả Đại học Sư Phạm cũng không ngoại lệ. 

Người Sài Gòn ngày xưa, ai ai cũng ít nhất một lần đặt chân vào Thảo Cầm Viên Sài Gòn để thăm thú, để ngắm cảnh, để thư giãn cuối tuần trong khung cảnh xanh mát giữa lòng Sài Gòn nhộn nhịp…hoặc là đi tìm hiểu lịch sử ở mấy khu đền thờ vua Hùng (trước đó là đền Kỷ Niệm) và Bảo tàng Lịch sử thành phố (trước đó là Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam) được xây dựng bên cạnh Thảo Cầm Viên trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bây giờ thử hỏi mấy người quê lên thành phố để làm gì, họ sẽ chỉ trả lời là đi siêu thị, đi trung tâm thương mại, chứ làm gì còn có chuyện kéo nhau đi Thảo Cầm Viên như ngày xưa. Siêu thị lớn như BigC, Aeon Mall, Coopmart,…hay những siêu thị mini – cửa hàng tiện lợi như Circle K, Ministop,…ở những khu chung cư, cư xá,…được mở ra hàng loạt, giành đi một lượng khách hàng lớn của các khu chợ xưa. Chợ Nancy giờ đã giải tán thành cầu Nguyễn Văn Cừ, chợ Cá Trần Quốc Toản cũng trở thành Siêu thị Sài Gòn, cầu Ông Lãnh mới bây giờ làm gì còn chợ cầu Ông Lãnh,…Chợ Thái Bình cũng bị hăm dọa dẹp bỏ mấy lần vì làm gì cạnh tranh lại mấy cái siêu thị lớn quanh đó. 

Chắc không lâu nữa thôi, người Sài Gòn xưa đi xa có dịp quay về quê hương chắc sẽ như “Từ Thức quay về lối xưa”, không còn nhận ra nơi mình từng sinh sống nữa…..

Viết một bình luận