Lối sống xa hoa phung phí của những đại công tử miền Nam xưa

Miền đất Nam Bộ có rất nhiều lịch sử được ghi nhận lại và hiển nhiên, có một phần không thể thiếu góp phần tạo nên sự phong phú của lịch sử chính là sự xuất hiện của những đại công tử nổi tiếng với lối ăn chơi phung phí bậc nhất…. 

Bay sang Thái “hóng mát”, Hắc Công Tử đốt 200.000 giạ lúa

Trần Trinh Huy (1900 – 1973) hay còn được gọi là Ba Huy – nổi tiếng là tay chơi khét tiếng phóng túng Sài Gòn và miền Nam. Ở Việt Nam của những năm thập niên 1930 – 1940 phải nói là không có đối thủ. Mức độ vung tiền tiêu xài của ông rất nổi danh, xếp hạng đầu bảng trong số các Công tử Bạc Liêu thời bấy giờ, đến nỗi khi nói đến thành ngữ “Công tử Bạc Liêu” người ta thường liên tưởng đến ông. 

Thành ngữ “Công tử Bạc Liêu” ra đời từ những năm đầu thế kỷ 20, ở thời điểm mà thực dân Pháp đã ổn định về mặt tổ chức ở vùng đất Nam Kỳ. Ông Trần Trinh Trạch (cha của Trần Trinh Huy) trở nên giàu có từ việc chia ruộng và cho vay nặng lãi, ông xây dựng được mối quan hệ tốt cùng người Pháp nên được ưu tiên cho những mẫu đất tốt nên gia sản ngày càng nhiều. Mọi tay nhà giàu thời đó đều theo trào lưu cho con du học Pháp nhưng hầu hết các vị công tử đều bị ảnh hưởng bởi sự phồn hoa đô hội nên thường đi vào con đường tay chơi. Và hiển nhiên, chẳng ai có thể chơi lại những công tử Bạc Liêu, về sau, thành ngữ này lại được dành riêng cho Trần Trinh Huy vì chẳng có công tử nào sánh kịp về khả năng tài chính cùng độ phóng túng của vị công tử này. 

Ngoài cái quý danh Công tử Bạc Liêu, Trần Trinh Huy còn mang nhiều tên khác như Ba Huy, Hội đồng Ba (cách gọi của tá điền, sự thật thì Ba Huy không là thành viên trong hội đồng nào), Hắc công tử (do nước da ngăm đen và để phân biệt với Bạch công tử). Cậu Ba Huy từng xin cha mẹ cho đi du học Pháp thay vì lên Sài Gòn học trường Tây, nhưng thay vì học hỏi kiến thức khoa học như cha mẹ kỳ vọng, cậu Huy lại chỉ thích học những thú ăn chơi ở phương Tây như lái máy bay, lái xe, nhảy đầm, tango…Ngày về nước, cha mẹ gặng hỏi con trai về bằng cấp đại học mà cậu đạt được sau ba năm thì cậu Ba Huy lại kể ra một người vợ Pháp và đứa con nhỏ được gửi lại Paris.

Ba Huy cũng là người rất cởi mở, không cổ hủ, cực đoan như nhiều điền chủ khác nên cậu khá được lòng mọi người. Với người Pháp, Ba Huy cũng rất sòng phẳng, đã hứa những gì thì sẽ làm thế ấy. Song song với bản tính phóng khoáng được người yêu mến thì Ba Huy lại có thói tiêu tiền như rác. Ba Huy được biết nhiều đến với lối sinh hoạt cực kỳ xa xỉ, luôn diện lên mình những bộ cánh đắt đỏ nhất, tham gia những bữa tiệc xa hoa nhất, ngồi trên những chiếc xe đẳng cấp nhất. 

Mỗi lần từ Bạc Liêu đi Sài Gòn là ông ta ngồi trên chiếc xe cáu cạnh, có tài xế lái. Khi lên Sài Gòn ít khi Công tử Bạc Liêu ở ngôi biệt thự của Trần gia mà vào một trong những khách sạn nổi tiếng sang trọng ở Sài Gòn. Có khi hứng chí đi dạo mát Ba Huy thuê cả chục chiếc xe kéo, ông ta ngồi một chiếc, những chiếc còn lại chở những món đồ như mũ, kính, gậy. 

Một sự kiện chấn động cả nước khi đó là Ba Huy đi thăm ruộng bằng máy bay. Ở thời điểm ấy, toàn Việt Nam chỉ có 2 chiếc, Ba Huy và vua Bảo Đại, nếu không tính máy bay của vua Bảo Đại là được trang bị riêng từ ngân khố quốc gia, thì Ba Huy chính là người Việt đầu tiên có máy bay riêng. Một lần bay qua thăm điền Rạch Giá, Công tử Bạc Liêu hứng chí tranh lái với phi công Pháp, bay ra biển Hà Tiên chơi, cứ bay mải miết cho đến khi kim báo xăng không còn nhiên liệu, buộc lòng Ba Huy phải đáp khẩn cấp. Xuống đất, Ba Huy hoảng hốt biết mình đã bay lọt sang tận nước Xiêm. Trần Trinh Huy bị Nhà nước Xiêm bắt giữ và phạt 200.000 giạ lúa. Báo hại ông Hội đồng Trạch phải chở một đoàn ghe chở lúa thật dài qua tận Xiêm để chuộc cậu quý tử về. 

Còn nữa, Công tử Bạc Liêu vốn là người ham vui nên những cuộc chơi nổ trời không thể nào thiếu sự góp mặt của cậu. Trần Trinh Huy thường lặn ngụp trong những bàn tiệc với rượu sâm banh. Cứ mỗi chủ nhật ông đều đi nghỉ cuối tuần ở Vũng Tàu, Đà Lạt hoặc về Cần Thơ. Ngoài ra, Ba Huy còn là một kẻ mê cờ bạc, có lần ông tham gia đánh một cây bài lên đến 30.000 đồng, trong khi lúa chỉ 1,7 đồng một giạ và lương của Thống đốc Nam Kỳ thời đó còn chưa tới 3.000 đồng/tháng.

Bạch Công Tử lấy tiền làm củi để gỡ gạc thể diện

Bạch Công Tử tên thật là Lê Công Phước (1901 – 1950) – là một tay chơi nổi tiếng ở miền Nam những năm của thập niên 1920, 1930. Ông thường được gọi là George Phước, còn cái tên Bạch công tử là để phân biệt với Công tử Bạc Liêu Ba Huy. 

Vốn là người rất mê cải lương nên thời gian du học tại Pháp, ông từng học ngành sân khấu. Khi về nước, ông hợp tác cùng với Nguyễn Ngọc Cương để lập ra gánh hát Phước Cương, tại đây quy tụ được nhiều đào kép nổi tiếng thời bấy giờ như Năm Phỉ, Tám Danh, Tám Mẹo… Nhưng chỉ một năm sau, George Phước tách ra và lập gánh Huỳnh Kỳ với sự tham gia của Phùng Há, Ba Vân, Năm Phỉ,… Theo nhiều tài liệu ghi nhận lại, đây cũng chính là gánh hát có quy mô lớn ở vùng Lục tỉnh Nam Kỳ và cô đào kép nổi tiếng Phùng Há là vợ của Bạch công tử. 

Nếu Hắc công tử đốt hết số tiền của mình vào những thú chơi cá nhân để thể hiện bản thân thì Bạch công tử lại tỏ ra nho nhã hơn khi tiêu tốn rất nhiều tiền vì sự nghiệp cải lương. Thời đó những gánh hát khác đều đi bằng ghe chèo thì Bạch Công tử lại sắm một lúc tới 3 chiếc ghe có gắn máy dùng để chở đào kép đi lưu diễn và được trang bị như là du thuyền.Nhờ lưu diễn bằng ghe nên thời đó dù ở những vùng chợ quê xa xôi như Vĩnh Kim, Ba Dừa, Cái Thia… đều có gánh hát tới. Vì thế mà ông được xem là người có nhiều đóng góp cho nghệ thuật cải lương miền Nam khi đó, tạo điều kiện cho sân khấu cải lương phát triển. Tuy nhiên, đến năm 1930, do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, đời sống người dân hết sức khó khăn, nhiều gánh cải lương buộc phải giải tán, trong đó có gánh Huỳnh Kỳ. Khoảng 5 năm sau, Bạch Công tử cho tái lập lại nhưng không gây được tiếng vang. Vì vậy ông cho giải thể, chấm dứt sự nghiệp theo cải lương.

Ngoài được biết đến với gánh hát xa xỉ, câu chuyện đọ sức giữa ông cùng Hắc công tử cũng trở thành huyền thoại đất phương Nam. Đầu tiên là chuyện Bạch công tử mời Hắc công tử đến gánh hát của mình với ngụ ý khoe khoang. Trong lúc xem hát thì Bạch công tử vô tình làm rơi tờ 5 đồng khi móc túi lấy điếu thuốc lá, cậu đã cúi xuống tìm trong bóng tối. Thể hiện sự lịch thiệp của mình, Hắc công tử đã châm lửa đốt tờ 100 đồng, mượn ánh sáng để giúp “bạn” tìm tiền, khiến cho Bạch công tử bẽ mặt. 

Với ý muốn “phục thù”, Bạch công tử đã thách thức Hắc công tử tham gia một cuộc thi “nấu đậu xanh”. Luật chơi vô cùng đơn giản, hai người thi nhau đốt tiền để nấu chín một kg đậu xanh, ai nấu chín trước thì thắng. Không rõ hai người đã đốt bao nhiêu cho cuộc chơi “điên khùng này nhưng kết quả Bạch Công Tử thắng. 

Lúc còn hưng thịnh, Bạch công tử từng tuyên bố ông sẽ không bao giờ nhờ vả người khác, nên sau khi chia tay với Phùng Há, Bạch công từ ngày càng lún sâu vào nghiện ngập. Tài sản lần lượt bán hết, người ta thấy ông lang thang ở vườn Ông Thượng, mặc cho cơn nghiện và đói khát hành hạ, ông không hề ngửa tay xin xỏ hay nhờ vả ai. Đến cuối cùng lại mất trong cảnh nghèo túng. 

Nhà công tử Bạc Liêu – Trần Trinh Huy

Công tử Đinh bỏ tiền mua vợ, công tử Điều tặng nhà cho “tình một đêm”…

Ngoài hai vị Hắc – Bạch công tử, thì còn rất nhiều vị công tử nổi tiếng ăn chơi lưu danh đất Nam Kỳ. 

Tỷ như Trần Trinh Đinh – Một trong số những anh em của Hắc công tử, đây cũng là một tay chơi có hạng. Nắm trong tay cả một nhà máy xay xát lúa gạo lớn nhất Nam Bộ, nên tiền bạc đối với Đinh chẳng là cái thá gì cả. Đinh có thói quen khá lập dị khi diện xà rông đi khắp mọi nơi – đây là một trang phục truyền thống của người Khmer. Bắt nguồn cho việc này chắc phải kể đến chuyện Đinh cướp vợ của người tài xế, lần đó anh tài xế chở Đinh có dẫn theo một người vợ Khmer – nhan sắc của nàng vô cùng hấp dẫn, khiến cho Đinh như bị bỏ bùa, mê đắm đuối. Đinh đã mở miệng hỏi mua vợ của anh ta, điều này khiến cho anh ta vô cùng tức giận nhưng vẫn mở miệng ra một cái giá “trên trời” – tận 20.000 đồng. Thế mà Đinh vẫn chi trả thật và rước người đẹp về nhà, sống đến cuối đời. 

Không kém những đồng bạn, công tử Điều lại nổi tiếng với thói chơi gái. Điều sẵn sàng chi trả cả trăm giạ lúa để có được một đêm trăng hoa cùng người đẹp thôn quê. Nhưng điều đặc biệt của công tử này là chỉ ân ái “một lần duy nhất”, dù cô gái đó có hấp dẫn đến đâu cũng sẽ không có lần thứ hai. Nổi tiếng nhất phải kể đến chuyện tình một đêm giữa công tử Điều và con gái ông Trần Thanh Bạch – Hoa khôi xứ Bạc Liêu thời ấy. Không chỉ có lúa, công tử còn hào phóng tặng cho người đẹp một khoản tiền đủ để xây một căn nhà rộng lớn. Nhưng vẫn giống với nhiều cô gái khác, Điều không bao giờ qua lại với nàng lần thứ hai. 

Độ giàu nứt vách ở Bạc Liêu cùng với thói chơi ngông đến ngang tàn gọi tên công tử Cân – tên đầy đủ là Phan Kim Cân. Một lần cưỡi ngựa dạo chơi, Cân vô tình gặp được một cô gái xinh đẹp tuyệt trần ở phía bờ sông, chỉ một ánh nhìn đã khiến Cần bần thần cả người. Đến khi lấy lại tinh thần, Cần đã về nhà…mang súng và lái ca nô đến nhà nàng để “cướp người”. Cân không biết người mà cậu vừa “cướp” chính là cô con gái út trong nhà Bá hộ Bành Tòng Mậu – Một điền chủ lớn trong vùng. Bá hộ Mậu cho người đuổi theo để ngăn cản lại nhưng bất thành, đành lên báo quan rằng con gái của mình bị một tên lưu manh cướp đi. Câu chuyện ầm ĩ cả một vùng nhưng sau đó được giải quyết êm xuôi bởi khoản tiền bồi thường hậu hĩnh và thế lực lớn từ nhà công tử Cân. May mắn một điều nữa là cô nàng cuối cùng cũng đồng ý về ở với Cân và được công tử yêu thương chiều chuộng hết mực.

Viết một bình luận