Lấy thợ rèn nghèo, công chúa quyết dấy binh “rửa hận” cho nhà Lý

Tình yêu đúng là chẳng phân biệt khoảng cách. Một khi cảm thấy hòa hợp với đối phương, trái tim rung động thì tất cả những ngăn cách ở giữa đều chẳng phải vấn đề. Chuyện tình yêu của một nàng Công chúa Việt cũng như vậy.

Hội mùa Xuân kiếm được vợ

Dưới thời Lý Huệ Tông, nước ta được chia thành 24 lộ và các Công chúa đến các lộ trông giữ. Vùng đất Ngột Nhì (nay là làng Vọng Nguyệt – Bắc Ninh) chính là nơi do công chúa Lý Nguyệt Sinh cai quản.

Phận nữ nhi, xinh đẹp hơn người song Công chúa lại là cô gái mạnh mẽ, võ thuật cao cường và sẵn sàng xông pha như đàn ông. Không chỉ vậy, nàng là người vị tha, từng xin vua cha giải thoát cho hàng trăm cung nữ thoát khỏi sự giam cầm của thân phận tỳ thiếp, về với cuộc sống bình yên.

Vì bản thân có võ nghệ, tính cách lại mạnh mẽ nên Công chúa rất quan tâm đến những hội đấu võ đầu Xuân. Trong một lần, nàng giả trai, đi trẩy hội.

Ở cuộc thi võ thuật, một anh thợ rèn tên Chu Đình Dự đang toàn thắng. Nhìn thái độ ngạo mạn của anh ta, Công chúa quyết định tự mình ra mặt thách đấu.

Khi đang giao tranh gay gắt thì búi tóc của Công chúa tuột xuống đen tuyền óng ả khiến anh chàng thợ rèn và tất cả mọi người đều rất bất ngờ.

Khi đó, anh thợ rèn mới biết đối phương là nữ. Cảm mến sự dũng cảm, mạnh mẽ từ bà, ông đã đem lòng yêu thương.

Ảnh minh họa Công chúa Nguyệt Sinh.

Lúc đó, Chu Đình Dự bày tỏ nỗi lòng với Công chúa. Bà chỉ mỉm cười rồi lấy cớ nhờ ông rèn giúp mình một thanh kiếm để đưa về kinh dự thi hội võ. Công chúa dù có cảm mến chàng thợ rèn tài hoa, văn võ song toàn này thì cũng chẳng thể nào tự mình quyết định được việc đại sự chung thân. Bà đã nghĩ ra kế sách để vua cha thấy được tài năng của Chu Đình Dự.

Khi triều đình mở cuộc thi, kỳ lạ thay, trong muôn vàn binh khí, thanh kiếm của chàng thợ rèn làng Vọng Nguyệt đều đánh gãy tất cả những binh khí khác.

Lúc đó, vua Lý Huệ Tông mới hỏi về xuất xứ của nó, Công chúa Nguyệt Sinh mới giãi bày về chuyện của anh chàng thợ rèn. Bà đồng thời cũng xin vua cha tác hợp cho hai người. Chu Đình Dự mến mộ Công chúa, bản thân Công chúa cũng cảm phục trước người thợ rèn này.

Vua Huệ Tông nghe xong liền cảm động. Đồng thời, ông cũng thấy Chu Đình Dự là một nhân tài nên phá lệ, cho phép Công chúa Nguyệt Sinh kết hôn với chàng trai nghèo làng Vọng Nguyệt. Vua sau đó đã phong cho Chu Đình Dự làm Phò mã Đô Úy và ban thưởng hậu hĩnh.

Nàng Công chúa muốn “rửa hận” cho nhà Lý

Ảnh minh họa.

Sau khi kết hôn, Công chúa giúp chồng trong việc làm ăn, mở rộng lò rèn và nghề rèn của gia đình. Chẳng mấy chốc, Chu Đình Dự và Công chúa Lý Nguyệt Sinh được dân gian tôn là ông bà Đại Xã Trưởng nghề rèn đúc sắt.

Với tình yêu thì chỉ cần trái tim rung động, hai người cảm mến, ngưỡng mộ nhau thì chẳng có khoảng cách nào không thể vượt qua được. Nàng Công chúa thân phận cao quý nhưng cuối cùng vẫn kết hôn cùng chàng thợ rèn tài hoa là một ví dụ điển hình như thế.

Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, tháng 11/1225, Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh. Sau đó 1 tháng, bà trao hoàng bào cho chồng ở điện Thiên An, triều đại nhà Lý tồn tại 216 năm chính thức chấm dứt.

Đến niên hiệu Kiến Trung thứ 2 nhà Trần (thời vua Trần Thái Tông), Công chúa Lý Nguyệt Sinh và chồng dấy binh chống lại. Bà cất quân báo thù tại trấn Thái Nguyên.

Trong một lần giao tranh tại khu vườn Cau xứ thuộc trấn Thái Nguyên, Công chúa thất cơ, tử trận.

Ảnh minh họa vợ chồng Công chúa cất quân báo thù.

Bản thần bi ký, di văn của Tiến sĩ Ngô Nhân Triệt, tấm bia khắc về Công chúa Nguyệt Sinh và phò mã như sau:

“Nguyệt Sinh công chúa và phò mã thượng hầu thừa lúc vua Huệ Tông phân thiên hạ ra làm 24 lộ. Lộ này phân cho công chúa cai quản. Được lệnh truyền quân lính xây dựng thuyền chiến đấu. Sau khi Chiêu Hoàng mất ngôi về nhà Trần.

Đến niên hiệu Kiến Trung thứ hai nhà Trần, công chúa cất quân báo thù tại trận địa thuộc trấn Thái Nguyên, chiến đấu tại một khu vườn Can xứ. Công chúa thất cơ bị tử trận, hóa thành một khúc gỗ lớn, trôi theo dòng sông về tới xã Mai Thượng, huyện Hiệp Hòa, ven bờ sông phía Bắc.

Truyền lại: Bấy giờ chẳng ai biết rõ đầu đuôi khúc gỗ thế nào ? Linh ứng báo mộng cho hương lão làng (Vọng Nguyệt) ra vớt sinh phần lên, làm lễ mai táng tại khu Vườn Nương thuộc địa phận xã Mai Thượng. Sau đó dân làng Vọng Nguyệt thờ bà (Nguyệt Sinh) và tôn làm phúc thần đại vương. Hiện nay ngôi mộ của Bà vẫn nằm ở khu đất lớn”.

Hiện tại, tại làng Vọng Giang hiện còn ngôi đình Vọng Giang và khu lăng mộ thờ công chúa Lý Nguyệt Sinh. Bên cạnh đó có ngôi chùa Bà Lai tương truyền là do công chúa Lý Nguyệt Sinh xây dựng khi bà cai quản vùng đất này.

Nguồn tham khảo: Di văn của Tiến Sĩ Ngô Nhân Triệt về Nguyệt Sinh công chúa và Phò mã Thượng Hầu- Lê Viết Nga (Thông báo Hán Nôm học 2005 (tr.466-469)

Viết một bình luận