Lấy đi nước mắt bằng “Ca dao Mẹ” (Trịnh Công Sơn) – Nhạc khúc hay về tình mẹ làm hàng triệu con tim xao động

Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam từ trước năm 1975 cho đến hiện nay, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nổi lên như một hiện tượng lạ và vẫn chưa ai có thể vượt qua được bức tường thành kiên cố đó. Những ca khúc của họ Trịnh rất dễ nghe, dễ thuật, dễ hát bởi giai điệu nhẹ nhàng và sâu lắng; nhưng không phải ai cũng có cái nhìn sâu sắc để thấu cảm được những thông điệp mà ông truyền tải qua đứa con tinh thần của mình, về những triết lý nhân sinh, về những câu chuyện tình đầy ý nghĩa. Ca từ không diễm lễ hay cao sang, nhiều người vẫn nhận xét nhạc của ông có lối ca từ đơn giản, nhưng càng đơn giản lại càng khó thấu cảm, nhưng một khi đồng điệu thì lại như mở cửa thiên đường.

Nếu nói, Trịnh Công Sơn là một hiện tượng lạ trong âm nhạc Việt Nam thì ca khúc “Ca dao Mẹ” của nhạc sĩ chính là một trong những tuyệt tác để đời. Đây là một trong những ca khúc dễ dàng lấy đi nước mắt của người nghe, để lại sự lay động mạnh mẽ và mãnh liệt. Chỉ cần những giai điệu đầu tiên của ca khúc được ngân lên, người nghe sẽ thêm một lần nữa được chiêm nghiệm, được thấu cảm và đồng điệu về tình cảm thiêng liêng của những người mẹ.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

“Ca dao Mẹ” được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác và hoàn thành vào năm 1965, nó không chỉ được vẽ nên bởi hình ảnh của những người mẹ Việt Nam anh hùng trong thời kỳ kháng chiến khốc liệt và đẫm máu, mà nó còn gợi lên hình ảnh hiền lương thục đức, luôn chịu thương chịu khó, hy sinh quãng đời thanh xuân cho con trong thời bình. “Ca dao Mẹ” không chỉ đơn thuần là sự cao cả của một người mẹ, mà còn là tấm lòng mẹ thương con như biển trời lai láng không gì sánh được, dù vạn vật có đổi, dù lòng người có muôn phần thay đổi thì tình yêu của mẹ dành cho con vẫn trường cửu chẳng thể nào đổi thay, dù thời cuộc có khác, dù ngàn năm có trôi.

“Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn đong đưa võng buồn

Mẹ ngồi ru con mây qua đầu ghềnh lạy trời mưa tuôn

Lạy trời mưa tuôn cho đất sợi mềm hạt mầm vun lên

Mẹ ngồi ru con nước mắt nhọc nhằn xót xa đời mình….”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Khánh Ly trình bày.

Mẹ luôn âm thầm chịu đựng những vất vả và gian truân để con có được giấc ngủ yên lành, có được miếng cơm ngon miệng, có được manh áo tròn đầy và có được một cuộc đời êm ấm. Hơn ai hết, mẹ là người mong cầu cho ta có được cuộc sống hạnh phúc không buồn không lo, nhưng có mấy người thấu hiểu, mấy người biết thương yêu và đáp đền lại công ơn sinh thành ấy.

Ngay từ khi còn nhỏ, mẹ là người bế bồng ta trên chiếc võng nhỏ, đong đưa từng hồi để thêm chút gió trời cho con có được giấc ngủ say sưa, dù mưa gió thì chiếc quạt trên tay vẫn không dám ngừng, dù ướt đẫm vai mẹ lạnh thấu tâm can cũng không một câu oán than, chỉ mong không có tiếng động nào làm con tỉnh giấc. Ngắm nhìn con nhắm nghiền đôi mắt nhỏ, say sưa trong mộng ước thuở ban sơ mà mẹ mừng vui dù cuộc đời còn lắm cơ cực và chông gai. Vì con mà mẹ chẳng quãng tương lai còn bao điều gian khổ, chỉ mong con cơm áo đủ đầy, không thiếu thốn so với bạn bè cùng trang lứa.

“……Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn năm qua tuổi mòn

Mẹ nhìn quê hương nghe con mình buồn giọt lệ ăn năn

Giọt lệ ăn năn đưa con về trần tủi nhục chung thân

Một dòng sông trôi cuốn mãi về trời bấp bênh phận người….”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Hương Lan trình bày.

Con ngoan không ai khen mẹ hiền dạy tốt, nhưng chỉ cần con mắc một lỗi sai dù rất nhỏ thì lại vô vàn người chỉ trích mẹ không biết dạy con. Từng câu trách làm con đau thì ít, mà tim mẹ xót xa khôn cùng, con mẹ sinh ra mẹ không dám đánh mắng tổn thương, người ta không nuôi lấy ngày nào lấy quyền gì tổn thương con của mẹ. Võng mẹ ôm con ngày nào cứ nghĩ sẽ bền đẹp với thời gian, nào hay chợt năm tháng nhận ra đã mòn, con mẹ cũng đã lớn và thân mẹ cũng đã già. Mẹ giờ đây không thể tảo tần sớm hôm như ngày trước để nâng tấm khăn, sửa manh áo cho con, chỉ biết lặng nhìn con vui vẻ mà mẹ an lòng.

Nhưng đó là người mẹ của thời bình, còn người mẹ của thời kháng chiến khốc liệt làm sao an yên được như thế khi ngày ngày lấy nước mắt rửa mặt, chan cơm cùng lệ mặn đắng người nào hay. Chăm con không tính tháng ngày, đến khi con lớn lại phải thân chinh ra chiến trường, chẳng biết khi nào về lại và cũng chẳng biết có bình an để trở về hay không. Chỉ biết ra sức nguyện cầu, ngày ngày mà mong nhớ con như dòng sông cứ êm trôi mà chờ đợi con sớm ngày trở về…..

“…..Mẹ ngồi ru con tiếng hát lênh đênh

Mẹ ngồi ru con ru mây vào hồn

Mẹ dạy cho con tiếng nói quê hương

Mẹ nhìn con đi phút giây bàng hoàng….”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Ý Lan trình bày.

Tiếng hát ru ngày nào của mẹ cứ lênh đênh theo từng con nước trôi, khóc than cho phận đời bấp bênh. Mẹ chẳng mong con vinh quang hay chức cao vọng trọng, chỉ mong con được an yên với tiếng ru hồn nhẹ nhẹ như thuở còn trong nôi. Mẹ là người dạy con biết thế nào là hiếu đạo lễ nghi, mẹ dạy con nên người và biết cách sống thành một người có ích. Nhưng đến cuối cùng, mẹ lại chẳng thể làm gì ngoài “bàng hoàng” mà nhìn con khoác chiến y lên đường ra biên ải xa xôi, hòa cùng đoàn hành quân làm nghĩa vụ thiêng liêng cho Tổ quốc.

“…..Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn đong đưa phận mình

Mẹ ngồi ru con nghe đất gọi thầm trọn nợ lưu vong

Mẹ ngồi trăm năm như thân tượng buồn để lại quê hương

Tuổi còn bơ vơ thế giới hằn thù chiến tranh ngục tù”

Ru con trên chiếc võng đong đưa, mẹ cũng đang buồn cho thân phận của mình, có con sinh ra trong thời chiến loạn, làm sao tránh được nỗi đau mất mát con. Ngày tiễn con lên đường cũng là ngày mẹ tập cho mình suy nghĩ “mình mất con rồi”, mất không hẳn là chết mà mất con cho đất nước, con không còn bên cạnh mình nữa mà phải toàn tâm toàn ý mà phục vụ khi đất nước vẫn đang lâm nguy. “Trọn nợ lưu vong”, không chỉ nhắc tới những người con rời đi nơi chiến trường mà còn những người lưu lạc khắp nơi, không biết cha mẹ mình đang nơi quê nhà trông ngóng, họ không về được và cũng chẳng thể trở về. Để rồi, mẹ như hóa thân thành tượng thạch mà ngóng chờ dáng hình con trở về mái nhà xưa, chờ đợi ngày chiến tranh kết thúc rước con về với mẹ thương yêu.

“Ca dao Mẹ” luôn đong đầy cảm xúc, dù chỉ một lần nghe qua hay thụ cảm hàng ngàn lần thì cảm xúc vẫn như thế, vẫn bật khóc khi nhớ về Mẹ. Trên cõi luân hồi này, sẽ chẳng có người nào tốt hơn Mẹ, chẳng có bất kỳ ai chấp nhận vì ta mà hy sinh không mong cầu hồi đáp như Mẹ, dù là những nhóc tì mới sinh hay những người trưởng thành đều khao khát tình yêu từ Mẹ và trở nên bé bỏng trong mắt mẫu thân. Mẹ là người có thể sánh vai bất kỳ ai, là người này cũng có thể hóa thân thành một người khác nhưng lại chẳng có một ai thay thế được mẹ, làm tốt như mẹ. Nói đến “Ca dao Mẹ” thì không thể không nhắc đến danh ca Khánh Ly, người đã trình bày thành công nhạc khúc này dưới mưa, lấy đi nước mắt của hàng triệu con người. Và đến năm 1970, “Ca dao Mẹ” lại được dịch sang tiếng Nhật, cũng từ đây ta có thể khẳng định được sức lay động của ca khúc với khán giả trên toàn thế giới bằng ngôn từ sâu sắc, giai điệu sâu lắng dễ đi vào lòng người, thêm một chút ngọt ngào về tình yêu của Mẹ và những triết lý sâu xa.

Lời bài hát Ca Dao Mẹ – Trịnh Công Sơn

Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn đong đưa võng buồn
Mẹ ngồi ru con mây qua đầu ghềnh lạy trời mưa tuôn
Lạy trời mưa tuôn cho đất sợi mềm hạt mầm vun lên
Mẹ ngồi ru con nước mắt nhọc nhằn xót xa đời mình

Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn năm qua tuổi mòn
Mẹ nhìn quê hương nghe con mình buồn giọt lệ ăn năn
Giọt lệ ăn năn đưa con về trần tủi nhục chung thân
Một dòng sông trôi cuốn mãi về trời bấp bênh phận người

Điệp khúc:
Mẹ ngồi ru con tiếng hát lênh đênh
Mẹ ngồi ru con ru mây vào hồn
Mẹ dạy cho con tiếng nói quê hương
Mẹ nhìn con đi phút giây bàng hoàng

Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn đong đưa phận mình
Mẹ ngồi ru con nghe đất gọi thầm trọn nợ lưu vong
Mẹ ngồi trăm năm như thân tượng buồn để lại quê hương
Tuổi còn bơ vơ thế giới hằn thù chiến tranh ngục tù

Viết một bình luận